VẬN ĐỘNG
CẤT CẦU TỪ THIỆN
Cách nay gần ba tháng, nhân dân ở vùng xa nghèo khó
của tỉnh Kiên Giang nhờ chúng tôi quyên góp những nhà hảo tâm bố thí cho cây
cầu kênh qua lộ làng, nhằm giúp đở bà con trong xóm và các cháu học sinh đến
trường. Tôi có đi thị sát hiện trường viễn sứ nầy, nơi có chiếc cầu qua kênh
bằng gổ tạp, thời gian chưa đầy 6 năm thọ mạng đã bị bào mòn đáng lo ngại, có
thể dẫn đến sự không may nếu bà con dân làng còn tiếp tục qua lại trên cầu và
chuyện gì có thể xảy ra… Tôi thử đi trên chiếc cầu ấy, đến nhịp giữa, chiếc cầu
lắc đu đưa làm tôi phát sợ, tôi sụt mình xuống, khom lưng chống hai tay đi gần
như con vật 4 chân. Cảm động nổi bất hạnh của bà con và các cháu học sinh ở xứ
nghèo nầy, chúng tôi hứa vận động quyên góp. Liền đó tôi yêu cầu một vị nào
trong địa phương nầy làm đơn xin phép với chánh quyền sở tại chứng cho cất cầu,
để trên mặt pháp luật mình làm đúng bổn phận của một công dân. Chúng tôi về,
vài hôm sau dân làng gọi điện báo tin mừng đã xin được phép cất cầu.
Theo bảng thiết kế ban đầu, chiếc cầu chiều dài 44
mét ngang 2 mét, tính ra tiền mua vật tư xây dựng là 200.000.000 (hai trăm
triệu). Nghĩ rằng việc từ thiện lớn lao nầy cần có nhiều bàn tay đóng góp, tôi
đi kêu gọi hảo tâm của các đồng đạo quen thân ủng hộ, mặt khác tôi chụp hình
cây cầu, ngày 28/3/2018 tôi viết bài mang tựa đề “ Quê Tôi Cần Một Cây Cầu”
tung lên trang blog Hòa Hảo Lê, face book Triết Lê. Thời gian vận động hơn một
tháng, những chỗ quen thân, nhà có tiền mà cũng hay làm phước tôi hy vọng họ sẽ
giúp nhưng kết cuộc không khá lắm. Những nơi tin tưởng đã khuyên qua hết chỉ
mới vài chục triệu, điều nầy khiến tôi vừa lo sợ vừa chán nản. Chán nản thôi
chứ bỏ cuộc thì tôi không dám, bởi một lời đã hứa với bà con nơi ấy thì thế nào
cũng phải làm tròn lời hứa của mình. Nhưng chính sự chán nản ngấm ngầm đã làm
tôi suy nghĩ một cách liều lĩnh: Tùy duyên đi cho đở bận lòng, quyên góp vài
tháng không đủ thì sáu tháng, sáu tháng chưa đủ nữa thì một năm hoặc hơn một
năm, đẩy đưa riết có ngày cũng đủ thôi.
Tính như vậy, bổng có đứa cháu đồng đạo đến thăm
tôi, hỏi qua việc quyên góp tiền bắt cầu từ thiện nay đã tới đâu rồi, tôi trả
lời: tiền mới chỉ một ít mà mấy chỗ thân tín đã quyên qua hết cả, không còn chỗ
nào thân hơn nữa để kêu gọi hảo tâm. Biết là tôi chán nản cháu khuyên tôi bằng
nhắc câu chuyện Ông Nội tôi, do bắt cầu làm phước mà khi giả biệt cõi đời có
hiện điềm tốt. Nghe nhắc tôi chợt nhớ về Ông Nội, hỏi nhanh: Làm sao cháu biết
được chuyện của Nội chú hả? cháu đáp: lúc bà ba còn sống con nghe bà kể ít nhứt
là hai lần về chuyện nầy.
Đúng thế, lúc ông nội chết tôi chừng 7 tuổi là
cùng. Chuyện ông nội bắt cầu thí ra sao tôi không gặp nhưng những truyền nhân
trong xóm kể lại nhiều chuyện về ông nghe rất hấp dẫn. Ông nội ở giồng Ông Tỏ,
ấp Kiến Bình, xã Kiến An, bà con trong vùng hồi nầy muốn đi chợ mua hay bán đồ
thì chỉ có chợ Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông là gần nhứt. Thuở ấy dân làng nghèo chiếc
xe đạp rất ít người sắm nổi, đầu trên xóm dưới chừng vài chiếc của mấy ông nhà
giàu, nghèo đi đâu thường là lội bộ. Mùa nước lên chống xuồng tắt đường đồng,
mùa khô nếu theo đường làng có sẵn, phải vồng lộ ngã tư Kiến Bình, rẻ ra đường
kênh Ông sáu Nhựa mới quẹo về chợ Vàm Nao, chịu đánh một vòng cung mất mấy giờ
đồng hồ. Mùa khô đi tắt đường đồng nhanh hơn nhiều, nhưng hồi đó, đìa bào mương
rạch trong đồng lại nhiều, người ta sắm như vậy để dụ cá lại ở. Mỗi mùa nước
lên, nước nổi linh binh vài tháng, cá ngoài sông theo nước vô đồng sanh con đẻ
cái rồi nước giựt từ từ, một số cá khôn ngoan theo nước trở ra sông, những cá
mê đồng không chịu ra, đồng dần dần cạn nước, biết không ổn các loài cá rút
xuống đìa bào tưởng là lánh nạn yên thân, đâu ngờ chờ khô đồng người ta tác
mương đìa bắt cá.
Theo đường ranh đất mà gặp cái mương, đìa nước chận
ngang, lội qua ước nhẹp mình mẩy,
Ông nội tôi hay đi bắt cầu chỗ vậy. Cầu hồi đó là cầu khỉ, dân làng nghèo, phần
đông ở nhà tre nên nhà thường hay trồng tre để năm ba năm thì thay đổi xác nhà,
ông nội cũng vậy. Nếu ra vườn nhà thấy có tre già một mình đốn rồi vác đi,
không thì xin tre trong xóm. Những nhịp cầu tre qua một hoặc hai năm thấy có độ
bở thì ông nội thay cây mới vào. Người ta thấy ông nội làm một mình vất vả hỏi
ông sao mà chịu cực vậy thì ông trả lời: tu kiều bồi lộ kiếm phước cho mình,
cho con cháu mình sao lại sợ cực chứ!
Lúc nội chết tôi tuy còn nhỏ, cái gì có thể quên, nhưng
chuyện ông chết với hạnh cách đặc biệt tôi không thể quên được. Sau nầy lớn lên
phát tâm tu tôi biết trân trọng thì chuyện ấy càng khắn khít trong lòng: Lúc ông
nội bệnh nặng sắp giả từ dương thế, nằm thiêm thiếp trên chiếc chõng ở gian nhà
trước, đầu day vô buồng nhà, chân duổi thẳng ra sân đường, các cô chú đã hội tụ
đầy đủ, bổng ông nội kêu đở ông nằm quay đầu lại, kê cho mặt mắt ông nội hướng
ngay ngôi thờ Tam Bảo, chơn dung Đức Thầy, ông gượng mở mắt nhìn ngôi thờ, đôi
môi mấp mái Niệm Phật hay khấn thầm điều gì đó rồi khép mắt lại ra đi trong sự
yên lặng.
Nhờ người cháu đồng đạo nầy nhắc lại chuyện xưa của
ông nội tôi bắt cầu làm phước, khiến lòng tôi giựt dậy niềm tin bao lao sẽ cất
được cây cầu một ngày gần đây thôi. Liền đó, cháu ủng hộ cất cầu 5.000.000. Dường
như cháu là cái trớn đẩy tới, tôi nói với cháu ấy: vậy chú cũng đóng góp
5.000.000 mở hàng muộn nha. Sau việc nầy là duyên lành đưa tới, có cuốc điện
thoại mời tôi đi dự tiệc, sự thật là mình không muốn tham gia chuyện ăn uống
nầy nhưng đang làm công tác lạc quyên, đến chỗ như vậy biết đâu là dịp tốt. May
mắn tôi gặp một Việt Kiều Mỹ nhơn đây tôi trình bày về việc quyên tiền cất cầu
từ thiện, chú em Việt Kiều nầy xin được đóng góp năm trăm Mỹ Kim.
Liên tục mấy ngày sau và sau nữa có đồng đạo gọi
điện thoại đến giúp năm triệu, mười triệu, hai mươi triệu và có người rất mạnh
mẽ, là em trai của Việt kiều nói trên qua một cuốc điện thoại từ đảo Phú Quốc
gọi về, hứa giúp cất cầu năm chục triệu. Trên tin nhắn messenger một phụ nữ từ
Sài Gòn hỏi xin chia sẻ bài viết “Quê tôi cần một cây cầu” để có dịp khuyên bạn
bè đóng góp. Tôi đồng ý và nói lời cám ơn người phụ nữ chưa từng quen biết nầy.
Sau đó quyên không được nhiều tiền, qua một cuốc điện thoại với tôi, cô nói
giọng ngượng nghịu là tiền giúp cất cầu từ thiện chỉ được một triệu thôi, và
con gởi thêm cho chú một trăm ngàn để chú làm lệ phí, mong chú thông cảm đừng
phụ lòng con.
Tôi nói trong bụng: Không mong chú thông cảm thì
chú cũng thông cảm cháu ạ. Đối với tôi đóng góp một triệu đâu phải là ít mà cô
ngại. Quí ở tấm lòng từ thiện, bởi thế từ bao giờ trong nhân gian có câu “của
ít lòng nhiều” ăn thua là tấm lòng, dù năm ba mươi ngàn cũng là quí, mỗi người
giúp một ít, nhiều người hiệp lại sẽ thành ra số nhiều, không phải ca dao Việt
Nam bảo như vầy sao “ Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại nên hòn núi
cao. Với Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy kêu gọi môn đồ “Hiệp nhau làm phước rõ
lòng hiền nhơn”, có làm phước, không những là tu kiều bồi lộ, bất cứ việc giúp
đở nào cho người khác, ít nhiều gì, hễ đúng với mục đích từ thiện đều là làm
“rõ lòng hiền nhơn” cả.
Tính đến ngày rằm tháng tư năm Mậu Tuất 2018 tổng
kê các nguồn vận động quyên góp tài chính hiện có: 160.000.000 (một trăm sáu
mươi triệu) chúng tôi liền kêu thợ khởi công. Toàn đội thợ cất cầu cũng làm từ
thiện, hứa ngày 29 tháng 4 – 2018 sẽ bắt tay vào việc.
Thật vậy, hôm qua, đúng ngày 29 tháng 4 năm Mậu
Tuất (nhằm 12 tháng 6- 2018) đội cất cầu từ thiện là những tín đồ PGHH đến từ
tỉnh An Giang hợp cùng với bà con cô bác địa phương ấp Mương Đào B, xã Vân
Khánh, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã chính thức làm lễ khởi công, động thổ.
13/6/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét