LẮNG
ĐỌC TÂM SỰ CỦA ĐỨC THẦY
Hôm nay tiếp chuyện với chư đồng đạo, tôi cảm
nhận tinh thần thương Thầy lo Đạo của quý vị rất đáng yêu đáng kinh.
Xin trân trọng đề cao hạnh cách vì đạo vì Thầy của quý vị làm biểu
mẩu hướng dẫn chúng ta cùng thực hành lời dạy “Dìu dắt lẩn nhau
vào con đường đạo đức”. Về phần mình, xin quý vị hoan hỉ cho tôi bày
tỏ tấm lòng thương Thầy lo Đạo qua suy nghĩ của tôi, hy vọng cách suy
nghĩ nầy được đồng hành cùng quý vị, điểm tô sự nghiệp Phật Giáo
Hòa Hảo giữa lúc Đức Thầy biền biệt chưa về.
Sự đóng góp của tôi hôm nay là gợi nhớ
chuyện xưa, chuyện Đức Thầy sáng tác bài Sa Đéc. Sự thật thì bài
viết nầy cũng như nhiều bài viết khác Đức Thầy không đặt tựa. Vì
muốn bài có tựa cho đồng đạo dễ tìm đọc, Ban Trị sự trung ương giáo
hội PGHH tạm đặt tên những bài viết ấy. Bàn đến bài viết không có
tựa nầy vì Đức Thầy sáng tác tại Sa Đéc vào đêm rằm tháng 4 năm
Canh Thìn, nên BTS dựa vào đó đặt tựa là SA ĐÉC, để khi cần tìm,
vào mục lục là gặp ngay.
Bài Sa Đéc đánh dấu móc thời gian quan trọng
của sự biến chuyển Thầy Tớ chia xa và sự chia xa nầy kéo dài tới 5
năm như Lời Nói Đầu cho quyển Sáu Đức Thầy Viết:
“Năm năm trường xa cách, cái chánh sách áp
bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gũi
các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành Đạo của tôi.
Ấy không phải vì tôi cố ý muốn xa lánh các
người, song chẳng qua vì sự bắt buộc của kẻ cường quyền nên tôi và
các người không được trực tiếp cùng nhau.”
Đúng như lời tiên tri của Đức Thầy khi viết
bài TỪ GIẢ BỔN ĐẠO KHẮP NƠI vào ngày 1 tháng 4 Canh Thìn như sau:
“ Thấy trong bá tánh ngẩn ngơ,
Nay Thầy xa tớ bơ vơ một mình.”
Và câu:
“Từ nay cách biệt xa ngàn
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đờn nỡ đứt dây
Chưa vui buổi hiệp bổng Thầy lại xa.”
“ Từ nay cửa Khổng gài then
Chờ ta trở lại thì đèn hết lu.”
Thế là 11 ngày sau, tức ngày 12 tháng 4 Canh
Thìn, Ba Zin, tên quan cò Pháp, mới sáng sớm đã đến nhà Đức Ông
triệt buộc Đức Thầy phải theo họ và ngay hôm đó đến Sa Đéc. Sau 3
ngày, vào đêm rằm tháng tư Canh Thìn Đức Thầy hạ bút bài không đề
tự nói trên. Khởi đầu của bài viết ta đọc thấy những câu rất cảm
lòng:
“Nhìn cuộc thế bộn bề sóng dậy,
Cửa thiền-môn còn hỡi khóa then.
Nương xứ xa tạm viết với đèn
Tỏ tâm sự của người liễu đạo.”
Ngay lúc Ngài bị quân Pháp bắt đi, có sự
chứng kiến của đông đảo tín đồ chờ nghe Đức Thầy giảng đạo, hoặc
phát lễ quy y cho thiện nam tín nữ mới. Tâm sự của người liễu đạo được
Đức Thầy dàn trải khắp bài viết, Sa Đéc là điểm bị đày đi đầu tiên
của “năm năm trường xa cách”. Buổi hội ngộ nầy ta không đủ thời gian
bàn nốt sự dàn trải khắp ấy, chỉ nên gói ghém 4 câu đầu phần nhập
đề mang tính đặc trưng tâm sự, và sau đó, Ngài đã thổ lộ trong phần
nội dung:
“ Đành tách gót lìa quê hương dã.
Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,
Bởi sự thường của bực siêu nhơn.
Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát.”
Cuộc Thế: Cuộc đời, thế gian, cảnh tượng
đang xảy ra.
Bộn Bề: Ngổn ngang, lu bu, ví dụ đồ đạc
trong nhà để lộn xộn, bừa bãi, không thứ lớp đâu vào đâu: ở đây nhằm
chỉ thời cuộc rối beng khiến dân chúng không yên.
Sóng Dậy: Nguyên của sóng là nước, bình
thường mặt nước phẳng yên cho các tàu thuyền qua lại trên sông biển,
nhưng thinh không nổi trận gió đùa, mặt nước phẳng lặng bổng chóc
sóng dậy, những tàu thuyền (nhân sanh) chìm ngập trong lo sợ, bất an.
Cửa Thiền Môn: Nói hẹp là cửa chùa, nên thế
gian hễ có người xuất gia đi tu là vào chùa hoặc Tịnh Xá chuyên trì
công phu tịnh nghiệp. Nói rộng, Cửa Thiền Môn là cửa vào đạo. Đạo ở
đây là đạo Phật vì Thiền Môn là danh từ trong giới Học Phật thường
dùng.
Khóa Then: Đóng kín cửa, cài then cửa cho
cứng chắc, người khác không mở được.
Đại ý hai câu trên: Giữa lúc thế sự ngổn
ngang, lu bu lộn xộn, nào là chiến tranh xâm lược của ngoại địch,
cường độ của đệ nhị thế chiến dâng cao, nhân dân Việt Nam bị quân
Pháp đặc quyền cai trị, sự sống khó khăn nghèo thiếu, đáng là lúc
cho Đức Thầy dỗ an lê thứ bằng “Xông thuyền ra cứu vớt sanh linh”. Cứu
vớt sanh linh chưa đầy một năm, 18 tháng 5 Kỷ Mão 1939 - 12 tháng 4 năm
Canh Thìn chủ quận Tân Châu với tên cò Bazin đến nhà Đức Ông tự tay
khóa cửa thiền môn PGHH trước hàng trăm bá tánh chờ nghe Đức Thầy
giảng đạo, phát lễ quy y cho bổn đạo mới.
Nương Xứ Xa: Pháp đày Ngài qua cuộc sống lưu
cư, ở chỗ không quen không biết và đến đâu cũng không được tiếp xúc
với người ngoài, nhất là những người muốn gặp Đức Thầy để nghe
giảng đạo hoặc xin thọ giáo quy y.
Tạm: mượn dùng đỡ
Viết với Đèn: Viết: dùng chữ thay cho lời
nói, Đèn: Lúc Đức Thầy viết bài nầy Trời đã về đêm, cần đèn phát
sáng. Ý nói, không còn cơ hội giảng đạo cho thiện nam tín nữ nghe,
cánh cửa tự do tôn giáo đã bị quân Pháp “khóa then”, bằng cách đem
giấu kín Ngài ở nơi xa lạ để cắt đứt liên lạc giữa Ngài với quần
chúng mộ đạo. Không được tự do ra ngoài giảng đạo thu nhận tín đồ,
qua đêm trường tịch mịch, cậy vào ngọn đèn phát sáng trong phòng,
Ngài phải tạm dùng chữ thay lời nói trấn an bổn đạo:
“Nay thân Thầy cũng đặng bình an
Khuyên bổn đạo đừng than lắm tiếng.
Tuy xa đường có lời luận biện,
Bởi bút thần bay luyện khắp nơi.”
Hoặc:
“Ta còn thương, thương trò lịu địu,
Chớ cũng mừng được dịp phổ thông.”
Tỏ: Muốn cho người khác biết: bày tỏ, thổ
lộ tâm tình thầm kín
Tâm Sự: Nỗi niềm riêng mang trong lòng vì
thương bá tánh mà không gần gủi để dạy dỗ, không nói được, đành
phải viết ra.
Người Liễu Đạo: Liễu: xong, rồi công việc.
Đạo: con đường đi đến Chân, Thiện, Mỹ. Liễu Đạo tức hành giả qua tu
hành đạt kết quả rốt ráo, nghĩa như đắc đạo. Đức Thầy có câu:
“Cảnh an nhàn của người liễu đạo, muôn ngày
vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả Bồ
Đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh
chê khen?”
Đại ý hai câu sau: Quân Pháp để mắt theo Đức
Thầy, thấy sức ảnh hưởng quần chúng đến với Ngài ồn ào náo nhiệt
mà phát sợ, họ không dám để yên cho Ngài tiếp tục giảng đạo, lên kế
hoạch buộc Ngài phải rời xa làng Hòa Hảo đến một nơi khác và nơi
khác nữa… Không còn trực tiếp giảng đạo cho đồ chúng nghe, từ đây cơ
phổ hóa nhơn sanh phải nhờ vào giấy mực, tỏ bày lòng thương tưởng
chúng sanh:
“Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã
Bởi sự thường của bực siêu nhơn.
Dù gian lao dạ sắt chẳng sơn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát.”
Kết Luận: Quân Pháp xâm chiếm Việt Nam, cướp
quyền tự do tôn giáo. PGHH là một tôn giáo phát sinh từ lòng lịch sử
dân tộc. Pháp rất sợ sự ủng hộ của nhân dân đối với tôn giáo bản
địa nầy nên đã cố tình khóa cổng gài then cánh cửa tự do tôn giáo
của PGHH, lưu cư Đức Thầy rời xa bổn đạo. Bị bắt đi một cách vội
vàng, không nói kịp lời từ giả. Đến Sa Đéc, sau ba ngày, nơi cô phòng
giữa lúc đêm về, Đức Thầy mượn bút mực bày tỏ tâm sự cùng bá gia
thiện tín qua bài viết không đề tựa nói trên.
10/2/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét