Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

BÀN VỀ NỢ NƯỚC

Nhớ hôm tôi chứng kiến huynh đệ nhà PGHH ta, trông vào tình hình đất nước trước sự lăm le của giặc Tàu về biển đảo và chiến lược di dân của họ tràn qua Việt Nam, phô trương nhản hiệu kinh doanh có mùi súng đạn, không ích lợi cho nước chủ nhà; kẻ bảo nên đánh giặc Tàu, người cho rằng không nên. Hai phía đều bình luận và đưa ra với lý lẽ vững chắc. Tôi không ủng hộ riêng bên nào mà là cả hai bên.
Công dân ở bất cứ một quốc gia nào dù nhược tiểu hay hùng mạnh đều có thời kỳ dựng nước và quá trình bảo vệ giang san; như Việt Nam ta lịch sử đã ghi thời kỳ dựng nước là của vua Hùng Vương và dân tộc được gọi là nòi giống Lạc Hồng. Từ vua Hùng lập quốc đến nay chiều dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến, sông nước Việt Nam trải qua biết bao đợt thăng trầm bởi gót giày của quân xâm lược: Mổng Cổ, Tàu, Pháp và những cuộc nội chiến. Để dẹp tan đoàn quân dị chủng cho nước nhà yên ổn, có độc lập, chủ quyền, tiền nhân ta đổ quá nhiều xương máu để kiến thiết một quốc gia, bảo vệ tổ quốc còn nguyên vẹn một nước Việt Nam hình chử (S) cho ta nay tận hưởng với niềm tự hào. Nhưng trớ trêu! Lúc không có giặc ngoại xâm thì nước nhà mấy bận lâm vào nội chiến: Nam Bắc phân tranh, rồi Nam Bắc phân ranh. Những cuộc tranh giành của người Việt với người Việt, cảnh chết chóc cũng rất dả man, khóc liệt; hai bên lâm chiến đến máu đổ thịt rơi đều là con của mẹ Việt Nam.
Không kể Nam Bắc phân tranh hay phân ranh: bảo vệ, xây dựng, kiến thiết quốc gia là một truyền thống nhiều đời ông cha ta đã làm, nay ta cũng nên tiếp tục giữ giàn cái truyền thống tốt đẹp hào hùng nầy lại cho con em và người đời sau, sau nữa, nữa…
Thọ ân ai thì phải trả, nếu không trả ân hóa ra mình là kẻ vong ân. Thọ ân đất nước thì phải trả công cho nước. Nhưng trả bằng cách nào còn phải cân nhắc cho kỷ mới đi đúng hướng, đúng đường, đem lợi ích cho nước cho dân. Chúng ta là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy đã tùy trình độ Học Phật Tu Nhân của người quy y vào đạo đưa ra hai phương pháp thiết yếu để họ chọn lựa cách đáp đền không gượng gạo và còn rất thực tế.
1 Xông pha  chiến trường bảo vệ tổ quốc khi nước nhà bị ngoại xâm.
2 Lo trách nhiệm hậu phương.
- Về xông pha chiến trường Đức Thầy giải thích “Ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp … Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị”. Ta thấy trong câu trích dẫn có từ “cứu cấp”cần giải thích để tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người con yêu quốc gia dân tộc. Cứu: có nghĩa là giúp cho ai thoát khỏi tai nạn, khổ khó, nghèo đói, chết chóc… Cấp là gấp, làm liền, làm nhanh. Cứu cấp tức cứu gấp, cứu liền không thể trì hoãn, ví dụ như bệnh nhân được cứu cấp tức bệnh nặng có thể nguy đến tánh mạng, phải đưa họ ngay vào phòng khám để cứu sống họ.
Trên trận mạt, người xưa có câu “cứu binh như cứu lửa”, đụng tới lửa là không thể chậm trễ được. Trong khi quân xâm lược Pháp giày xéo Việt Nam Đức Thầy kêu gọi lòng yêu nước của muôn dân:
“Cùng nhau đoàn kết đặng khoe sức hùng.
Khắp Bắc, Nam đùng-đùng một trận,
Ấy mới mong quốc vận phản hồi.
Trước là dẹp lũ Tây bồi,
Sau đưa quốc tặc qui hồi diêm cung.
Nếu nay chẳng vẫy vùng cương quyết,
Thì ắt là tiêu diệt giống nòi.
Muôn năm chịu kiếp tôi-đòi,
Thân người như thế còn coi ra gì ?!
Trong khi ở chiến khu, ngày tết đến, vì quân vụ canh giặc, không được về nhà chung tết với gia đình, ở những tiền đồn xa, dầu tình anh lính chiến có uống rượu xuân vui chơi, nhưng không vì vui chơi mà quên mình đang làm bổn phận:
“ … Mối thù nô lệ trả chưa xong,
Pháp tặc còn trêu giống Lạc-Hồng.
Dùng thói dã-man mưu thống-trị,
Thì ta quyết chiến dễ nào không !”
Viết bài “Tặng Chiến Sĩ Bình-Xuyên” Đức Thầy cũng nhắc lại “ách nô lệ” xoáy vào lòng người yêu nước:
“Ách nô-lệ dân ta đà chán biết,
Nên quyết lòng nổi dậy chống xâm-lăng.
Chỉ quân Tây thề một tiếng rằng:
Thà cam chết không làm dân bị trị.
Bọn cách mạng giả danh đang rối trí,
Khu Bình Xuyên tiếng súng nổ vang tai.
Đoàn dũng binh tiếng đếm một hai…
Nhắm hướng có quân thù xông lướt đến.”
- Người không có khả năng chiến trường, khi quốc gia hửu sự thì công việc hậu phương cũng là điều quan trọng. Một tín đồ PGHH chuyên tu, học hạnh từ bi của Phật, chỉ được phép cứu người chứ không được phép hại người, bất kể họ là hạng người nào, quốc gia nào. Đạo Phật với chủ thuyết hòa bình như Đức Tôn Sư nói:
“Rèn dân bằng giáo thuyết bình hòa,
Giống bác ái gieo sâu vô tận”.
Từ ngữ đồng bào, dân tộc được dùng sang tên gọi “chúng sanh”, không phân lãnh thổ, màu da chủng tộc. Lý tưởng của Phật Giáo như thế, nhưng con người ai cũng có lãnh thổ quốc gia, sanh ra và lớn lên trong đất nước có tổ tiên nòi giống không thể phủ nhận vai trò đất nước nhưng chấp nhận sự đền ân đất nước bằng giải pháp chiến trường là không phù hợp. Đức Thầy viết bài “Tỉnh Bạn Trần Gian” có những câu đáng để lòng:
“Nợ nước văn chương toan báo đáp
Ơn nhà đạo đức quyết đền ân.
Khuyên người trí sĩ mau mau tỉnh,
Giất mộng Nam Kha chốn thế trần.
Thế trần tạm giả gạt đời ta,
Lướt khỏi sông mê khỏi ái hà,..”
Nói qua thế giới của người chuyên tu, đối với sự khó khăn trong cuộc đời nó thuộc về nghiệp chướng, nơi đây chỉ có lấy tình thương tưới xuống cừu hận, nếu dùng chiến tranh để giải quyết chiến tranh là không phải cách, dĩ nhiên là sai ở lập trường của người có hướng tâm ngưỡng cửa Niết Bàn.
Nợ nước phải được báo đáp bằng văn chương sao?! Đời là giất mộng Nam Kha, là thế trần tạm giả gạt đời ta và để không bị lường gạt nữa hãy mau mà “lướt khỏi sông mê khỏi ái hà”! Do đó người chuyên tu đáp đền ân nước chỉ có một cách duy nhứt là dùng văn chương để cũng cố địa phương.
Dùng văn chương để củng cố hậu phương. Văn chương tức dùng chữ nghĩa, lời nói có sức thuyết phục tác động lên ý thức của người nghe, người đọc về một công dân tốt, không làm mất an ninh trong gia đình, xã hội như cờ bạc, cướp giật, quấy nhiểu… Dân không phạm pháp là không có cái cảnh thù trong, nhân dân có lòng yêu nước chung sức đánh giặc ngoài. Đức Thầy giảng hóa rất kỷ “Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đở quê hương, ta rán tránh đừng làm việc gì sơ suất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước. Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.”
Tóm lại, bàn về “Nợ Nước” trong giáo lý PGHH có hai phương hướng để tùy hoàn cảnh, trình độ của tín đồ chọn lấy điều thích nghi, 1: xông pha chiến trường khi đất nước bị xâm lăng, 2: Củng cố hậu phương, dùng sự hiểu biết về chính nghĩa quốc gia của mình dẫn giải cho mỗi dân trong xóm, làng qua làng trở thành công dân tốt, hậu phương không gây rắc rối, phạm pháp để người chiến sĩ nơi xa trường đánh giặc ngoài mà không có thù trong.
8/6/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét