Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018


XÚC ĐỘNG QUÁ ĐI !

Những ngày cuối năm Đinh Dậu Thiên Quang Am được vài lược khách đến thăm, trong đó có lược khách khá đặc biệt kể câu chuyện thương tâm của bà con gặp hoàn cảnh không may làm tôi ấm ức lòng. Chúng tôi chào vui vẻ qua một năm lành mạnh, chúc nhau tinh thần đạo đức vững vàng. Trình bày Đạo Đức gồm hai điều: Đạo Đức bản thân và Đạo Đức xã hội. Đạo đức bản thân được sự nuôi dưỡng tốt qua hạnh cách của hành giả đi trong Thiền hay Tịnh an lạc tâm hồn, chảy gở tốt qua những thử thách và thách thức trên đường giác ngộ. Từ đạo đức bản thân làm ánh lên đạo đức xã hội: người thương người.
Nói về đạo đức bản thân chúng tôi khuyên nhau kiểm nghiệm và thúc đẩy sự kiểm nghiệm chính mình trước vật chất phù hoa đương độ ồ ạc; nhứt là những ngày trong Tết, vật chất se sua dễ làm động lòng trần tục, không để phiền não theo đó len lỏi vào hồn làm rối lên sự yên tịnh ta đã cố gắng huân tập trong những năm qua, quậy hoạn méo mó, tỳ vết buổi công phu. Bàn về Đạo Đức xã hội, xã hội là môi trường sống chung chạ đông người gồm đủ mọi thành phần giàu nghèo, ngu trí, khõe mạnh, tật nguyền. Một xã hội đa dạng như vậy nói về tình người thì bụng dạ rất khó lường nên xã hội cần phải phổ cập Đạo Đức để cảm hóa dần các cái bụng dạ khó lường đó. Bên cạnh những người nghèo khó, ngu muội, bệnh tật, hãy thực hiện công tác từ thiện, phổ cập ích lợi nhân dân qua tu kiều bồi lộ, giúp đỡ người nghèo khổ về nhà ở, cơm gạo, trị bệnh… đồng thời đề cao tính nhân quả tội phước qua những làng và người nghèo khổ để họ lấy sự trau sửa bản thân làm căn bản đời sống tích thiện, chừa ác, gieo phước tránh họa. Khi chứa thiện gieo phước được huân tập nhiều trong đời sống, trên sân chơi, phước thiện ở cương vị làm chủ tình hình tất nhiên đủ sức mạnh loại ác dứt họa, sự sống sẽ được bình yên, tự do hơn, cảnh nghèo đói chắc chắn được cứu vảng. Xã hội ngày nay ta thấy có nhiều ông bà chủ nhà giàu đã được cảm hóa, từ bụng dạ khó lường người ta đã lường được tâm tình và sự thương yêu của họ đối với những bà con nghèo đói, bệnh tật.
Ví như ngày nào miếng đất bỏ hoang, cỏ mọc thành rừng, người ta không thể ăn cỏ mà sống tốt, như vậy kẻ có đất cũng chưa nhờ cậy được thì có cũng như không. Không làm ra quê lợi trên đất, chịu đói mới thiệt là buồn cười. Phát hoang trồng lúa, được lúa trong nhà sẽ có gạo, cảnh đói không còn nữa. Người ta có thân mà không thực hiện đạo đức bản thân khác nào như đất bỏ hoang thành rừng, thân bị bỏ hoang không còn giá trị như đất bị bỏ hoang. Nếu thân có Đạo Đức thân gắn liền với phước thì phước thân sẽ đến, hạnh phúc nối liền. Đức Thầy có câu:
“Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,
Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc.”
Nếu bàn xét hai câu có nội dung giáo lý dẫn trên chúng ta không ngại nói rằng: chỉ có Đạo Đức bản thân mới đưa con người đến chân hạnh phúc. Đạo đức nhiều thì hưởng hạnh phúc nhiều, đạo đức ít là hưởng hạnh phúc ít, không đạo đức sẽ không có hạnh phúc. Đừng tưởng giàu tiền của là hạnh phúc. Một gia đình không có đạo đức bản thân dễ sanh chuyện bất hòa, chồng không đủ tư cách làm chồng tốt, vợ không xứng đáng là vợ hiền, con cái trong nhà vì theo giàu tiền có đứa làm bậy đến mức hết thuốc chửa. Người trong một nhà mất niềm tin với nhau không ai tin ai mà thảy một đống tiền ra chứng minh hạnh phúc sao? chỉ là đặt để gượng gạo trong khi quá ham muốn có hạnh phúc.


Trong tiêu đề bàn luận đạo đức xã hội có một khách trẻ kể câu chuyện đáng thương đã làm tim tôi thổn thức: Số đông đồng bào mình nhiều năm qua làm ăn sinh sống trên vùng Biển Hồ, nước láng diềng Cam Pu Chia bằng nghề Hạ Bạc. Đến lúc thiên nhiên không còn ưu đãi bởi dòng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đã bị nhiều quốc gia phía trên đấp đê ngăn chận, mực nước Biển Hồ bị vơi kiệt, lượng hải sản không nhiều, làm không đủ sống, dân Việt mình bồng chống với nhau tản cư về đất Việt. Nhưng khổ thay! Lúc sinh sống bên Biển Hồ, ông bà cha mẹ đến đây là chạy giặc đói, làm lụn không rảnh tay đâu có thời giờ dạy chữ Việt cho con cháu, đời sống chật vật không mướn nổi thầy giáo về dạy. Bởi đó thế hệ sau, con cháu chỉ nói được tiếng Việt trong những sinh hoạt bình thường nhưng không biết đọc biết viết chữ Việt. Bấy giờ trở về Việt Nam sống với cội nguồn dân tộc, dầu có cố gắng cũng thiếu sự hòa nhập xã hội công đồng bởi không biết chữ Việt mà ra. Thêm một nỗi bất hạnh nữa: Số người Việt từ Cam Pu Chia về ở dọc theo biên giới tỉnh Tây Ninh không được nhà nước địa phương nầy cho nhập cư hợp pháp một công dân Việt, khiến sự sống của bà con tồi tệ hơn. Họ đậu ghe cập dài theo bờ sông hoặc sóc cây che trại mủ dưới bệ mong có ngày chánh quyền địa phương tốt bụng bao dung tha thứ những người tha phương cầu thực thất bại trở về.
Người Việt Nam trở về quê cha đất tổ không được chánh quyền đồng bào mình che chở, cứu khổ cứu nạn nghèo đói. Không cho nhập cư lấy đâu ra cái sổ hộ khẩu để dẫn trẻ em đến trường, ở Cam Pu Chia dốt chữ Việt cũng không đáng trách, nay về với dân tộc giống nòi mà nhà nước tỉnh Tây Ninh đành lòng cho chúng dốt tiếp sao? Còn nữa, những người lớn ở tuổi lao động, họ muốn kiếm việc làm nuôi sống bản thân và gia đình, không có hộ khẩu là không có giấy chứng minh nhân dân, đi tới đâu, công ty hay các nhà máy, xí nghiệp hoặc những gia đình giàu sang cần người giúp việc, không trình giấy chứng minh nhân dân ra, dù có tay nghề cao, lao động giỏi giang cũng không ai dám mướn.
Tôi thật xúc động khi nghe câu chuyện trên, thương những người gặp hoàn cảnh trớ trêu tôi hỏi:
- Quý vị nhận được tin người Việt từ Cam Pu Chia di tản về cố quốc bao lâu rồi?
- Dạ cuối năm 2016 và đầu năm 2017.
- Vậy cũng lâu, hy vọng trong khoảng thời gian hơn một năm qua đủ cho chánh quyền đia phương ấy đã làm xong thủ tục nhập cư cho họ.


Tôi nghĩ, Không cho người Việt từ Cam Pu Chia nhập cư về nước Việt sẽ mang tội phụ bạc giống nòi, hại người lớn hại luôn trẻ em. Người lớn, cả nhà không có việc làm lấy gì mà ăn sống? Trẻ em không được đến trường khiến dốt nát nghèo đói triền miên làm gánh nặng cho quốc gia. Đối với một đất nước tự hào là luôn trên đà phát triển kinh tế, văn minh, sao lại rơi vào trường hợp nói trên? Tôi nhớ có lần nghe ông nhà nước cấp cao của Việt Nam phát biểu trên vô tuyến truyền thanh, truyền hình: Người Việt hải ngoại là bàn tay nối dài. Tôi mong chánh quyền địa phương nào đó trong tỉnh Tây Ninh sớm áp dụng bàn tay nối dài của ông chủ tịch nước đối với người Việt từ Cam Pu Chia về, cho họ thực sự là một công dân Việt Nam với các quyền lợi và nghĩa vụ với tổ quốc. Những bà con đáng thương của mình có nơi ăn chốn ở và con cháu của họ cũng được vào trường học hành như mọi trẻ em trong nước Việt Nam là chứng minh cụ thể lời phát biểu hay ho dẫn trên.
Thương người Việt từ Cam Pu Chia về gặp hoàn cảnh rất là tội nghiệp, muốn cho họ có một cuộc sống yên lành hưởng quyền lợi bình đẳng như mọi công dân Việt trên nước Việt, nhưng chánh quyền có ý nghĩ khác hơn ta biết làm sao? Bây giờ chỉ còn cách cầu Trời khẩn Phật chuyển hóa tình thương đến chánh quyền đang thiếu tình thương, đồng thời cầu Trời khẩn Phật ban bố cho số người Việt trở về cố quốc nói trên thêm sức chịu đựng sự ngược đãi, bất công của quan quyền địa phương nầy. Cầu nguyện là một lẽ, đồng bào ta đang đậu ghe thuyền, che chòi tạm ở, liu tiu quá! nếu ta không giúp đỡ họ, để cho sự nghèo đói kéo dài, đến khi sức chịu đựng không còn, e diêm dương lập hộ khẩu họ trước hơn chánh quyền địa phương nào đó của tỉnh Tây Ninh thì rất là tội nghiệp.
26/2/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét