Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Thuyết Trình Đề Tài:
SỰ TRÚ ẨN CỦA PHIỀN NÃO

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.
Xin kính chào chư quý đồng đạo.
Hôm nay tôi xin thuyết qua đề tài “Sự Trú Ẩn Của Phiền Não”.

Trú Ẩn là gì?
Trú là chốn ở. Chúng ta thường nghe nói trú ngụ hay thường trú. Ẩn là không hiện, người ta thường dùng là đi ở ẩn, ẩn tích, ẩn tàng, ẩn chứa.
Sự Trú ẩn của phiền não là phiền não đã ở ẩn trong các công việc, ngay cả việc từ thiện, công tác Phật Sự.
Chư Đồng đạo thân mến! Đi vào tiến trình Học Phật qua học sử Phật Giáo, đệ tử Phật, những vị tu chứng Thánh Quả A La Hán được tặng cho danh hiệu “Bố Ma”. Ma ở đây là chỉ cho “Giặc Phiền Não”, Đức Huỳnh Giáo Chủ gọi là “Vọng Niệm Chúng Sanh” và Ngài diễn tả bộ mặt của những tên giặc phiền não, vọng niệm chúng sanh ấy để chúng ta biết mà trừ đi. Luận về Bát Chánh Đạo của Phật, mục Chánh Mạng Đức Huỳnh Giáo Chủ Viết:
 “ …Ở đời người ta hay lấy xác thân mình làm gốc và hay quí trọng săn sóc nó. Ấy cũng do lục căn mà ra: nhản, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý. Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi ưa ngửi hương thơm, lưỡi ưa đồ ngon béo, thân ưa sự sung sướng, ý ưa chức phận cao.
Người ta tìm đủ phương thế bổ dưỡng thân xác mình, làm cho trí huệ càng ngày càng thêm mờ ám, ngu đần, không còn lo lắng đến sự tiêu diệt.”
Cũng trong Luận về Bát Chánh Đạo, Đức Tôn Sư ta còn diễn tả tướng dạng của vọng niệm chúng sanh qua phần Chánh Niệm để hành giả biết mình phải làm vì và không tạo cơ hội cho vọng niệm chúng sanh có nơi trú ẩn.
Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng. Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao nhiêu tâm cơ, bao nhiêu trí não để phụng nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền phú quí… được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường, không thoát khỏi vòng sanh tử.
Để thoát khỏi luân hồi bỏ cuộc đời lầm than hoạn họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành đạo bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật Giáo. Phải nhớ rằng xác thân do tứ đại(đất, nước, lửa, khí) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy ta mới bỏ được các sự xúc động, các mối dục tình tránh điều lụy khổ do nó gây nên.”
        Người quy y đạo Phật là nguyện đi theo con đường Phật đi. Khi còn là Sĩ Đạt Ta Ngài chịu ngấm mình sáu năm trong núi tuyết, ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề, lắng đứng vọng niệm chúng sanh để chủ trì tâm Phật hằng hữu. Nay ta đi theo Phật diệt vọng quy chơn thì phải làm lính bố ma giữ yên sự nghiệp đạo Phật.
Nhưng phiền não không thật có, nó tác động bởi con người nhận ngụy làm chơn, là bống dáng khi ẩn lúc hiện của khi thửa lòng hành giả có mây vô minh hay không hoặc lúc có nhiều lúc có ít. Thừa lúc lòng dạ tối đen bởi vô minh thì phiền não xuất hiện, lòng dạ tối đen ắc mê muội đến rờ đầu rờ cổ bạn tình chung suốt, chẳng phân biệt được là chơn hay vọng để mà trừ vọng hoàn chơn.
Người chiến sĩ Như Lai, mắt thấy, tai nghe, mà lòng không gây sự, không có tính chiến trường, giành giựt, thì hiện trường không phải là chiến trường, thấy nghe vẫn tu được. Thấy nghe không bị cản trở hành trình về Phật là thấy nghe không gây sự, không có giặc đâu đây. Đi từ sóng lặng gió êm mà qua sông. Nhưng nếu người chiến sĩ có bị gây sự khi mắt thấy tai nghe, chớm nở Danh, Lợi, Tình, ái ố, là giặc khởi động chiến trường, vừa thấy bống giặc hãy chiến đấu khi giặc còn ở xa, đừng chờ nó tới “xáp lá cà”coi chừng mất mạng. Chiến đấu giặc gì đánh xáp lá cà còn thắng chớ giặc tình cảm mà xáp lá cà là trăm trận trăm thua.
“Cư Sĩ Canh Điền” tu qua nghề làm ruộng, giữ lời Phật dạy không ham giàu nên không bận rộn về vật chất, tiền bạc
“ Ta là cư sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.
Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”
Cuộc sống ít tranh đua Có được nhiều thời giờ niệm Phật hành thiện sẽ tốt hơn. Đường tu Nếu không cẩn thận mài mò pháp môn thì tâm chạy lung tung, mười chạy lung tung là hết chín phần cấu nhiễm danh, lợi, tình; ái ố sân si, như câu chuyện sau đây, dầu chưa phân thắng bại nhưng bị giặc quất mấy cái trúng siểng niểng sức kháng cự yếu đi.
 Hôm qua cuốc đất còn Niệm Phật được, nay tâm sao hết sức là lu bu, tính mua thêm vạt đất của ông cận bên, tiền không đủ, tính, tính, tính… phải đem giấy chứng khoán ruộng đất đến ngân hàng thế chấp…
Chuyện tôi kể, không phải thứ chuyện đời xưa bên Tàu bên Tây, ở ngay Việt Nam, là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo:
Anh Mau trằn trọc không ngủ, vợ anh nằm bên bị ông chồng lăn lộn có lúc tặc lưỡi, khó dỗ được giất, bực mình chị ta cằn nhằn:
- Ông làm gì tới nửa đêm, gà gáy 2 chập rồi mà cứ lăn lộn, có bệnh hoạn gì không?
Anh Mau không đáp chỉ thở ra rồi lại thở ra khì khì, vợ anh đeo đuổi:
- Không bệnh thì là cái gì mà cứ thở ra như bị rược chạy?
- Bà làm ơn nhỏ tiếng một chút có được không? Nói cho bà nghe, dãy đất cận bên phía phải của mình bán, tôi định mua đất đó.
Bà vợ lồm cồm ngồi dậy, nói:
- Tôi nghi có sai đâu! Mấy bửa qua tôi thấy Ông có vẻ lo lo làm sao ấy, đi tới lui với chú Chỉnh tay cờ bạc có tiếng trong làng. Xét Ông cập bè cập bạn với chú ấy chỉ làm hư thân một tín đồ PGHH… tôi lo sợ mà chưa nói.
- Bà nói chi mà nhiều thế, kết cuộc có ủng hộ tôi không?
- Tôi lạy ông! Hãy nhìn lại ông xem đã chừng nào tuổi mà ham sắm đất? Mầng mụn cả đời, có lúc ăn ngủ ngoài đồng còn chưa chán. Hồi đó ngủ đồng, đang đêm Ông bị trúng gió nặng, tưởng đã chết ai dè là chết giả, vì tuổi còn trẻ, mạnh sức lướt khỏi. Nay bống chiều đã ngả làm ơn cho cái thân già thảnh thơi một chút. Già rồi thì nên thi đua công đức, phước đức, sợ chẳng bằng ai chứ ở mà lo làm giàu, tranh đua chi cái giả thân, chừng chết thằng cha nào cũng bị lắc núc áo. Đức Thầy dạy “Miễn cho được ngày hai cơm tẻ, buổi bần hàn đặng có tu thân”. Có hai vợ chồng già mà mười công ruộng không bãnh hơn nhiều người cả nhà không có đất cắm vùi. Ông có đói bửa nào chưa?
- Đói thì không lo, nhưng đất kế bên mình để người ta vô mua là uổng lắm.
- Đất của người ta chứ của mình đâu mà uổng giùm? Tôi coi bộ Ông tu ngày giống anh út … đến đâu cũng thuyết Lý Vô Thường, “ đời tới” mà hễ ai kêu bán đất là giành mua trong khi ruộng nhà mầng ăn không hết. vợ chồng với nhau nói thiệt, tôi không ủng hộ ông mua vạt đất nầy.
Anh Mau tuyên bố quyết tu, đi chưa mấy xa bị địch dụ dỗ, mất phương hướng Niết Bàn. May có vợ ủng hộ, cân nhắc việc phải trái, tiếp thêm cho anh sức mạnh tinh thần, hiện lên mục tiêu để chồng tìm lại. Mấy hôm sau ra đồng dọn cỏ đất lúa, từ nhà ra ruộng vừa đi vừa niệm Phật, không biết giặc phiền não ở canh từ lúc nào mà mắt anh thoán thấy miếng đất kêu bán là chúng nhảy vô cắt đứt tiếng niệm Phật. Anh Mau hay không quá muộn, rút gươm ra chém. Tay gươm của anh mạnh lắm, vụt xuống, mấy thằng giặc không cầm cự nổi, rút lui, để anh Niệm Phật đi tới.
 Như quý vị biết, lòng không giặc dậy đường tu rất ngọt, nhơn rộng sự tu ra chỗ mình chưa tu. Lúc mới phát tâm theo đạo, cố gắng tu ở hai thời cúng nguyện mà khó khăn đến phải trợt lên trợt xuống, rớt té bầm dập thửa lòng, có khi còn bỏ cử là khác. Nhưng tu lâu mỗi lúc mỗi sáng tâm, không chỉ tu ở ngay cái bàn thờ với 2 thời cúng lạy là đủ mà còn phải nhơn rộng sự tu ở các chỗ các nơi, như người lính chiến giữ an ninh, muốn khắp nước đều được an ninh chứ không chỉ an ninh trong đồn bót mà hở ra ngoài toàn là giặc, vô minh dày đặc. Lần theo lời dạy của Đức Thầy “ Đường đạo Đức bước đi từ nấc” phải tiến mình lên như em học sinh mỗi năm mỗi lên lớp.
        Tôi xin kể hầu quý vị một chuyện nữa:
Cô hai Sương cho đứa con học, thằng nhỏ ham chơi, đến cuối học kỳ không lên lớp. Cô giận lắm, mắng con cả xóm đều nghe:
Mầy ngu quá! Học kiểu gì đã mới lớp dưới thấp còn không leo lên được huống sau nầy phải cao hơn! để mầy đi chăn vịt giữ bò chứ học chi cho tốn, nữa được gì?
Ở hàng xóm, cô kia chưỡi con cô ta mà anh năm Cẩm nhói đau lòng tự trọng, xét lại bản thân quy y PGHH, học cái lớp “Chay qui tắc” cúng lạy hai thời đến nửa đời người, đọc đi đọc lại nhảo nhề cái câu “ Đường đạo đức bước đi từ nấc” mà ngần ấy năm tu có lên được nấc nào đâu? Con nít đàng xóm học hành chỉ một năm không lên lớp còn bị mẹ mắng ngu, hăm đày đi chăn vịt giữ bò, mình theo Thầy học đạo đến nửa đời người mà còn y một lớp “Qui Tắc chay bốn ngày”có đáng bị mắng ngu không chứ?
Tự ái dồn dập, anh Năm Cẩm động viên hối thúc vợ con trong việc tu, từ nay trở đi tu lên lớp mỗi năm. Nấc thang phải lên trước nhất là dùng chay trường, còn việc tu, ngoài hai thời cúng nguyện sớm chiều ra, lúc rảnh công việc thì niệm Phật xem kinh, hoặc đi làm từ thiện, như vậy cũng còn thấy chậm so với nhiều năm tu đứng chựng tại chỗ. Hôm trong giờ nấu ăn, vợ anh lu bu công việc làm món ngon, sắt gọt chiên xào trong bếp, anh đến ghé xát tai vợ hỏi han:
- Làm nảy giờ có nhớ tu không?
Vợ anh không đáp, cười bẻn lẻn. Anh không bỏ qua, hỏi nữa:
- Có tu được hay không thì trả lời, mắc cở gì chứ!
Chị ta mỉm môi, đáp khẽ:
- Không nhớ.
- Hãy gắng công  lên chút!
Con gái anh cầm chổi, quét hết trong sân nhà ra đến đầu ngõ, cặp mắt cứ liếc ngoài đường. Anh Cẩm đến từ sau lưng hỏi con:
- Quét nhà có tu được không con?
- Dạ được ba à.
- Được ra làm sao ở cái tâm con ba không biết, nhưng thấy con liếc mắt ngoài đường chứng tỏ con không trụ tâm; không trụ tâm tu dính vô đâu?
Con gái không đáp, cúi đầu trước cha cầm chổi hai tay đi vào nhà.
Lần nọ cả nhà ngồi quay quần dùng cơm, anh Cẩm có quyết tâm tu trong bửa ăn nên hạn chế trò chuyện với nhau trong bửa toàn những chuyện không đâu. Hôm nọ bà xã nấu món ngon, đãi như đãi khách, đồ ăn ba bốn món. Anh dùng tự nhiên và trong tỉnh lặng không để dạ ngon dở chen vào; vợ, con anh, nhất là cô con gái, gắp một đủa cắn phân nửa mồi ngắt ra, chớp chớp mắt để thưởng thức, khen đáo để. Anh Cẩm dùng xong bửa, bà xã hỏi có ngon miệng không anh trả lời kiểu rất là hà tiện:
- Cũng được!
 Anh đút đôi đủa lên lòng bàn mâm, cô con gái nhại miệng hỏi:
- Nay mẹ vất vả nấu món ngon cho cả nhà tẩm bổ. Không vừa miệng sao thôi sớm vậy ba?
Anh đáp:
- Trong bửa ăn ba ít nói, chỉ có niệm Phật mà ăn, niệm phật không cản trở việc ăn, ăn không cản trở niệm Phật. không bị cản trở nên ba ăn nhanh thôi con gái.
Mẹ con nhìn nhau cười yếu ớt.
Anh Cẩm làm chuyến xe đầu và cũng từ đó cả nhà anh ít nói chuyện khi dùng cơm, niệm Phật chắc phải được nhiều hơn. Ngoài xóm biết chuyện nhà anh, nhiều người khen anh là “ cao thủ” mới hạ gục cái tập quán đủ thứ chuyện trên đời kéo về bửa ăn, nhưng cũng có người trách anh làm vậy là quá đáng. Anh không để sự khen chê làm rối lòng, đời ai ăn được nấy no chứ ai ăn no giùm người khác? Niệm Phật nhiều thêm, hay hơn để chuyện trần duyên muốn làm gì làm. Nhiều người tu bị dục vọng đánh té ngả đở lên không được, vô minh chen vào đặt khu tự trị làm đen đúa lòng người tu, sai khiến làm chuyện bôi trai phá giới. Nhà tu phục tùng theo chúng thì còn nên thân nên hình gì nữa?
 Trách anh với chủ trương Niệm Phật trong lúc dùng bửa là chuyện quá đáng, họ chỉ là con số ít, có lẽ đầu óc họ cũng ngán ngẩm niệm Phật, thích niệm chúng sanh mà bị cản không cho niệm là khó chịu. Trong giờ dùng bửa cho cả nhà, nếu không có sự đề cao cảnh giác vọng niệm chúng sanh dễ hội tụ. Sự Sanh ra của con người, chúng ta cho là có hẹn đi, nhưng tử thì đâu có hẹn. Ai biết được chừng nào mình chết? Có người bị bệnh nhừ tử, trong nhà âm thầm lo chuyện hậu sự mà không chết, có người chưa phát hiện được chút bệnh hoạn nào, chưa có dấu hiệu chết gần mà lại chết ngang xương. Có sự chết ngang xương như vậy, ví có thể chết ngang xương trong lúc ăn mà cả nhà đang trò chuyện những chuyện không đâu, ra đi với cái tâm ngay lúc đó không một chút đạo đức, hằng ngày niệm Phật quyết liệt cầu vãng sanh Tây Phương mà tới cái lúc ăn thua thì lại không nhớ niệm để thua trắng … Nếu sự Niệm Phật làm chủ tình hình trong bửa ăn tất nhiên vọng niệm chúng sanh không còn đất để sống, đâu ở đó mà phá tán. Nhà anh Cẩm mỗi lúc nhiều khách đến, xin được ở tạm tu chung, nhà thành đạo tràng, khách thiền môn có đến với vài tên phiền não ngoan cố cũng bị đạo tràng đuổi ra. Tươi vui niềm đạo, thuyền trên sông, nước phẳng lặng một màu.
Lỡ một chút đường tu không xát khít, có kẻ hỡ, niệm bất giác chen vào với cường độ mạnh, sóng vỗ mây che, tối tăm mày mặt qua chuyện đồn đải vu vơ của người khác: con gái của anh đã tỏ tình với một chàng trai, và đôi trai gái nầy đã  qua một vài lần hò hẹn trong chỗ vắng người. Anh cẩm vốn người rất trọng luân thường đạo lý, chuyện lứa đôi phải trong phép tắc, anh cảm nghĩ mình bị sỉ nhục nặng. Nghe như chuyện long trời lở đất, nóng nảy kìm cái tâm không được, anh bỏ ngay công việc từ thiện cho ai làm gì thì làm. Cố gắng niệm Phật trên đường về nhà mà câu niệm nào cũng bị dập nát ra như cái máy hát bị nhai băng. Lòng tự hào về con…tức, buồn…
Anh về nhà với gương mặt đỏ đỏ, mắt không hiền, nhưng vợ anh không nhìn kỹ thái độ ông chồng bấy giờ, hỏi vô tư:
- Bộ, nay làm từ thiện suốt nắng sao mà mặt mày đỏ ké?
Anh không trả lời, nhưng chị không để ý khuôn mặt khác thường của chồng, vẫn hỏi tiếp:
- Bộ, không đội nón khăn sao?
Kẻ hở lại được nước hở thêm, mất hết tinh thần đạo đức. Anh nạc ngang:
- Bà im đi không!
- Ông…
- Con Nết đâu rồi, bà kêu nó cho tôi hỏi chuyện.
- Bộ con nó làm gì không phải?
Anh Cẩm không trả lời, mặt hầm hầm.
Nết không hay chuyện gì xảy ra, tâm thần tự nhiên, nhưng anh Cẩm, vừa thấy mặt đứa con gái là nổi nóng, tấn công ngay điểm người ta đồn tiếu. Con anh tức tưởi khóc xước mướt…
Thật sự thì chuyện đồn đãi kia không có. Nhà người đời có cậu con trai thương Nết lắm, cậu ta  hỏi chuyện lứa đôi mấy lần Nết đều không chịu, nguyện giữ hạnh độc thân tu suốt kiếp. Dầu bị nàng nói câu chấm dứt, nhưng nam đời si tình không quên được, nuôi hy vọng… Nam đời không có dịp gần gủi học trổ tài nói dai. Trong chuyện lứa đôi người ta thường bảo “ không đẹp trai mà nhờ có tài nói dai cũng ăn được”. Làm Phật Sự, công tác từ thiện, Nết có đi chung chuyến xe đông người đem hàng đi cứu trợ những vùng bị lũ quét, trong số đông người có vị nam tu, con chú sáu Lớn thôn cận bên, vị nầy thật tâm thật ý tu hành, không để lòng nhen nhúm tình cảm lăn nhăn. Nết thân mến vị nam tu, xem đây là đạo huynh gương mẩu, thường gần gủi học hỏi, kính trọng không lờn. Cậu trai nhà đời tức mình vô duyên đưa tin phá cho đở tức. Chẳng nhè cha cô Nết quá cao lòng tự trọng, tự hào về con, nghe tin phát thẹn lên, cảm xấu mặt không dám nhìn ai, luôn nhiều ngày tự ti mặc cảm, gay gắt. Giặc ở đâu? Mang về nhà làm trường tu trong nhà bị bể nát. Những đồng đạo ái mộ uy cách tu của nhà Cẩm, đến xin tu chung thấy nết giận của người huynh trưởng quá trớn cũng đã lặng lẽ ra về.
Anh Cẩm có người bạn đạo rất thân, tình như ruột thịt, Ông ta nghe tin nhà bạn có chuyện chẳng lành, đến khuyên:
- Con anh nó nói không có chuyện đó, anh ép cháu chi vậy?
- “Không có lửa sao có khói”?
- Chuyện vậy anh cũng đem khói lửa ra áp dụng. Thiệt lấn lướt!
- Không có sao người ta đồn?
-  Người ta đồn là có sao! Thế người ta đồn anh háo danh, khoe khoan tiêu điểm Niệm Phật trong bửa ăn để người khác ái mộ đến xin tu chung là có thật sao?
- Anh nghĩ tôi là loại người như vậy à?
- Nếu đó là điều cay đắng sao anh đặt ra với con anh ?
- Không phải vậy sao nó không đi đối chất để rửa nhục.
- Nó tự thấy không có nhục, anh kêu nó rửa gì chứ? Thế người ta nói anh tu háo danh, anh có cần đi chưỡi người đồn để rửa nhục không?
- Tôi,.
- Anh à, nói cho cùng, con anh muốn tu độc thân hay lập gia thất là quyền của cháu, anh không thể cấm cản, Đức Thầy chúng ta nói rõ “ Tu không tu cũng không mời thỉnh”. Có được Thầy dạy như vậy, tôi thấy anh đi hơi quá trớn. Còn anh bảo, muốn chứng minh cho lòng trong sạch thì nó phải đối chất là anh ép vị tu hạnh Bồ Tát đi minh bạch việc xấu của người. Anh đọc truyện Phật Giáo, Thị Kính là nam hay nữ? Anh biết rõ là nữ giả nam chứ gì? Thế người ta khai ra, Thị Mầu lén lút với Thị Kính mang thai. Chuyện chứng minh bà ta vô tội đối với bào thai thị Kính dễ quá phải không? Nhưng sao Thị Kính không làm để Sư Phụ trụ trì đuổi ra hành lang chịu nhục? đóng vai anh là Thị Kính, cứ đụng chuyện nóng vội nóng vàng thì bây giờ đâu có Bồ Tát Quán Thế Âm!
Đồng đạo trong xóm và những xóm làng lân cận đều nể nan nhà anh là một trường tu, là bống mát bên đường cho khách đăng trình giải mệt. sự cố chấp của anh là tự hạ thấp bống mát của mình, có chút đồn tiếu bên ngoài, giận lên kéo giặc về nhà cho phá bung sự nghiệp. Hành động anh làm chưa phản ảnh đích thực điều răng cấm thứ bảy của Đức Thầy. Tình đồng đạo tôi khuyên anh, hãy bớt những chuyện ngoài sức của mình. Ai cũng có trách nhiệm với bản thân và Thầy Tổ, ta đừng bắt buộc họ phải làm thế nầy thế kia với ta nữa. giá như một chuyến tỵ nạn, đồng hành gồm có mười người, giữa chừng bổng một người chết, chín người còn lại sao nào, chết theo hay quày về chịu chết với khổ nạn, hoặc tiếp tục hành trình? Anh nói giùm tôi đi! không gì sự chết chóc của một người mà chín người bỏ cuộc chứ? Anh chọn giải pháp nào nhỉ, tiến hay lui? Giá như chuyện của cháu Nết là có thật, nó không chịu đi độc thân trên lộ trình nữa thì thôi, tẻ đường rủi sau nầy gặp khổ thì rán mà chịu ở sanh sự chi cho tổn cái tâm đức.
Anh Cẩm nghe bạn phân rất thấm lòng, không luận đối lại. Tuy anh chưa nhận việc cố chấp mà nóng nảy, sanh sự, chuyện trên là sai, nhưng trên gương mặt anh đã có sự hoan hỉ, không còn nét giận hờn.
Tu cửa miệng dễ hơn tu qua hành động, lý luận suôn không chưa đủ mà cần phải chảy gở cái tâm cho được suôn theo. Muốn tu tiến, chuyện vì nên để ngoài tai, ngoài mắt.  Những giàu nghèo, hơn thua, cao thấp sẽ làm bẩn trí, ngầu đục tâm phàm. Hiểu biết sâu lý luận giỏi mà lòng cứ mở cửa cho vọng niệm chúng sanh chen vào dành chỗ ta kính riêng cho Phật. Xảy ra chỉ một kẻ hở, nếu ta để cho vọng niệm chúng sanh ngự trị lâu, choán chỗ, lòng đầy tăm tối thì Phật sẽ không đến.
Tóm Kết:
Sự Trú Ẩn của Phiền Não là đề tài khuyên hãy gìn lòng mà tu. Phiền não thường là xuất hiện từ trong lòng ra, nếu ta tu ngay trong lòng, thắp sáng trí huệ không còn chỗ cho phiền não trú ẩn. Đừng để chuyện không đâu làm rối trí. Thế gian là cõi giả nên tất cả những vì trong thế gian đều là giả như nhau. Ta đừng làm trái đi sự Học Phật mà chúng ta biết thế nào là Ngụy thế nào là Chơn, hiểu rõ ràng thì phải mau mau mà theo chơn bỏ ngụy. Tất nhiên lòng thưa bớt vô minh, mây không tối đen, sự nhìn nhận không lộn lạo, giặc phiền não, vọng niệm chúng sanh không còn nơi để trú ẩn. An ổn sự tu, tiếp nối giác ngộ, lỡ mất tu một chút liền giác ngộ nối liền theo đó. Không có nơi trú ẩn thì vọng niệm chúng sanh muốn trêu ghẹo, ám hại cũng phải từ xa đến, lâu mất thì giờ, không kịp chúng ta hết mê giác ngộ. Ví như người lính chiến đóng đồn, hàng ngày thường mở cuộc hành quân, đẩy giặc ra xa, có lỡ vui chơi quên canh một chút, chung quanh không có giặc, đồn bót êm ru. Nếu cất đồn để ngăn giặc giữ an ninh cho dân mà không siêng hành quân đánh giặc, đuổi giặc biệt tăm, lúc nào giặc cũng ở kế một bên, hơ hổng một chút là chết ngay.
Kính thưa chư đồng đạo! đề thuyết đến đây xin tạm dừng. Qua sự thuyết trình của tôi, nếu quý vị có đồng cảm, xin mời quý vị hãy cùng tôi thực hiện hoài bão.
Xin kính chúc thân tâm an lạc, đạo quả chóng viên thành.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát.
Nam Mô Thường Bất Kinh Bồ Tát.
Nam Mô A Di Đà Phật

Lê Minh Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét