CHÂN
LÝ 3 ĐIỀU
Tôi không giải thích Chân-Lý theo
danh-từ Phật-Học. Nói như thế không có nghĩa tôi cho rằng giải theo
đó là sai. Tôi học Phật Phật Giáo Hòa Hảo đọc thấy Đức Thầy viết
luận về Chân-Lý một cách lạ lùng nhưng không bí ẩn đến khó hiểu
khó hành làm tôi quí kính, thích quá đi! Hãy đọc đoạn trích dẫn sau
đây sẽ rõ:
“Trí rán tìm cái Chân-Lý, Chân-lý
ấy là cái đạo của mình đối với nhân-loại, của mình đối với Trời
Phật, của mình đối với mình”.
Xét ra đây là chân lý ba điều của
sự học Phật PGHH dạy, để thực hành đi đến nhứt thể, có một không
hai. Không tìm mấu chốt bật ra từ đâu, chỉ lặp lờ với câu nói: Chân
lý vốn sâu kín, mầu nhiệm, đặng dựa theo đó bỏ bê việc hành trì
thì suốt cuộc đời chân lý chỉ là tên gọi. Nhưng Phật dạy, chân lý
là chỗ đến được chứ không phải chỉ nói nghe chơi cho sướng tai, khoái
chí. Một số người lầm nhận tưởng nói thông thái về chân lý tức là
đạt chân lý. Đọc sách nói về chân lý cho đả đời rồi gắp sách lại
là hết, thế đó thì chân lý nằm trong quyển sách chớ không có trong
ta. Xin giải thích Chân lý ba điều ấy như sau:
1 “Là cái đạo của mình đối với
nhân-loại”. Nhân loại tức loài người. Có cần thắc mắc không! Tại sao
đem cái đạo của mình đối với nhân loại đặt trước hết?
Nếu đã phát tâm tu, với bên ngoài, người
ta luôn luôn đối xử vì người trước hơn vì mình. Các Phật, Phật nào
cũng như Phật nào đều có 4 tâm rộng lớn: Tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm
xả, từ chúng sanh học làm Phật đều phải học qua và thực chứng
những cái tâm nầy. Vì thế, đem áp dụng lời dạy “cái đạo của mình
đối với nhân loại” ở buổi đầu học về chân lý đạo đức là tuyệt
diệu, tuyệt vời.
Vũ trụ nầy là vũ trụ của các
chủng loại nhưng nhân loại có tính năng cao nhất trong các chủng loại,
tính năng cao nhất ấy không phải chỉ phân biệt hơn kém, mạnh yếu, hung
hiếp, các loài không phải là nhân loài mà ngay cả loài người với
loài người cũng xảy nhiều sự tranh chấp, sang đoạt thù oán… Cảnh
người người đông đảo qua lại lung tung thì những điều thương ghét, khen
chê, mừng giận, tha giết… là rất dễ gặp, nếu không đem áp dụng lời
dạy “cái đạo của mình đối với nhân loại” thì chắc là phiền phức
khổ đau suốt. Áp dụng được thì ta có thương không có ghét, khen chớ
không chê, mừng không giận, tha không giết; ta và họ sống hòa hợp như
tay với chân. Chẳng những hòa hợp thương yêu mà còn phải lo bảo vệ,
cứu giúp họ, dần dần học đạt được tâm từ bi, họ có tội lỗi vì
nặng lời hay hành động lổ mảng ta cũng tha thứ là học được cái tâm
hỉ xả. Trong khi còn đang tu hành, mục tiêu để người tu hướng đến là
giải thoát sanh tử, Đức Thầy cũng kêu ta đặt cho mình hoài bảo lớn
“Hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh
trong vòng trầm luân oan nghiệt”, đồng thời, theo khóa tu mỗi ngày hai
lần Đức Thầy còn dạy thêm sự tu cầu cho nhân loại chúng sanh. “Nam Mô
Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà
Phật - Nam Mô tứ nguyện cầu bá tánh vạn dân từ tâm bác ái giải
thoát mê ly”. Dầu Đức Thầy bảo “cúng lạy là điều phụ thuộc” nhưng
điều phụ thuộc nầy có công năng thượng thừa nhắc chừng ta không quên
lời dạy. Luôn đặt tư tưởng cứu họ, mỗi ngày cầu cúng hai lần cho họ
thì không thể có bất cứ lý do nào buồn giận họ được bởi họ là
chúng sanh, ta nguyện Phật độ chúng sanh, dầu là người xa lạ, không
thiện, mà khi nguyện Phật phổ độ chúng sanh ta cũng đâu có tâu với
Phật trong việc cứu độ hãy loại trừ cái kẻ xa lạ, người không thiện
đó ra. Thế đã rõ ra cái ý: mình cầu nguyện Phật cứu độ chúng sanh
là không thể giận hay có thái độ vô cảm, lạnh lùng khi họ đang chịu
khổ và cần sự cứu giúp.
2. Là cái đạo “của mình đối với
Trời Phật”: Trời Phật là điểm tựa lớn nhứt và trên hết của tinh
thần. Các Ngài là tấm gương sáng chiếu lên cõi trần gian đen tối,
dạy rõ đâu là tội đâu là phước, phước nên làm còn tội thì trừ, để
sau chết đi có đầu thai lên thế gian cũng không bị đọa vào 3 đường
ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; còn theo chánh đạo mà tu đúng cách
thì thành Phật đắc Tổ tại thế hoặc vãng sanh về cõi Phật khi mãn
kiếp hồng trần, dứt sổ luân hồi, không còn trở lại chốn nhân gian để
chịu 4 cái khổ của sanh, già, bệnh, chết và những thứ khổ ơi là
khổ về mặt tinh thần. Phật Trời vừa là ánh đuốc soi đường, rọi khắp
nhân gian, giúp cho chúng sanh đủ cơ duyên quày đầu hướng thiện vừa là
quyền năng cứu độ chúng sanh bị oan ức hoặc xảy ra những chuyện rủi
ro. Bởi đó, khi giải thích về chân lý Đức Thầy đề cập đến, cái đạo
“của mình đối với Trời Phật” bằng khuyên câu “Hãy tin tưởng Phật
Trời và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân
chúng”. Nhờ vậy, trong chốn nhân gian nầy, người có tu hay không tu, đa
phần, hễ có xảy ra chuyện khổ thì vái vang Phật Trời phù hộ, cứu
độ cho tai qua nạn khỏi, việc dữ hóa lành.
3. Là cái đạo “của mình đối với
mình”. Kinh Phật có câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hửu Phật tánh”
(trong mỗi chúng sanh đều có tánh Phật). Thế là cái đạo đã có trong
mỗi người, dù chưa quy y theo đạo nào mình cũng có đạo. Nhưng Phật
tánh ấy còn bị vô minh bao phủ nên đạo đức trong người cũng từ đó
mà không phản diện được sắc thái người đạo, cần phải có thêm cái
đạo bên ngoài mới khơi dậy đạo gốc bên trong. Đạo bên ngoài, ta đã quy
y PGHH vậy cái gọi là “đạo của mình” chính là đạo PGHH, tu theo sự
dạy dỗ của Đức Thầy mới làm khơi dậy đạo gốc bên trong bật ra ánh
sáng. Đạo đức chính mình tìm hiển ngộ Phật Tánh; để làm được điều
nầy Đức Thầy khuyên “Trước hết phải tìm phương tự giác, nhắm cảnh
Niết-Bàn tấn tới; quyết chí tu hành đắc thành đạo quả hầu dắt dìu
bá tánh thập phương xa miền tục lụy”. Đồng thời Ngài dạy “Hãy tìm
giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo an bần xả thân tu tỉnh”.
Đức Thầy dạy trước hết phải tìm
phương tự giác, bởi không tìm cách tự giác ngộ lấy, dẩu có đêm ngày
cầu khẩn Phật giác ngộ giùm mình cũng không được. Nhưng tự giác
được cũng chưa phải là chỗ sở đắc rốt ráo mà ngồi đó vui hưởng,
còn phải tiếp tục “nhắm cảnh Niết Bàn tấn tới”. Niết Bàn là TỰ
TÁNH KHÔNG SỰ, tìm đến tự tánh không sự là thiên nan vạn nan, phải
qua cửa “lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh” trước hết, và phải “quyết
chí tu hành đắc thành đạo quả”.
Dòng đời có quá nhiều thứ cám dỗ
nhứt xài phí vật chất sa hoa cũng làm cho một số không ít hành giả
đảo điên, ngợp thở, bởi so sánh giàu nghèo, đủ thiếu. Đối với một
số người tu còn ham hố sang giàu, là cơn bệnh nặng sắp chết mất với
đạo đức bản thân thì dễ vì họ chịu tuân thủ câu “lạc đạo an bần”
của Đức Thầy dạy; cho dù họ đã quy y PGHH lâu năm, thuyết giảng hay
ho, thông minh có tiếng nhưng ăn mặc ở thì lại so sánh, ước vọng như
người đời, ăn sang, ở sang, sống sang chứ nào chịu “an bần”, nhưng nói
về “lạc đạo” họ cũng cất cao lanh lảnh cái giọng điệu bề trên. Nếu
không có “lạc đạo an bần” làm gì có chuyện “xả thân tu tỉnh” nổi
nữa?
Khi bàn luận hay suy nghĩ về chân
lý 3 điều ta thấy rõ sự hiện diện của pháp môn, con đường, mà ta là
con người đang tu pháp môn, đang đi trên con đường đó chứ không phải nói
suôn qua, thực tế qua hành động hợp đạo mà thường ta chỉ lý luận
chứ không có hướng đi cụ thể. Giải thích Chân Lý là “lẽ thật, sự
thật”; hay “chân lý là lẽ chân thật, có tự nhiên, không phải người ta
đặt ra được” hoài vậy được gì? Đức Thầy giải thích bằng siêu giải
thích là không dừng ở chỗ giải thích, đi vào hành động ngay để cho
ta áp dụng triệt để “Chân lý ấy là cái đạo của mình đối với nhân
loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình”. Hãy bắt
tay vào việc còn hơn ngồi đó nói hoài, suy nghĩ mãi: Chân lý là lý
lẽ chân thật.
Qua phân tích về chân lý ba điều
của Đức Thầy dạy, ta thấy hai từ “của mình” nổi bật ý nghĩa: chủ
nhân, chủ động, chủ quản. Chủ nhân là người làm chủ người khác hay
chủ các sự việc có liên quan đến vai trò làm chủ; chủ động tức chủ
được việc làm, không có sự tác động của người khác gây ảnh hưởng;
chủ quản là quản lý chặt chẽ những vì thuộc sở hửu của mình.
Thế ra, sở hửu của người tu theo
giáo lý PGHH là chân lý ba điều: Điều mình đối với nhân loại, điều
mình đối với Trời Phật, điều mình đối với mình. Hãy đứng vững vai
trò làm chủ với các sự áp đặt hay cám dỗ, chủ động việc tu chứ
không bị động bởi người khác hay ngoại cảnh làm lem ố gương tu, quản
lý chặt chẽ sự tu hành để không bị sự xâm hại của dòng đời lây
nhiễm và những tư tưởng khác luồn tọc mạch làm suy yếu tinh thần
phấn đấu. Ngày nào mà lòng ta suối nguồn thương yêu chúng sanh không
bị cắt khúc, ngày nào mà lòng ta sự tin tưởng Phật Trời không bị
lảng quên, ngày nào mà lòng ta triền miên diệu diệu một màu thanh
tịnh “muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm” (lời Đức Thầy) thì ngày
ấy, chân lý ba điều trong ta sẽ được hoàn mãn.
12/8/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét