Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Tham Quan Hành Hương:

TIẾP, CHUYẾN THAM QUAN ĐẢO PHÚ QUỐC

SUỐI ĐÁ BÀN   


     Vì đường xa còn gặp nhiều chặn khó, chạy xe mà như đi thuyền, chao đảo trên những vợn sóng như sóng lưỡi búa, ghì chặc tay lái khi qua đường đất đầy dẫy ổ gà, những hầm lạn như vũng trâu, những giồng khoai dắt ngang đường, ê ẩm đôi tay mình mẩy mà gặp nhau thì ai cũng cười ngả nghiêng ngả ngửa. Ngồi trên xe như người ta sãi ngựa, thấm mỏi mà lại khát nước muốn bỏng cổ mới đến điểm du lịch suối Đá Bàn.
                    Hình cảnh suối Đá Bàn Phú Quốc

Một con suối lớn nước chảy ì ầm, cây rừng buông phủ tàn che, giữa dòng suối có những quả đá mặt phẳng tròn trịa như cái bàn. Đúng là cái bàn thiệt, lúm khúm những mâm ăn, mâm nhậu dọc dài con suối. Chúng tôi muốn tắm mà chưa có chỗ. Anh bạn đi bên tôi riết mệt rồi than: Hôm nay ngày gì mà qui tụ quá nhiều người chơi suối? Tôi quèo nhẹ bạn một cái để nhắc nhớ: cũng như mình thôi, hôm nay ngày cúng giỗ Quan Thượng mà, sẵn đi luôn một thể cho đông vui chứ có phải ngày bình thường đâu. Theo đường suối dẫn, đi lên thật là cao xa mà hễ chỗ nào coi được mắt là có người dành trước, phải đi lên đến chỗ hết người chiếm trọn khúc sông đầu nguồn tắm cho sướng.

SUỐI TRANH


Suối Đá bàn và Suối Tranh cách rất xa nhưng chọn điểm tham quan thì thời gian nối liền hai con suối. Đến suối Đá Bàn vào thời điểm nắng nóng, tắm ngâm lâu đả thèm, sang suối Tranh lúc chiều muộn, mặt Trời lặng khuất dưới rặng cây rừng, mây bay bay vắt lên những ngọn cây che bống suối làm mờ phai nhan sắc của dòng nước lửng lờ chảy tràn qua gộp đá ánh lên màu trắng reo vui. Chúng tôi đi lên theo dòng nước, cũng như bên suối Đá Bàn người ta tắm đông chen dọc dài theo dường suối chảy, ăn uống đàn hát nhộn nhịp. Trời chiều không mấy gió mà hơi lạnh rờ mình, chúng tôi không còn hứng thú để trì trệ thêm một ít thời gian. Ra về, kết thúc một ngày tham quan trên đảo.


CHÙA HỘ QUỐC (Phú Quốc)22/9/2014

           
Ngày đầu đến đảo chúng tôi nghe nói nhiều về chùa Hộ Quốc với cái danh dự hiếm thấy là được thủ tướng chánh phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự lễ cắt băng khánh thành. Sự kiện nổi bật ấy đã quay chiếu trên nhiều kênh truyền hình. Hôm nay 22/9/2014, theo dự tính ban đầu là hết hạn của chuyến tham quan, về đất liền để cùng chung sống trong tổng Định Hòa mà chờ cái ngày“ Người tới dẫy đầy”xem như thế nào… Nhưng xét về yêu cầu của quý huynh đệ xứ đảo chúng tôi gia hạng thêm một ngày để thăm viếng đôi nhà quen, thời gian còn lại trong ngày chúng tôi liền gọi nhau đi viếng chùa Hộ Quốc.
Ngước mắt lên nhìn Chùa, trông thoáng qua là thích ngay. Chùa cập biển, vượt cao trên mặt đường xa xa, dốc hẩm đứng, trên sân chùa nhìn xuống thấy mênh mông là biển nước. Chùa cất bằng loại gổ quí, đắt tiền. Cột rất to, xưa nay tôi chưa từng thấy cột đình chùa nhà nào mà to như vậy. Tôi thử ôm choàng cây cột, siết chặc vòng tay để về đo ra thước, một ôm thẳng của tôi còn dư ra độ khoảng già 2 tất. Dân địa phương có cùng chúng tôi đi chùa, họ nói: mỗi cây cột với số tiền là hai trăm triệu đồng. Nghe thế, có người trong đoàn chúng tôi đếm hết trước sau là 48 cây cột, xiên kèo đòn tay tính riêng, lên số khối khổng lồ. Chùa gổ nhưng vách dừng là tường xi măng, lót gạch hoa quí. Chùa có hai gian, gian trước thờ Phật, gian sau thờ Tổ
Thờ Tổ có cùng Tam Tổ, vị giáo tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thờ giữa, hai ngôi tả hữu là Tổ Huyền Quang và Tổ Pháp Loa đệ tử kế truyền của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong chánh điện gian thờ Phật có trưng bày 2 bình hoa tặng của thủ tướng chánh phủ Nguyễn Tấn Dũng và tượng Thánh Gióng của đại tướng Lê Hồng Anh bộ trưởng bộ công an tiền nhiệm. Hai bên đông lang tây lang có dựng 2 nhà mát để chuông đồng, cột nhỏ hơn một ít so với cột chùa chánh điện.



                Hình cảnh Sân Chùa Hộ Quốc hướng ra biển 

Tính ra, từ đường xá dẫn xa vào và một ngôi chùa đồ sộ dáng vẻ lộng lẫy như vầy số tiền bỏ vô đó không phải là ít, kém vì cũng vài mươi tỷ bạc. Đạo Phật thuở xưa, chùa là chỗ ở tu của những ai muốn rời xa thế tục, vào chùa là sống trong nếp sống lạc đạo an bần sự tu mới mau khá lên, chỗ tu mà thế tục hóa thì thà tu tại gia không chừng sẽ tốt hơn. Đất nước ta còn nghèo chưa xóa được tên nước mình ra khỏi danh sách những nước nghèo trên thế giới điều đó thủ tướng, đại tướng biết trước hơn ai hết mà lại ủng hộ tạo chùa học thói diện sang để hằng năm cầu xin diện trợ nhân đạo của ngoại quốc thật là khó coi. Có những gia đình chạy ăn từng bửa, nhà dột, cột xiêu, trong đêm đang ngủ ngon mà Trời Gầm là xẹt lửa vô nhà, vợ chồng con cái hú hồn hú vía ôm nhau hoảng sợ. Mưa trên nóc  đổ xuống, nhà dột thì phải dậy mà guộng mùng mền chiếu gối đi tránh nước nhểu, gặp hôm mưa dai suốt sáng, ngồi bó chân ngáp dắn ngáp dài, Phật trên cao ngó xuống cũng thấy thương, dạy pháp Bố Thí, mở lòng từ bi tiếp độ lẩn nhau. Nếu ta nói cứu khổ chúng sanh là việc của Phật, cũng được thôi, nhưng ta tiếp Phật làm công chuyện Ngài làm chắc chắn Ngài sẽ gật đầu khen người Phật Tử hành thiện giống Phật. Nếu ta không cất chùa to như đã nói hoặc cất chùa chỉ tốn chừng trăm hoặc vài trăm triệu cũng ở tu được, không chừng sự tu còn mạnh tiến hơn. Nhà nghèo khổ đôi khi chỉ cần có một triệu xoay xở sự sống chết, 5 triệu hay 10 triệu cứu được vợ con họ lúc bệnh sẽ không chết, chỉ cần 20 triệu để có một chỗ  an cư lạc nghiệp cho họ làm kiếm sống mà không có, để sự nghèo khổ cứ trừng phạt họ suốt kiếp. Một nhà tu sống quá đầy đủ với vật chất qua sự cúng dường của bá tánh, sao không biết san sẻ lại bá tánh nhân dân, nếu đem số tiền cất chùa quá đắc mà ban phát cho người nghèo khổ thì sẽ đỡ lên cả ngàn hộ nghèo đói mà chùa nhẹ màu thế tục hóa, dễ tu.

Gặp bình hoa đề tên thủ tướng chánh phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng thì tôi rất kính Ông là người có duyên với Phật, nhưng nhớ ra, cái thời làm trong ban thủ tướng của Ông rất dài từ phó thủ tướng thường trực đến thủ tướng 3 nhiệm kỳ mà có quá nhiều tín đồ của các tôn giáo bị ngồi tù thì tôi lại sinh nghi…

   

TẮM BIỂN



          Nghe nói tắm biển là tốt cho sức khõe, vì thế chúng tôi tranh thủ thời gian để chiều còn gặp gở một số đồng đạo ở trụ sở Ban Trị Sự PGHH thị trấn An Thới. Đi tham viếng chùa Hộ Quốc về, dùng cơm xong là chúng tôi bàn chuyện rút thời gian nghỉ ngơi cho kịp để không bỏ lỡ cơ hội tắm biển trên một miền hải đảo xa xăm nầy.
     Hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng Chủng người xứ đảo lựa giùm chúng tôi  một nơi tắm vắng tanh kẻ tới chỉ có đoàn chúng tôi thôi tất nhiên bãi biển sạch và đẹp. Trừ Nguyễn Hoàng chủng, và em trai trong đoàn, Đặng văn Ngoãn, không thể bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh quay phim ra, chúng tôi kéo nhau hết xuống biển. Bơi xa kiếm sóng to để nhồi nhảy vui thích, vì không biết tác hại của lượng sóng to thế nào, tôi bơi đưa mặt ra biển hứng, sóng vỗ vào mặt làm tôi bị sặc nước, ngặc người khó chịu, đành phải đứng trân người. Ngưng hoạt động vui chơi trong chóc lác cho cơn sặc qua luồn.  Bậm miệng kỷ cỡ nào thì nước mặn cũng rỉ vào miệng, mình mẩy rít trịt định bụng khi lên bờ cho em trai nào khõe rồ xe đi mua một vài thùng nước lọc để mà giải quyết các cái mình mẩy rít trịt nầy.

Vừa lên bờ thì Nguyễn Hoàng Chủng đến nói với tôi: có cuốc điện thoại mời về gắp, khách đang đợi anh tại nhà em. Quý vị trong đoàn dọm đi tìm bình nước lọc tẩy rửa chất mặn trong người, chỉ một mình tôi, mặc chiếc quần sà lỏn, lưng để trần ôm bộ quần áo ngồi yên sau xe cho Hoàng Chủng lái về với đoạn đường ước tính khoảng năm bảy cây số.


Tôi về chuyện trò với khách lâu mà quý vị ở vui trên bãi biển chưa  về. Họ đi kiếm nước tắm ở một túp nhà gần đó mà các điện thoại đều để khóa trong xe. Tôi gọi mãi hết máy nầy đếnmáykhác, chuông máy nào cũng đổ mà không ai bắt máy vì trong lúc đang “già chuyện”. Tôi lo sợ họ đi lạc. Sự nghi ngờ nầy là có thể vì ngay ngày đầu đến đảo chúng tôi đã bị lạc nhau. Cơm chiều dọn ra, tôi định dùng cơm xong là chia nhiều chiếc xe đi tìm. May thay! Chúng tôi dùng nửa bửa thì mấy người già chuyện đã léo về. Quá trễ, chúng tôi đành phải hủy chuyến thăm đồng đạo ở trụ sở ban trị sự giáo hội thị trấn để đến với bến cảng An Thới.

BẾN CẢNG AN THỚI (Phú Quốc)


       An Thới giờ là một thị trấn, có nhiều phố xá, đường xẻ dọc xẻ ngang. Bốn mươi năm trước tôi có đến đây với vóc dáng của một thanh niên thì chợ này túm húm, nhà cửa thưa thớt, dân số ít oi; nay trở lại thì thấy có sự thay đổi lớn. vóc dáng của chàng trai lúc xưa giờ là ông già quá tuổi lục tuần, cái chợ túm húm thuở nào kiếm không còn đâu nữa, thay vào đó là phố ngang phố dọc, cảnh mua bán tấp nập, tưng bừng. Lại thêm có bến cảng cho tàu thuyền ghé vận chuyển hàng hóa khiến nên chợ nhộn nhịp mà bộ mặt của chợ cũng xinh ra! Chúng tôi xuống bến cảng lúc về chiều, mặt Trời treo xiên bống trên tầng không, nắng còn độ nóng rang rang trên mặt, ấy vậy mà cuộc vui chơi của chúng tôi rất thú vị. xe chạy mới giữa cầu bến cảng, vì quá say cảnh đẹp tôi cho xe đậu lại, lượm hết những tàu thuyền bỏ vào óng kính. Những chiếc tàu mù xa tôi cũng kéo hết mà đưa vô với hình hài không tệ lắm. Quay cảnh no nê, tôi để y chiếc xe nằm giữa chặn đường, lội bộ lai rai, vừa đi vừa ngắm ra múc bến. Trông về phía trước, lô nhô những cụm hòn chôn chân dưới nước, những con tàu đánh cá có chiếc như trôi nổi bềnh bồng trên biển xanh, một số chiếc rẻ nước vào cảng. Những người thủy thủ da mặt nám sạm mắt đỏ hung hung môi đen xì nhoẽn miệng cười đưa ra hai cái hàm răng trắng toác rất có duyên.
Hết lấy cảnh sinh động tôi ngồi trên vành bao cuối bến, nhớ chuyện xa xưa. Năm 1972 mình ra đây dự lễ khánh thành Hội Quán, Đọc Giảng Đường Phật Giáo Hòa Hảo tại vùng An Thới. Mình từ đất liền đi ra với hai con tàu ngập khách, tàu Thuận Lợi và tàu Đại Dương. Tàu Thuận Lợi nhỏ hơn, sức chở có vài trăm người trong khi tàu Đại Dương sức mạnh gấp đôi ba. Chuyến đó tôi đi trên tàu Đại Dương, hầu hết người nam trẻ tuổi bị bắt ở trên mui cho suốt đêm nghe xem sóng vỗ. Phụ nữ ở tầng giữa, ai bệnh hoạn hay già yếu ở tầng dưới nữa, có giường nằm và y tá săn sóc thuốc men. Mui trên của tàu rộng và dài mà người ngồi cũng kín bít. Nhân viên phục vụ trên tàu căn dặn hành khách, có muốn dùng nước hay cần chi thì ngồi tại chỗ lên tiếng sẽ có nhân viên phục vụ mang đến. Đi chung có bà dì, chị ruột của mẹ đang nằm tầng của riêng phụ nữ nghe tin dì bị say sóng ói mửa ồ ồ, lòng muốn lo cho dì nhưng tôi không dám nhắc chân đi đâu.
Lễ cắt băng khánh thành Hội Quán Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo xã An Thới, chương trình có thuyết giảng Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo, số tham dự hơn ngàn người. Từ đó về sau ngôi nhà Phật Giáo Hòa Hảo ở đảo Phú Quốc, xã An Thới ngày thêm nhiều tín đồ mới chung lo đạo sự, từ sau 1975 đất nước sang trang qua Xã Hội Chủ Nghĩa cầm quyền không biết qua thời gian dài, người phát tâm quy y PGHH năm xưa có còn giữ đạo nữa  không?

                Hình bến cảng An Thới, Phú Quốc.

8 giờ sáng ngày 23 tháng 9/ 2014 chúng tôi ra bến tàu cao tốc về lại đất  liền. kết thúc một chuyến tham quan hành hương nơi xứ đảo.
.
30/9/2014
Lê Minh Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét