GIẶT
ĐỒ VỚI GIẶT TẤM LÒNG
Tôi bỏ nhiều công sức giặt chiếc
áo thun trắng mặc lót cho đở thấm mồ hôi áo ngoài, phát hiện chiếc
áo thun trắng ấy dính một vệt màu vàng xậm trông thật là xốn con
mắt, tô đậm xà bông lên đó mà vò hoài không ra. Chừng nầy tôi mới
nhớ: trưa qua trời nắng nóng tôi mở nhiều cánh cửa để đón gió mà
lại không có gió thiên nhiên lùa vào, vội ra sau hè dạo vườn mít,
định cho khuây nắng nóng chứ không có ý săn sóc vườn. Xảy thấy một
cuống mít đeo 3 trái lòng thòng trên đầu, dới chưa thẳng tay là đụng
làm tôi ngứa mắt, phải vặn cổ hai trái mít nhỏ cho trái lớn còn
lại lớn nhanh. Sực nhớ mình đang mặc áo thun trắng, ngại mủ mít
dính là khó gở, có ý bỏ qua nhưng chùm trái mít cứ như chọc mắt làm
tôi cảm nghe khó chịu trong lòng, định vào nhà khoác áo đen lên thân
thì chuyện gì cũng dám. Tính chưa kiệp đi tôi lại có suy nghĩ khác:
chuyện bẻ bỏ hai trái mít con con đâu lớn lao gì phải vào thay áo cho
nó rộn lên, đứng xéo một chút và cẩn thận trong khi bẻ là xong ngay.
Ý đã có sự dặn chừng cẩn thận
và suy đi nghĩ lại lắm lần trước khi bẻ bỏ hai trái mít nhỏ thế
không biết hơ hỏng từ đâu mà chiếc áo thun trắng cũng không khỏi bị
mủ mít dấy lên. Xà bông đánh mạnh tay không tiêu vết bẩn, nó lì lợm
ở đó chịu đòn tôi phải nhểu một ít nước tẩy vào, vò quyết liệt với
hai lần nước tẩy vết bẩn mới chịu phép buông, cút khỏi chiếc áo
thun.
Ở thôn quê xưa nhiều quý bà lớn
tuổi hễ may mặc là chọn vải đen hoặc màu xanh đậm, sắm mặc cho con
cháu cũng lựa màu ấy vì các bà cho rằng những màu ấy nhẹ dính dơ,
có bà nói còn mạnh hơn: Mặc đồ đen không dơ con cháu ơi!. Các bà
tưởng rằng dơ nó sợ màu đen, màu xanh đậm không dám chụp lên. Sự
thật không phải vậy, bởi màu ấy đen thui đen thích, dơ bám không thấy,
vì không thấy nên bảo không dơ, như trong đêm tối dính dơ ta không thấy
và ý nghĩ sai lầm ấy ta đâu cẩn thận trong khi làm việc, nằm ngồi
vật vựa, dính dơ cầu có đem tàu Tây mà chở. Lúc bẻ bỏ hai trái mít
non tôi rất cẩn thận mà mủ mít còn đáp vào huống chi lúc mặc đồ
đen, tự cho là đồ không dơ đâu thèm cẩn thận, hoặc có cẩn thận thì
hành động cẩn thận ấy cũng thường, tính bảo vệ không cao như lúc ta
mặc đồ trắng, đinh ninh nó ít dính dơ nên khi vò giặc cũng làm sương
sương lấy lệ là xong.
Người tín đồ PGHH đọc học giáo lý
của đạo dạy, thấy trong đó pháp có tướng pháp vô tướng, dùng lý
dùng sự có cả; dựa vào sự tướng mà hành đạo có hơi nhọc nhằn kham
khổ trong giới luật, người theo lý bỏ sự, nói Phật trong tâm và giải
thích tâm không có hình tướng dài ngắn, lớn nhỏ, tốt xấu… nên không
thể dùng hình tướng niệm Phật, lạy cầu xin xỏ mà đạt được Phật
trong tâm mình, như vậy, sự tướng tu là không cần thiết đối với họ.
Tôi trích đưa ra hai kiểu cách LÝ
và SỰ từ trong Sám Giảng Giáo Lý của Đức Thầy để chúng ta thấy
điều quan trọng của việc tu hành đặt ở đâu mà bắt tay hành động là
không còn vẻ nghi ngờ:
NÓI VỀ LÝ:
“ Tu không cần lạy cần quỳ
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới
mau”.
“Đường đạo đức chớ nên chán nản
Hãy bền lòng tìm phật trong tâm.
Phật Tây Phương thiệt quá xa xăm,
Hãy tìm kiếm ở trong não trí.”
NÓI VỀ SỰ:
“Sớm với chiều gắng chí nguyện
cầu
Thì sẽ được òa chương dựa kế”.
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi
Thường hành như vậy nhớ lời đừng
sai.”
Theo giải thích của người dựa vào
lý, sẽ thấy họ thông thả hơn, nhưng đã là tín đồ của tôn giáo thì
phải học qua tôn chỉ, cho dù có nói lý cở nào thì trong chuyện tu
hành ta cũng thấy tạo sự là trước nhất. Không phải Đức Thầy dạy
người quy y vào đạo, trong nhà đều có thượng 3 ngôi thờ đó sao? Trừ
trường hợp người tín đồ đi làm ăn xa hoặc sống nhờ nhà người khác
không cùng tín ngưỡng tôn giáo. Thượng ngôi thờ đã là hình tướng
rồi, là sự không phải lý rổng. Nhà trưng 3 ngôi thờ ra đó chẳng lẽ
để vậy coi chơi chứ không cúng lạy? Có sự tướng 3 ngôi thờ thì phải
có sự tướng cúng nguyện “Sớm chiều bình đẳng chớ lơi, thường hành
như vậy nhớ lời đừng sai”. Sống trong khuôn vàng thước ngọc của đạo
mà không thể hiện được sự đạo đức giữa mình với Đức Phật, Đức
Thầy, mình với mình, dù có nói hay mà vì mình chưa thể hiện sự
đạo đức chính mình thì hay cũng hóa ra dở. Ông Thanh Sĩ nói:
“Đạo đức chỉ là khua ngoại miệng,
Tu hành không một chuyện trong lòng.
Kệ kinh học nói cho thông,
Khác nào con két nhái ông chủ nhà.
Nói thông thái kể ra sao hết,
Làm trái ngang chẳng việc nào
xong…”
Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng bảo”
“Nhiều người kinh sử lão thông
Mà không sửa tánh bởi lòng còn
mê”.
Cùng tu học đạo PGHH, chắc ai cũng
biết qua câu chuyện ông Hương Bộ Thạnh đến quy y với Đức Thầy? Trong việc
quy y ông xin Ngài tha cho ông sự cúng lạy mỗi ngày hai lần. Đức Thầy
đồng ý lời yêu cầu của ông nhưng phát cho ông cái chức huấn luyện.
Được Đức Thầy kêu tiếp việc ông rất vui mừng và cho đây là điều hãnh
diện ngàn năm một thuở. Thế, từ đó bá tánh các nơi gần xa đến xin
quy y, Đức Thầy dạy họ về lập 3 ngôi thờ trong nhà và phát cho bài
cúng nguyện, kêu đến ông Hương Bộ để ông ấy hướng dẫn cách thức. Ông
Hương Bộ giảng thuyết suôn rồi kêu người ta về nhà làm theo, những
người mới quy y nghe qua không hiểu, đòi ông phải chính thức vái lạy
cho họ thấy. Keo nầy ông Hương Bộ chạy không thoát, phải quỳ nguyện
lạy. Nhóm quy y nầy về thì nhóm quy y khác đến, ông Hương Bộ quỳ
nguyện vượt chỉ tiêu ngày hai lần đến không biết bao nhiêu lần trong
ngày mà kể. Bây giờ ông mới cảm thẹn: quy y mà xin miễn cúng lạy đã
bị Đức Thầy phạt cho biết: Quy y không làm y là không được.
Nhắc chuyện xưa, sẵn đây tôi xin
khuyên bà con mình, ai đã quy y PGHH mà chưa “Sớm với chiều gắng chí
nguyện cầu”, hoặc cúng lạy nhưng bửa có bửa không, hãy cố lên đừng
để bửa có bửa không nữa mà mỗi bửa đều có “Sớm chiều bình đẳng
chớ lơi, thường hành như vậy nhớ lời đừng sai”. Bình đẳng là ngang
nhau, bằng nhau, sớm có cúng nguyện thì chiều cũng phải cúng nguyện,
nếu hôm qua cúng nguyện nay không cúng tất nhiên đã vi phạm vào luật
bình đẳng Đức Thầy dạy, biểu “chớ lơi” mà mình bỏ cúng là “Lơi” rõ
ràng không thể chối cải.
Còn nữa, khi ta cúng nguyện thường
thì khoác lên mình chiếc áo choàng màu dà biểu hiện tính thoát tục như trong Sám
Giảng Giáo Lý Đức Thầy dịch viết:
“ Lành thay y phục thoát trần,
Khác nào thửa ruộng tột phần tốt
tươi.
Cúi đầu đội nó trên người,
Thề nguyền được mặc đời đời chẳng
phai.”
Mặc đạo phục màu thoát tục là
nhắc nhở, cẩn thận không để tâm dính mắc chuyện thế gian, phải luôn
luôn giữ chính niệm về niệm Phật hành đạo, giống như người mặc đồ
trắng lúc nào cũng cẩn thận không để dơ bám vào, đi trong rừng buội
là không đi, ngồi xuống đất là không ngồi. Lở có bị dơ bám vào liền
hay, cấp tốc vò giặt nó nhanh ra. Thêm nữa, người tu có sự tướng đạo
đức, từ ăn, mặc, ở, dễ phát hiện những thứ không có đạo đức chen
vào. Thường thì trong đạo PGHH người ta hay mặc bộ bà ba, hoặc thêm
cái vạt miểng trong rất là nhu mì hiền hậu, từ đó là tấm gương soi,
chỉ một vết bẩn nhỏ dính trên gương là thấy, tức thì làm cho vết
bẩn đó không lây lan và cũng không hiện diện trên gương nữa. Mặc bộ
bà ba dáng đạo, có muốn cờ bạc, rượu chè cũng không dám vì đạo
đức đã hiện trên thân, thân nầy có đạo làm chủ thì chính mình không
dám làm trái đạo và người khác, không ai có thể dùng sức mạnh hay
cám dỗ lôi kéo họ bỏ đạo theo đời.
Như vậy, sự tu nên bảo vệ tốt,
đừng có cái kiểu nói lý tối ngày không làm lợi ích gì cho đời cho
đạo và bản thân của mình cũng bị cái có lý không có sự nó lừa
dối, gạt gẩm. Không có sự tướng tu, bị cái lý suôn làm mê hoặc không
thể phát hiện trong lúc mình không tu làm cái gì? tâm tưởng gì?
Người mặc đồ đen dính dơ không thấy nói là không dơ nên không có
chuyện đề cao cảnh giác thế đã tạo cơ hội cho dơ mặc tình bôi trét
trên quần áo mình đang mặc. Đạo không giữ chút trên thân dễ làm cho
người đời tưởng mình phe với họ, sự rủ ren của văn minh vật chất mà
lở lúc đó ta yếu chí mềm lòng, rớt xuống sông cái đùng… hư chuyện.
21/8/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét