Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

CHUYẾN XE TÌNH THƯƠNG
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật

Xin kính chào quý bà con, đồng đạo, quen và chưa quen đi chung trên chuyến xe chỡ đầy tình thương nầy. Thưa quý vị! Do bão lụt miền Trung mà chúng ta kẻ đó người đây tâm tình cách biệt, có trái tim đồng bào dân tộc biết thương yêu và đùm bọc nòi giống Tiên Rồng gặp nhau, cùng nhau làm thiện nguyện. Khi nghe tin đồng bào ở đâu lâm nạn đói khổ là thương, tính chuyện cứu giúp và chuyến xe chỡ đầy tình thương của chúng ta hôm nay là một trường hợp điển hình.
Ngoài thứ tình chủng tộc còn có thứ tình thiêng liêng của tôn giáo, chúng tôi muốn nói đến một nền đạo phát sinh từ giữa lòng lịch sử dân tộc đó là Phật Giáo Hòa Hảo. Ý nghĩa đồng bào dân tộc được Đức Thầy giảng dạy như sau:
“Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một; ấy quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.
Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta hãy rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.”
Thuyết nhân quả là giáo lý cương lĩnh của Đạo Phật áp dụng cho tất cả chúng sanh chưa thoát khỏi vòng quay của bánh xe luân hồi sanh tử, người sanh ra ở nhà nầy nhà khác, tỉnh nọ tỉnh kia đều là nguồn gốc họ Hồng Bàn, do nghiệp mà đầu thai khác chỗ, giống như anh chị em cùng cha mẹ sanh ra, lớn lên cưới vợ gả chồng lập nghiệp có khi do hoàn cảnh đẩy đưa mà mỗi đứa ở cách nhau xa. Rất là thắm thía khi ta đọc những câu sau đây của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

Làng gần chí những tỉnh xa,
Lúc xưa thì cũng ruột rà với nhau.
Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.”
Thưa quý vị, nói theo lời Đức Thầy thì hôm nay, cả những người ngồi trên xe nầy mang quà đi cứu trợ là cứu cho những người anh em ruột thịt của chúng ta đó.
Còn nhớ, Đức Thầy viết bài “Khuyên Người giàu lòng phước thiện” ngày 25 tháng 2 năm Canh Thìn hướng về sự cứu đói đồng bào miền Tây Nam Việt bởi năm Kỷ Mão đồng ruộng bị lũ lụt dâng cao quét sạch mùa màng như những câu:
“Hỡi kẻ sang giàu cứu nạn trôi.
Nạn trôi lúa ngập đói còn xa.”
“Mắt nhìn Kỷ Mão vừa qua,
Gẩm trong thiên hạ nhiều nhà thiếu cơm.
Ruộng đồng chẳng có rạ rơm,
Trâu Bò ngóng cổ nhà nông héo lòng.”
Đức Thầy diễn tả cảnh nhân dân phải chịu đói khổ thảm thiết trong năm Kỷ Mão, nghe bắt động lòng thương cảm:
“Sột sột nhà sau mụ vét nồi,
Ông chồng quần áo rách lôi thôi.
Bầy con ngơ ngác đòi xơi bữa,
Lũ nhỏ giành nhau lấn chỗ ngồi.
Khua đủ mèo mun ngờ chủ thảo,
Muỗng rơi chó Vện tưởng cho mồi…”

Nói lên cảnh thiếu thốn tận xương tủy, cơm ăn cái kiểu “mụ vét nồi, sột sột” là biểu cảm dùng bữa chưa no nên mới có vụ “Bầy con ngơ ngác đòi xơi bữa”, cơm ít, nếu bửa ăn, vào ngồi chậm trễ hơn là không no nên “lũ nhỏ”phải chen lấn ngồi trước. Chủ nhà thiếu ăn như vậy thì thử hỏi những thú vật nuôi trong nhà có đâu đỡ lòng? Người đói ăn, chân tay run rẩy làm rơi muỗng đủa là lẽ thường nhưng mèo chó tưởng chủ nhà thảo ăn… cho chúng… rất là tội nghiệp.
Viết bài “Khuyên Người giàu lòng phước thiện” Đức Thầy kêu gọi hảo tâm của bá tánh nhưng không quên đề cao những nhà giàu, nếu họ chịu mở lòng sẽ giúp được nhiều người:
“ Cả kêu cùng khắp xóm làng,
Mấy Ông điền chủ cứu nàn mới qua…
Bà nào góa bụa hữu tài,
Tiền nhiều đất rộng cò bay mút đồng.
Cơn nầy bố thí cho xong,
Để khi nhắm mắt bên chồng giành chia.
Ông Bang các chợ, xẩm hia,
Tiệm hàng thạnh mậu nhờ dân ruộng vườn.
Ngày nay thất bát khá thương,
Tiền nong chẳng có cơm lường cho qua.”
Để kết thúc bài khuyên làm phước thiện:
“Khá thương những kẻ bần cùng,
Tâm lành dư của hãy dùng vào đây”.
Thời điểm của năm 1939 – 1940 chắc trên xe mình đi đây không ai nếm phải vị đắng cái nghèo cùng cực của năm 1939 lũ lụt dâng lên nhận chìm ruộng lúa đến đổi Đức Thầy phải cất tiếng than “Ruộng đồng chẳng có rạ rơm, trâu bò ngóng cổ nhà nông héo lòng”. Xin thưa với quý bà con, đồng đạo, tuy chúng ta không nếm phải vị đắng của năm Kỷ Mão để chứng kiến cái cảnh “Bầy con ngơ ngác đòi xơi bữa, lũ nhỏ giành nhau lấn chỗ ngồi” trong bếp mụ vét nồi, ngoài  thì ông chồng áo quần lôi thôi rách rưới… Chúng ta may mắn đã đọc được bài viết của Đức Thầy “khuyên người giàu lòng phước thiện” mà cảm nhận nổi thống khổ đáng thương tâm đó.
Đức Thầy dạy khuyên bổn đạo nên “giàu lòng phước thiện” cứu nguy cho những người chịu hậu quả cảnh nước lụt của năm Kỷ Mão, lúc đó chưa có ta. Giờ những người anh em ruột thịt của mình ở miền Trung, lũ lụt nơi đó độ thiệt hại còn cao hơn gấp mấy lần nếu đem so với cảnh khổ “ruộng đồng chẳng có rạ rơm, Trâu Bò ngóng cổ nhà nông héo lòng” của năm Kỷ Mão. Mùa màng xin thôi đừng nói tới. Theo như những thông tin trên mạn internet có hơn hai mươi ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi mất xác, nhiều ngôi nhà còn đó nhưng hư nặng. Rất đau lòng khi thấy hai nhà hai phụ nữ, một trẻ một già, trẻ ngồi trên nóc nhà lá, dáng điêu tàn rách rưới, bà già ốm yếu, dở trổ mấy miếng ngói lên ngồi trơ mình ra đó chịu gió mưa mà bốn phía nước bao vây; nếu như bình thường không cậy nổi sức già leo lên tới nóc như vậy đâu. Thần chết của thiên tai rượt tới thì phải rán hết sức già chống cự, may thay hai người phụ nữ còn sống để kể lại một trận bão lũ kinh hoàng cho con cháu đời sau biết.
Với hơn 20 ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và rất nhiều rất nhiều những căn nhà bị hư hại nặng, sống được là chỉ còn tấm thân trơ trọi với bộ đồ mặc dính da, những người anh em ruột thịt xứ bão lũ nầy rất cần sự giúp đỡ của tình đồng bào mọi giới. Được biết M C  Phan Anh đã tình nguyện cho năm trăm triệu cứu khổ lũ lụt miền Trung và mở tài khoản kêu gọi lòng thương cảm của mọi người thì giới chủ cả trong nước cũng xin gởi tiền vào tài khoản của ông ta tiếp cứu trợ. Giới nghệ sĩ xưa kia phần nhiều rất hẩng hờ với bà con nông dân nghèo khổ nay cũng ra trận; được biết những đoàn từ thiện PGHH ở các tỉnh miền Tây Nam liên tiếp tổ chức mang hàng đi cứu trợ vùng lũ lụt nói trên, cũng như chúng ta hôm nay, là những người không chuyên nghiệp tổ chức cuộc vận động quyên góp, nhưng với tâm thành cộng thêm sức kiên trì của bà con huynh đệ đi trên xe tình thương nầy chúng ta cũng thành công một chuyến cứu trợ.
Với tư cách một thành viên trong đoàn cứu trợ tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối tất cả quý vị.
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo và Đức Thầy gia hộ cho đoàn chúng con vui vẻ mạnh khõe làm tốt công tác từ thiện.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


 24/11/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét