NHẬN
LẦM MỘT CHÚT CỰC NHỌC SUỐT NGÀY
Nhớ hôm tôi được nhà đồng đạo ở
xã Vĩnh Hanh mời đám giỗ, bổng dưng tôi quá dễ dải hứa liền. Sao
gọi là dễ dải? Khoảng ba năm lại đây ảnh hưởng một chút hoàn cảnh gia
đình không thuận lợi tôi rất ít đi đám giỗ, vùng địa phương lân cận
hay cả trong làng nhà tôi còn lãnh đạm lời mời; không biết gì sao xứ
Vĩnh Hanh cách xa tôi lắm mà mời tới là tôi nhận đi. Phải chăng vì
“hửu duyên thiên lý năng tương ngộ”? Nếu nói như vậy, những nhà mời
mình không đi đã vô duyên với mình hết sao?
Cách nay non một tháng có người
quen mua tặng tôi đôi dép mới, sự thật thì tôi không quan tâm đến tặng
phẩm nầy bởi tôi có dép và rất an tâm trong khi mang đôi dép cũ kỷ của
mình, nên có lâu trong nhà mà quên không xài, nay nhớ lại tôi lôi đôi dép
mới ra khỏi bọc định mang nó đi đám giỗ kẻo có người động lòng với
đôi dép cũ rách của tôi mua cho nữa là nguy.
Lấy cọng kẻm nướng lên lửa đỏ, đâm
thủng trên hai quay dép xỏ dây cột làm dấu. Việc nầy là thói quen
cảm nhiễm của 8 năm đi tù bởi đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, bị nhà
nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết tội “tuyên truyền chống
chế độ xã hội chủ nghĩa”. Thời điểm ấy mỗi buồng giam có bốn, năm,
mươi tù nhân hoặc hơn thế nữa, nếu không cột dép làm dấu mỗi người
mỗi cách thì dễ hay lộn dép của người khác, nhứt là mỗi sáng mở
cửa ra sân điểm danh một cách gấp gáp.
Vừa đến nhà đám sợ có muộn màng
quá đi không, tôi lôi máy điện thoại ra bấm xem đồng hồ, hơn 9 giờ,
móc thời gian nầy không sớm cũng không quá muộn. Khách tham dự đến
đông, chủ lễ gia hai lần đến bên tôi yêu cầu tôi thuyết một đề tài,
lần nào tôi cũng trả lời mình đã già rồi không còn có khả năng
thích ứng công tác Phật sự lớn lao nầy.
Dùng tiệc giỗ xong khách lần lược
ra về. Đợi khách về thưa chỗ tôi cũng xin lễ kiếu chủ gia. Đến chỗ
để dép, rảo mắt tìm đôi dép mình cột dấu không thấy đâu. Tôi âm thầm
tìm các bến để dép coi có ai gấp gáp mang tới mang lui để lộn chỗ. Cho
dầu tôi âm thầm nhưng chủ nhà tinh mắt họ cũng rảo kiếm tiếp tôi.
Nghĩ đã mất, tôi nói: chắc ai mang lộn, không sao đâu, ngồi trên xe cho
nó chạy chứ có đi bộ đâu mà lo! Nói rồi tôi đến chỗ để xe dẫn xe ra,
chưa kịp thót lên yên, chủ nhà cầm lại cho tôi một đôi dép, nói rằng:
Ngồi trên xe nhưng cũng phải mang dép coi mới được. Tôi bảo: mình chạy
xe dù qua là mất húc, ai thấy mình chân trần đâu mà được với không
được. Nhưng anh cố nài: Đây là đôi dép tôi mua dư để trong nhà và tôi
rất vui nếu như được anh nhận mang đôi dép nầy. Bị chủ gia nài nỉ tôi
cầm lòng không được phải nhận sự bố thí giữa chừng.
Thường thì tôi tập có thói quen lên
xe là niệm Phật suốt tuyến, nay lúc lên xe tôi còn nhớ thói quen ấy
nhưng niệm không được bao lâu thì tâm trí tôi ngả về chuyện mất đôi
dép, bây giờ là niệm dép, dép, dép… cũng có lúc tôi sực tỉnh, hay
mình đi lạc đề mà sức mạnh của chuyện mất dép cứ bườn tới, thắng
không dừng, cắt không đứt, bứt không rời, nhưng tôi cũng cố gắng
thắng, cắt, bứt. Nhờ giành giựt mà câu niệm Phật thỉnh thoảng có
chen vào nhưng không lấy được vị thế chủ tình hình, thoáng qua liền
mất. Hư hại vậy chưa vừa, tôi còn trách ân nhân mua cho tôi đôi dép mới,
để bây giờ gặp rối.
Về tới sân, mắt tôi mở to lên nhìn ngay
cánh cửa vào nhà không có đôi dép cũ là giật mình, lòng sanh nghi…
tôi mở nhanh ổ khóa vào trong chỗ soạn dép mới ban sáng, thấy hai
chiếc dép dựng thẳng dưới chân tường với hai cái khoen cột dấu bằng
vải thung xanh làm tôi mắc cười ênh: Đôi dép còn trong nhà mà dám nghi
người ta mang lộn. Tội lỗi, tội lỗi! Tôi cảm thẹn vì ý nghĩ thiếu
cân nhắc tôi đã làm điều sai trái với chủ nhà đám, đi đã không mang
dép tốt mà chừng về đòi kiếm dép tốt mang về làm chủ nhà ái nái
vì cảm thấy mình thiếu trách nhiệm với khách mời.
Giờ phải đi trả dép và nói lời
xin lỗi nhà đám để lương tâm không cắn rứt, nhưng trời đang phát nắng
đúng đỉnh đầu, phần mới về tới, cái trớn mệt mỏi đã làm ê ẩm
mình mẩy, cần một chút nghỉ ngơi nhưng tôi dặn lòng, chỉ nằm nghỉ
giây lác cho lấy lại sức khõe rồi đi, có trễ về muộn chút cũng
không sao, nhứt định phải giải quyết xong sự vướng bận về đôi dép,
ngay hôm nay.
Như mọi khi, nằm nghĩ là niệm
Phật, nhưng tôi không thể tập trung tư tưởng niệm Phật giữ chánh niệm
mà khơi dậy chánh tư duy, bởi trong lòng tôi có cái ấn tượng lỗi
lầm: đồ vật của mình còn nguyên hiện trong nhà mình mà một phút sơ
hở ngộ nhận là bị mất, đi kiếm đâu đâu làm xáo trộn không gian yên
tĩnh của người khác, cũng xáo trộn thời gian yên tịnh của mình.
Tôi có cảm nhận sâu sắc, nhà tu
hành mong đắc ngộ Phật Tánh, Phật tánh ấy luôn ở trong tâm, nhưng vì
sống trong vô minh không thấy được Phật Tánh nên tưởng rằng không, cũng
có người bảo, Phật trong tâm đã bị ngoại cảnh cướp đi nên từ đó không
ngại khẩn mời Phật bên ngoài. Phật bên ngoài có thể hộ độ cho ta
bằng những phương pháp nặng tính giáo dục để ta trở nên người có
giáo dục tốt về học Phật mà hành động bức phá vô minh để Phật
tánh hiển lộ, chứ cầu khẩn không có nghĩa nhờ Phật ngoài vào thay
thế vị trí Phật chính mình.
Phật trong tâm không bao giờ mất hay
bị ai lấy mất, vẫn ở chỗ như như bất động, giống như mặt Trời là
định tinh, lúc nào cũng chiếu sáng khắp thế gian, không có vụ ngày
tối đêm sáng, ta thấy có ngày tối đêm sáng không phải do mặt Trời mà
do hành tinh ta đang ở, luôn hoạt động xoay vòng, ngày thì có mặt
Trời chiếu sáng nhưng có lúc không chiếu sáng không phải mặt trời hư
mất hoặc bệnh hoạn không có khả năng phát sáng mà do bầu trời có
nhiều lớp mây che. Vén ngút mây mù ánh sáng mặt trời sẽ phản chiếu
tỏ rõ.
Phật trong tâm! Ai cũng thường nói
như thế, nhưng trong sự tu hành người ta lại không mấy quan thiết Phật
trong tâm hơn cầu Phật bên ngoài. Tại sao thế? Bởi thiếu tự tin mình
có khả năng bức phá vô minh nên hành động cầu Phật độ nhiều hơn là
tự độ. Đáng lý ra, Phật trong tâm không hiển lộ tính sáng suốt, thanh
tịnh thì phải làm sao cho sáng suốt thanh tịnh ta lại tìm sự sáng
suốt thanh tịnh trong Kinh sách hoặc những cuộc tranh biện… Sự hiện
diện đôi dép của mình còn ở trong nhà mình mà tôi lại quá khờ khạo
cho rằng dép mất, khuấy động lên sự tìm kiếm vô ích làm tôi hết sức
là mắc cở. Cái điều làm cho tôi khó chịu hơn hết là đôi dép còn ở
trong nhà mà tôi lại tư tưởng nó đã ra đi rồi cố đuổi theo tư tưởng
dép mất để bắt bống chứ mãi mãi không có đôi dép bị mất. Người ta
suy tưởng về Phật, Chân Lý, suy nghĩ cũng chỉ là cái bống của Phật
và chân lý, có ngàn đời đi bắt bống chân lý, Phật, chẳng ích lợi
gì cho việc giải thoát sanh tử khổ ải. Cái ta cần là Phật hiện hửu
chớ không phải cái bống Phật trong tư duy.
Phật hiện hửu là, nếu ai chung
sống với TỪ BI HỈ XÃ, với TÂM THANH TỊNH CÁC DUYÊN SỰ ĐỜI, là chỗ
mà Đức Thầy bảo “Muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm”. Tôi dùng từ
“chung sống” tức nói, cùng với TỪ BI HỈ XÃ, TÂM THANH TỊNH CÁC DUYÊN
SỰ ĐỜI LÀ MỘT THỂ, không có chủ thể hay khách thể, không có đối
tượng nghiên cứu và người nghiên cứu. Vậy hãy chung sống với TỪ BI
HỈ XÃ đừng ở ngoài TỪ BI HỈ XÃ mà nói về TỪ BI HỈ XÃ, đừng biến
TỪ BI HỈ XÃ mãi mãi chỉ là đối tượng nghiên cứu.
Tôi mắc cở cho sự lục lạo kiếm
tìm đôi dép và nghi oan ai đó đã mang lộn dép mình trong khi dép của
tôi còn nguyên vẹn tại nhà, tình trạng hiếm hoi nầy đã đưa tôi đến
một cánh
cửa không cửa khiến tôi cảm nhận có vũ điệu ngạo nghễ và kỳ
bí khích lòng, sanh chợt tỉnh.
Cảm nhận về Phật trong tâm không
mất, tôi xua được bống đen nặng nề bay khỏi lòng, đi trả dép không bị
tự ái làm xáo trộn trên đường đi, tôi lấy lại thói quen niệm Phật
khi lên xe, cũng không thấy vất vả với việc đường xa, trời chiều, về
muộn. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT được sử dụng đúng pháp như Đức Thầy dạy
“Hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được
một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng
sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã
dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nảy sanh ra được?”
Thường thì ta hay có tư tưởng không đâu và Đức Thầy cũng nói lên điều
đó “ Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng
tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng…” Những tư tưởng không đâu
cần có Niệm Phật nhập tâm sẽ làm ta quên tất cả những suy nghĩ không
đâu đó.
13/9/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét