Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

PHẬT GIÁO VÌ TIỀN PHẢI NGỬA NGHIÊNG
gặp tiền cứ lẳng lặng đi qua

Có người dựng lên câu giảng của Đức Thầy hỏi tôi: Sao lại là “Phật giáo vì tiền phải ngửa nghiêng”?
Nêu câu giảng của Đức Thầy xong, tôi chưa kịp trả lời thì anh ta tự lý luận dài dòng về câu hỏi của mình:
Cứ cho là người đời vì tiền thường xảy ra kết cuộc không tốt nhưng người đạo đâu phải không cần tiền để đáp ứng nhu cầu đạo sự, ví dụ như cất chùa, tạo dựng cơ sở tôn giáo, tổ chức cúng lễ đạo, hoặc dùng vào xã hội từ thiện… tất cả cũng vì tiền, có tiền mới làm ra các việc lành, những điều Phật sự cần thiết. Nếu bảo “Phật giáo vì tiền phải ngửa nghiêng” thì xin cho đây một lời giải thích?
Nghe xong câu hỏi có nhiều lý luận cột buộc tôi liền đáp:
Điểm quan trọng của bạn tại sao “vì tiền” mà Phật giáo chịu ngửa nghiêng phải không? Vậy ta nên chú thích hai chữ vì tiền trước đã:
Vì: để bụng thiên về một chỗ, một phía hay một người, ví dụ: vì dân, vì nước, vì cha mẹ, vì đạo đức… khi người ta vì cái gì đó thì ngả hẳng về phía đó, những thứ khác, phía khác không cần biết. Tiền: loại đúc bằng kim loại hay in bằng giấy để số giá trị của tiền là bao nhiêu, năm đồng, mười đồng… biết đơn vị tiền tệ trong khi giao dịch, mua bán. Nhà ai có nhiều tiền thì gọi là nhà giàu, ăn xài mua sắm trưng dọn thoải mái. Như vậy, ở trong Phật Giáo mà ngả hẳng về tiền bạc, (vì tiền) thì đạo đức bây giờ là thứ khác, phía khác bị xem nhẹ hoặc bị bỏ rơi.
cám ơn thí chủ, tôi không có nhu cầu xài tiền
Đối với người tu học Phật Pháp người ta đã giác ngộ cõi đời và tấm thân không tồn tại thì tiền bạc là cái thứ sanh ra trong chốn hồng trần tất nhiên nó cũng không tồn tại như nhau. Cho nên, khi người đời phát tâm vào đạo với đúng ý nghĩa của nó thì từ rày trở lên họ sẽ vì đạo chứ không vì đời vì tiền nữa. Trong khi vì đạo, làm đạo sự thì tiền bạc đứng ở hàng phụ thuộc cho người đạo sử dụng vào mục đích đạo đức, cứu độ bá tánh từ vật chất lẩn tinh thần. Có lo cho bản thân cũng vừa phải ở mức độ vừa phải để việc sinh hoạt của thân không thiếu không dư sanh dục vọng tham sống sợ chết. Nói tu là hành trình về cõi Tây Phương nhưng tham sống chốn hồng trần là đi lạc đường, càng đi càng xa cõi Tây Phương, vượt ngoài không gian mười muôn ức Phật độ của Phật thuyết. Do vậy, theo Phật giáo mà ham tiền, vì tiền, ngả theo tiền để cung phụng lên thân quá nặng nề vật chất, kết cuộc phải ngửa nghiêng thôi.
Còn nói trong đạo Phật người ta cất chùa thờ Phật, làm ra cơ sở để Phật Tử đến bái Phật tu hành. Nếu người tổ chức xây cất chùa không hướng đến lợi ích cá nhân, không dựa vào việc cất chùa để thu lợi bất chính, một lòng vì đạo không vì tiền thì Phật giáo làm sao ngửa nghiêng được. Sợ là những kẻ ăn cơm chùa Phật mà vô duyên với Phật, ông Thanh Sĩ đã nói lên ý nghĩa đó:
“Nói thông thái kể ra sao hết,
Làm trái ngang chẳng việc nào xong,
Đáng thương cho kẻ tốt lòng,
Bị người lừa gạt mà không biết gì.
Đến như Phật Từ Bi vô hạng,
Cũng bị người giả dạng tăng ni,
Làm cho sanh chúng ngờ nghi,
Cửa thiền vắng bóng, đạo nghì lảng tâm.”
Nếu như sử dụng đồng tiền đúng mục đích, cho dù có nắm được nhiều tiền trong tay, tiền đến hoài hoài đưa đi đúng mục đích hoài hoài không thể gọi người đó vì tiền được. Ông Thanh Sĩ nói:
“Cũng thời sử dụng đồng tiền,
Người lo quần chúng kẻ riêng lo mình.
Lo quần chúng là tình Tiên Phật,
Lo riêng mình là chất phàm nhân,
Tình Tiên Phật hết trầm luân,
Chất phàm nhân tất còn thân luân hồi.”
Sợ là những nhà tu lòng còn quá nhiều sóng gió danh, lợi, tình, thân sống trong đạo mà vì tiền hơn vì đạo, đạo hưng thạnh hay xuống dốc không cần biết, miễn làm sao cho đồng tiền chung chảy vào túi riêng, như vậy mới gọi là “Phật Giáo vì tiền”. Bản thân của người tu vì tiền ngửa nghiêng trước sự tội ác đã đành, cầu Phật độ Phật cũng không độ được. Bạn trích đọc có một câu “Phật giáo vì tiền phải ngửa nghiêng”, nó ở giữa chừng trong bài, mất sự liên quan thành ra tối nghĩa khiến bạn khó chịu. Nếu như bạn chịu khó đọc hết một đoạn sau đây chắc lòng sẽ thấy dễ chịu hơn:
“Tu hành dương thế cậy đồng tiền,
Phật giáo vì tiền phải ngửa nghiêng.
Bát nhã chẳng đưa người tội ác,
Thuyền từ nào rước lại Tây Thiên.”
Quá rõ ràng, Giảng nói người tu mà cậy vào tiền bạc, bản thân họ không chịu lấy việc trau sửa thân tâm làm trọng mà ẩn núp trong Phật giáo để moi tiền bá tánh thì Phật giáo cũng chịu vạ lây. Bát Nhã là trí huệ, một trong lục độ Ba La Mật chính mình, có khả năng đưa hành giả từ bờ mê sang bến giác mà tu hành ông vì tiền, làm tội với những tín thí, sắp rời khỏi hồng trần thì tiền bạc đâu xài được nữa mà nhằm lúc trí huệ lại “lô cal”chặt tiền không đứt để tiền làm dây kéo kéo vào vòng quay sáu nẽo luân hồi. Trí huệ trong ông không chịu hiện hửu để đưa ông qua khỏi sông mê. Tự độ không được, bấy giờ có cầu Phật độ, rước về cõi Tây Phương mà tu không đúng cách Phật cũng không thể. Phật Kêu ông sống tu thì làm cho nhẹ mình để Ngài dễ rước, tiền là thứ nặng nề mà vì tiền, ông chất đống đồng tiền lại, nặng như chiếc hủ lô… chết ở đó đi nha!
Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm, khi dạy đạo Ngài rất quan tâm đến những hạng người giả tu nhắm vào lợi ích cá nhân của mình làm phương hại cho lợi ích của Phật Giáo, Ngài có lời khuyên:
“ chớ giả dối mà mang sắc áo,
Mượn Bồ-Đề chuổi hột lòe người.
Làm cho dân khinh dễ ngạo cười,
Tội lỗi ấy luật nào dung thứ.
Tu còn ham chay to đám bự,
Đặng thế gian dưng cúng bạc tiền.
Dối rằng lo tu bổ chùa chiền,
Mà làm của xài riêng cho thỏa.”
Qua sự trình bày của tôi chắc bạn đã thấu thoát câu “Phật giáo vì tiền bị ngửa nghiêng” rồi chứ?
Dạ hiểu được.
Xin chúc mừng cuộc gặp gở của chúng ta có chung nhận định về đề tài.
16/11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét