Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

HÁT RU BÉ THƠ

Nhớ hôm tôi đứng đợi người quen thân đem xe đến rước, trên con đường làng vắng vẻ giữa buổi trưa mùa hè. Trời nắng chang chang, thấy đàng kia có hàng chuối ven đường, tôi đến nép mình vào hàng chuối cho nhờ cái bống mát mà ngóng xa xa. Bổng tôi nghe tiếng khóc của bé tí và sau đó trộn lẩn giọng của một phụ nữ cất tiếng “Trồng Hường bẻ lá che Hường, nắng che mưa dở sao Hường không tươi”. Hát để dẹp an tiếng khóc của bé cho nó ngủ lại nhưng bé vẫn kiên trì khóc oe óe xen trong tiếng hát ấy. Người phụ nữ đổi mấy lần bài hát cũng không ăn nhằm, chừng xe đến rước tôi tiếng khóc và câu hát vẫn còn cạnh tranh thế lực, chưa phân thắng bại.
Ngồi phía sau cái yên xe Future II với tuyến đường dài non trăm cây số, tôi cứ suy nghĩ mãi câu hát ru em nói trên. Tức ai cắt cớ tạo ra câu hát, trồng cây mà tận tụy đến độ “nắng che mưa dở” là đúng cách, đúng sách của nhà trồng trọt cây kiểng mà Hường sao lại khó tính đến thế. Mặt mày ủ dột thì còn gì là công lao của người chịu nhọc nhằn “nắng che mưa dở”.
“Sao Hường không tươi” vừa là câu hỏi cũng vừa là một chuỗi dài than thở thì ta dám tin cái chuyện nắng che mưa dở là có thật mà Hường không tươi có lẽ là, làm công việc nắng che mưa dở không đúng lúc, kịp thời, với yêu cầu của cây mới trồng.
Bổng nhiên tôi nhớ những năm trước, mùa tết nào mấy cháu trong đạo cũng mua chậu bông nầy bông nọ đến tặng chưng tết trước sân. Các cháu sợ rằng, tôi ở sâu trong đồng, trọi lỏi có cái nhà của tôi thôi mà không tạo nên không khí tết thì dễ bị quên. Phần nhiều là bông Thọ, bông Cúc với Hồng… Đặc biệt năm nay có một cặp chậu Hồng bông to lại nhiều bông trổ rộ đỏ thẳm lên màu sắc quyến rủ.
Bông mua chưn Tết, như thường lệ sau tết là bỏ cho chết không màng, nhưng thấy cái duyên dáng vẫn còn sáng sủa, tươi thắm, mịn đỏ tôi không nở để nó yểu mạng như bông Vạn Thọ, bông Cúc. Tôi kiếm chỗ trước sân nhà, đào hai lổ tròn vo, ni tất cở hai cái thùng mủ làm chậu đựng Hồng. Tôi lấy dao rọc mạnh một đường dài từ trên miệng chậu mủ xuống tới đáy, tét rộng dấu rọc ra để lấy tròn gọn nguyên bầu đất cây Hồng, bê nhẹ xuống lổ. Tôi đinh ninh cây đất dính vào nhau, sự cấu kết của bộ rễ chắc là dính khắn. Ai dè, đất trong bầu mở ra bở rợt toàn trấu với tro trấu, nắm cây lên nó sứt bứt khá nhiều rễ. Thấy muốn chán bỏ không trồng, nhưng sau cùng tôi phát hiện sự nông nổi của lòng mình và tự an ủi: hãy trồng nó xuống rồi ngày đậy đêm dở chắc không sao, Hồng sẽ sống tốt thôi. Tôi xốc tréo ba cây khô thành hình tam giác làm giàn sẵn để sáng khi nắng tới thì đem vải đậy lên. Tôi còn tính chắc ăn hơn, nhúng nước tấm vải đậy cho ước đẩm rồi hãy đem che, giữ cho cây có độ mát da mát lá thì cây trồng sẽ được bảo đảm cao…
Hỡi ơi! tính cho dữ mà sáng nắng tới tôi lại vui với chuyện khác quên đậy quên tưới, đến 1 giờ chiều tôi mới sực nhớ, lẹ làng đem nhúng nước tấm vải ra che thì vô cùng thương tiếc cây Hồng đã xếp lá, những đọt non mơn mởn hôm qua giờ đã gụt đầu chào chết. Chiều hết nắng tôi ra dở miếng đậy, những tưởng cây Hồng sẽ tươi lại nhưng gượng không được nữa đâu, các đọt non cũng không ngóc đầu dậy nổi, bệnh nặng hết thuốc cứu.
Để phơi nắng cho đả đời làm khô da cháy lá cây trồng rồi mới hay nắng và lụt thụt đi che, mưa cho đả đời gần dứt hạt mới phát hiện muộn màng. Nắng che mưa dở cái kiểu nầy còn gì là ý nghĩa của nhà săn sóc cây trồng. Vọng tâm nổi lên từ lúc sáng sớm mà cho đến chiều muộn mới hay…
Nghĩ đến đây tôi chợt nhớ lời Đức Thầy dạy, người tu là phải “Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần”. Lục căn là: Nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý; lục trần là Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần có nghĩa là trong khi tiếp xúc, căn đối với trần không sanh ô nhiễm. Hành giả trên đường về cõi Phật giữa đường gặp sắc đẹp, giọng nói hay câu hát chứa đầy tình cảm, vấn vươn khó dứt là hành trình bị sựng lại, đến đổi “nhãn thấy sắc thường hay bận bịu, tai ưa nghe những điệu âm thinh” (lời Đức Thầy). Mắt ưa sắc đẹp đến “bận bịu”cõi lòng, tai ưa âm thinh đến độ “thường nghe” như vậy đâu thể gọi là người “đừng nhiễm lục trần”.
Xét ra, đem ví người tu trồng Bồ Đề tương tợ như người đời trồng Hường, hai bên đều áp dụng phương pháp chung “nắng che mưa dở”, chỉ cần hành động nắng che mưa dở không kịp thời đúng lúc với thời tiếc nắng mưa; để nắng khô đến nám da nám lá gục đọt non mới đi che thì tính hiệu quả đâu còn. “Nhãn thấy sắc thường hay bận bịu” khi thấy sắc đến“bận bịu” cõi lòng mà cứ chứa, dồn hết những bận bịu về sắc, không buôn kịp thời, có khác nào người trồng Hường kia để nắng quéo cây mới bẻ lá đem che mà trách “sao Hường không tươi” nghĩ có mắc cười không nhỉ ???
Ta ở trong nhà có đạo, đôi khi khoe mình là kẻ tu hành; trong nhà đạo lo sự tu hành giống như người trồng cây gặp mưa thì dở cho cây được mưa Trời tưới nước tốt tươi ta lại không chịu dở. Ở trong Phật Pháp có mưa Pháp ta không chịu dở tấm đậy cố chấp cho nước Pháp xối vào làm tươi rói bộ mặt thật “tánh thiện Trời dành” của ta.
Đức Thầy kêu gọi nhà tu hành nên thận trọng việc theo dõi cái tâm:
“Phải gìn dục vọng lòng tà
Đừng chìu theo nó vậy mà hư thân”.
“Ai ai cũng rán xét mình,
Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài”.
Xét mình để loại bỏ đi tánh xấu, nhưng hành giả chưa có độ nhạy cảm qua giác ngộ phát hiện kịp thời khi tính xấu xuất hiện. Xấu nó ở đầy trong người, hành động thô thiển, làm biết bao nhiêu là tội mới hay. Cứ như vậy sửa xấu ra tốt đến bao giờ mới xong? Ta có thể hành sự câu “đừng chìu theo nó” khi hay mình có dục vọng lòng tà, nhưng sự tu chưa có độ nhạy cảm, mỗi khi dục vọng lòng tà đến mình không hay thì lấy đâu có chuyện “Đừng chìu theo nó” một cách kịp thời? Như chủ nhà và kẻ trộm, thấy kẻ trộm vào nhà chủ nhà truy hô đuổi bắt là chuyện đương nhiên, nhưng nếu trộm khôn ngoan hơn, đợi chủ nhà sơ hở, nó vào nhà lấy trộm mà chủ nhà không thấy, không hay, của trong nhà bị mất, trộm cắp phá tan hoang đồ đạt, mất tất cả… Người tu bỏ tu theo tục, người đạo bỏ đạo theo đời cũng không truy cứu trách nhiệm: đương tu trông coi ngon lành đó, nhảy ngang bỏ đạo thôi tu là tại sao?
Như người phụ nữ đã hát nhiều bài quyết lòng dỗ nín con mình mà tôi tình cờ nghe thấy, đối với Đức Phật, Đức Thầy ta ví mình như bé thơ ức lòng khóc lên, cần được hát dỗ, các Ngài đã luôn hát dỗ chúng ta quá nhiều bài hát:
“Hởi con đời tục rất hôi tanh,
Trí-huệ trau-giồi kiếm nẽo thanh”
“Cuộc trần, ôi quá khổ !
Trường đỏ đen là chỗ nhuốc- nhơ.
Biết bao người vì nó phải bơ-vơ,
Sự-nghiệp hết gia-đình tan-nát.
Sớm tỉnh-ngộ lên đường giải-thoát,
Lánh xa trường đổ-bác chớ chen chân.”
Tu hành ai cũng đều muốn diệt được “dục vọng lòng tà” mà dục vọng lòng tà hiện chần ngần ra không hay không biết. Phải đạt đến trình độ nhạy cảm nhất để mỗi khi dục vọng lòng tà xuất hiện là hay và liền theo đó thái độ dứt khoát “đừng chiều theo nó”. Người trồng Hường muốn được nắng che mưa dở kịp thời, phải đạt đến trình độ bén nhạy với chuyện nắng mưa và làm chủ sự việc, không có bất kỳ sức ngăn cản nào làm chậm lại việc nắng che mưa dở của mình.
Tôi thật là mắc cở vì đã nhọc công cho vấn đề trồng hai cây Hồng, đào lổ trồng cây và làm giàn che nắng. Tính đủ chuyện tốt cho việc trồng Hồng mà nắng tới không hay, chừng hay được là quá muộn, cây Hồng có dấu hiệu chết, hết cứu  vãn. Biết bao người đang tu thình lình bỏ tu ngang xương cũng hết cứu vãn. Nắng cháy cây, phiền não làm cháy đời tu, bởi vì hành giả không phát hiện đúng lúc, cập nhật cái chuyện “diệt lục căn đừng nhiễm lục trần”.

20/11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét