Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018


ĐÓN XUÂN

Đón xuân, nói theo cách hiểu thông thường là mừng năm mới đến, nhủ ý vui chơi với xuân, trẩy bỏ những gì không vui của năm cũ. Những người làm ăn thất bại nghèo khổ, cơm áo không xong, nợ nần chồng đống hoặc những người mang bệnh rề rề, chết không chết, sống không mạnh mẽ… mong nhận năm mới như làm mới lại cuộc đời, đẩy cái quá khứ không may đi mất tích.
Còn nhớ, tết năm Tân Tỵ, năm đó Đức Thầy bị quân Pháp đày đi lưu cư qua bao nhiêu chỗ rồi đến nhà thương Chợ Quán; vào bệnh viện nhưng Ngài không phải là bệnh nhân thành ra tâm trí thông dong tự tại, thương lê thứ thời buổi khó khăn, nghèo đói bởi sự cai trị của quân dị chủng Ngài cất bút đề thơ những bài có liên quan về tết với những đặc điểm như sau:
- Người làm ăn thất bại, nghèo thiếu, đất nước bị thôn tính dẫn đến mọi cái khó. Cuộc sống như bị bao vây cho rằng năm qua mình quá xui xẻo, mong năm mới đến để cổi lốt, xả xui. Đức Thầy viết bài “Ngày Tết” để nói lên tâm trạng đó:
“Tháng lụn ngày qua năm đã tàn,
Trẻ già nô nức đón xuân sang.
Chờ coi năm mới hên hay chẳng,
Chóng đạt công danh kẻo muộn màng.”

Trông năm mới đến xả xui, cổi lốt nghèo khổ mà chẳng làm gì ra hồn, nước nhà còn bị Pháp đô hộ, đày đọa nhân dân, ruộng vườn thiếu người chăm sóc giỏi, kết cuộc cũng không may mắn hơn:
“Thì ra năm mới như năm cũ
Cảnh khó dân đen vẫn tự tồn.”
Xuân đến, dựa vào ý nghĩa tết cổ truyền của quốc gia dân tộc, người ta nói, nghèo giàu gì cũng phải vui chơi thỏa thích trong ba ngày xuân nhựt, một số vui chơi tao nhã, một số sa đọa vào cờ bạc, say sỉn, chơi bời theo đàng điếm, để tự mình làm hư con người của mình mà kêu HÊN, CHÓNG ĐẠT CÔNG DANH sao được. Cũng trông vào tết đến, Đức Thầy viết thi phẩm “Cám Cảnh Dân Nghèo”để hỏi thăm lòng dạ của những ai chơi xuân bằng thú vui sa đọa:
“ Nhắn nhủ khắp nơi hỏi một bài,
Ba ngày xuân nhựt bởi nơi ai?
Rượu trà, cờ bạc, ôi phung phí,
Chẳng biết lệ xưa của ai bày?
Niềm ước mong năm mới được HÊN, CHÓNG ĐẠT CÔNG DANH mà va vào điều cấm kỵ của sự thành đạt thì cứ mà mơ ước mãi chứ không thành hiện thực. Nước mất không lo, nghèo đói không lo, chỉ lo vui chơi cho thỏa thích, trong những sự vui chơi thỏa thích thì hay vướng đọa thấp hèn, người vướng đọa là người mất tự chủ bản thân, tự mình làm XUI rủi lấy mình mà muốn cho HÊN thật là trái ngược. Uốn rượu, cờ bạc, chơi bời theo đàng điếm… phạm vào tứ đổ tường, tội thân chứ không phước thân, hỏi đời người sống được bao lâu nếu tội thân nhiều, phước thân ít mà muốn “Hên”, hên làm sao được? Đức Thầy viết “Thi Xuân” để nói lên ý nghĩa ấy qua những câu:
“Con người nguơn-hạ mấy nhiêu hơi,
Đạo-đức nhiệm-mầu chẳng có chơi.
Lê-la chậm bước đường bụi gió,
Phải sớm lánh xa khỏi cuộc đời.”
Do vậy, có vui mừng xuân mới đến, người biết đạo đừng để vui quá trớn, vì vật chất phù hoa làm tối tăm mày mặt mà đánh mất mình vào những chỗ hư hèn. Muốn được thoát khỏi hư hèn, không lún sâu vào tội lỗi thì trong việc vui xuân là xuân đạo, đừng để tâm thần trôi nổi bềnh bồng bên những món ăn sang, sắm dọn hực hở mà vọng tâm chuyền níu hết cái nọ đến cái kia. Vui xuân là vui với đạo, lên tuổi đời đồng lúc cũng lên tuổi đạo. Người ta bảo, tuổi đời càng cao là càng có nhiều kinh nghiệm, cứng cát về đối đãi với cuộc sống có muôn màu muôn vẻ mà không có màu nào, vẻ nào, đưa người ta đến tội lỗi hư hèn. Người đạo lên tuổi đạo cũng thế, nhiều kinh nghiệm và cứng cát để phiền não không phủ dụ hay xô ngả giữa chừng trên đường về Tây Phương hay trên lộ đồ từ mê sang giác. Đức Thầy dạy chúng ta đón xuân ý nghĩa rất hay:
“ Bước qua năm mới, mới mừng à,
Khuyến khích dân tầm đạo Thích Ca.
Tự giác giác tha ta phải nói,
Hỡi người dương thế bớt xa hoa.”
Ai cũng biết, nguyên Phật Thích Ca là một đông cung Thái Tử, sống trong cung vàng điện ngọc, ăn sang mặc trọng không ham, chỉ ham tìm đạo giải thoát. Thái tử bỏ tất cả xa hoa một mình vào núi tuyết sơn thiền định đắc đạo, hiệu Thích Ca Mâu Ni. Câu “Bước qua năm mới… khuyến khích dân tầm đạo Thích Ca”, nhủ ý khuyên chúng sanh theo gương Phật Thích, lánh cõi trần ai giả tạm, danh vị quyền cao. Sĩ Đạt Ta là người kế nghiệp ngôi vua, lâu đài, cung phi mỹ nữ có sẵn để phục vụ bất cứ lúc nào mà Ông còn không ham, đừng nói chi chút ít vật chất xa hoa trong ba ngày xuân nhựt mà chọc ghẹo được lòng tham vọng, cặn cáo phiền não nổi lên.
“Hỡi người dương thế bớt xa hoa” là tiếng kêu thức tỉnh những hành giả đi theo hướng Phật. Xa hoa làm va chạm lòng từ bi của Phật, Phật tử. Thế gian còn rất nhiều người đói khổ mà ta lại ăn xài phung phí sao đành lòng. Nếu luận theo thế gian, Đức Thầy là Phật từ cõi Phật lâm phàm, đáng lý phải dùng luận đề bảo vệ lập trường chúng sanh đến chùa bái Phật cầu kinh tụng pháp, chủ trương cất chùa, làm trang hoàn, trang nghiêm ngôi thờ Phật mới đúng, nhưng Đức Phật đã không màng đến chuyện cất chùa thờ Ngài, Phật luôn luôn có lòng từ bi với chúng sanh chứ không phát lòng từ bi với chùa và các Phật tượng trong chùa. Từ bi với chúng sanh nên Phật lâm phàm độ chúng sanh là chính:
“Hãy giúp cho kẻ khó mới nhằm.
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm
Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự.”
“Giúp người đói khó nhu mỳ,
Dạy nó tâm trì Niệm Phật làm ngay”.
Quý vị đến tôi trong dịp xuân về để huynh đệ chúng ta cùng nhau niềm nở đón xuân, chúc toàn những điều tốt đẹp cho năm mới. Như vậy là chúng ta đã hứa hẹn sự tốt đẹp cho năm mới nầy! Hứa hẹn thì phải giải quyết lời hứa một cách tích cực để tránh đi cái bệnh “hứa suôn”. Là người đạo, gìn đạo để tu hành chớ không phải để chứng minh mình có đạo. Tuổi đời mỗi năm già thêm mà tuổi đạo không cứng cát chắc chắn thêm, trong cuộc chơi nếu không trên cơ với quân phiền não thì cũng ngang tầm ngang sức, không như vậy đố khỏi bị vật dục phiền não đẩy lùi.
Mùng 2 Tết Mậu-Tuất – 17/2/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét