Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

CÚNG LỄ ĐẠO THEO LỊCH TA HAY TÂY?

Sau khi tôi post bài “Khôi Hài” lên internet, có vài đồng đạo gọi điện thoại hoặc gởi tin lên Messenger trách tôi chạy trước thời gian. Quý vị bảo rằng các nơi đồng loạt đăng bài, đề năm đạo thứ 78 mà chỉ có tôi khác hơn người ta, đề là lần thứ 79, làm chuyện không giống ai.
Thật ra, khi tôi đề năm đạo như thế, tôi không có ý làm cho giống ai hay không giống ai, tôi làm cho lương tâm và sự hiểu biết của tôi, cũng như quý vị đã làm theo lương tâm và sự hiểu biết của quý vị. Chúng ta đều làm theo lương tâm và sự hiểu biết của mình không gây tác hại đến người khác tôi nghĩ là đúng hết. Sự bất đồng nầy đã khởi sự năm rồi nhưng tôi vốn không muốn có sự tranh cải, im lặng cho qua, bởi nhận thức nó thuộc quyền riêng tư. Năm nay cũng bị… tôi xét cần nên giải thích vì sao tôi dùng vậy, hy vọng có sự đồng cảm tình huynh đệ. Tuyệt đối, tôi dùng giải thích không có nghĩa hơn thua.
Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão đã đi vào lịch sử khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo có bút tích của Đức Thầy, như trích đoạn sau đây:
 “vì thể lòng từ-bi bác-ái cùng thù-đáp những linh-hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp ta nương cậy tu-hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, ta hóa-hiện ra đời cứu-độ chúng-sanh”. Hoặc “ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến, lý thiên đinh hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan.”
Có bút tích của vị giáo chủ chứng minh thì dù triệu triệu năm nữa người đời sau dở sử ra đọc thì cũng ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão đó thôi. Nói cho cùng, nhận định năm đạo thứ mấy nó thuộc về thời gian, kẻ theo lịch ta, người theo lịch Tây là quyền riêng tư không động phạm đến di tích lịch sử, vì đôi bên đều theo lời dạy của Đức Thầy: “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão”, không ai có quyền làm khác dòng chảy lịch sử về ngày tháng, còn năm thì, có người sanh ra là kể một, người thì sang năm tới mới kể.

Theo đề tài dựng lên CÚNG LỄ ĐẠO THEO LỊCH TA HAY TÂY? tức âm lịch hay dương lịch? Hỏi để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật chứ còn bút tích của Đức Thầy hoàn toàn dùng âm lịch. Trong bài THAY LỜI TỰA Ngài viết “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến…” dùng Kỷ-Mão có can chi đầy đủ hẳng nhiên là âm lịch; viết Sám Giảng từ quyển nhứt đến quyển tư, Đức Thầy đều đề năm sáng tác là Kỷ Mão (1939) sáng tác thi thơ cũng đề âm lịch có can chi, ví dụ như bài khởi đầu là LỘ CHÚT CƠ HUYỀN đề: Hòa Hảo, tháng 6 năm Kỷ Mão, bài THIÊN LÝ CA :Hòa Hảo, tháng 7 năm Kỷ Mão v.v…
Qua những dẫn chứng trên ta thấy rằng, từ ngày khai sáng đạo đến các bài viết dạy đạo, Đức Thầy đều dùng âm lịch. Âm lịch, như mọi người đều biết, khi sanh ra bất kể là tháng mấy, cho dù là tháng cuối năm thảy kể một tuổi, bởi thế trong dân gian ta, ai sanh ra tháng cuối năm để chịu một tuổi thì họ nói rằng chịu tuổi oan. Đức Thầy sanh 25 tháng 11 năm Kỷ-Mùi 1919 đến lễ khai sáng đạo 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão 1939 chưa tròn 20 năm; đản sanh 1919 kể một tuổi thì năm 1939 phải là 21 tuổi, bởi con số 9 đuôi của 1919 đã kể rồi một tuổi, dẫn đến 1938 là đủ 20 tuổi, nếu lấy thêm số 9 đuôi của năm 1939 là dùng hai lần con số 9 mà kể một lần sao?

Phật Giáo Hòa Hảo có 3 vị học giả tài danh lớp tiền bối: Ông Vương Kim, Ông Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu cả 3 ông đều nhứt trí Đức Thầy khai sáng đạo năm Kỷ-Mão lúc đó Ngài 21 tuổi. Quyển sách có mang tên ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ học giả Vương Kim trang 25 có viết như sau:
“ Bắt đầu từ đầu năm Kỷ-Mão, năm Ngài được 21 tuổi… một hôm, Ngài đi lên xóm trên xóm dưới truyền rao: nếu ai có bệnh chi cứ đem lại Ngài chữa trị cho…”
Còn đây là một quyển sách khác dưới nhan đề THẤT SƠN MẦU NHIỆM của hai ông Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu, trang 184 có đoạn như sau:
“ Thế rồi ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão (1939), ngày đáng ghi trong lịch sử cách-mạng nước nhà, một cuộc lễ đã cử hành tại nhà Đức Ông để cho Đức Thầy “Đền Linh-Thứu sơn trung chịu mạng”.
… Thuở ấy, Đức Thầy được 21 tuổi. Mặc dầu còn bệnh, Ngài vẫn đẹp-đẽ khôi-ngô và trở thành bậc thông-minh dĩnh-ngộ, văn võ song toàn, quán thông mọi việc. Ta có thể nói rằng Ngài là một bực “thượng thông thiên văn, hạ đạt địa-lý, trung quán nhân nhân-sự”.
Đã có 3 vị học giả uyên bác xác định Đức Thầy khai sáng đạo PGHH năm Kỷ-Mão là Ngài được 21 tuổi. Dựa vào đó tôi xin đưa ra bảng phân tích dưới đây:
Đản sanh Kỷ-Mùi 1919 là 1 tuổi đời     Khai Đạo năm Kỷ-Mão 1939 là 1 tuổi đạo
1929 là 11 tuổi đời                             1949 là 11 tuổi đạo
1939 là 21 tuổi đời                             1959 là 21 tuổi đạo
1949 là 31 tuổi đời                             1969 là 31 tuổi đạo
1959 là 41 tuổi đời                             1979 là 41 tuổi đạo
1969 là 51 tuổi đời                             1989 là 51 tuổi đạo
1979 Kỷ-Mùi, là 61 tuổi đời                  1999 trở lại Kỷ-Mão, 61 tuổi đạo
1989 là 71 tuổi đời                             2009 là 71 tuổi đạo
1999 là 81 tuổi đời                             Tới năm  2019 là 81 tuổi đạo
2009 là 91 tuổi đời
2019 phải là 101 tuổi đời.
Qua bảng ghi nhận trên, ta thấy có hai lần Kỷ-Mùi: 1919 - 1979 và hai lần Kỷ-Mão: 1939 – 1999. Kỷ Mùi trước, 1919 là 1 tuổi đời, Kỷ-Mùi sau 1979, tính theo vòng tròn của năm thì 1919 đến 1979 là 60 năm, nhưng Kỷ-Mùi dùng Can lẩn Chi, sanh ra kể một, đúng một con giáp phải tính là 61 năm chứ đâu ai nói con giáp là 60 năm hồi nào. Khai sáng đạo nhằm năm Kỷ-Mão trước, 1939 đến Kỷ Mão sau 1999 tròn 60 mươi năm nhưng nói con giáp là tính theo âm lịch, con giáp là 61 năm. Vậy 18 tháng 5 năm Đinh-Dậu 2017 tuổi đạo phải là 79 và 25 tháng 11 Đinh-Dậu 2017 tới đây phải là năm thứ 99. Ngày khai đạo và ngày đản sinh của 2017 tính ra, 78 hay 79 và 98 hay 99 là kẻ theo ta người theo Tây mà nguyên thỉ của đạo PGHH là dùng tuổi ta, âm lịch, chứ không dùng tuổi Tây, dương lịch.
Tôi theo nguyên thỉ, trên hết là Đức Thầy kế đó có 3 học giả tiền bối mà dùng âm lịch. Nếu như hai tác phẩm ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ và THẤT SƠN MẦU NHIỆM của các học giả tiền bối ghi năm mở đạo 1939 Đức Thầy 21 tuổi thì năm nay 2017, cúng lễ phải là lần thứ 79.
Như trên tôi đã trình bày, dùng lịch Ta hay lịch Tây là quyền riêng tư, rất mong có sự thông cảm nhau, chung lưng, vai kề vai hướng tới ngày 18 tháng 5 bằng sự vui vẻ, thân thiện để “thỏa dạ Thầy nơi chốn mây rồng”.
20/6/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét