Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

TIẾNG CHUÔNG LINH.

Mấy ngày qua, đồng đạo đến thăm tôi, và trong nhóm khách có vị đặt câu hỏi:
Thưa chú, đọc Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH thấy rằng Đức Thầy nhắm vào hàng tại gia cư sĩ dạy cách tu là Học Phật Tu Nhân. Theo cháu nghĩ Học Phật là học tất cả những vì gọi là thành công của Phật rồi đem đó mà tu với con người, trau tâm sửa tánh, không để mỏ chuông cùng đi cầu Phật tu hành, như những câu sau đây:
“Mỏ chuông bày đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩ lý”
“Đạo mầu diệt khổ có từ lâu,
Thần Tú ra đời lại góp thâu.
Chuông mỏ Sấm Kinh bèn cải sửa,
Xá phướng truyền lưu lấp đạo mầu.”
Theo những câu dẫn trên, rõ ràng người tín đồ PGHH đọc Kinh nhưng không áp dụng chuông mỏ trong khi đọc Kinh. Đàng khác, Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý có câu: “Nện vang một tiếngchuông linh, Cho người trong mộng biện minh lẽ nào”. Xem ra cũng đồng là chuông mà nơi chấp nhận, nơi phủ nhận, thật khó hiểu, kính mong chú giải thích sự khác biệt nầy.
Kính thưa quý vị! Theo những câu trích hỏi của đồng đạo, ta thấy có sự phân biệt rõ ràng giữa mỏ chuông đi cùng với tiếng tụng kinh và chuông không có tiếng tụng  kinh. Phần mỏ chuông để tụng kinh, theo tôi nghĩ,  Đức Thầy đặt vấn đề không nên sử dụng, bởi vì:
“Quá mắc mỏ bởi chưn Phạn-Ngữ,
Nên người đời khó kiếm cho ra.
Mỏ chuông bày đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý”.
Người học đạo trực tiếp với chân sư nghe giảng pháp hoặc đọc giáo lý, ngữ lục của chư tổ chư sư viết truyền để người đời sau có thể học hỏi trong đó mà tu hành. Nếu Kinh văn bằng Hán Ngữ hay Phạn Ngữ đối với người cư sĩ canh điền như chúng ta, trình độ không thông, tiếng Phạn dịch âm ra Việt, cho dù có đọc được ta cũng không biết nghĩa lý, trong khi Đức Thầy dạy đạo rất là cụ thể “Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo”, nếu ta tụng kinh kéo theo chuông mỏ làm ăn rập, thể hiện sự công cán của ta với Đức Phật nhưng nếu không hiểu nghĩa lấy đâu làm đúng theo lời Phật dạy. Phần nầy chúng ta không bàn nữa và tôi xin nhắc lại trước khi qua diễn dẫn mục thứ hai: Đạo Phật, từ xưa các sư, qua tu hành có sử dụng chuông mỏ tụng kinh bởi các sư là hạng xuất gia, bỏ thế tục lại sau lưng, đến chùa hay vào núi non am cốc, miệt mài tu học Phật Pháp có cơ hội tiếp cận với các bậc chân sư minh triết học hiểu tiếng Phạn, tiếng Hán, tụng đọc chánh văn hiểu nghĩa làm theo, còn được bày tỏ phần cội nguồn của Đức Phật đã nói lên từ tiếng ấy… trái lại, người tại gia cư sĩ nhiều bận rộn với gia đình, xã hội, cộng thêm kế sanh nhai, chưa bỏ lại sau lưng được điều gì hoặc bỏ rất ít, hành trình về Phật còn quá cồng kềnh nầy nọ trên vai, mấy ai rành Hán văn hay Phạn văn mà biết ý nghĩa gì trong khi tụng đọc. Hãy đọc Giảng Kệ của Đức Thầy bằng Việt Văn, chúng ta là công dân nước Việt, đọc học, nghe pháp bằng ngôn ngữ Việt, tiếng mẹ đẻ, để sự hiểu biết rõ ràng “Coi rồi phải thân mình tự trị, chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”.
Chúng ta bàn qua tiếng chuông của câu “Nện vang một tiếng chuông linh, cho người trong mộng biện minh lẽ nào”. Nếu tiếng chuông có công năng đánh thức “người trong mộng”thì tiếng chuông có nghĩa là giáo pháp, giáo lý của Đức Thầy, Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo. Nhưng người trong mộng nầy là ai? Điều nầy chúng ta phải tìm xuất xứ.
Xuất xứ hai câu giảng: nện vang một tiếng chuông linh, cho người trong mộng biện minh lẽ nào, được trích từ bài CẢM TÁC mà Đức Thầy đã viết tại Bạc Liêu ngày 29 tháng 6 Nhâm Ngũ (1942), ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương kết tập vào quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ với lời giải thích trước bản chánh văn như sau: (Đức Thầy cảm tác viết bài nầy vì ông Nguyễn văn Ngọ ở Bạc Liêu nghi Ngài cản trở việc ông muốn kết nghĩa thông gia với ông ký Giỏi ở Bạc Liêu). Tóm tắc đã xảy ra câu chuyện như sau:
Ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn, chánh quyền thuộc địa đến nhà Đức Ông buộc Đức Thầy phải đi theo sự sắp đặt của họ, Ngài bị đưa đến tỉnh Bạc Liêu năm 1941 ở nhờ nhà Ông Bà ký Giỏi. Bấy giờ ông Bà ký hứa kết nghĩa thông gia với ông Nguyễn văn Ngọ đàng trai, Ông bà ký đàng gái. Hôn lễ chưa thành bổng Đức Thầy bị Pháp cho xuất hiện ở nhờ nhà Ông ký Giỏi, vị tiểu thư của nhà ấy gặp Đức Thầy có lẽ gặp luôn sự linh thiêng trong Đức Thầy nên lòng trần tục không còn, cô xin từ hôn với vị công tử con ông Nguyễn văn Ngọ. Đức Thầy hiện thân một thanh niên anh tuấn, tài đức siêu phàm trong nhà ông Ký, dầu có sự ve vản của người Pháp về mặt an ninh nhưng tín đồ các nơi vẫn len lỏi đến được để nghe Thầy giảng đạo, khiến nên vị tiểu thư của nhà ấy càng thêm kính trọng đại ân đại đức của Ngài đã ban bố thiện duyên trong gia đình... Sự từ hôn trong trường hợp đường đột như vậy khiến ông Nguyễn văn Ngọ khả nghi có liên quan với Đức Thầy. Căn cứ câu “Tình trường đầy dẩy thi hài, lạ gì chẳng biết những bài học xưa” thì ta có thể nghĩ ông Nguyễn văn Ngọ tưởng Đức Thầy là người phàm đi trong đường xưa lối cũ “trai tài gái sắc”. Đức Thầy viết bài “Cảm Tác” tôi xin trích đoạn những câu sau đây để quý vị dễ dàng tìm hiểu:
“Ngồi mà ngẩm nghĩ chuyện xưa,
Thánh Hiền chẳng biết sao vừa lòng dân.
Đem thân mà rứt nợ trần,
Nợ trần đâu khéo chần-ngần chun ra…
Đâu thông pháp-luật từ-bi,
Gán cho Tăng-Sĩ làm chi sự đời…
Tình trường đầy dẫy thi-hài,
Lạ gì chẳng biết những bài học xưa.
Thánh-nhơn còn hãy răn chừa,
Huống chi Phật-Đạo Tam Thừa quy mô
Sa-Môn chí những tín-đồ,
Mai-dong cản mối tựa hồ gớm-ghê…
Lòng ta trong sạch người ơi,
Người sao chẳng xét luận lời phi ngôn…
Lìa quê tách bước xa ngàn,
Gia-đình chẳng đoái còn màng chi ai…
Nện vang một tiếng chuông linh,
Cho người trong mộng biện minh lẽ nào”.
Những câu trích dẫn trong bài Cảm Tác đã nêu trên, theo suy nghĩ của tôi, giải thích từ trên xuống dưới: Ngài bảo với ông Nguyễn văn Ngọ rằng: tăng sĩ đây đã đem thân rứt nợ trần của mình đi rứt nợ trần cho tất cả chúng sanh đâu thể có chuyện tự gây nợ trần mà ông lại nghi tôi…Tình duyên đôi lứa, đạo làm người (thánh đạo) còn dạy răn chừa bằng đưa ra khuông thước:Trai có Tam Cang Ngũ Thường, Gái có Tam Tùng Tứ Đức, không chấp nhận quan hệ nam nữ ngoài hôn ước. Huống chi đạo Phật dạy tu Tam Thừa: tiểu thừa, trung thừa và đại thừa, vượt siêu nhơn đạo, rốt ráo khỏi nhiễm trược đọa sa cõi hồng trần, hết kiếp nhân gian sẽ đắc sanh về cõi Phật. Thế nên trên đường tu, hành giả phải loại bỏ các sự nhiễm ô trần cấu mà vấn đề nam nữ là một chướng ngại hơn hết trong các chướng ngại. Từ tín đồ cư sĩ đến các vị Sa Môn (tỳ kheo) không được suy nghĩ về tình duyên đôi lứa cho mình hay cho người khác, “mai dong cản mối tựa hồ gớm ghê” Mai-Dong (làm mai) là không được phép mà cản mối nhà Phật cũng dạy thôi đi… Những lời giải thích của Đức Thầy qua bài Cảm Tác  như tiếng chuông, tiếng Pháp của Ngài giảng lên, đánh thức người trong mộng mà người trong mộng ấy chính là ông Nguyễn văn Ngọ.
Nói tóm lại: Cảm Tác của Đức Thầy là một bài giảng nêu cao tinh thần Phật giáo thoát ly thế gian, “Nện vang một tiếng chuông linh”, tiếng chuông không phải là chuông mỏ các sư dùng hòa nhịp vào lúc tụng kinh Phật mà là pháp âm vi diệu của Đức Thầy đánh thức người trong mộng dậy để xem Ngài là ai mà dám trách lầm.

08/2/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét