Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

MUỐN THOÁT KHỔ

Chúng ta đang gặp khổ gì mà đòi thoát khổ?
Thông thường khổ đến với con người từ những nguyên nhân: nghèo, thiếu, thua, kém và bệnh tật, là những điều khổ mà ai ai cũng thấy biết và nó có tính nhạy cảm nhứt hành hạ lương tâm con người nếu bị nó trồng vào cổ.
Nhà nghèo rách, chủ nhân của nó cơm áo qua loa, cuộc sống quá thiếu thốn về vật chất như vậy kêu khổ là phải rồi. Đời văn vật, người không đến đổi nghèo đói mà thiếu mua sắm dọn đẹp nội thất, thấy nhà người ta dọn đẹp hơn nhà mình muốn mà không được cũng kêu khổ rồi đi mượn nợ, vay tiền hay mua trả góp, tới hẹn kỳ giao ước chủ nợ tới đòi không có trả, bị họ nặng lời nặng tiếng hoặc trình làng, làm mất danh dự cũng than khổ. Làm ăn tính toán thua người ta, họ đồng nghiệp, đồng hành với mình, họ đi tới thành đạt mà mình thì thua lổ ập đến, khổ dài dài. Học hành kém, nhan sắc kém mà lại kém tài, không mấy ai quan tâm, sống cô đơn, cô độc, tự ty mặc cảm trằn trọc suốt, sự khổ bị ám ảnh không buông, khổ! khổ!...
Người nghèo ham giàu mà giàu đến họ cho là sướng, mặt mày tươi rói không có những nét khổ. Người thiếu cần đủ mà có đủ những ước muốn tức nhiên họ cho như vậy là sung sướng. Người làm ăn thua thất, cờ bạc thua, sắm dọn thua, danh dự địa vị thua, việc người ta làm được, tới mình thì hỏng; bất ngờ gặp cơ may, hơn chớ không thua, lời không lổ nữa, cảm thấy rất là sung sướng, cho như vậy là hết khổ. Người học hành kém, nhan sắc kém còn kém cả tài năng, muốn ngẩng đầu lên cao mà lại ở biệt mù dưới thấp, nay may mắn sự học biết được nâng, nhan sắc có người khen là đẹp, tríu mến, ve vản làm thân thể hưng phấn lên lại có tài đẩy trôi công việc bị ứ động, rất sung sướng, họ cho như vậy là hết khổ.
Từ những nguyên nhân khổ nói trên người ta tìm mọi cách để tránh khổ trước mắt bằng làm cho mình được giàu sang đầy đủ… trong khi đó nhiều thứ dục vọng nảy sinh, lòng đà chứa chấp tánh tham làm ích kỷ, muốn có những điều mình muốn không phải vận dụng đầu óc khả năng làm việc chân chính mà bằng mưu sâu kế độc sang đạt của người. Đức Thầy có câu:
“Thấy của người thèm khô nước miếng
Tính làm sao lường gạt lấy đi,
Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì,
Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa.”
Ta nhìn đời xem! Đâu phải người giàu sang đẹp đẽ, đầy đủ vật chất là không khổ. Đi hỏi mấy ông nhà giàu, quyền uy thế lực nhất nước, những đệ nhứt hoa khôi… coi họ sống như vậy mà còn khổ đến không? Làm chủ một đất nước giàu sang tột bực nhưng không chịu an hưởng những gì có được, giàu muốn giàu thêm, quyền uy muốn quyền uy thêm, đi chinh phục nước láng diềng, các nước kém võ trang binh bị cho giặc dậy cùng trời cuối đất, dân chúng kêu than vậy mà ông vui sướng. Ông không hay rằng sự lo âu của ông qua âm mưu phá hại người có việc làm chân chính, thành đạt chân chính là ông đã tự kéo cái khổ vào thân để lúc nào cũng lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Phật dạy ham muốn là khổ, được cũng khổ, không được cũng khổ. Được khổ theo được, không khổ theo không. Trước mắt ta, nghèo khổ, đói khổ, bệnh tật khổ, làm ăn thua lổ khổ… ta không thể phủ nhận, nhưng cảnh khổ của những điều kể trên ta cho là thiết thực và quan trọng cần phải giải quyết cấp bách, nó vốn chỉ là nhánh nhóc lon con, còn cội nguồn phát sinh khổ não ta nên đọc những câu sau đây thì sẽ biết:
“Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ,
Sanh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài tầm đạo.”
“Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ”. Bởi từ có cái thân bị đọa hồng trần hành sự theo nhân quả mới sanh ra vô vàn sự khổ não khác. Tấm thân ta đây do đất, nước, lửa, khí, tạo thành thì có bốn cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Không nói giàu hay nghèo, đẹp xấu, ngu trí vì vì hễ bệnh là khổ, ông nhà giàu, người xinh đẹp vẫn phải gặp cái điều họ không muốn đó là: già, bệnh, chết. Đụng đến ba thứ khổ nầy thì nghèo khổ, thua kém khổ đúng là chuyện nhánh nhọc lon con, là bọt nước, mây bay còn già, bệnh, chết dẫn vào luân hồi mới là khổ gốc, đừng nói là ông nhà giàu hay người quyền uy nhất nước thoát được khổ nầy.
Để thoát khỏi nguồn cội của các sự khổ nói trên, Đức Thầy dạy cách thiết thực nhứt “Cứu khổ Nam Mô vô lượng phước”. Vậy đã có phương pháp bằng niệm Nam Mô thì vô lượng phước báu trang nghiêm thanh tịnh đã tẩy hết các sự khổ của kiếp trần tục nầy. Chữ Nam Mô là danh từ Phật học, có nghĩa là cung kính, mà cung kính các vị có vô lượng công Đức, do đó thường được áp dụng đứng hàng đầu của các câu niệm về các đấng từ bi, các Đức Phật, Bồ Tát, ví dụ: Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát… Không nghe thấy ai đặt từ Nam Mô trước một danh hiệu tà thần ma quái nào. Ta niệm Phật nào cũng là Phật từ bi cứu khổ cứu nạn nhưng sự cứu khổ của cội nguồn sanh lão bệnh tử là Nam Mô với vị Phật có pháp môn, vị Phật ấy chính là Đức A Di Đà Phật như chính trong kinh A Di Đà ghi rõ.
Đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ cõi Tây Phương cách chốn hồng trần mù mịt nầy tới mười muôn ức Phật độ; Ngài thệ Nguyện rằng nếu có một chúng sanh nào niệm danh hiệu của ta đến nhứt tâm bất loạn thì chừng chúng sanh ấy lâm chung sẽ được độ thoát về cõi Tây Phương. Sám Giảng Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng có nhiều câu nói lên sự thật vinh hạnh nầy:
“Ở Tây Phương chư Phật ngóng trông
Chờ bá tánh rủ nhau niệm Phật”
“Ao Sen báo Tây Phương đua nở,
Chờ chúng sanh Niệm Phật chí tâm”
“A Di Đà nhìn xem khắp cõi,
Đặng trông chờ mong mỏi chúng sanh,
Hiện hào quang ngũ sắc hiền lành,
Đặng tìm kiếm những người hiền đức.”
Đức Thầy cũng đang ở chốn Tây Phương, tu đạt đến chỗ như Ngài nói trong bài Thay Lời Tựa “muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen”. Vì “thương bách tín tới hồi tai họa” mà lâm phàm độ thế, đồng thời được Đức Phật A Di Đà ban sắc lệnh dạy đạo qua pháp môn Niệm Phật như Ngài đã nói:
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Vậy nên, câu “Cứu khổ Nam Mô vô lượng phước” tức cứu bằng vào câu niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, đạt đến nhất tâm bất loạn thì hiện tại dứt các khổ nghiệp, chừng lâm chung vãng sanh Cực Lạc. Nơi đây chấm dứt mọi khổ đau, vì thế Đức Thầy khuyên tu giải khổ thì chỉ có đắc đạo hoặc về Cực Lạc mới xong như Sám Giảng đã ghi:
“Khuyên chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu,
Về Cực Lạc mới là hết khổ.”
Hành thâm pháp môn niệm Phật thì mọi tội chướng không còn, các khổ đau chấm dứt. Trên đời có cái khổ nào hơn lúc bị tù đày. Cổ nhân đánh giá sự khổ ấy qua so sánh “Nhứt nhựt lao tù thiên thu tại ngoại”( một ngày trong tù dài bằng ngàn năm ở ngoài) thế nhưng xưa có hai vợ chồng người kia ở tù mà không thấy khổ, biến nhà tù làm nơi tịnh thất ngày đêm hầu Phật không còn thấy khổ đau là gì nữa. Hai vị tù chung thân ấy là đức vua Tần Bà Sa La, vua của nước Ma Kiệt Đà thành vương xá, và hoàng hậu là bà Vi Đề Hy. Vua và hoàng hậu bị con là A Xà Thế soán vị lên ngôi, bắt đày phụ vương vào ngục kín; hoàng hậu Vi Đề Hy thương cảm lén mang đồ ăn thức uống cho chồng đã bị A Xà Thế bắt gặp đày vào tù nữa. Thuở Sĩ Đạt Ta xuất gia đi tu có qua nước Ma Kiệt Đà, thành Vương Xá, vua Tần Bà Sa La ân cần mời khách, kính trọng người biết lập chí tu hành. Sau nầy Sĩ Đạt Ta đắc đạo, hiệu Phật Thích Ca, vua Tần Bà Sa La có cúng dường cho Phật Thích Ca khoảng đất rộng, lập tịnh xá để độ chúng, tịnh xá ấy có tên là Trúc Lâm. Nhờ nhân duyên đó, khi vua và hoàng hậu bị đày đi tù, lúc đầu ngày đêm buồn bả, giận con ngổ nghịch, sau đó Phật Thích Ca hóa hiện đến thăm, dạy ông bà thôi buồn giận, lo tỉnh tâm tỉnh trí tu hành, Ngài khuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật siêng suốt thì sẽ khỏi khổ. Vua và hoàng hậu nghe lời Phật dạy, chuyên tu, sau đó vua đắc quả A Na Hàm mới băng hà, còn hoàng hậu Vi Đề Hy ngay lúc lâm chung được vãng sanh Tịnh Độ.
Dùng phương pháp cứu khổ bằng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT siêng suốt, cụm từ “Nam Mô vô lượng phước” nhờ công phu tu tập, niệm Phật nhập tâm, sanh ra vô lượng phước báu trang nghiêm thanh tịnh, cho dù hành giả trước giờ có trùng trùng sự khổ bao vây, chúng cũng sẽ tự tháo chạy đi thôi.

09/9/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét