Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

HAI BÉ LƯỢM BỌC, LON

Bóng ngả về chiều, phía trước dinh thờ bà Lê thị Kim Định, nhờ hàng cây to ven vành biển buông tàn che phủ cả sân rộng, du khách hành trình đường xa thấm mệt ngồi quanh lại sân mát chuyện trò, cười cợt rộn ràng lên. Gió biển lất phất và tiếng rì rào trên cành lá cao bóng mát, tiếng lách tách của sóng nước đẩy ập vào ghềnh đá, xa trông những chiếc thuyền tí teo lúc ngoi lên khi hụp mất bởi những con sóng bạc đầu cồn kềnh nhồi nhảy tung tăng. Du khách ngồi nhìn ra biển nghe lòng thương thương muốn muốn, họ rủ nhau xuống tắm biển, phần đông đồng ý và họ kêu nhau thực hành ngay kẻo càng về chiều Trời phủ lạnh tắm không vui lâu.
Một số phụ nữ trong đoàn, lúc mọi người vây trên sân chuyện trò, khơi dậy niềm vui những điểm đi qua thì quý vị đã đi mượn nhờ nhà khách của Dinh bày ra dùng bửa, trong khi một số người nam chuẩn bị vào cuộc thì phía hậu cần cho hay: cơm canh dọn ra xong, xin ý kiến với mọi người hãy chờ sau khi ăn xong sẽ tắm nha ! Thế nầy thì lở bộ mất rồi, một vài người nam sốt sắn chuyện tắm biển đã cởi trần mặc quần đùi cũng phải mặc đồ trở lại, vì hậu cần mà ra lệnh đâu ai dám không nghe.
Đoàn tham quan, so lượng khách nữ nam tương đối nhưng phía nữ có bốn người sợ biển mênh mông không dám tắm, dầu những bạn nài nỉ: tắm biển thường, ngăn ngừa được một số chứng bệnh, kể điển hình là bệnh bứu cổ. Đã sợ biển mênh mông, có thuyết phục cỡ nào bốn vị ấy cũng không nghe. Dưới biển, tiếng người cười nói dậy lên, tiếng kêu ơi ới của những người chơi trò cút bắt hòa với sóng nước tạt văng sè sè… tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn, náo nhiệt, ồn ào như phiên chợ sáng.

Trong khi người ta ăn uống, tắm biển vui chơi thì trên bờ có hai bé trai vẻ rất là tội nghiệp, không để ý đến ai. Có một cặp tình nhân người ngoại quốc, mũi cao mắt đục, tóc vàng, họ tắm chút thì lên bờ dẫn nhau đi theo vành biển để thưởng thức cái nắng chiều của Trời Đất Việt Nam còn độ gây gây. Đoàn tham quan đang tắm, có lẽ không thường gặp người ngoại quốc nắm tay đi một cách tình tứ, họ ngưng lại các hoạt động bơi lội cút bắt, cả đến lặng thinh những tiếng cười, chú mục vào hai người ấy. Hai bé trai trên bờ hết sức là vô tình vô cảm với những chuyện xảy ra quanh mình, hai bé, đứa quảy một chiếc bao đi lượm bọc, óng lon bia, nước ngọt của khách tham quan vất bỏ bừa bải. Có những óng lon không nằm trên mặt phẳng, lăn vào cỏ rậm hoặc rớt xuống ghềnh đá sâu âm u; các em chung lòn xuống vực sâu hoặc lách mình qua kẻ đá tìm đồ của người ta bỏ. Mỗi đứa cũng chỉ khoảng chục lon thế mà chúng rất mừng. Trong bốn người phụ nữ không tắm biển, có một cô trẻ tuổi hơn thấy hai bé trai lượm lon, bọc tuổi cỡ con mình, lòng cảm nghe thương thương: mới bây lớn mà dải dầu như vậy, cô đi lại chỗ hai cháu, nhìn rõ mặt mày, nói thầm: hai thằng nhỏ cũng ngộ người đấy chứ! Cô chào hai cháu và đưa tay chỉ vào cháu lớn hỏi:
- Cháu mấy tuổi?
- Dạ thưa cô, con năm nay 10  tuổi ạ.
- Còn cháu kia, mấy tuổi?
- Dạ con 9 tuổi.
- Cháu 10 tuổi học lớp mấy rồi?
- Dạ con học hết lớp ba đã nghỉ học.
- Còn cháu nầy thì sao?
- Dạ con đang học lớp ba.
- Hai đứa là anh em ruột hay gì?
- Thưa cô không phải ạ.
- Cháu học lớp ba sao bổng nhiên nghỉ học?
- Dạ, nhà con nghèo mồ côi cha từ lúc nhỏ.
- Cha chết sớm sao?
- Dạ không, cha bỏ mẹ con đi theo một người đàn bà khác, biệt tích không về. Mẹ vất vả với nghề bán bánh cam nuôi con ăn học mà tiền học phí giờ đóng rất là cao. Con thấy mẹ dường đã quá sức chịu đựng nên nghỉ học, trước nhất mẹ không phải lo đóng tiền trường vào năm lớp bốn. Tuổi con chưa làm mướn được thì đi mót bọc lượm lon, mỗi ngày một ít tiền phụ vào để mẹ con giảm bớt nhọc nhằn.

Người phụ nữ nghe bé trai 12 tuổi kể chuyện nhà, tâm hồn xao xuyến nước mắt muốn rịnh ra nhưng cô cầm lòng ém đi dòng lệ chảy để hỏi tiếp bé trai 10 tuổi:
- Còn cháu 10 tuổi nầy thì sao, hoàn cảnh có tốt hơn bạn không?
- Dạ thưa cô, ba mẹ con còn đủ nhưng mẹ bệnh hoạn liên miên, một mình ba kiếm tiền bằng sức lao động không đủ cho mẹ uống thuốc, con cũng định học hết năm nay là biết đọc biết viết, sẽ nghĩ để ba không bị đặt vào cảnh khó xử khi con lên lớp bốn với số học phí làm điêu đứng.
Người phụ nữ không biết lòng nghĩ gì… dòng nước mắt bị đè nén đã bật ràn rụa ra. Sợ ba người bạn kia nhìn thấy cười mình dễ hay xao xuyến lòng như vậy, cô kêu hai bé trai tiếp tục đi lượm lon bọc và cô hứa lượm giùm. Cô dắt hai bé đi xa xa, khuất tầm mắt mọi người vui chơi với biển, cô lượm được bốn lon chia đều hai đứa qua lời dặn dò:
- Hai cháu đều trong hoàn cảnh khó khăn thật đáng thương, Mình nghèo nhưng hãy sống ở đời cho tốt thì hoàn cảnh khó của mình có thể đổi thay dữ ra lành. Hai cháu nên thường niệm câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬTđược chứ!
- Dạ con cũng Niệm nhưng lâu lâu…
- Tốt quá, xét ra, trong hoàn cảnh của các cháu phải thường niệm chớ đừng để lâu lâu mới niệm. Cô hồi còn nhỏ cũng khổ nhưng không đến đổi như hai cháu hiện giờ, cô nhờ Niệm Phật thường xuyên dần dần xua được cái quá khứ không may. Cô nghĩ những lúc đau khổ hãy nên niệm Phật và vang vái Phật hộ độ: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT nguyện Đức Phật từ bi thương xót chúng sanh. Khổ nhiều các cháu nên niệm Phật nhiều. Nhưng khi đã niệm Phật phải đừng làm tội mới có hiệu quả: Không trộm cắp, chưởi mắng, đánh nhau, với Ông Bà Cha Mẹ phải luôn hiếu kính, cô bác lớn tuổi hơn mình muốn nói chuyện gì phải xưng hô lễ phép. Hành xử được những điều ấy thì Phật trên cao nghe thấy hết điều phải mình làm, mình niệm Phật cầu cứu, Ngài sẽ cứu ngay thôi. Đang nghèo thiếu, cầu Đức Phật cứu không có nghĩa nhờ Phật giúp cho mình giàu phất lên, mà nhờ thường xuyên niệm Phật làm lành, từ từ đời sống mình sẽ chuyển dữ về lành, chuyển tâm phàm thành tâm Phật, nghiệp ác không đeo đuổi con người sẽ bớt khổ, làm ăn may mắn, có thể đổi đời nghèo mạt nầy không chừng.
Nói xong, người phụ nữ giàu lòng thương hại ấy đưa hai lòng bàn tay mình chụp lên đầu hai bé như chuyền sự thương yêu, nói khẽ: Mới có bây lớn tuổi, cái tuổi đáng lẽ chỉ lo học hành và vui chơi thì lại sớm lăn lóc vào đời để tìm cái ăn.
Đoàn tham quan tối về nhà trọ, vì đi chơi một ngày đầu thẳng thét, trông ai cũng mệt mỏi nên trưởng đoàn có cuộc sinh hoạt ngắn cho chương trình ngày mai, xong gọi nhau đi ngủ sớm. Người phụ nữ giàu lòng thương người nói trên bị ám ảnh bởi hai bé trai mót bọc, thất học sớm. Chuyện ba đi kiếm người đàn bà khác hay mẹ bị đau ốm thê lương, cô nghĩ, chỉ là một phần của câu chuyện bé thôi học. Chương trình giáo dục học đường mà thu học phí quá cao, nhà nghèo người ta cũng rán bươi quào cho con đi học để nữa có công thành danh toại, cắt đứt cái vòng lẩn quẩn nghèo nàn, lạc hậu ấy đi; nhưng hoàn cảnh nhà nghèo đâu dễ kiếm đồng tiền cho con học suốt. Ở thôn quê tỷ lệ hơn năm mười phần trăm các em học hết cấp một hoặc cấp hai rồi nghỉ cũng vì học phí cao, mà đời sống thôn dã chủ yếu hành nghề trồng trọt, ruộng vườn, có năm cũng thất bát lổ lả. Xưa thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh chỉ ra tiền mua sách vở là cùng không bắt đóng tiền học phí, trong nhà nhiều anh em, quyển sách của người anh hay chị mua học năm trước thì năm sau người em đến tuổi vào trường còn có thể học sách của anh chị mình. Bây giờ, hễ em nào vào trường là phải mua sách mới, bởi mỗi năm chương trình giáo dục học đường cứ cho sửa sách giáo khoa làm điên đảo phụ huynh của các học sinh nghèo…
Cô ấy đã ngủ.

27/5/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét