Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018


CON CHIM NGỐC NGHẾCH
Tôi có thói quen hễ lái xe hai bánh, vừa choàng chân lên xe ngồi ngay ngắn thì kiểm điểm lại kiếng hậu và kiếng phản diện xem có đúng vị trí mình mong muốn, đâu đó xong mới nổ máy lên ga. Mấy hôm liền phát hiện hai mặt kiếng xe của tôi nhìn không ra mình. Tôi sờ vào, cảm nhận có độ rít của nhựa và gương kiếng thì dấu răm răm như mặt rổ nhìn không thấy phản diện, in một lớp sương mù mà kỳ cọ không tan. Thường những khi mặt kiếng có hơi dơ tôi chỉ lấy ngón tai cái ấn chùi mạnh chỗ nào thì sáng trưng ra chỗ đó, lần nầy thì không, đã mấy lần ấn mạnh ngón tay cái lau miết xuống mà gương vẫn không lộ. Chịu thua, tôi xuống yên xe hai ba lần như vậy, nhanh vào nhà lấy chai nước rửa kiếng thoa đều lên hai kiếng, dùng khăn trắng mỏng lau xoáy vòng vòng vài bận mới chịu sáng ra.
Hôm nọ tôi đi công chuyện về, bóng chiều ngả dài lên cành lá cây Bồ Đề trước sân, thấy một vùng bóng mát, tôi không vội đem xe vô nhà trốn nắng, vào cất túi xách và máy điện thoại xong, rót một ly nước mát từ bình nước lộc tay xách thêm một chiếc ghế mủ định ra sân ngồi hóng gió dưới bóng mát của cây lá Bồ Đề nhưng vừa tới cửa tôi thấy chú chim nhỏ liếng thoắng đá mổ quyết liệt trên kiếng xe của tôi, trông như, kiếng xe là kẻ thù nên nó chiến đấu một cách giận dữ. Có những cú đá mạnh trông rất ngoạn mục làm cho nó mất thăng bằng té lăn lớp cớp xuống vè xe. Té lộn mèo như vậy tôi nghĩ là nó bỏ cuộc chơi quá mệt mỏi nầy nhưng cũng vội vàng bay lên đá mổ chứ không chịu bỏ qua…
Tôi chợt nhớ… tấm kiếng xe bị lu mờ và mấy lần tôi chịu nhọc nhằn thì ra chính mấy đứa nhóc nầy là thủ phạm sao? Phải, thiệt là chúng nó chứ còn gì. Chẳng cần biết chúng nó nghe được tiếng người hay không tôi vẫn nói: Mấy đứa chim ngốc nghếch à! Cho hỏi nè cưng, thấy gì trong chiếc kiếng xe của chú mà coi bộ giận dữ quá vậy? Thấy có thằng khác nó đá mổ lại cưng phải hôn? Có thằng khác nào đâu, là hình bóng của cưng đấy. Thôi đừng vất vả chiến đấu với hình bóng của mình nữa, đá mổ riết hại thân của cưng mà kiếng xe của chú cũng bị trầy khó coi lắm. Bay đi cho chú dẫn xe vào nhà, ngốc à!
Công phu chiều xong, Trời hơn hai mươi giờ, chưa thấy buồn ngủ, tôi lại tủ sách tìm một quyển đọc, tới tủ đựng sách tôi vừa kéo cánh cửa bật ra, bàn tay chưa đụng một gáy sách nào, chợt nhớ đến hình ảnh của những con chim đá kiếng lúc chiều và tôi cảm nhận con người ai đó, cũng có khi hành động mổ đá chính mình giống như chim. Bản thân của người hay chim tuy không đồng chủng loại, tuổi thọ dài ngắn khác nhau nhưng cũng là cái thân sanh tử, không phải thật thân. Hiện giờ ta chưa đến kỳ thọ tử nhưng thấy nhiều người khác tử, khiêng đem chôn mồ mả nằm đặc ngoài đồng thì ta biết có ngày ta sẽ như họ. Giận hờn, hơn thua, dựng chuyện hạ thấp danh dự người khác để mình cao hơn, những tấm thân người khác đó cũng đều giả hợp như thân ta, tấm thân nầy tới thời kỳ chết, hại hay không hại họ, chừng chết cũng chết, khi họ chưa đến ngày giờ chết có người hại cho chết họ cũng không chết. Thân nào cũng giả hợp mà đi hơn thua với nhau làm gì chứ, ai cũng bị lâm nguy trong cửa tử sao ta không tự tìm cách cứu nguy ra khỏi cửa tử một lần để chết đi không còn sanh trở lại cõi Ta Bà thống khổ nầy.
Nhà Phật nói rằng vì có thân người nên mới có thất tình lục dục, những thứ nầy là cái bóng dáng của tự tâm hiện ra, mê tâm tưởng nó là thật nên đeo đuổi, người giác ngộ đôi phần, biết thất tình lục dục là cái bóng ma mê ám ảnh mà thiếu nghị lực không thoát khỏi sự cám dỗ ít nhiều. Tiêu hướng của sự tu hành là không bị trần ai cám dỗ xin đừng đặt để sự cám dỗ ít hay nhiều trong đó rồi tự biên tự diễn: Mê nhiều quá là chết mất giữa chừng chứ mê ít ít không sao. Giác là Phật, mê là chúng sanh, còn một chút chúng sanh cũng không thành Phật hay về cõi Phật. Gặp thứ đáng ghét, chán ơi là chán, đáng lẽ là bỏ nó cho xong chuyện nhưng cũng đeo đuổi để ghét trong lòng hoài hoài; gặp thứ mình ham muốn là thâm tâm cố lên đạt lấy, dầu mình trở thành nô lệ cho những điều mình thích cũng rán mà đeo đuổi. Ta thấy con chim có thái độ giận dữ đá mổ kiếng vì trong mắt nó thấy kẻ thù mổ đá mình; ta cho nó hành động khờ khạu, ngốc nghếch vì ta biết, con chim hung hản lộ ra trong kiếng chính là hình bóng của nó và nó càng dũng cảm với kẻ địch thì kẻ địch của nó cũng dũng cảm ngang sức ngang tài. Chiến đấu đến chết không bên nào giành được chiến thắng, chỉ có chiến bại cho bản thân mình. Đức Thầy có câu:
“Khuyên người trí sĩ mau mau tỉnh
Giất mộng Nam Kha chốn thế trần.
Thế trần tạm giả gạt đời ta,
Lướt khỏi sông mê khỏi ái hà…”
Trần ai chỉ có thú phong lưu,
Tranh đấu thành ra mãi oán cừu.
Chung cuộc chỉ mang câu thất vọng,
Xong đời ghi chất mối sầu ưu…”
Giá như con chim ngốc nghếch kia có thái độ im lặng hay cúi đầu trước kiếng thì nó sẽ không đá mổ một cách giận dữ vì trong kiếng mà nó nhìn thấy là bạn hiền đang cúi đầu chào nó một cách lịch sự, dễ thương. Nếu trong sự đối đải qua lại với nhau mà ta tính toán hơn thua với bạn bè, có thể bạn bè trọng nghĩa nhường mình một đôi lần mà mình cứ tiếp tục tính toán hơn thua mãi, bạn bè không còn sức chịu đựng sẽ tính toán lại, hoặc bỏ ta mà đi. Thật sự ta có làm điều tốt, nhưng ta ham danh, tự đề cao mình thuyết giảng hay hoặc làm từ thiện giỏi, đồng thời thường kiếm chuyện, so đo, bươi móc, hạ thắp danh dự của kẻ khác để chứng tỏ mình vượt trội hơn, sẽ bị dẫn vào nhơn quả khiến có ngày ta đụng phải đối thủ háo danh như ta và họ cũng kiếm chuyện, chê bai, hạ thấp danh dự của ta. Sự việc còn nghiêm trọng hơn, những người biết điều dưỡng một cuộc sống chơn thật luôn quí sự yên ổn sẽ không dám gần gủi những người hay gây xáo trộn danh dự của người khác. Rốt lại, ham danh mà hành động trái lẽ đạo đức con người tưởng là lời ai vè lổ nặng, càng tự cao thì ít bạn, cảm thấy mình lạc lỏng bơ vơ.
Sống trong đời đâu đâu cũng là tấm kiếng cho ta hiện diện. Hãy làm tốt đức hạnh bản thân và vì tha nhân, nếu ta hành động rõ ràng, minh bạch thì kiếng đâu đâu trong đời cũng sẽ hiện rõ ràng minh bạch cho ta, nhược bằng làm điều sai trái, sợ cái sự thật không hay, không lành mà xảo biện, hay cố chửa những hành động xấu xa gian dối, từ chối sự thật về ta cũng không mấy ai tin.
18/4/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét