Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Tham Quan Hành Hương:

LỄ CÚNG MỘ BÀ

Gần đến ngày cúng Mộ Bà nhiều đồng đạo nhắc nhỡ và mời tôi đi cùng. Nhớ lại đã hai mùa lễ rồi tôi không đi dự để biết hiện tình của tôn giáo tiếp diễn thế nào. Năm nay thì tôi hứa, một số người tôi hứa cùng đi, một số khác hứa sẽ gặp họ tại mộ lễ, nhất định phải đến để gặp, không được lỗi hẹn.
                               Cảnh phần mộ Bà và trước sân ngôi thờ

Theo thế truyền, Mộ Bà tức Phật Mẫu là mẹ của Cụ Đoàn Minh Huyên (Đức PhậtThầy Tây An). Hằng năm vào ngày 29 tháng 10 âl, bà con đồng đạo của hai đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo từ các nơi đến địa điểm cúng ngôi cổ mộ Đức Phật Mẫu, tên thường gọi là “Mộ Bà” ở ấp An Bình, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cách trục lộ chính từ bến phà An Hòa đến ngã ba Kinh Cựu Hội thì Mộ Bà nằm độ giữa, rẻ vô từ cầu kinh Cái Nai ước khoảng từ hai đến ba cây số. Xưa đường hẹp lại long chong những mô đất đào đổ lên, trước đường nhà ai nấy làm, thiếu sự trang trí mặt phẳng đồng loạt. Những năm mưa mùa trễ lại vài đám mưa sa xuống trên con đường đất lòi lõm ấy vào dịp cúng lễ Mộ Bà, thật vất vả cho khách thiền môn phải đi dài dài trên đường lầy, trơn trợt, có thể dẫn đến sự rủi ro. Những khách ở xa trông hướng mây mưa, đoán mưa ngay vùng mộ bà đã làm người ta ngán ngẩm hủy chuyến đi cúng.

                            Cảnh đoạn đường đi bộ đến mộ Bà.

Năm nay 2014 tuyến đường đã được tu sửa đồng nhất, mặt đổ bê tông và đường thì nông rộng ra, nhưng do độ thi công của chủ thầu chậm chạp nên còn động lại một vài đoạn ngắn. với chút ít chưa thành không làm cho các tay lái mệt mỏi khi phải lái xe qua. Đi chung với việc nâng cấp làm đường, ban thủ từ của ngôi cổ mộ thờ Phật Mẫu đã mở rộng khuông viên cho khách hành hương chiêm bái có chỗ đi đứng rộng. So với các năm qua, lễ cúng năm 2014 nầy đông gấp hai lần những năm cúng trước. Có điều chưa đặc sắc lắm, con đường được nâng cấp nói trên cũng chỉ cho phép xe hai bánh, xe khách không thể vào được. Tôi thấy trên đường xa người ta đi bộ từng tớp, đáng lẽ phải mướn xe Hon Da đầu chỡ vào nhưng vì bà con mình phần đông còn nghèo, tiếc tiền, rất sợ tốn kém, đành lội bộ. Nhìn khách đi từng cụm trên đường, thương quá là thương cháu Ngoãn nói với tôi: Chú xem! Mỗi cụm người có lẽ là khách của một chiếc xe đổ xuống, đi từng cụm để kiểm soát không lộn. Tôi nói: chắc là vậy. Ngoãn thỏ thẻ: Nhìn thấy quý cô bác lớn tuổi lội bộ đường xa mà tội nghiệp, ước phải con đường nầy rộng hơn nữa, xe khách vào tận nơi đỡ hao tiền và sức khõe của bà con. Tôi nghĩ, ước ao có một con lộ lớn rộng cho xe khách vào là chuyện quá sức tưởng tượng với cái xứ quê vùng sâu chưa mấy khá lên. Nhưng nếu chỉ có giải quyết yêu cầu cho đoàn người đi xe khách, ban tổ chức lễ có thể trưng dụng xe chuyên dùng (tải nhỏ) hoặc xe thùng đón chỡ khách vào trong dịp lễ chắc là không khó lắm­­.
                             Nơi chánh điện bên trong ngôi thờ mộ Bà.
• SỬ LIỆU
Sử liệu không đầy đũ, chỉ còn là chuyện xưa tích cũ. Ông Trần văn Thọ, người hiện trong ban tổ chức ngôi thờ Mộ Bà đã ghi chép từ Ông Cha một tài liệu truyền ngôn VỀ NGUỒN GỐC MỘ BÀ CÁI NAI :
Theo như lời Ông cha chúng tôi kể lại:
Thuở xa xưa vùng Cả Nai rất hoang vu, dân cư thưa thớt, trên đường nhà nầy đến nhà kia cách xa, phải vẹt cỏ buội mà đi, dưới kinh rạch ít ghe xuồng qua lại. Về sau có những điềm ứng mang tới bất ngờ từ những người xa lạ. Dân chúng thăm dò, tin tưởng nơi nầy là Mộ Bà bởi những sự kiện linh nghiệm sau đây:
Ngay buổi đầu không ai biết vùng đất nầy có ẩn chứa Mộ Phần có liên quan đến bậc trên trước. Người ta thấy vùng đây chung quanh đầy lau sậy nhưng lại có khoảng đất tróng chẳng những không lau sậy mà cũng không có các cây cỏ khác mọc lên trong vùng khoảng 4-5 (bốn năm mét vuông). Vùng nầy người ta nuôi nhiều súc vật như gà, vịt, heo, trâu, bò cứ tối ngày thả lan, chúng đi đâu thì đi, không dám đến đó. Có những con vật mê ăn, vui, vô ý lại gần thì mặt dáo dát chạy toát ra xa như bị ai cầm cây mà đuổi.
Ít lâu sau có vài ba cụ già đến quét dọn trong vuông đất tróng ấy, vì gia tộc chúng tôi ở cận nên đã để mắt xem cái chuyện lạ lùng nầy, Ông cha chúng tôi đến hỏi các cụ để biết qua chuyện, các cụ trả lời: Đây là Mộ Phần của Mẹ Đức Phật Thầy Tây An. Ngày qua tháng lại, lâu lâu thì có thêm năm bảy cụ già lại đến quét dọn khoảng đất tróng ấy mà các vị hoàn toàn xa lạ, mang đến 4 cây Ôi Môi trồng bốn góc, rồi trồng thêm bông Trang trắng quanh Mộ. Ông cha chúng tôi tò mò hỏi chuyện như hỏi các cụ chuyến trước, các cụ cũng nói y như như vậy, rằng đây là Mộ phần của Mẹ Đức Phật Thầy Tây an. Tiếc có một điều là Ông Cha chúng tôi lại không hỏi Mẹ của Đức Phật Thầy Tây An tên họ là chi. Định nếu sau nầy còn dịp thì sẽ hỏi cho ra lẽ.
Điều lạ thay! Thời gian bào mòn, 4 cây Ôi Môi già cổi bật gốc ngả ra ngoài, không chạm chút nào trong khuông viên ngôi mộ.
Bỗng một hôm có Ông lão xuất hiện tại Mộ Bà vào khoảng mùa thu năm Kỷ Mão,(cũng là năm Đức Thầy khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo chỉ cách sau 3 tháng mùa, từ hạ đến thu), đầu tóc bạc phơ, chèo chiếc thuyền nhỏ, không biết Ông từ đâu ghé đến, lên trước ngôi mộ quét dọn sạch sẽ rồi thắp hương bái lạy. Ông Cha chúng tôi tôi cũng lại hỏi han qua sự việc kính lễ của Ông. Ông lão trả lời như các Ông cụ trước: là mộ phần của Mẹ Đức Phật Thầy Tây An. Ông Cha của chúng tôi định hỏi về Nhân thân  Đức Phật Mẩu, nhưng Ông lão đã lướt đi ý nghĩ bằng qua một đề tài khác: cúng kỵ cơm Phật Mẫu là ngày 28 – 29 tháng 10 âl hằng năm. Ông lão còn nói thêm rằng: Mộ Bà bây giờ là chòi tranh vách lá nhưng sau nầy sẽ mở rộng lên không còn vách lá chòi tranh nữa đâu. Nói nhanh gọn một chút, Ông lão từ giả xuống ghe xuôi ra vàm Kinh Ông Chưởng. vừa nại mái chèo, Ông lão ngâm lên hai câu:
“Bồng Lai Tiên Cảnh ai rảnh thì đi
Ai mắc nợ thì ở lại dương gian”.
Từ câu thơ ngâm nga đó, người được nghe chuyền ra, bà con trong rạch Cả Nai mới gọi tên Ông là Ông Lão Bồng Lai. Cũng từ đó bà con trong vùng Cả Nai đồng nhất trí chọn ngày 29 tháng 10 âl hằng năm là ngày chánh cúng.
Ngày tháng qua mau, thoắt chóc đến mùa hè năm 1941, bỗng dưng từng tớp người đi ghe xuồng theo đường rạch Cả Nai đến cúng viếng Mộ Bà. Dân chúng trong làng thấy lạ rủ nhau đi xem và hỏi chuyện, số đông bà con ấy đáp rằng: Chúng tôi là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đến viếng Đức Thầy ở nhà Ông Ký Giỏi ở tỉnh Bạc Liêu, giữa lúc Đức Thầy bị quân Pháp siếc chặc vòng vây an ninh, bổn đạo từ xa đến mà không tiếp kiến được Ngài thì quá là tội nghiệp, Ngài bèn nói với chư môn đồ: Đến viếng đây khó khăn, quý bổn đạo hãy đến viếng Mộ Bà ở Cái Nai cũng như đến viếng ta vậy.
Nhận được lời dạy bảo ấy, người may mắn trực tiếp với Đức Thầy vinh hạnh nói truyền ra, tín đồ trong và ngoài vùng Cả Nai nghe liền tiếp nhận ý chỉ, chung sức chung lòng dựng đền thờ được khang trang cho đến ngày nay.

May thay! Trước năm 1975, thời hiệu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chứng nhận cho đạo Phật Giáo Hòa Hảo có tư cách pháp nhân, tự do tôn giáo, xã Hội An thành lập Ban Trị Sự xã, ấp, có Hội Quán, độc Giảng Đường. Trong khung cảnh Mộ Bà hằng năm có tổ chức 3 ngày đại lễ PGHH như Lễ Khai Sáng, Lễ Đản Sanh và Lễ Đức Thầy vắng mặt, bà con đồng đạo địa phương tựu về đây cúng các lễ, thành lòng đọc Sấm Giảng Giáo Lý của Đức Thầy. Hơn nữa mỗi tháng có 4 ngày đọc giảng mười bốn rằm, hăm chín ba mươi tại nhà khách ngôi cổ mộ.

Xét qua sự cúng lễ, ở khía cạnh lịch sử thì không có văn học sử nhưng qua ý nghĩa tôn giáo thì có những huyền nhiệm mà văn học  lịch sử không rờ tới được. Biết đâu những cái gọi là Ông cụ, Ông lão trong chuyện kể lại là những vị trên trên trước giả dạng phàm nhân dạy tìm cỗ mộ, còn Đức Thầy chẳng phải đã so sánh rằng: Thay vì bổn đạo đến thăm viếng ta hãy đến kính bái ngôi Mộ Bà ở Cả Nai bằng như các vị đến kính bái ta vậy. Đại từ nhân xưng “Ta” chỉ cho Đức Thầy mà cũng là Đức Phật Thầy. Đức Thầy kêu bổn đạo về kính viếng Mộ Bà, tuy không nói là Phật Mẫu nhưng chúng ta dám biết Mộ Bà tức là Mộ Phật Mẫu, nếu không phải vậy Đức Thầy không đem so sánh.

24/12/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét