Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

ANH TU PHÁP MÔN NÀO?
(LÀ CÂU HỎI CỦA MỘT KHÁCH VÃNG LAI.)
xem để vui mắt thôi không dính đến bài viết

Cách mấy ngày qua trong số khách đến thăm tôi có hai lão tướng trên thất thập cổ lai, một anh mặc bộ bà ba đen nhăn nheo, bợt màu, còn anh kia quần tây áo sơ mi trắng nhuộm màu sương gió, qua tiếp chuyện, tôi kính cả hai có nội dung đạo đức khá lắm. Một anh ở tuổi 73 và anh kia 71. Đầu tiên anh ở tuổi 71 hỏi tôi tu pháp môn nào. Nhìn dáng điệu hiền lương của anh tôi biết đây là câu hỏi để gởi gấm tâm tình, tìm điểm đồng thuận cho có sự đồng cảm thâm giao làm ấm áp buổi gặp gở những bạn già. Văn từ của câu hỏi ở độ phân hai nhưng giọng hỏi nhẹ nhàng, biểu lộ trái tim hoan hỉ và ngời sáng. Giọng hỏi không với vẻ mắc mỏ, biết là vậy nhưng tôi rất ngại trả lời, nếu tôi nói đúng sự thật là tu theo pháp môn Tịnh Độ mà hai anh lại là người tu thiền tông thì sự bàn luận chuyện trò e mất đi những cảm hứng, tươi mát.
Thường thì nhà đạo mình mặc theo truyền thống áo vãi Bà Ba trông đẹp lão nhưng anh lại mặc quần Tây áo sơ mi, khiến tôi hơi nghi gặp mấy Ông đạo phá tướng. Mình nói thật lòng, không cạnh tranh đúng sai nhưng mấy ổng mà chịu ăn thua kiểu chơi “mặc kê”, mình thua non đi cho xong chuyện. Nghĩ vậy tôi đáp chung chung:
-Thưa anh, tôi làm lành niệm Phật, niệm Phật làm lành.
- Vậy, anh tu pháp môn Tịnh độ! _ anh ta gạn kỷ
- Dà, tôi thuở nhỏ ít học, vốn hiểu biết không sâu rộng mà nghiên cứu các pháp môn khác trong Phật Giáo, cam lòng mong muốn niệm Phật nhiều nhiều.
- Ngoài lý do kể trên, Anh có thể cho chúng tôi biết hơn thế nữa, vì sao anh tu pháp môn niệm Phật không?
- Dạ Được, nhưng tôi có một yêu cầu trước khi trả lời câu hỏi của các anh, được chứ?
- Đồng ý.
- Khi tôi trả lời, dầu trái ý cũng không buồn giận.
- Sao mà lo quá đi! Tôi có điểm đồng thuận với anh, chắc không có chuyện đó xảy ra. Đừng suy nghĩ nhiều cho không khí của cuộc giao lưu nặng nề thêm.
- Tôi tu pháp môn Niệm Phật bởi hai lý do: Lý do thứ nhứt: rất đơn giản, vì tôi đã quy y đạo Phật. Đối với người tín đồ PGHH, nói quy y theo đạo Phật tức làm lễ quy y trước ngôi thờ Tam Bảo trong nhà; ngôi Tam Bảo trong đó có Phật Bảo. Là Phật tử, quy y Phật mà không niệm Phật thì dù có nói ra một tạ lý thuyết… không xứng đáng là người quy y Phật, bởi không niệm lễ kính Phật thì Phật Bảo ở đâu? Còn ai xứng đáng hơn cho mình niệm? “Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng” sao? Là niệm cái “vọng niệm chúng sanh” sao? Chỗ quy y mà không niệm còn chỗ không quy y lại niệm. Niệm như vậy là không đúng với người quy y Phật Giáo.
Nếu trần gian nầy không có đạo Phật với pho giáo lý dạy về bình đẳng thì xã hội loạn lên những tranh giành, cao thấp, nếu không có giáo lý dạy Từ, Bi, Hỉ, Xã, người ta thiếu sự thương yêu, tha thứ, ban ân bố đức thì bể đời đầy nước mắt, cảnh chết chóc kinh hoàng. Chính Đức Phật đã nói lên những giáo thuyết bình đẳng, từ bi cho ta xây dựng một cuộc sống tốt, có trí huệ, có thương yêu và sự tha thứ để chúng ta hội nhập cộng đồng dân sinh tìm những ngọt ngào trong vị đắng ở cõi đời nầy, thế không đáng cho ta niệm danh hiệu của Ngài sao?.
Người tu, đáng lẽ phải niệm Phật nhiều hơn niệm Pháp vì niệm Phật sâu xa đi vào chánh niệm, lòng mình chỉ có Phật không có bất cứ gì khác, trạng thái nhập chánh niệm là đúng mục tiêu của Tịnh Độ Tông đề ra trong khi niệm Pháp thuộc về tư duy làm con người thông thái, hiểu biết sâu sắc, nói chuyện hay ho nhưng tư duy không đưa người đến chỗ giải thoát. Tóm lại, niệm Pháp để nghiên cứu học hỏi, giữ chánh tư duy còn Niệm Phật để chiếu kiến tánh bản lai “Tự tánh Di Đà, duy tânm tịnh độ”. Niệm Phật để biết ơn Phật, đồng thời là một cách tu tìm Phật trong tâm mình. Thưa anh, tôi vì hiểu như vậy, đấy chính là lý do khiến tôi tu pháp môn Tịnh Độ.
Lý do thứ nhì: Tôi là một tín đồ PGHH, đã nguyện quy y thì phải hành y lời Đức Thầy dạy; cho dù giáo lý giải thoát chúng sanh của Ngài không riêng chỉ một pháp môn Tịnh Độ. Ngài dạy các pháp môn của tiến trình Phật Giáo, những gì gọi là thành công của đạo Phật đều được Ngài đem ra phổ hóa. Xưa đạo Phật có nhiều tông phái, theo sự nghiên cứu của tôi, ngày nay Đức Thầy dùng khế cơ nhắc nhỡ giáo lý tựu trung của ba tông phái: Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Pháp Tướng Tông; mỗi tông phái của đạo Phật đều có bộ môn giáo lý cương lĩnh, như Thiền Tông do tổ sư Bồ Đề Đạt Ma ấn chứng thiền tâm từ tổ tổ chân truyền, đến đời Ngài lập thành tông phái, Ngài nêu cao tông chỉ, giáo lý là vô tự kinh. Ngài đi từ Ấn Độ sang Trung Quốc tuyên bố với học chúng chỉ 16 chữ “ Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Tịnh Độ Tông căn cứ vào Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ làm giáo lý căn bản. Pháp Tướng Tông, dạy về Duy thức, lục căn: nhãn nhỉ tỉ thiệt thân ý là sáu thức. Thức thứ sáu thuộc về ý căn, thức nầy hoạt động liên tục, nếu không có thức thứ bảy mạt na thức kìm thì thức thứ tám A Lại Da sẽ là kho chứa cho nhiều chủng tử thiện ác mà ác có thể nhiều hơn.
Dạy về Thiền Tông Đức Thầy viết “Thiền định đặt làm thể” trong khi dùng pháp môn thiền định làm thức lệ tu và tu pháp môn nầy đúng cách sẽ đạt được trí huệ vẹt hết vô minh thành Phật tại thế như Đức Phật Thích Ca khi xưa vậy “… Ngoài kiếp phù-du của trần-thế, có cái gì không di không dịch vĩnh-viễn trường-tồn. Nếu ta lấy sự thiền-định mà phá tan màn u-minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả-báo luân-hồi”.
Lý thuyết là như thế, nhưng để đạt đến mục tiêu dùng thiền định đi vào Phật quả, Đức Thầy kêu gọi hành giả tu thiền định phải vào chánh định:
“Giữ tấm lòng bất động như-như,
Cho hồn-linh yên-lặng an-cư,
Thì mới được huờn-nguyên phản-bổn.”
Dạy về Tịnh Độ Tông Ngài viết:
“Tìm Cực-Lạc đây rành đường ngõ,
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu”
“Đức Di Đà Truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Lãnh lệnh lâm phàm, Ngài kêu gọi tu pháp môn Tịnh Độ:
“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh-Độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vât,
Dù Tiên, Phàm ma quỷ, súc sanh,
Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành,
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây-Phương hồi-hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.
Còn về Pháp Tướng Tông: Ngài dạy tu làm sao sáu căn không nhiễm sáu trần:
“Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
ợn trí đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giải thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa đày”.
Nhìn qua ba tông phải của đạo Phật được Đức Thầy đặt vào giáo lý PGHH để truyền bá thì thế mạnh của tông Tịnh Độ là hơn cả. Ở cái thế ưu tiên một, vì Đức Thầy là Phật từ cõi nước Cực Lạc lâm phàm, lãnh lệnh của Đức Phật Giáo Chủ cõi Cực Lạc sang đây qua những câu:

Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”
Bởi đó, Ngài tỏ rõ thái đvà xưng danh một nhà dẫn dắt tài tình “Tìm Cực Lạc đây rành đường ngõ”. Đi theo người rành đường về Cực Lạc lại được Phật từ cõi Cực Lạc qua dắt đi, đó là lý do chính xác khiến tôi phải tu pháp môn Tịnh Độ, cầu nguyện lực của Đức Phật Di Đà vãng sanh cảnh giới Tây Phương.
Xin cám ơn sự phân tách của anh. Giờ Trời đã về chiều, chắc chúng tôi còn có duyên gặp lại anh nhiều lần nữa.
Xin cám ơn và chúc tu hành tinh tấn.
19/5/2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét