THÔNG
ĐƯỜNG, BUÔNG BỎ DỄ ĐI
Tu hành ai cũng mong mau đến mục
tiêu nhưng hiệu quả của muốn đi nhanh lại là chậm chạp. Tại sao thế?
Khi người ta muốn vượt nhanh thì
hãy coi lại con đường như thế nào, nếu đường có quá nhiều chướng
ngại vật không thể nhanh được, cương lên nói “gan ăn” là không ổn đâu.
Ta học luật lái xe hai bánh, cán bộ phụ trách đại khái phân hai dạng,
đường xe thô sơ dành dùng sức người hay sức Trâu, Bò, Ngựa kéo và
đường xe máy nổ, nhưng phần đông ở nông thôn, xe đẩy, Bò, Ngựa kéo xe
cồn kềnh vẫn đi chung trên đường dành cho động cơ, những chiếc xe đẩy
bán hàng, rau cải, thịt cá, quần áo… có khi ghé nhằm chỗ đậu trên
đường người ta mua đông như nhóm chợ làm cho trục lộ giao thông bị
quấy rầy, những chiếc xe Bò kéo rơm vun trùng làm các tay lái rất
khó kiểm soát làn đường xuôi chiều, ngược chiều khi ở gần chướng
ngại vật nầy.
Dường thế đó, hành giả trên đường
về Phật mà có quá nhiều chướng ngại, ví dụ: tuổi trẻ thường bị
chướng ngại về nam nữ, đã bị chướng ngại rồi mà cũng cứ sấn tới
nói gan
ăn coi chừng có ngày bỏ mạng xa trường. Đi không nhanh làm cho
kéo dài thời gian mà thời gian lúc nào cũng bào mòn thân thể.
Chưa biết đường thọ mạng của ta có được bù lổ lúc chướng ngại mà
thêm tuổi cho mình đi kịp tới Tây Phương Cực Lạc? Đường dành cho động
cơ mà để những chiếc xe Bò, Ngựa, xe người đẩy đi bán hàng, theo
luật thì phía cán bộ phụ trách về giao thông có quyền dẹp, cấm
những xe thô sơ trên đường dành cho xe máy nổ nhưng họ không làm như
những gì họ đã dạy cho các tay lái. Chúng ta không bàn đến việc xảy
ra tai nạn khi những chiếc xe thô sơ, ví dụ như những chiếc xe đẩy bán
hàng, nghe khách hàng kêu mua là dừng lại, vô tình không cần biết độ
dừng lại đã chiếm lòng đường rồi những khách hàng lớp đứng phía
trong, lớp đứng phía ngoài, sát nút với xe đi ngược chiều xuôi chiều
làm người lái xe phải bớt ga chầm chậm trong khi có chuyện cần người
ta phải đi nhanh cho kịp...
Dường thế ấy, đường về Tây Phương ta
cũng muốn đi nhanh cho kịp bởi ta đâu biết chừng nào thì tấm thân
mượn của Đất Nước Lửa Khí nầy bị chúng đòi lại nên hành trình về
Tây Phương phải được thúc đẩy liên tục đi đến mục tiêu trước khi thân
tứ đại rả rời. Quyết như thế nhưng khi thực hành, thượng lộ có được
bình an hay không là một chuyện khác. Nếu thượng lộ bình an đường
dẩu xa bao cũng thành gần và nếu tâm tính bất an, gần lại hóa xa.
Chướng ngại của người tu nhiều thứ
lắm, tôi nói những chướng ngại gần gủi dễ thấy nhất: thương và
ghét, tôi cho là mối nguy hại cận bên mình, hơ hỏng là nó “bắt dò”
té lạch ạch; không giải quyết mối nguy hại gần bên, đất tâm mình sẽ
là bãi chiến trường cho sự đối địch của hai thứ giặc thương ghét. Trong
bài “Tỉnh Bạn Trần Gian” Đức Thầy có câu:
“Sân si phỏng có điều thêm bận,
Nhẫn-nhịn ắt không chuyện kéo dài.
Tiếng gọi hồn mê hồn được giác,
Phải toan sắm-sửa rứt trần-ai.”
Sân Si nóng nảy là gặc ghét, mến
trần ai là giặc thương. Với giặc ghét ta dễ phát hiện bộ mặt của
nó, dễ phát hiện không có nghĩa là dễ diệt trừ, có người ghét đến
lửa đốt phừng phừng cái mặt, cháy tan tành ra tro bụi, hết củi hết
lửa tự tắt chớ không phải thức ngộ tắt trong khi còn củi. Công đốn
củi ba năm thiêu chỉ một giờ là làm lại từ đầu, đi đốn củi nữa, lâu
lâu cũng để cháy nữa. Tu hành kiểu vậy còn miếng công đức nào cho
Phật đến rờ đầu điểm đạo.
Giặc ghét gồm có ghét người, hận
đời. Ghét người, ta thường thấy qua những nguyên nhân: Sợ người ấy
đẹp hơn ta, danh dự hơn ta thông minh và giàu sang hơn ta. Hoặc ta ghét
kẻ làm ác, vô đạo đức… Đừng nói ta ghét kẻ làm ác tức là ta đã
làm thiện. Có khi ta là kẻ ác che lớp thiện để ghét kẻ ta không ưa,
kẻ đã giành thắng với ta về uy tín, thông minh, sang giàu, đẹp đẽ, ta
mắng ác họ qua biện minh hợp pháp vì ta đang làm từ thiện, có cái
tướng tu. Làm thiện mà ghét kẻ làm ác thì cũng chính mình tự làm
ác nữa rồi.
Ác ở hình thức nào cũng là
chướng ngại vật, thượng lộ không được bình an đừng nói về cõi Phật
chi cho uổng tiếng. Ghét người ở dáng vẻ đẹp xấu, điều nầy có nhưng
ít khi, còn ghét người bởi họ hơn ta về danh dự, thông minh, giàu sang
phú quí hơn ta điều nầy rất dễ thấy; chẳng những ta thấy mà người
khác cũng thấy ở ta. Ta thấy ta làm điều sai, nghĩ sai, đáng lẽ là
phải sửa sai ngay lúc mình thấy nhưng cường độ của lòng dục vọng
trong ta vươn cao hết sức kìm chế, sợ người kia thông minh danh dự hơn
mình thì mình sẽ bị lùn thấp xuống, thấy kẻ ấy là mặc cảm dậy
lên sự khó ưa, trông cho người ta có lỡ lời thì bắt bẻ, quy chụp,
phản bác. Chướng ngại vật nầy tương tợ như người lái xe đi công việc
quan trọng giữa chừng gặp phải xe Bò kéo rơm, xe đẩy bán hàng rong
chiếm hơn nửa phần đường mà lại che cao khuất mắt, khó qua. Các xe
ngược chiều, xuôi chiều chen nhau lăn bánh chầm chậm, lâu lắm mới về
tới điểm.
Hận đời vì thấy đời mình thua
thiệt, cái người ta có, mình không có, người ta được tiếng khen còn
mình đứng sờ sờ đây không ai nhắc tới. Ta thiếu thốn vật chất, lạnh
lẽo tình thương, muốn có thêm vật chất để trang trải nhưng chẳng ai
chịu thêm, xin một chút tình không có. Mang mối hận lòng, phê bình,
chỉ trích những người làm phước, kẻ được phước.
Cảnh sát giao thông không chận cấm
xe thô sơ đi chung đường với xe máy nổ là vì còn chút tình thương
tưởng đến những người làm kiếm sống, bởi đất nước ta còn nghèo,
tạm thời chưa có khả năng làm thêm đường thô sơ để giải quyết dứt
khoác theo quy định luật ban hành. Nhưng đối với chúng ta là người tu
Phật, hiểu rõ giáo lý giải thoát của Phật dạy là không đắm nhiểm
hồng trần, đang trên con đường về Lạc Bang Tịnh Độ là phải đi từ
chảy gở đến tháo gở những vướng bận cho nhẹ mình đi nhanh. Ta không
có bất cứ lý do nào nói là thương những Lục Dục, Thất Tình, Tham
Sân Si… các cái là đúng, trên đường về Lạc Bang mà cho nó đi cùng
thì cũng có ngày nó làm cho mình nghỉ đi luôn. Đường ta đi là tự ta
làm chủ, thất tình lục dục nó không hiện thực sự nghèo đói để ta
thương mà dung chứa, nó chỉ là vọng niệm quấy lên làm ta mất chánh
niệm về Phật. Cho chúng tồn tại cũng chỉ là vọng niệm, dẩu ta không
đành lòng trục xuất nó ra khỏi đường tâm, đường Phật, có cứng rắn
chịu đựng sự dằn dặt của lương tâm về dục tình, không hiện thực. Ta
làm từ thiện với ai cũng được, tuyệt đối không làm từ thiện với
phiền não hay những nơi làm cho phiền não trong ta dễ phát sinh. Đã tu
hành, biết việc tu quan trọng đến cỡ nào thì đừng có liều lĩnh nói
“gan ăn” với phiền não. Trong lúc người ta bệnh, thầy thuốc kêu kiên
cử những món độc phá mà ta bị dục vọng về ăn uống quá độ, kìm
chế không được nên ăn càn, kêu đừng dan nắng dầm mưa mà cứ lủi đi
trong mưa nắng rồi trách sao tôi bị bệnh hoài. Tuổi trẻ luôn ở độ
nhạy cảm, ta nên chủ động phân ranh hai phái cách xa ngoài sức húc
tình cảm của cả hai phía, bảo đảm tốt trên đường về Phật Quốc.
Đạo Phật dạy tu, khi tu là phải
buông bỏ hết những tríu mến trong đời, cho tâm thường trụ trong chánh
niệm chánh định. Ông Thanh Sĩ nhắc chừng:
“Trong khi muốn lội qua sông,
Những gì mang gánh lòng thòng bỏ
đi”
Đức Thầy dạy đi từ xa lánh đến
đến buông bỏ như sau:
“Thế nên, hãy xa lánh những điều
làm tinh-thần bị đen-tối; bỏ hết đài-các xa-hoa, thân mình tự chủ
để tìm chỗ bất diệt bất sanh”.
Tóm lại, thông đường dễ đi là đối
với những vật cản, hành giả cũng phải buông bỏ mới nhẹ mình mà đi
nhanh đến mục tiêu. Đây chỉ mới là lý thuyết, cần sức tu cho thật
nhiều thì sự buông bỏ sẽ dễ dàng hơn, miệng nói buông mà tấm lòng
không buông, hành trình còn nặng nề và gian truân lắm.
18/11/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét