Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

SỬA ĐỔI VÀ BUÔNG XẢ

Nghe báo tin cụ bà đồng đạo Võ thị Kiếu là từ mẩu của nữ tu Nguyễn Thị Huê (bảy huê)  vùng Thánh Địa Hòa Hảo từ trần sáng ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu 2017, thọ 80 tuổi. Nhằm hôm trong người tôi có bệnh, không đến được nhà đám để cùng chư đồng đạo thiết lễ đưa tiểng vong linh người vừa “thoát chốn mê đồ vãng sanh miền Cực Lạc” (lời Đức Thầy).
Nhớ cách nay khoảng hai mươi ngày cô bảy có nhắn lời mời tôi đến để nghe cô trình bày về người mẹ bệnh hoạn của cô như sau:
Mẹ của tôi bệnh đã lâu, con cháu trong nhà chăm sóc cũng khá chu đáo từ việc đi tìm thầy hay, dược giỏi, đến sự ăn, mặc, ở, luôn được anh chị em chúng tôi phục vụ tốt nhưng bệnh tình của mẹ tôi mỗi lúc trở nên trầm trọng. Chúng tôi chở mẹ đi nhập viện, bác sĩ chuyên khoa khám định bệnh của mẹ tôi rằng: bà mang chứng ung thư. Nghe mắc ung thư, chúng tôi biết bệnh nầy sẽ dẫn đến tử vong nhưng giấu không cho mẹ biết bà đã mang trong người chứng bệnh ngặt nghèo nầy để bà không lo sợ và chúng tôi thường cầu nguyện trong tâm, khuyên bà Niệm Phật.
Suốt thời gian dài kéo theo sự bệnh hoạn, thân thể đau nhức làm bà khó tính, dễ hay giận hờn. Khuyên bà niệm Phật nhưng nghĩ đâu phải lúc nào cũng khuyên hoài, e khi nhớ khi quên nên chúng tôi mở máy niệm Phật để ủng hộ bà về mặt tinh thần, bà không chịu nghe máy niệm Phật, đây là điều tôi không thể tưởng tượng đã xảy ra với mẹ mình. Tôi tự đặt câu hỏi: Mẹ mình kém duyên với Phật như vậy sao? Hoặc mẹ đánh giá khả năng mình tự niệm Phật được, không cần nhắc nhở? Xét cho thấu đáo qua hành trạng của mẹ đối với việc tu hành thì bà chưa có biểu hiện tốt khả năng tự niệm. Điều nầy khiến chúng tôi rất lo ngại cho sự ra đi của bà. Đã không chịu nghe máy niệm Phật để nương vào sự nghiệp Phật, lại nương sự nghiệp thế gian, bà hằng lo cho các con, mong muốn các con ai cũng làm ăn kiếm nhiều tiền, trở nên hào phú.

Nhưng, không biết vì sao, độ khoảng nửa tháng lại đây mẹ tôi tự nhiên thay đổi tánh tình, hiền hậu, dễ dãi và tha thứ, mặt mày sáng sủa vui tươi. Bà không còn nhắc đến các con qua sự lo lắng giàu nghèo. Hồi đó con cho tiền thì bà dành dụm, đợi đứa nào gặp lúc thắc ngặt thì bà giải cứu, còn giờ có tiền bà không dành cho con nữa, gặp ai nghèo khổ là cho. Nhớ hôm mở đĩa chú Bảy Thiện thuyết trình qua đề tài mở lòng thương đồng bào trong vùng lũ lụt, chú bảy cầm nón đi xin tiền bà con đồng đạo trong đoàn cứu trợ, mẹ tôi rất cảm động, bà quên là mình đang xem video, móc túi lấy ra năm chục ngàn đồng kêu chị em chúng tôi cho giùm chú bảy Thiện (trong phim). Thay đổi từ khó ra dễ, từ sự thương yêu con cháu ra sự thương yêu cộng đồng, bà còn thay đổi một điều khiến chị em chúng tôi mừng vô hạng: mẹ chúng tôi thích niệm Phật và chịu nghe máy niệm Phật nhưng bà có một yêu cầu là hãy cho bà nghe máy nào niệm Phật suốt không có ngâm giảng chứng minh. Nói tóm lại, sự thay đổi của mẹ tôi nhanh và dứt khoác khiến tôi có cảm nhận mẹ tôi bây giờ như một người khác, tâm tính đổi mới hoàn toàn, những đổi mới đều phù hạp với tinh thần Phật Giáo.
Hôm cô Bảy Huê kể chuyện về sự thay đổi của mẹ, có cô Út Nhỏ ngồi nghe suốt, cô nầy là người thân cận với gia đình cô Bảy, cũng xác định lời cô bảy kể về sự thay đổi của mẹ là có thật.
Cô bảy trình bày xong hỏi tôi có nhận xét gì về sự thay đổi của thân mẩu cô. Tôi nói:
Đây là dấu hiệu tốt với tâm trạng của một hành giả hoàn tất khóa trình tu học trước khi từ biệt cõi đời; thay đổi để ứng hợp và hiện hữu khả năng “Lánh Ta Bà cõi thế đua chen” sanh sang Cực Lạc, như Đức Thầy nói “Mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc, hưởng công niệm Phật rất yên lành”. Tình trạng nầy tôi nghĩ chắc không lâu nữa từ mẩu của cô sẽ mãn phúc. Nói để chuẩn bị tâm lý, tránh sự xúc động không cần có khi mẩu thân ra đi một chuyến không về.
Liền hôm đó, cô mời tôi đến bên chỗ mẩu thân cô nói đôi lời khuyến khích. Tôi thấy cụ bà nằm trên võng, có vị nữ tu theo bảo hộ, tôi liền hỏi chào bà và bà cũng chào tôi bằng cái gật nhẹ. Tôi khuyên bà kiên trì niệm Phật, nếu niệm Phật nhập tâm, sanh ra công đức có thể nhờ đó mà ác nghiệp được trừ, dứt quả căn tiêu tan bệnh chướng, khõe mạnh trở lại. Mặt khác, nếu túc duyên sống đời đã hết, nhờ có nhứt tâm niệm Phật chừng lâm chung sẽ có Đức Phật A Di Đà đến rước về cõi Cực Lạc của Ngài.
Giải lý Niệm Phật có hai điều lợi xong, tôi liền hỏi bà sợ chết không, gương mặt bà hiện lên vẻ tươi cười, đầy tự tin, đáp: Tôi không sợ chết. Trả lời xong bà giải thích: Sợ chết tức còn ham sống cõi trần ai, niệm Phật dễ gì đạt trạng thái nhứt tâm bất loạn. Thế nên tôi không sợ chết và đang hành động buông bỏ tất cả để sự niệm Phật không bị quấy rầy…
Nghe chuyện về sự thay đổi, buông xã của cụ bà tôi thật tâm đắc và cảm kính người hành giả đã vượt qua thử thách, thách thức, đến với an lạc tâm hồn. Đi trên đường thành Phật hay vãng sanh về cõi Phật nếu không chịu buông xả những lạc thú dục vọng trong chốn hồng trần, không chịu thay đổi từ trược qua thanh, phàm chất ra thánh chất, nghiệp chướng đeo đắm nặng nề đâu có cánh bay về Cực Lạc. Đức Thầy dạy “Niệm Phật thì phải diệt lòng tà” hay “ Niệm Phật là để trừ vọng niệm chúng sanh”. Nói, tôi niệm Phật nhiều lắm mà lòng tà không chịu diệt, niệm chúng sanh chưa đành lòng buông xả, Đức Phật A Di Đà chờ nghe chúng sanh kêu thì rước nhưng đến lúc lâm chung lòng tà với vọng niệm chúng sanh có để yên cho ta niệm cầu cứu Đức Phật đâu? Thế nên, hành giả trên đường sang Tịnh Độ cần hành pháp buông xả, thay đổi dần từ phàm chất ra thánh chất thì cửa vãng sanh mở rộng mà chướng ngại quanh ta cũng không còn, ta tự do mời Phật tiếp dẫn sang Cực Lạc.
Sự thay đổi, buông xả là vấn đề rất quan trọng đối với người tu nhắm đến đỉnh cao của pháp môn Tịnh Độ, và điều nầy được Đức Thầy xác định rõ ràng:
“Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”
Do đây, dựa vào câu chuyện có thật nói trên tôi mạo muội viết thành bài, xin chia sẻ với các đạo hửu hành giả có trọng tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Để kết luận bài viết nầy tôi xin trích đăng lời dạy của Đức Thầy làm cơ sở chứng minh việc buông xả đối với người tu là rất cần thiết:
“Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực Lạc một đàng.
Thì thân Thầy hết phải gian nan,
Đâu có chịu mang câu nhạo báng”.
Người cư sĩ tại gia cuộc sống có sở hửu nhà cửa, ruộng vườn, xe cô, kêu buông xả những chuyện lớn lao nầy là không dễ. Thôi thì trước hơn hết ta hãy buông xả những chuyện nhỏ nhặc cho quen đi đã, chẳng hạn như tranh luận, hơn thua, giận hờn, thương ghét, phải quấy, tốt xấu… những thứ nầy quanh quẩn bên ta gây phiền phức không điều nầy thì việc nọ, xả được nó tất dư thời giờ, sự tu hành mỗi lúc trở nên kiên cố cho mình niệm Phật nhiều hơn.
21/9/2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét