Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

PHẬT VÀ CHÚNG SANH

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Từ xa quý vị đến Thiên Quang Am. Nơi xóm vắng, xa làng, xa chợ, tiếp khách mà một bình trà cũng không có. Thôi thì hãy lập lại câu thơ của Cụ Tú Xương nhá, mượn làm của quí đem ra đãi sướng cái lổ tai cho mà cười vui vẻ:

Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác tới nhà chơi ta với ta”

Vật chất không đủ đãi nhưng tôi có tinh thần, hy vọng sẽ được bù lấp vào khoảng tróng vật chất bằng tinh thần, tấm lòng của người hâm mộ đạo pháp. Món tinh thần nầy có tên “ĐỨC PHẬT VÀ CHÚNG SANH”

Kính thưa quý vị!

Qua chuyên môn, sự hiểu biết về từ ngữ Phật Học của chư đồng đạo, phật tử, tôi thấy không nên để mất thời gian vào câu hỏi Phật là gì. Bởi tín đồ của một Tôn Giáo tất nhiên phải hiểu Giáo Lý của Tôn Giáo mình.
Sự xuất hiện của Đạo Phật ở cõi thế gian không phải như một phép lạ từ vị Giáo Chủ và Ngài có quyền ban phước gán tội, nhưng cũng có thể là một phép lạ cho chúng sanh chợt tỉnh mà thấy rằng: những khả năng ở Đức Phật mà ta ngày đêm mong mỏi vọng cầu Ngài ban bố thì hết sức là ngộ nghĩnh! vì khả năng đó Đức Phật không dư mà chúng sanh cũng không thiếu. Cầu xin Đức Phật những vì ta có mà Đức Phật không dư thế có phải là ngộ nghỉnh không?
Chúng ta bàn ngay công việc của Phật để xem tầm ảnh hưởng của chúng ta về Đức Phật được mấy ký lô gram công việc Phật làm. Đối với chúng sanh Đức Phật có 4 thứ  Tâm: Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỉ, Tâm Xả; mỗi thứ tâm đều là vô lượng.
Tâm Từ: Tâm hiền lành. Đối với bất kỳ chúng sanh nào Đức Phật vẫn thể hiện sự hiền lành vô lượng, với ai cũng hiền lành, lo lắng dìu dắt, lúc nào cũng hiền lành, lo lắng dìu dắt. không có lý do để ta từ chối sử dụng từ tâm đến bất cứ ai với lối biện hộ rằng người đó thiếu nhân duyên. Cái nhân duyên là tự ta đặt ra, người mà mình thiếu từ tâm với họ còn bảo họ vô duyên là không có sức thuyết phục. Chúng ta có tiếng là người tu học Phật Pháp, là một hành giả, nên xem lại sự ảnh hưởng trong ta về Từ Vô Lượng Tâm của Đức Phật đến độ nào? Thật sự thì chúng ta có tâm hiền lành, lo lắng dìu dắt, nhưng không phải với ai và lúc nào cũng vậy, chúng ta chỉ mới dính dáng chút ít Tâm Từ Vô Lượng của Phật, chút ít ấy nhờ vào khả năng tu tập giác ngộ mà có chứ không phải ai cho. Có chút ít thôi thì đường đi lên còn dài, nhiều thử thách và thách thức đang chờ, hãy chuẩn bị sức kiên nhẫn để đối phó những sung khắc trước hoàn cảnh. Trong lòng Phật chỉ có thương thôi không có ghét, vì thế trên bước đường học Phật ta cảm nhận mình có “ghét” là học ai đâu chớ Phật chưa dạy “pháp môn ghét” cho ta. Điều động tâm lý nhạy cảm lòng Từ, hễ chấp nhận mình là người tu, bất cứ là ai, ở đâu cũng gắn bó hiền lành là trên hết. Chúng ta hãy nghe sự giải thích của Đức Thầy về Tâm Từ Vô Lượng:
“ Đức Từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não”.
“ Phật đối chúng sanh như mẹ với con” của Đức Thầy ví vụ rất khắn khít với Kệ Kinh của Phật “ Phật ái chúng sanh như mẩu ái tử” nhưng để làm tỏ rõ thái độ Từ Tâm là “ Lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nỡ để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ  não” thì quá là rõ nghĩa, Tâm Từ của Phật là Vô Lượng.
Tâm Bi: Tâm Thương xót. Với bất cứ chúng sanh nào Đức Phật cũng thể hiện lòng thương xót lên cuộc đời họ, cho dù ai đó không thương xót Ngài và còn hại Ngài nữa. Ta hãy nghe Đức Thầy giảng giải Tâm Bi: “Đức Bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng gì thế mà ghét bỏ, lại thương xót vô cùng”.Người Học Phật, biết qua tâm thương xót của Phật như thế thì rất là kính nể, hâm mộ, làm theo ý chỉ. Hãy xét duyệt kỷ lại, mình thường hay nói làm theo, làm theo, làm theo mà có thật sự làm theo không? Nếu có làm theo tất nhiên sẽ có ảnh hưởng tốt. Sự ảnh hưởng trong ta về Tâm Bi của Đức Phật đã đến độ nào rồi; có thương xót kẻ không thương xót mình mà còn hại mình nữa, được chứ! Thương xót không nên là sự miển cưỡng. Đức Phật không đặt miễn cưỡng trước ai trong việc cứu độ. Kinh Phật dạy rằng “ nếu có ai xẻo mủi, chặt chân, tay, các ông chỉ nên niệm từ tâm, không nên niệm nóng giận”. Thiệt không thể nghĩ bàn! Người ta giết hại mình chẳng những không được phép nỗi sân lên với kẻ đã hại mình mà còn phải “ Niệm Từ Tâm” với họ nữa. Chúng ta mà gặp vậy, dằn lòng cho được không nóng giận đã là chuyện phước đức, có cỡ trong giới thiền môn, chớ còn bảo phải “Niệm Từ Tâm” với kẻ đã hại mình, ăn được cũng bầm dập. Nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm được việc ấy với Đề Bà Đạt Đa và Đức Huỳnh Giáo Chủ vị Tôn Sư yêu kính của chúng ta làm được với tên Bửu Vinh đại ác, nên mới gọi là Bi Vô Lượng Tâm.
Tâm Hỉ: Tâm vui vẻ. Vui vẻ để làm việc đạo, lợi ích nhân sanh. Vui của Tâm Hỉ không phải là vui trên sự thành công đắc thắng, cười hãnh diện mà là vui trong cuộc đời không câu nệ sự thành công đắc thắng; mang cái vui của chính tâm thể mình vào các công việc, đến với mọi người, các sinh hoạt đạo lý. Qua diễn cảnh về sinh hoạt giáo lý có gặp chướng duyên, lòng không nao núng, vui vẻ tìm cách vượt qua chướng duyên để hoàn thành chí nguyện “ Truyền Bá Kinh Lành”. Tu âm thầm trong thời giờ dành riêng cho tịnh tọa, bị ngoại cảnh đưa đến sự ồn ào, đừng để cho việc tịnh tọa bị sức mẻ và bỏ cuộc giữa chừng, Hãy cho nhập tâm lời Đức Thầy dạy“ Đức Hỷ: thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã.” Nhập tâm để Đức Hỷ luôn có trong tâm, đụng chuyện là giải quyết tại gốc, không phải đợi gặp chướng duyên đưa đến, để đối phó chướng duyên rồi đem ra mà đọc lại lời Thầy cho “hoàn cảnh trái nghịch” nó sợ mà bỏ chạy sao? Chạy không thì chưa chắc nhưng như vậy là muộn màng rồi! Bấy lâu tu học ta nên xét coi sự ảnh hưởng của ta đi đến đâu trên chỗ “ Thường thường an vui... dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch…”Tâm Hỉ trong Tứ Vô Lượng Tâm, không bị sự vui buồn gài cứng trong đống nghiệp duyên khổng lồ, vui bởi đối đải của buồn là vui thường tình khi được việc, được dịp, có danh, có lợi vào, sự vui ấy nhợt đi màu Phật.

Tâm Xả: Xả là buông ra, cởi ra, bỏ mặc chẳng dính mắc. Tâm Xả Vô Lượng sẵn sàng buông bỏ hết những gì ở thế gian, tiền tài vật chất cả đến thân mạng khi thần chết đến kêu đi không tham sanh tiếc uổng. Tu không chấp pháp môn nào để tâm tư không thuận dòng duyên sanh dị ứng bảo thủ. Trên đường đi, cho dù gần mà gặp gì cũng dừng lại chụp nắm, chậm chạp quá! Chụp nắm một chút liền hay, buông ra mà tiếp tục hành trình thì đỡ chứ còn nắm hoài, mây mù giăng bít lối, mang tiếng tu lâu nhưng có tu được tới đâu trên đường giải thoát. Đã hành trình về Phật, mà Danh, Lợi, Tình; sắc, thinh, hương, vị … nắm cứng, biết buông ra là nhẹ gánh mà không buông, gánh quay mòng mòng đi gì? Giận đến no nê, mấy ngày còn phình chương cái bụng ra, than tức bụng, tức ngực phải xả ra là hết mà có chịu xả đâu. Tôn Sư ta dạy “Đức Xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc, nhìn cuộc đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái.”

Từ, Bi, Hỷ, Xả là 4 đức tướng của Như Lai, Phật Thế Tôn. Tu theo Giáo Lý Đạo Phật, là hãy kiên quyết làm hết những gì Đức Phật đã làm và dạy chúng ta làm.
Làm Việc Phật, mới nghe qua tưởng như giọng nói của kẻ cống cao ngã mạng mà xét nghiệm cho kỹ thì quá đúng đi! Các Sư các Phật Tử thường dùng từ “ Đi làm Phật Sự” nghĩa là làm việc Phật làm. Danh từ Phật Sự Đức Huỳnh Giáo Chủ Giảng rõ hơn “Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta ta phải làm theo cách nấy”. Câu trên với hai mệnh đề độc lập: Tự Giác và Giác Tha, hay nói cách dễ hiểu tự độ và độ người. Tự Độ là tự tu, trau sữa chính mình. Trau sữa cách nào đó là vấn đề mấu chốt được Đức Thầy đặt ra ở đây là “Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta phải làm theo…”
Nhân thân của Sĩ Đạt Ta là Đông Cung Thái Tử, sắp sửa lên thay ngôi vua cha trị vì thiên hạ, nhưng Ngài thấy có điều không ổn trong việc tấn phong bởi vì dòng máu trong Ngài là hậu thân của Bồ Tát Hộ Minh trên cõi Trời Đao Lợi, kế thừa nghiệp Phật tế độ quần sanh mà lâm phàm, biến người có sự nghiệp vua chúa trở thành sự nghiệp Phật Đà. Dẹp cái bản ngã của nhà giàu, uy quyền, để phát hiện lý vô thường qua tấm thân tứ đại, Lén đi tu trong lúc đêm hôm tăm tối, lìa bỏ cung vàng điện ngọc, không cần ai hầu hạ, đổi áo cẩm bào lấy áo vải thô sơ, lên rừng núi âm u sống đời đạm bạc là một cách tu. Không nao núng trước thân thể héo gầy, cái chết sắp diễn ra vẫn uy nghi ngồi thiền định đưới cội Bồ Đề, chứng đắc đạo quả chính là cách tu đắc đạo mà Đức Thầy căn dặn người tu PGHH phải làm theo. Chuyện này là chuyện của Sĩ Đạt Ta thuở xưa đã làm trước khi thành Phật, Đức Thầy dạy chúng ta nên theo cách tu đắc đạo của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni để Viên Thành Phật Quả.
Sau khi Đức Phật Thích Ca Đắc Đạo, Ngài lê chân khắp đó đây độ đời. Vua cha đến khuyên Ngài trở về hoàng cung thay ông trị vì thiên hạ Ngài đáp lời cho ông ấy “ Muôn tâu bệ hạ, Xưa tôi được sanh ra từ cung điện uy nghi, chuẩn bị nối ngôi vua cha ban. Xét cho cùng làm vua thì cũng già, cũng chết. Tôi đã học và đạt đến kết quả môn học, hiện giờ tôi không còn khổ sầu vì Sanh, Lão, Bệnh, Tử, trụ ở tấm thân tứ đại là để dạy chúng, nếu ai vâng lời mà tu đúng cách thì chỉ một lần nầy thôi là không còn bị sanh, lão, bệnh, tử hành hạ. Giờ đây sự nghiệp của tôi đã đổi thay, tôi không còn là người thừa kế của dòng họ vua chúa nữa mà là thừa kế của mười phương chư Phật.
Giúp người không nài gian khổ là hạnh phật, ta chưa thành Phật nhưng để tập theo Phật ta cũng có thể giúp đời không nề gian khổ; một kẻ nghèo hèn thiếu ăn thiếu mặc, Phật rất thương người bất hạnh ấy và coi như Ngài có trách nhiệm phải lo cho sự đói lạnh, vô minh, của toàn thể chúng sanh. Nhưng, nếu có ai để tâm lo trước hơn Phật về vụ đó, cứu chúng sanh nghèo đói, dạy chúng sanh thoát mê, dìu chúng sanh an lạc, hạnh phúc; Đức Phật sẽ hài lòng ban phước cho người nào làm công việc Ngài làm.

Kính thưa quý vị! món tinh thần tôi vừa đem đãi, hy vọng sẽ được chút ngọt ngon cho quý vị để tình đạo nối liền hai cảm cách. Kính chúc thân tâm an lạc.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét