Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

ĐÁNH THỨC

Đánh thức có nghĩa là kêu người ngủ mê thức dậy. Thông thường, Ý nghĩa của sự đánh thức là để: giữ gìn đồ đạc, của cải, ăn uống hoặc làm công việc gì đó cho kịp lúc, hứa hẹn đúng giờ. Thường thì đánh thức người ngủ có 3 cách, một là gọi nhỏ, hay là gọi lớn tiếng có thêm sự phẩn nộ, ba là lắc mình, nắm tay, lôi chân. Dạng đánh thức người ngủ đến lắc mình, nắm tay, lôi chân là hành động quá đáng, nhưng đối với những kẻ ngây ngủ thì không còn cách nào khác hơn. Việc nầy có thể xảy ra với một đôi người như bè bạn thân thiết, hoặc anh em con cái sống chung nhà là cùng.
Nếu ai có đọc Sám Thi PGHH sẽ thấy Đức Thầy tài tình, đã đánh thức và dạy cách đánh thức không chỉ với bè bạn thân thiết hay anh em chung nhà mà đánh thức tới cả “bốn phương”người, và điều đáng nói, cách đánh thức không phải bằng kêu nhỏ, kêu to, hay lay mình, nắm tay, giật chân mà bằng cái “khua giọng vàng”, chỉ khua lên cái giọng vàng thôi là kẻ mê phải tỉnh, ác nhân sẽ thành thiện nhân. Thêm nữa, sự đánh thức của Ngài không nhằm mục đích cho người ngủ say thức dậy chừng đồ, trông trộm… mà là tiếng kêu sâu xa làm bừng tỉnh tâm trí người đời: trần gian là mộng ảo. Người trong mộng nghe được giọng vàng thoát khỏi mộng thì nên gánh trách nhiệm “khua giọng vàng” là sự nghiệp Đức Thầy đã trao truyền phải tiếp nối hành sự, như những câu sau đây:
“Chớ chia rẻ hãy đồng tâm lực,
Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
Chấn hưng Phật Giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên”.
Đức Thầy “khua giọng vàng” chỉ trong thời gian ngắn mà hơn triệu người đến thọ giáo quy y. với kết quả ngó thấy đó, Ngài khuyên những ai đã đến quy y với Ngài, nêu cao tinh thần đạo và sự tu hành là trên hết, cần phải truyền bá chánh pháp Phật Giáo rộng khắp thế gian. Để làm được điều quan trọng nầy, mỗi hành giả, sứ giả Như Lai đều phải thắp sáng lòng mình lời khuyên của Ngài “Chớ chia rẻ hãy đồng tâm lực”, vì chia rẻ, mỗi người có chút ảnh hưởng quần chúng mà thể hiện cái “ta đây”, có thành công nhưng không nhiều, khó đạt đến đỉnh điểm “ khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo” mà Đức Thầy mong đợi.
Đọc bốn câu giảng dẫn trên, ta thấy từ câu đầu có những chữ “đồng tâm lực” cho đến câu cuối “dưới trên hòa thuận” đều là của cái kết quả có khua được giọng vàng hay không. Vì chỉ có giọng vàng mới đủ khả năng “đánh thức bốn phương” và từ đó dẫn tới “chấn hưng Phật giáo- dưới trên hòa thuận”.
Ta nên tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “giọng vàng” để biết cái khả năng “đánh thức bốn phương” của nó thế nào nhá.
Giọng: Cách nói, tiếng nói có giọng điệu ngọt ngào hay chua chác: Thằng ấy thường hay lên giọng dạy đời, con nhỏ nói giọng dễ thương.
Vàng: Kim loại, được lấy từ quặng mỏ lên, quặng mỏ thì vàng còn lẫn với chất khác. Phải một phen nấu lọc hết tạp chất mới hiện thành vàng. Vàng là một trong thất bảo, tức bảy thứ báu ngọc, giá trị cao hơn tiền. Vì thế, những người có nhiều tiền thường hay mua vàng dự trử. Đức Thầy khuyên tu mà sử dụng từ giọng vàng, theo tôi, có những đặc điểm như sau:
1. Lời nói ra có lý lẽ, chơn chánh, quí như vàng như ngọc
2. Lời nói ra hiền từ, êm diệu, ngọt ngào khiến người ta cảm mến học hạnh hiền từ, êm diệu, ngọt ngào trong khi nói chuyện, khuyên dạy kẻ khác làm theo.
3. Như vàng đã được nấu lọc từ quặng mỏ, thành sản phẩm chính hiệu, hết tạp chất. Giọng vàng, lời nói ra, thiện là thiện hoàn toàn, không có mỉa mai, ác ý trong khi làm thiện nói thiện.

Trong đạo PGHH người làm công tác truyền bá chấn hưng phật giáo tấm lòng phải trong sạch ví dụ như trong sạch về danh, lợi, tình, không vướng bận tham, sân, si như quặng mỏ đã qua nấu lọc thành sản phẩm vàng thì không còn tạp chất vàng thau lẩn lộn. Đức Thầy có những câu khuyên tu sau đây:
“Nấu lọc rành mới biết vàng thau,
Ai thật tánh ai người giả đạo”
“lời Thầy cạn tỏ âm hao
Để truyền hậu thế vàng thau lọc lừa.”
“Kể từ rày vàng lộn với thau,
Phật Tiên Thánh cùng nhau xuống thế.”
Giảng thuyết giáo lý phải đi vào mục đích chính nhưng mục đích chính phải là giáo lý chơn truyền, không vì nặng mang ưu tư hay bất đồng ý kiến cá nhân mà chọn đề thuyết nhằm kích bác, thể hiện tính phe phái. Mang tính kích bác, phe phái, thuyết có thao thao cở nào cũng không được coi là giọng vàng, vì kích bác là trong lòng còn tạp chất, vàng thau lẩn lộn chưa nấu lọc thành sản phẩm chánh tâm, vọng tâm phát sinh nhơn ngã mà thuyết pháp của Phật… người nghe không tiếp thu được thì chưa thể gọi là giọng vàng.
Trong lúc công tác chấn hưng Phật giáo, người giảng thuyết giáo lý phải tha thiết với nhiệm vụ truyền bá, sẵn sàng từ bỏ nhân tướng ngã tướng vì hai tướng ấy làm phân biệt người và ta, gây xáo trộn tinh thần. Đức Thầy kêu gọi tấm lòng những người có trách nhiệm chấn hưng Phật giáo bằng hành nghiệp truyền bá đạo pháp:
“Lời thuyết pháp chẳng vì nhơn ngã
Người nào đâu có Phật tánh là.”
Thế, thuyết pháp phải giữ chánh tâm để loại bỏ thứ vọng tâm nhơn ngã, bởi vì “người nào đâu” ý nói, người nào ở bất cứ đâu đâu cũng đều có Phật tánh, lúc còn mê thì dễ hay nhận ngụy làm chơn, chạy theo huyễn thân đua đòi sa hoa trụy lạc nhưng trong họ đều có Phật tánh và có thể thành Phật. Nếu ta ở trong nhơn tướng, ngã tướng mà thuyết giảng đạo pháp người nghe khó có sự cảm lòng, cho dù có những trường hợp cảm lòng thì cũng ở mức độ tình cảm với người giảng thuyết, cảm lòng qua tình cảm không thể gở được gút mê si để hiện hửu Phật tánh của chính mình, làm cuộc thuyết giảng kém ý nghĩa. Chẳng vì nhơn ngã mà thuyết pháp, mỗi lời nói sáng trưng ra, nếu người nghe thuyết lòng còn vô minh dày đặc không thể phát sáng nội tâm, nhưng đối diện với bậc “thuyết pháp chẳng vì nhơn ngã” đã hiện hửu được phước tướng, đức tướng trang nghiêm sẽ làm cho người nghe thuyết thấy tướng trang nghiêm ấy sanh cảm ứng, dầu không hiểu pháp ngôn qua bài giảng sâu xa mà thấy pháp hạnh của vị ấy, lòng khởi lên sự tôn kính chân chính cũng có thể chảy gở được xúc sự của thế lực vô minh phiền não, làm nhẹ đi sự trấn áp, dày vò mà tỉnh thức lòng phàm.
Được như vậy thì người có trách nhiệm chấn hưng Phật giáo, truyền bá kinh lành mới thực hiện đúng nghĩa của câu “Khua giọng vàng đánh thức bốn phương”.

26/10/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét