Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

TỈNH THỨC

Ngoài trời sương rơi, nhiệt độ xuống thấp, mới hơn 11 giờ đêm tý thôi thì lạnh đã áp vào nhà. Có lẽ vì tôi say sưa một bài viết đành phụ phàng giờ giất, khuya đến không hay. Lạnh đã làm tôi chán ngồi sử dụng bàn phím, vội tắt computer. Hé cửa nhìn ra, cây Bồ-Đề trước sân nhà dường cũng lạnh, rung lên tiếng lào xào, tôi bật tắt bóng đèn lớn trước khi vào phòng ngủ. Căn phòng kín bít mà lạnh đã ve vản vào đây rồi, không cần mở máy quạt không khí vẫn điều hòa, tôi bảo với lòng: không tốn điện vậy cũng hay, thôi ngủ đi cho kịp.
Đã tập thói quen phải niệm Phật suốt cho đến khi ngủ thôi nhưng niệm chưa biết được mấy câu, chợt đầu óc tôi tỉnh hẳng cơn ngủ khi vớ phải hai câu Giảng của Đức Thầy “ Biết bao giờ gái trai tỉnh thức, trẻ cùng già đồng hiểu Phật gia”. Tôi thầm bảo: Đức Thầy than …thôi vậy mình thức nữa đi! Tức thì Chánh Niệm đổi qua Chánh Tư Duy, khó ngủ rồi đây!
Nhớ lại những ngày đầu xuân 2017, một số em cháu trai gái có đến tôi chúc tết, các em cháu không diện se sua nhưng sạch sẽ, đứa nào cũng mặc đồ Bà Ba phong tục, gây biểu tượng tốt cho sự “Lánh Ta Bà cõi thế đua chen”được đề cập trong quyển Sấm Thi Phật Giáo Hòa Hảo. Các cháu đã nói lên sự tỉnh thức của bản thân, còn ở cõi Ta bà nhưng sớm lách mình ra khỏi sự ru ngủ của đời văn vật. Lại cũng có trẻ cùng già đồng đến tôi bày tỏ niềm vui vì đã quy đầu Phật Pháp khiến tôi nhớ thêm nhớ… phải rồi, Đức Thầy viết bài “Trao Lời cùng Ông Táo”có những câu nghe rất là thắm thía:
“Khuyên bá-tánh tầm Tiên rời tục,
Chỉ máy Trời bày tỏ việc về sau.
Gái cùng trai già trẻ bước vào,
Đường trí-huệ quy-y gìn đạo-pháp”.
Tính từ ngày Đức Thầy khai sáng đạo PGHH và viết bài “Trao lời cùng Ông Táo”, nhờ Táo Thần tâu qua thượng đế, miền Tây Nam nước Việt, “Gái cùng trai già trẻ bước vào, đường trí huệ quy y gìn đạo Pháp”. Từ ấy trẻ già trai gái phát tâm tu đến nay rất nhiều mà giờ nhìn con số còn lại, chưa tu không phải là ít. Tết nay tôi ra đường xem bà con trong xóm ảnh hưởng tết như thế nào, đi vô đi ra chừng khoảng vài chục căn nhà mà thấy cái cảnh say sỉn, cờ bạc rậm hơn các thứ vui chơi lành mạnh khác, khiến câu “biết bao giờ gái trai tỉnh thức, trẻ cùng già đồng hiểu Phật gia”còn trong giai đoạn chờ đợi
Đức Thầy dạy tu, nói v(sự) không mắt mỏ lắm đâu, không nhứt thiết phải đem thân vào cửa thiền môn tìm Phật, hãy tìm Phật tại nhà và tại lòng mình. Trong suốt quá trình tìm Phật tại nhà sẽ có ảnh hưởng tốt cho những người thân yêu; cổ nhân có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nếu người tu tại nhà mà hạnh cách đầy đủ thì hạnh cách ấy sẽ sáng lên như ngọn đèn, những người thân ở gần mình như gần đèn, sẽ có cơ hội đi cùng mình, tìm Phật như mình. Phật trong chùa hay Phật ở nhà đời cũng như nhau qua chứng đắc Tam Thân Tứ Trí, sáu phép thần thông, hành giả niệm Phật ở chùa hay niệm Phật trong nhà đời cũng theo một điểm chung là “Nhất tâm bất loạn”.
Lý thì như vậy, nhưng điều ta phải công nhận, người tu niệm ở chùa am dễ hơn tu niệm trong nhà đời, vì nếu ở am thất vắng vẻ hành giả chỉ đối diện với chính mình, dễ phản diện, phản giác sự tu, còn tu ở chùa đông người, có nội qui giờ giất, mỗi người đều nêu cao tinh thần Lục Hòa tất nhiên tránh các phiền phức. Ở nhà, kẻ tu người Không tu, cái cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, bài bản lộn sà bần mãi đời nào mới nên tuồng. Đức Thầy có câu “ Học đạo lý như đờn trúng điệu, hòa bản rồi thì cứ làm theo” Tu gặp cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược có hòa đâu mà “như đờn trúng điệu”? Không tu nơi am tự vì hoàn cảnh chưa cho phép trong khi ta còn nặng nợ với quốc gia, đồng bào xã hội. Tu tại nhà đời cũng có cái  hơn là ta được gần gủi cha mẹ, quê hương nghĩa xóm tình làng giúp đỡ nhau trong lúc cần thiết thì chúng ta phải bị trả giá, khó tu cũng phải rán. Chẳng phải Đức Thầy đã dạy ta như vầy sao:
“Hãy rán tu tâm dưỡng tánh lành,
Đừng cho ma nghiệp vọng tâm sanh.
Quay về cội phúc đường chơn đạo,
Phật-Pháp thiền-na dốc thực hành”.
Khó tu cũng rán tu để khích lệ trai gái trẻ già, chưa tu mà nhìn thấy sự tu được của ta là họ sẽ thích, bởi vì người tu đúng, tu được, như hiện hửu chùm hoa đẹp cho người ta yêu quí và muốn mình đẹp đẽ như hoa, từ đó họ học kiểu làm hoa để trở thành hoa thật sự. Người tu sửa mình đúng cách là đẹp lắm, hành giả chưa sửa đúng hoàn toàn cũng đẹp hơn lúc chưa tu. Kinh phật đã diễn tả Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp là thế.
Trạng thái “trần thế hờm bẻ hoa” nói lên ý nghĩa có hoa rồi nhưng con số rất ít. Những người hiểu đạo trước hơn, thường hay trách những người chưa tu là vô duyên với Phật. Tôi nghĩ họ không phải vô duyên, có thể nói nhẹ một chút, họ thiếu duyên. Rất tiếc, ta là người tu trước họ, hiểu biết hơn họ về nhân duyên nhưng ta lại không bù bgì cho họ đủ để họ quy đầu Phật Pháp sớm, họ đeo đuổi mộng đời để cho ta phê bình, chỉ trích họ là kẻ vô minh rồi bỏ qua trong khi chúng sanh vì vô minh đã làm động lòng từ bi của Phật “Không thể ngồi yên nơi ngôi vị hưởng quả bồ-đề trường-thọ mà còn len lỏi xuống hồng-trần đặng chịu cảnh chê khen”. Ngài dạy tu và khuyên người tu trước hãy giúp đỡ kẻ tu sau bằng đề ra công tác truyền bá kinh lành với hai mô hình: Ban nghiên cứu đạo Phật, Ban Huấn luyện và truyền bá đạo Phật. Các vị đi làm công tác nầy phải nêu cao tinh thần hoằng pháp lợi sanh và trách nhiệm với Thầy Tổ về căn bản là “Trau thân gìn đạo” và “truyền bá kinh lành”, nếu căn bản trau thân gìn đạo không có hoặc có rất ít, chưa là “miếng hoa thơm” đi mời mọc người ta xem hoa, ai mà chịu chứ!
Thầy giáo dạy học trò, có nhiều học trò tối dạ, cuối học kỳ không lên lớp Thầy giáo chỉ biết than và đổ lỗi em nầy em kia học dở mà không nghĩ mình cũng có một phần trách nhiệm về sự học dở của em học trò, không đủ trình độ khai thị đứa mê. Làng nào giờ cũng có trường học, thầy cô giáo dạy ở trường nào cũng căn cứ vào tài liệu giáo khoa của bộ giáo dục thế nhưng có trường học sinh thi tốt nghiệp số đậu rất thấp, có trường khá cao vậy ta nói là hên xui sao? Đó chẳng phải do thầy cô giáo của từng trường sao…
Đến đây tôi hay mình buồn ngủ, lẹ làng thay đổi chánh tư duy qua chánh niệm giữ thói quen niệm Phật trước khi ngủ.

25/2/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét