Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018


THĂM NHAU DỊP TẾT

Năm mới kính chào chư đồng đạo đến thăm, rất hân hạnh được sự hiện diện của quý vị nơi Thiên Quang Am đơn vắng nầy. Xin chân thành cám ơn những lời chúc tết tốt đẹp của quý vị đối với tôi. Thay vì câu “ chúc qua chúc mới toại lòng nhau” tôi xin được quý vị nhận nơi đây lời cầu nguyện ơn trên Đức Phật Đức Thầy gia hộ cho quý vị năm mới dồi dào sức khõe, sống đời an lạc, hạnh phúc.
Lời chúc tết thuộc về bài bản mang tính xả giao chứ chưa thấy mấy ai thành đạt hiện thực như lời chúc, nếu hiện thực được lời chúc có thể do may mắn thôi. Điều nầy ta để bàn sau, giờ gặp gở trong dịp tết ta nên trao đổi về tết hoặc những vì có liên hoan đến tết.
Tết đến làm người người đều vui bằng ánh mắt, nụ cười, kẻ giàu sang vui trong yến tiệc mâm cao cổ đầy, người nghèo khó lao động vất vả vui vì nghỉ được đôi ba ngày tết với những bửa ăn thông thường, chị kia trang diện bảnh bao, mua sắm lòe loẹt, anh nọ chúi mũi vào mâm rượu, sồng bài… Chúng ta là người biết đạo, thâm hiểu giáo lý giải thoát của Phật, đúng là không thể vui trong những thú vui đó. Vì là thâm hiểu giáo lý giải thoát ta chỉ nên chọn thú vui của tết bằng đánh bại kẻ thù phiền não. Tại sao phải làm như thế? Bởi có phiền não quấy rối, xai khiến, đối với nhà tu hành cuộc vui tết như vậy mất ý nghĩa.
Mỗi lần tết đến, dầu ta không nói ra ai cũng biết là lên tuổi, già lần, chết lần theo năm tháng. Điều nầy, ai không dám nhìn sự thật về sự già, chết của đời mình thì cho cách nói của tôi là quá bi quan bạc nhược. Thật sự thì ta có già không? Dù nay ta chưa chết nhưng thấy người khác chết thì biết ta phải chết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Có ai dám nói khi cha mẹ sanh ra thì mình là một ông bà già chứ? Không dám phải không? Cho dầu có ngang bướng nói thế nào người ta cũng không tin là sự thật. Chuyện trước mắt ai cũng thấy người mới sanh ra còn đỏ hỏn, trải nhiều năm mới lên già. Vậy, điều tôi nói: Mỗi lần tết đến, dầu ta không nói ra nhưng ai cũng biết là lên tuổi, già lần… đâu thể gọi là bi quan mà là: nói đúng sự thật.

Tiền nhân đặt để móc thời gian lấy một con Giáp 61 năm làm tuổi hưởng thọ, cái ông hay bà tuổi hưởng thọ bây giờ cũng đã đi từ một tuổi thì nói đến 61 năm nữa là rất xa. Nhưng chiếc xe thời gian luôn luôn đi tới chứ không đẩy lui, sanh ra một tuổi thì năm sau lên hai tuổi, năm sau và sau nữa… có phải mỗi năm mỗi gần móc thời gian định số…? Vậy nói, mỗi năm qua là đi gần đến cái chết đâu phải là câu trù ẻo.
Người ta vì vui say những chuyện thế gian quên hay ngòi thuốc nổ mang tên Lão và Tử có trong mình. Một chúng sanh còn trong vòng quay luân hồi, lúc đi đầu thai, luật nhân quả đã cài cắm hai hạt giống nầy vào cơ thể mà ngòi nổ ấy luôn luôn ở thế hoạt động âm thầm chờ đến khi phát tác sự hiện thực của cái huyễn thân là rồi đời. Tôi biết một số đồng đạo chúng ta thích cảnh xuân, tình xuân rộn rã, ăn uống no say nói nói cười cười thì chuyện tôi đề ra vui xuân bằng cảnh đạo, tình đạo có thể quý vị ấy cho rằng đặt không đúng chỗ. Bảo rằng, người ta đang tận hưởng sự vui chơi trong xuân mới mà tôi lại đem cái chuyện già, bệnh, chết ra làm mất hứng vẻ xuân đang độ nồng nàn quyến rủ. Nếu vậy cho tôi xin đem ra ví dụ: Như bạn đang vui ăn uống qua món ngon lạ mà trong món ngon lạ đó có độc, ăn vào sẽ sanh bệnh có thể dẫn đến tử vong mà bạn không biết. Người ngoài mâm tiệc biết trong thức ăn có độc khuyên bạn đừng ăn mấy món có độc đó. Không ăn thì không xảy ra bệnh hay chết thế đã làm bạn mất hứng sao? Hứng cho đã thèm để đi đến bịnh thì hứng có lợi ích gì? Bạn đang ăn ngon miệng có tin báo bọn ác dẫn quân từ xa đến sát hại, bạn ở đó ăn tiếp hay bỏ chạy? Bạn chạy thoát chết có cần phải nói người báo tin đã phá đám tiệc ăn của bạn không?
Đức Thầy bàn về vẻ xuân của năm Canh Thìn 1940 qua bài “Thi Xuân” có những câu như sau:
“Canh Thìn bước tới hỡi ai ơi !
Thế giới đao binh ruột rã rời.
Khốn nguy đa sự chào xuân mới,
Dân chúng hoàn cầu khó thảnh thơi.
=()=
Diệu vợi xa xăm nỗi khổ hoài,
Cuộc đời lao khổ thấy chiều mai.
Chợt ngó xuân sang xuân biết khóc,
Đến thời thiên định lối bi ai.”
Đức Thầy báo khổ xuân Canh Thìn đầy những câu đáng sợ “…Thế giới binh đao… khốn nguy đa sự chào xuân mới, chợt ngó xuân sang xuân biết khóc, ruột rã rời…”
Người đời vui chơi trong sự xài phí xa hoa, anh chiến binh vui vì đánh thắng trận. Chúng ta tu hành nguyện làm chiến sĩ như lai đánh thắng quân ma phiền não thì trong khi xuân đến, vui xuân mới ta cũng phải đường đường chính chính là chiến sĩ Như Lai, tiếp tục thượng lộ bình an đến mục tiêu trước khi già chết đến thì hết sức là vui xuân chứ còn gì nữa! Không lẽ vì vui với tết ta xin tỳ, cổi áo chiến sĩ Như Lai vui với cảnh xuân, xài phí xa hoa nhộn nhịp? Trong khi mặc áo chiến sĩ Như Lai ta đã tự nguyện với Phật một cuộc sống “Lạc Đạo An Bần” đi tìm chân lý. Giờ chân lý chưa tìm được mà giữa chừng cổi áo chiến sĩ Như Lai nhập cuộc với chỗ xài phí xa hoa, không lạc đạo an bần nữa.
Đức Thầy dạy người chuyên tu hạnh giải thoát trước tiên hãy giải thoát chính mình ra khỏi sự cám dỗ của vật chất như hai đoạn trích dẫn sau đây:
“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh.”
“Hãy xa lánh những điều làm cho tinh thần bị đen tối; bỏ hết đài các xa hoa, thân mình tự chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh.”
Mỗi năm mỗi lên tuổi, đã ba bốn mươi tuổi trên đầu mà trí khôn không hơn gì trẻ em mươi, mười lăm tuổi làm sao tương xứng thông thường, bởi lẽ trẻ em mươi, mười lăm tuổi chưa gánh trọng trách với ai, chỉ có bổn phận là học giỏi cho cha mẹ mừng, yêu cầu vật chất của nó không nhiều, ăn uống ít, mặc đồ không hao vải, chưa biết xài phí trong khi người lớn ở tuổi hai, ba, bốn mươi chịu ảnh hưởng vật chất nhiều hơn, có trách nhiệm với cha mẹ, vợ con mà trí khôn không hơn thằng bé mươi, mười lăm tuổi thì làm sao biết kiếm tiền nuôi sống cho những người mình có trách nhiệm?
Đời vật chất văn minh tiến lên ồ ạc, những hàng hóa kiểu dáng mới hô hào về chất lượng, đúng mốt thời trang bày biện khắp nơi chọc mắt, khách thiền môn có qua lại mà không khéo gìn lòng thì cơ hội bị nhiễm trược nặng nề, bỏ trôi đạo đức. Vật chất tiến mà tinh thần đạo đức không được giương cao khỏi đó thì có ngày bị vật chất nhận chìm. Biết vậy, cứ mỗi độ sang năm, đón mừng xuân cũng nên kiểm điểm sự nghiệp tu hành của mình có tiến bộ hơn không, nếu sự nghiệp tu hành chưa lên cao hơn tuổi đời, đời nhiều thì nặng đời, đạo ít, đạo nhẹ bổng. Nặng đời, nhẹ đạo, nếu để trường hợp kéo dài đạo sẽ bị mất trong lòng, chừng hết sanh lộ đến tử lộ không có đạo đức đi cùng sẽ thua to. Đức Thầy diễn tả trạng thái ấy như sau: “…Kịp đến khi tử thần gõ cửa, số vô thường đã tới, sanh ra muôn ngàn kinh hãi, thần trí hôn mê rất tríu mến cõi đời, cửa nhà con vợ, mà không làm sao sống được nữa, nên lúc ấy kẻ phùng mang, trợn mắt, người chắc lưỡi, nghiếng răng, lăn lộn giật mình, kêu than thảm thiết. Xét coi lúc ấy khổ sở là dường nào.”
Nghiệm xét qua lời dạy của Đức Thầy tôi vừa trích dẫn, ta không nên vì vui xuân quá trớn mà đánh mất mình là Chiến Sĩ Như Lai.
22/2/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét