Kể Chuyện:
UỐNG ĐƯỢC THUỐC RỒI HẢ
Chị Kim Xoàn luôn mấy hôm buồn bực chuyện nhà, sân hận với chồng tới tột đỉnh chỉ vì anh ta thiếu sự phô trương màu đạo. Chị tu, chồng chị cũng tu, cả hai theo hạnh cư sĩ tại gia Phật Giáo Hòa Hảo. Chồng chị lúc nào cũng với thái độ ung dung, trầm tỉnh, hay nghe, ít hỏi, dở nói. Chị trách Ông chồng sao mà lù khù chẳng thông minh về Phật Pháp cho có danh phận trong đạo, đã khờ như vậy còn không thích đi đây đi đó học hỏi. Theo chị nghỉ có học mới hiểu biết nhiều điều do đó được sáng tâm sáng mắt thấy rõ mục tiêu, tu đúng cách.
Ông chồng khờ, Chỉ khi nào bị vợ ép lắm mới đi đây đó chút chút cho vui nhà, tới đâu được cái nước ngậm miệng chờ người ta dạy, chưa biết có thuộc bài không mà về nhà không biểu hiện, dù chỉ biểu hiện kín đáo một vài nét tượng trưng cho cái công “Đi một ngày đàng”của mình. Lần đi dự đám giỗ chay ở cận xóm, nhận dịp chị Kim Xoàn mời một nam đồng đạo về nhà với thiệu đôi nét thông minh của khách cho chồng so sánh và học hỏi để có cơ hội tiến thân nhưng chồng của chị cũng chỉ chào hỏi, vui vẻ với khách mà chẳng đặt câu hỏi nào cho người ta đánh giá sự quan tâm hay thờ ơ trong việc lập thân hành đạo của mình. Không đặt câu hỏi để người ta biết mình có sở trường gì trong sinh hoạt đạo đức. Thái độ tự nhiên, bình thường của Ông chủ nhà, cho khách có giỏi miệng cũng khó mà tìm được sự thích nghi với môi trường Phật Pháp thì sự đánh giá cho dù là khách quan, đồng đạo chủ nhà chỉ là tín đồ “ hờ ” mà thôi.
Chừng khách ra về chị lằn nhằng:
- Sao anh không tiếp người ta mà học hỏi?
Anh Thể_ chồng Kim Xoàn_ mỉm môi nhìn vợ:
- Chẳng phải Anh đã ngồi suốt và vui vẻ nghe đó sao?
Kim Xoàn ra vẻ bực bội:
- Nghe là một lẽ, ngồi như cây khô mà kể lể sao? có học được hay không mới là điều đáng nói. Đừng để uổng công em đi mời người ta.
Tiếng “đi mời người ta” Anh Thể nghe không vui tai lòng sinh khó chịu mà chưa hay để kiểm soát, lỡ lời trách móc:
- Mục đích của em là mời thầy giáo về dạy kèm anh sao?
Nghe câu nói ẩn chứa nội dung không lành, có ý mỉa mai, lửa trong tâm chưa vì đã bốc khói:
- Ừ, như vậy thì sao?
Sự giác ngộ của người đàn ông trong mái ấm không quá muộn, anh ta cười nói:
- Đồng đạo, trông bộ giận hả? đã lỡ lời không phải với em thì anh xin lỗi.
Kim Xoàn nghe Ông xã kêu mình là đồng đạo, danh xưng thật mới mẻ trong vợ chồng, chị thắng đúp sự giận dữ, gượng dịu giọng:
- Họ cũng đồng trạc tuổi và tu cùng lúc với nhà mình nhưng họ thông minh, lý luận Phật pháp tài năng…
- Anh biết, nhưng sự học đạo của anh khác hơn.
- Cũng là đạo Phật Giáo Hòa Hảo với nhau anh nói học đạo khác hơn là sao?
Anh Thể không muốn kéo dài lôi thôi, ngắt ngang sự tranh cải không cần thiết, giả vờ không nghe, lánh đi chỗ khác, vừa mới nhắc chân, Kim Xoàn đuổi theo tai:
- Sao anh không trả lời câu hỏi của em rồi hãy đi!
Thể đùa:
Khách đã đi về, thôi mình chấm dứt chiến tranh có lẽ sẽ hay hơn đồng đạo của tôi ơi.
Đừng có lợi dụng chỗ đồng đạo mà bảo em tha, anh đặt điều chiến tranh để mà né tránh. Anh trả lời em đi.
- Nhưng em có hết giận chưa thì anh nói?
- Có chuyện nói thì phải nói chứ giận hờn gì!
- Không giận là tốt, chúc mừng em!
- Gì hả?
- Anh học đạo cốt yếu là để hành theo chớ không phải để trưng bày sự hiểu biết của mình qua lời nói, thay vì học nói về giặc phiền não với tính sân hận phải diệt thì anh học cách diệt sân hận để thực sự lòng mình không còn sân hận hơn là phải nói đủ điều về sân hận mà sân hận cứ tác oai tác quái. Em chê anh không thông minh về Phật Pháp anh nhận lời phê bình của em là đúng, nhưng em có chịu nghe anh nói một lần mà đừng buồn không? thông minh Phật Pháp như em, sự hiểu biết nhuần nhuyễn về giáo lý nói suốt ngày không hết, đáng lẽ khi đụng chuyện thì phiền não không sanh mới phải hoặc có lỡ sanh thì một chút là thôi, em có làm được việc đó chưa? Kiến thức hiểu biết về phiền não sẽ làm cho em thích nhưng nó không giải quyết sự bế tắc của phiền não cho em tróng đường mà về Tây Phương được thượng lộ bình an.
Đã được trả lời bằng sự giải thích kỷ cho thắc mắc “ sự học đạo của anh khác hơn” nhưng chị Kim Xoàn không nắm bắt được ý chính để tháo gở sự trói buộc của sở kiến. Chị thuộc dạng “tu đi, tu vui”, tu la làng la xóm lên, uyên náo danh tu cho người ta biết đặng lãnh tiếng thông minh, chồng chị thì trái lại và anh ta không phải là người hẹp hòi khó tính với người bạn trăm năm nhưng chị đi hơi quá trớn, có những quan hệ quá trớn mà anh đã nghe… chuyện chị đi, việc chị cho là học đạo, hành đạo, xét chưa mấy lợi ích cho đạo hay cho bản thân người hành đạo. Không dám nói rằng chị mượn cớ đi học đạo để có vui thích riêng dù sự vui thích không phạm vào luân lý, nhưng anh thấy, vui thích trong trò chơi “bắt bóng chân lý”không phải là yêu cầu của tôn giáo đạo Phật. Có thể chị thật tâm nhưng không thật trí, sự thật tâm mà không thật trí sẽ không phát hiện chính mình bị dục vọng gài cứng trong danh. Chị làm đạo, học đạo đều do dục vọng chỉ huy sai khiến, thích giao tiếp với nhà giàu, với những người có tiếng trong đạo, là trí thức. Anh thấy tánh tình của vợ “Tìm Đạo Quá Mồm”[1], học thêm sự hiểu biết không phải để tu mà là để cậy khôn, cải lẩy cho bằng được những điều mình muốn. Anh không để xảy ra trường hợp nào to tiếng với vợ và thay vì điều chỉnh cô ta anh rán điều chỉnh tâm mình cho vững không bị cô ta làm náo loạn, méo mó.
Chị Kim Xoàn giận không kìm được mà nói là đi tìm chỗ Niệm Phật, chuyên tu hơn để có thuần Phật trong tâm. Nhưng chị đã vào mấy khóa tu chuyên môn rồi, niệm Phật siêng suốt ở Niệm Phật Đường mà chừng về nhà, trong tâm không có Phật theo về. Gượng làm hạnh cách vài hôm thì gai ngạnh mấy lúc trước cũng lại mọc ra đầy mình. Bài chị thường tụng là hay so sánh chồng mình không bằng đàn Ông khác: đàn Ông người ta sao mà thông minh khôn khéo còn Ông nhà mình lúc nào cũng lù khù.
Ấy vậy mà chồng chị thông cảm ra mặt, cho chị có quyền muốn tu cách nào thì tu, niệm Phật nhiều hơn cỡ nào thì cứ niệm. Niệm ở nhà hay muốn đi đâu đó niệm cũng được, anh không cản. Nhưng trong việc tu, điều anh cần là đáp số của Niệm Phật đúng trọng tâm của người tu Tịnh Độ, đúng ý nghĩa của Chánh Pháp từ Đức Thích Ca Mâu Ni dạy Và Đức Thầy nữa, Niệm Phật như thế nào? Niệm Phật để đừng còn niệm chúng sanh chứ gì? Điều nầy phải lấy hành giả làm thước đo chứ không biểu hiện tính thông minh của một học giả. Thấy người ta tu có hơi khác mình là chê dở, nói ngu, còn muốn sanh sự, rầy rà là niệm chúng sanh chớ đâu có niệm Phật. Tự thân mình khổ cảnh phiền não không lo trị, có đi kiếm chỗ đông người Niệm Phật đặng vui mà lấy trớn, cỡ nào thì phiền não của chính mình cũng phải tự mình trị lấy, không thể dựa vào sức tu học đông để người ta giúp đánh tan phiền não giùm mình, xăm xoi việc của người khác, không có lợi cho việc tu tâm.
Mang ý nghĩ của một học giả về giáo lý, ngay từ lúc đầu, thấy Ông chồng sao cứ tối ngày làm“ Vật Chướng” khiến chị tu không yên, chị không ngờ vật chướng mà chị đã gán ghép cho Ông chồng chính nó đã phát sinh từ trong tâm mình, không biết mà sử lý ngay, kiếm chỗ tránh cho khỏi chướng mắt chướng tai không phải là cách hay. Công việc của chính mình có cái không thể nhờ ai đó làm giùm, mình cột gút thì phải chính tay mình mở gút, việc tu không ai tu giùm cho ai. Chị Kim Xoàn tối ngày cột gút với chồng một cách vô ý thức, không chịu “thôi
cột” và mở gút cũ. Nợ mình gây cho đã rồi bỏ trốn, không hóa giải trốn bao lâu nợ cũng còn. Thế nhưng chị cho đó là cách và với vài hy vọng mong manh: May ra, lúc mình đi vắng nhà, chuyên lòng hành đạo, anh ta có tranh tu học với bà xã mà tiến bộ hơn không.
Hết bốn ngày nương thân trong lớp tu vẫn chưa chảy gở những vướng mắc va chạm trong lòng. Lúc ở nhà niệm Phật, Phật cũng có đến rồi đi, giờ chọn chỗ yên tịnh tu chung, Phật cũng đến đến đi đi như lúc Niệm Phật tại nhà, cũng đứt khúc rồi nối lại, cái làm cho đứt khúc mỗi nơi có khác.
Tưởng đi cho được an tâm, chừng đụng chuyện mới biết là không thể. Nhà trường có khuông khổ, nội qui… bỏ ngang thì không đành dạ mà ở lại, nhắm bề nuốt cái “Động”cũng không trôi.
Nghe có cuộc cầu nguyện ở gần chỗ nương tu, lòng liền dậy sóng nhỏ sóng to đủ kiểu mà không hay, nó tha hồ chuyển sóng động tiếp. Phật trong tâm bị bống đen đè lên mất, chừng phát hiện mình xa thực tế thì dục vọng đã đi quá trớn, áp đảo tinh thần, cố gắng Niệm Phật cho Phật ở suốt trong tâm nhưng cứ bị đứt nối, nối được một chút thì cũng đứt nữa, thời gian đứt kéo dài hơn thời gian nối, chị quyết ở thế chủ động không cho đứt và nếu có đứt phải nối lại liền. Kết quả cũng chỉ là quyết nói chứ không quyết làm, chủ động cái thân ngồi lim dim dựng thắng xương xống trên tấm tọa cụ cho có cái “oai đạo” thì được chứ chủ động tâm cho vắng lặng trong sạch là không thể. “Vọng Niệm Chúng Sanh”có sức mạnh hơn, đang làm chủ tình hình, xách vụt chị lại lễ cầu nguyện…
Dự lễ cầu siêu xong đáng lẽ chị Kim Xoàn trở về ngay Phật Thất, tìm lại lộ đồ, dẹp tan sóng gió để đi tiếp trên con đường về Tây Phương được thượng lộ bình an. Nhưng chị không thể, lòng hết ham hố trở lại cái nơi không gian yên tĩnh. Chị tự nhắc ghế ngồi quanh bàn tròn chỗ đồng đạo hai Lý nói chuyện. Anh hai Lý không phải là giảng Viên chuyên dạy người ta tu thế nầy thế nọ, Ông là hành giả, kể cho mọi người nghe việc sai lầm bướng bỉnh của Ông thuở nào.
Kể chuyện vô tư nhưng nhờ Ông là hành giả thành thử cốt chuyện rất lôi cuống, ngọt ngào qua ngôn ngữ bình dân dễ mến, Không hay tự chuyện của mình tình cảnh giống như chuyện của nhà chị Kim Xoàn. Anh Lý đã chữa hết những sai lầm bướng bỉnh của anh mà nói ra đây nó có tác dụng như một tiên đơn linh dược, chị Xoàn mang cùng chứng bệnh ấy uống vào là hết ngay.
Thuốc vào thắm người, thật mạnh mẽ! Chị trở nhanh về nhà ngay lúc chồng chị đang ghiền đọc quyển Giáo Lý PGHH, không hay mà chào người đi trở lại. Gan dạ lên rồi, nhưng chẳng biết phải đi từ đâu để nhận sự không phải với chồng. Chị vả vờ bị cảm, ngả người lên giường cho chồng săn sóc, tạo cơ hội…chị chưa kịp cất tiếng than đau nhức đầu thì chồng chị đã giúp chị phá tan mặc cảm âm u bao ngày:
- Em về là hết giận anh rồi phải hôn?
- Anh ơi em đau đầu quá, bắt gió giùm em đi!
Chồng nghe nói liền đến bên giường đưa tay rờ đầu, tráng vợ không nghe thấy có chút dấu hiệu bệnh. Anh chưa biết phải làm gì thì chị Xoàn cầm lấy tay anh và nói:
- Cho em xin lỗi!
- Lỗi phải gì đây?
- Từ rày em không trách anh tu khác cách, không đòi hỏi phải tu giống người này người nọ nữa…
- Thật sao! Đi mấy hôm, bộ…Em uống được thuốc rồi hả?
- Dạ, ừa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét