Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

MUỐN TU ĐỪNG NỆ MAU LÂU

Phần đông người vừa phát tâm tu hành là nghĩ đến chuyện thành Phật hay được Phật cứu về cõi Phật, từ đó mà mong chờ sự kết quả. Nhưng thời gian mong ngóng ấy cứ bị trôi qua, trôi qua, hết tháng năm nầy dẫn tới tháng năm khác, từ tuổi xuân xanh cho đến tuổi bạc đầu sao chưa thấy gì hết. Chưa thấy có dấu hiệu thành Phật hay vãng sanh về cõi Phật. Qua đoạn đường dài ấy đối diện với sự cô đơn tróng vắng, các vị thiêng liêng không đến rờ đầu ban phước khuyến khích tinh thần mà lòng cũng không có hương vị, dư vị, đạo đức tâm linh phát sáng niềm tin. Vì thế lâu ngày niềm tin vơi dần không còn sức phấn đấu theo đuổi sự tu hành đi tới mục đích. Bởi đó Đức Thầy khuyên:
“Chữ tu hãy rán miệt-mài,
Đừng kể vắn dài đừng nệ mau lâu”
Và câu:
“Mặc ai tranh luận đấu tài,
Khuyên dân hãy rán miệt mài chữ tu”.
Hai câu có chữ miệt mài dẫn trên được trích trong Sám Giảng Quyển Ba của Đức Thầy. Ta đọc thấy danh từ “Miệt Mài” hiện lên rõ rệt vai trò chủ động để nói rằng người tu mà thiếu chủ động sẽ bị nhiều sự lôi cuốn, cám dỗ mất tu. Như chiếc xe đang chạy giữa chừng, chưa tới mục tiêu đã bị các thú vui hồng trần ve vản tấp vào lề, chán nản trên đường dài gian nan, ở lại vui thú vui thế tục.
Ta thử tìm hiểu ý nghĩa thù thắng của từ ngữ miệt mài là gì và vị trí của nó trong mỗi câu.
Miệt Mài: là nói về sự đắm mình, say mê vào công việc, ví dụ: miệt mài nghiên cứu, về cách giám sát một công trình hay chương trình gì đó. Khi người ta đã ở vào trạng thái miệt mài, họ không rảnh rang thích ứng với bất cứ sự vui chơi nào khác nhứt là sự vui chơi làm xao lảng công trình nghiên cứu của họ. Sự say mê ấy, có khi quên cả thời gian, quên ngủ, không hay tới giờ dùng bửa. Ở đây Đức Thầy nói “miệt mài chữ tu” tức chú tâm vào việc tu hành, không thích ứng với việc nghiên cứu ngoài lề hay cuộc vui chơi nào khác làm sụt lùi hành trình tu niệm. Khi đã nhập tâm tu như vậy, lòng còn tróng đâu bỏ ngỏ cho sự hớ hênh và chính vì sự nhập tâm tu, hòa vui say mê công việc tự nó đánh mất thời gian tính. Không có thời gian tính là trong người không bị chướng bởi khổ khó nữa và cũng không có đường dài nào khiến lòng sanh chán nản. Bình tâm bình tâm, đi qua đi qua…
Xét hai câu có từ MIỆT MÀI nói trên, mỗi câu ở vào vị thế riêng làm chủ lập trường tự lực. Người học phật PGHH nên tìm hiểu đúng nghĩa để có quyết định đúng nghĩa trong thực hành
1 “ Chữ tu hãy rán miệt mài, đừng kể vắn dài đừng nệ mau lâu” thì  MIỆT MÀI ở đây nói lên sự chủ động vượt thời gian, tức thời gian bị bỏ lại sau lưng, nó không hiện diện sự lôi cuốn về ngày tháng lâu mau. Như chúng ta học biết, có nhiều vị trong tòng lâm Phật Tích được coi là tấm gương sáng kiên trì sự tu hành, theo đuổi mục đích đi sâu vào thế giới tâm linh của Thiền Tông Hay Tịnh Độ Tông, họ gần như sống bất cần đời với những chuyện uy quyền, giàu nghèo, cũng không nghĩ đến danh vọng; ăn uống đạm bạc, mặc ở qua loa, ai đem chuyện lại mà nói chừng nào đời tiêu diệt hay Sấm nổ cũng không để ý, chỉ châu đáo vào lời dạy của Đức Thầy “MIỆT MÀI CHỮ TU”.

Xưa có một vị thiền sư ẩn tu trên núi chuyên sâu vào thiền định, bổng có tục khách lạc đến am tranh, thấy nơi vắng vẻ trang nghiêm, bốn bề hoang vắng, không biết lòng đà ảnh hưởng sự thanh tịnh bao trùm mà thích ý hay nổi sợ sệt hiện đến, ông hỏi thiền sư ấy một câu: Xin thưa, đã bao lâu năm Ngài tu hành ở đây? Thay vì vị thiền sư đếm tính mình ở đây nay nữa là mấy mươi năm, ông trả lời với tục khách: Chỉ biết ngày tháng nầy, không rành xuân thu trước.
Ngày tháng nầy là chỉ cho hiện tại, xuân thu trước là nói chuyện quá khứ đã đi qua. Quá khứ đã đi qua thời gian xa chưa đến, người tu hãy MIỆT MÀI sự tu hành, tắm mát cái giây phút hiện tiền thực chất của chính mình, thực chất ấy là tu được với tâm trí không lấm lem trần tục và lúc nào cũng tỉnh lặng, sáng suốt. Thời gian tu lâu hay mới tu không bàn đến; đường lên đỉnh cao của chân lý siêu việt quan trọng là leo lên tới đỉnh chứ không phải ở chỗ tu lâu hay mới tu. Ý nghĩa còn thâm sâu hơn về việc tượng trưng đánh mất thời gian vắn dài, mau lâu, để chú tâm vào chuyện tu hành, Đức Thầy dạy tu cho bà Kỷ Giỏi như sau:
“Rày đã tu thân lánh bụi hồng,
Dạ đừng suy-nghĩ chuyện minh-mông.
Để tâm yên-tĩnh tầm chơn-lý,
Phổ-cứu nhơn-sanh khắp đại-đồng”.
Ý nghĩa quá rõ, đã tự đem thân mình đi “lánh bụi hồng” thì đâu cho phép lòng “nghĩ chuyện minh-mông”, vì nghĩ chuyện minh-mông là tâm trí lộn sộn, đâu có được “yên tĩnh tầm chơn lý, cứu mình còn chưa được đâu có chuyện “phổ cứu nhơn sanh khắp đại đồng.
2 “Mặc ai tranh luận đấu tài, khuyên dân hãy rán miệt mài chữ tu”. Rõ ràng, miệt mài nào cũng là miệt mài trong sự tu hành, nhưng vì đối cảnh ở mỗi vị trí nên sự miệt mài mang trách nhiệm khác nhau. Miệt mài của mục hai nầy không đối cảnh qua thời gian lâu mau, dài vắn mà đối trước vấn đề “tranh luận đấu tài”. Ở đây chúng ta không bàn luận, tranh luận, đấu tài cao thấp ở lĩnh vực chiến tranh, chiến trường theo tiêu hướng quốc gia, sự tính hơn tính thua về tri thức Phật Học cũng làm nên cuộc tranh luận đấu tài. Như chúng ta biết, trong làng đạo có người miệng thì hô hào hòa bình, hòa hợp, nói ra là “thương yêu nhau như con một cha” nhưng cũng để xảy ra nhiều cuộc tranh luận nhá lửa xanh lửa đỏ. Người nầy tự cao mình có tài thuyết trình giáo lý hay, ăn nói giỏi, viết lách hay, tài tổ chức những tổ chức xã hội từ thiện… tự hào về lãnh vực thuyết trình nên có thể vì một lý do nào đó sẽ không ưa được người thuyết trình khác. Gặp nhau chào hỏi, làm màu tay bắt mặt mừng nhưng có ai đưa ra đề tài bàn luận đạo pháp thì hai cái tài tự phong dễ đi đến tranh luận, cải cọ, từ đó mới có vụ phê bình, chỉ trích qua lại, chia phe lập nhóm phá tan sự đoàn kết trong đạo mà Đức Huỳnh Giáo Chủ luôn kêu gọi tín đồ sum vầy gắn bó:
“Chớ chia rẻ hãy đồng tâm lực,
Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.
Chấn hưng Phật Giáo học đường,
Dưới trên hòa thuận chọn đường quy nguyên.”
“Cả kêu lớn nhỏ quày vìa,
Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân.”
Lời kêu gọi thống thiết nêu trên chỉ có với người “miệt mài chữ tu” mới đối với đời lấy tình thương làm trọng, đồng đạo với nhau, đặt địa vị tôn giáo lên trên mọi thứ danh vọng, quyền lợi riêng tư và trong khi MIỆT MÀI CHỮ TU lo bảo bọc đường tu để được tu tiến, vững chắc, người ta sẽ mặc ai (không màng đến) sự chỉ trích, phê bình mà chịu ngưng tu để đối lại sự sai phạm của người chọc mình. Giá như sự đối lại làm cho kẻ quấy nhiểu kia im miệng thì lợi lộc gì chứ ? thắng chỉ lấy lại cái danh mà mất đi công quả “Miệt mài chữ tu” thì sự thắng kia bù lại có đủ đâu? Đức Thầy là bậc tôn sư khai sáng đạo nhưng Ngài cho biết, nếu có ai chỉ trích, bêu tiếng xấu cho Ngài thì Ngài cũng cam chịu chứ không phân bua như những câu sau đây:
“Ai có nói ta là người quấy
Ta cũng cam bụng chịu tiếng lời”.
Từ đó, Ngài khuyên nhủ thiện tín:
“Dầu ai có cười ta khờ khật
Cũng đừng phiền xao lãng chơn tâm.”
“Đừng ham tranh đấu thiệt hơn,
Tu niệm chớ sờn uổng lắm dân ôi.”
Tóm lại: qua phân tích trên, hai câu có chữ miệt mài: “chữ tu hãy rán miệt mài” hay “miệt mài chữ tu” đều để bảo đảm, bảo quản tốt cho sự tu hành trước những hoàn cảnh ngược đãi có thể xảy ra. Ngược đãi ấy là thời gian làm bào mòn cái DŨNG đến hết sức kiên nhẫn, chiến sĩ Như Lai không còn giữ được chiến tuyến, ngả chết với đám giặc phiền não. Miệt mài chữ tu là lật ngược tình thế, tự mình cương quyết đứng lên vượt khỏi những chướng ngại, khó khăn về thời gian tu lâu mau, vượt khỏi những chướng ngại khó khăn về tranh luận giỏi dở hơn thua cao thấp, trên đường dọn sạch những thứ chướng sẽ dễ dàng tiến đến mục tiêu phía trước.
25/9/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét