Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

NGHE TIN LÝ VĂN DU MÃN PHÚC
(MỘT TÍN ĐỒ PGHH ĐANG ĐỊNH CƯ Ở HOA KỲ)

Hôm 27 tháng 10 – 2017 nhằm mùng 8 tháng 9 năm Đinh Dậu tôi từ trong am vắng xa ra đường có ít công việc, xảy nghe tin Lý văn Du (út Du) đang định cư Hoa Kỳ, giả biệt cõi đời. Tôi chưa dám tin là sự thật, và tôi cũng không muốn việc ấy xảy ra quá sớm vì trước đây khoảng hai tuần lễ tôi có tiếp cuốc điện thoại của một đồng đạo từ Mỹ Quốc gọi về. Ông nói là ông có đến bệnh viện thăm Lý văn Du, thấy chú ấy, mặc dù bệnh lâu, thân hình gầy guộc, héo hon nhưng tinh thần thì rất là tỉnh táo, hỏi han việc đạo sự...
Theo sự sắp xếp của gia đình và đồng đạo bên nây, út Du có hai hướng trị bệnh: một là thay gan, hai là chích thuốc cho khối u gan teo mất. Nhưng cách trị liệu thứ nhất, thay gan trường hợp hơi khó nên đã đi vào cách trị liệu thứ hai. Hoa Kỳ là quốc gia khá giỏi về y học, hiện nay các bác sĩ trong khoa đang nổ lực dùng thuốc làm tiêu khối u, cách nầy có thể sống thêm 5 năm nhưng trí nhớ phải bị sụt giảm đến cạn kiệt. Tôi tin vào cách thứ hai nầy.
Hồi út Du còn ở Việt Nam nhà chúng tôi cách nhau chừng cây số, và con đường vào nhà Du khoảng bốn mươi hai năm về trước tôi thường hay lui tới với các huynh trưởng của Du có khi ngày hai lần. Nhưng từ Ngày Du rời khỏi Việt Nam định cư sang Hoa Kỳ tôi mất liên lạc. May mà có đồng đạo, chỉ biết nhau trên phone cách nửa vòng trái đất báo tin nầy.
Ước tính sống thêm 5 năm mà nay mới chưa đầy hai tuần lễ sao lại đổi thay quá gắt? Bây giờ thể xác của út Du gởi xứ người khiến tối nhớ lại chuyện xưa:
Bác Ba Lý Văn Như, ông cụ thân sinh của út Du đang sống hạnh phúc ấm êm gần chợ Cái Dầu (thị Đam) có sự nghiệp nhà cửa đất đai trù phú, làm ăn khắm khá, tiền xài rộng rải. Duyên thiền môn đã đến bác ba phát tâm tu, từ đó giảm bớt những nghề nghiệp làm giàu. May thay! Bác ba trai tu thì bác ba gái cũng hướng tâm theo Phật, rồi lần lược đến các con lớn nhỏ trong nhà đều phát nguyện học đạo, trường chay giữ giới. Từ sự nghiệp thế gian chuyển thành sự nghiệp xuất thế gian, không lo làm giàu để bảo đảm tốt về ăn, mặc, ở nữa mà lo bảo quản sự nghiệp tu hành của mình và của các con đến nơi đến chốn. Nghĩ bụng, tu là phải ăn cần ở kiệm mới dễ thúc liểm dục vọng sa hoa. Muốn lạc đạo thì phải an bần trước. Suy đi nghĩ lại, nếu chọn “lạc đạo an bần xã thân tu tỉnh” thì ở đây xét không phù hợp vì gần thiềng thị ồn ào và sức cám dỗ của dòng chảy văn minh tây phương dồn dập về chợ búa mà các con ông tuổi xuân đang độ nồng nàn, đành phải tính cách “tẩu đào vi thượng” cho xong. Ông không ngại khó, năm 1969 – 1970 từ Cái Dầu ôm tiền về vùng Cù Lao Ông Chưởng, xã Kiến An, ấp Kiến Hòa Thượng chọn mua chục công đất trong đồng vắng, cách xa lộ, mướn dân công đào lên thành ba bờ đất chạy dài. Xong bác cất cốc cho bác và cho các con của bác mỗi đứa mỗi cốc riêng, gọn nhỏ, kiểu mẫu thoán mát, cho dễ dàng về chuyện công phu hành đạo. Mỗi cốc cách nhau độ khoảng mười lăm hai mươi thước. Hình thức mới lạ trong con mắt, cái nhìn, của dân địa phương…

Từ khi bác đến cất cốc tu làm ảnh hưởng rất lớn đối với các đồng đạo trong vùng nhất là tuổi trẻ PGHH có cơ hội tiếp cận những vị tu sĩ từ xa tới có khá vốn liếng về Phật học. Chính sự ảnh hưởng lớn lao đó mà sau không lâu có nhiều tu sinh đến xin cất cốc nương tu, trong số nhiều vị ấy, giờ tôi còn nhớ tên hai vị: Đệ năm Len ở kinh Đồng Tân, hai Bé Cao ở Thánh Địa Hòa Hảo. (xin lỗi vì tôi không biết họ của hai vị nầy mà kêu cho có văn vẻ). Hai Bé Cao giờ cũng đi tỵ nạn chính trị sang Hoa Kỳ. Hàng cốc giăng giăng, khoảng cách đều nhau, xa trông rất là đẹp mắt, thu hút nhứt là buổi chiều muộn, những đồng đạo trẻ tuổi, nhà cách không xa, sau một ngày công việc đồng án mà nghỉ ngơi sớm thì hay vào riết trong cốc đặng cùng các huynh công phu chiều, có người công phu ở nhà xong mới đến cốc để sinh hoạt giáo lý. Tinh thần rất là hăng hái, cởi mở, vui vẻ.
Sau nầy bác ba gái cũng về nốt xứ Kiến An, cất cốc trên bờ đất phía bên kia, cũng có thêm vài cốc cho các vị nữ tu. Bấy giờ nam theo nam, nữ theo nữ, hai bác là đầu tàu gương mẩu cho hai giới và quan tâm sự tu hành của họ, trông ai tu giải đải thì khuyến tấn.
Tôi chưa từng thấy ai tu và lo lắng sự tu hành của các con như bác ba Lý văn Như, dám rời bỏ quê hương đang hồi làm ăn phát đạt đến nơi xa vắng mua đất cất cốc, cha con chồng vợ mỗi người một cái chuyên lòng hành đạo. Út Du bây giờ còn nhỏ nhưng nhờ sự nghiệp tu hành của cha, sau nầy cũng hết lòng phục vụ đạo pháp.
Hàng cốc của bác ba là nơi hội tụ những đồng đạo trẻ đến tịnh dưỡng học hỏi trao đổi giáo lý rất hưng thạnh thì bổng giông bảo ầm ì, đưa cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến. Cộng Sản từ Bắc Việt vượt vĩ tuyến 17 ồ ạc tiến quân vào miền Nam giành chánh quyền trong tay của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa. Được làm chủ một đất nước họ tuyên bố giải tán các ban trị sự giáo hội PGHH. Những cốc tu của bác ba sanh trưởng, nuôi nấng tốt đã bị giông bảo hủy diệt. Các tu sĩ tan hàng, đi tứ tán, từ đó thiếu sự chăm sóc, động viên về sự tu tâm dưỡng tánh lần lần ngả nghiệp theo đời. Bác ba phải biến hình thức cốc trở thành nhà mới ở lại được trong đất của mình.
Út Du chứng kiến cảnh bị đuổi dở cốc am của các huynh tỷ nghe  lòng buồn bực, bức xúc, trở thành nổi ám ảnh và sự ám ảnh ấy lớn dần theo năm tháng, cứ coi như bị sự sỉ nhục: đất đay của mình, nhà của mình, chỉ vì tu hành người ta không chịu mà người ta có quyền đuổi mình đi… cho đến năm 1999, nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị sức ép của cộng đồng quốc tế về tự do tôn giáo, đã bất ngờ, cho phép đạo PGHH tái phục hoạt giữa giời, Tổ Đình PGHH trước kia bị đổi thành phủ thờ gia tộc họ Huỳnh. Tín đồ không đồng ý danh xưng mới nầy nên cùng nhau tổ chức một cuộc dựng bảng Tổ Đình khá quy mô, đúng với nguyên thỉ, đã bị chánh quyền địa phương dập tan và bắt bớ.
Sự đấu tranh trong đạo khí thế lên cao, út Du cũng tham gia vào công cuộc dựng bảng Tổ Đình và từ đó dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh khác về quyền tự do tôn giáo, bị công an gởi giấy mời đi điều tra nhiều lần, gây khó khăn về kinh tế, sau cùng phải làm đơn xin tỵ nạn chính trị sang Hoa Kỳ. Đến nước có nền tự do cao, út Du liền tìm tới những tổ chức PGHH ở hải ngoại để cùng nhau gắn bó sự thủy chung với đạo, vận động anh em vận động chánh phủ Hoa Kỳ can thiệp mạnh tay vào tiến trình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ước vọng tương lai gần, Việt Nam sẽ cởi bỏ chức vụ đảng cầm quyền, để cho những người Việt hải ngoại yêu nước, thương nòi, về lại quê cha đất tổ cùng bà con mình, đồng bào mình, vun đấp đạo đời lên vẻ rực rỡ.

Tiếc thay! Giữa lúc phong trào đấu tranh cho dân chủ, tôn giáo ở trong nước và hải ngoại đang độ sục sôi bầu nhiệt quyết, thêm 5 tín đồ PGHH vào tù, rất cần sự vận động của tín đồ PGHH hải ngoại thì thọ phần của Lý văn Du đã hết. Nghe đâu đây như lời của Đức Thầy còn văng vẳng bên tai nói về trận chiến ở Vườn Thơm “Kẻ chết đã an rồi một kiếp, người sống còn tái tiếp noi gương”. Đồng đạo trong nước và nước ngoài vô vàn thương tiếc, cùng nhau cầu nguyện Đức Phật từ bi cứu độ vong linh Lý văn Du, người vừa thoát chốn mê đồ vãng sanh miền Cực Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật.

30/10/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét