Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

CHÌM ĐẮM CHỐN NÊ-HÀ

Kính chào chư đồng đạo đến thăm.
- Dạ, chúng con xin chào chú.
- Nếu như tôi nhớ không lầm cách nay không lâu quý vị có đến đây thì phải?
- Dạ đúng, lần trước đến nghe chú giảng thuyết đề tài “Nguyện Dứt Trần Ai”
- Là quý vị sao?
- Dạ. Hôm đó con đi cúng chùa, trên đường gặp quý anh chị đồng đạo quen thân họ rủ ghé thăm chú, nhờ vậy mà con biết chú. Lần ghé trước là tình cờ, lần nầy là con chủ động.
- Làm hướng dẫn viên ?
- Có thể vậy. Lần đến tình cờ nghe chú giảng giải con rất thích, do đó hôm nay chúng con trở lại với nhiều người bạn mới khác mà con đã giới thiệu về chú. Xin thưa, chúng con đây là những phụ nữ còn trẻ, xem bài viết của Đức Thầy riêng tặng một nữ tín đồ ở Bạc Liêu. Con nghĩ hồi Đức Thầy viết tặng bài cho một nữ tín đồ theo tựa đề nói trên chắc bà ấy cũng còn trẻ như chúng con… Cảm nhận ý nghĩa hay hay, nhưng từ ngữ có chỗ chưa thông, ước vọng được nghe chú giảng luận hết bài.
- Được, trong bài, có từ ngữ nào chưa thông cháu nói, may ra tôi có thể tạm giải được thì tôi sẵn sàng. Ai bảo chúng ta là “Con một cha” thì phải sử sự cho đúng nghĩa “ dìu dắt lẩn nhau vào con đường đạo đức” chứ.
- Dạ, thưa chú ví dụ như từ “Nê-Hà” có phải nguyên là Mê Hà do in sai mà Mê thành Nê không? Mê Hà ta thường đọc thấy trong các thư tịch Phật Giáo với nghĩa là sông mê, hoặc nói bên nây là sông mê, bên kia là bờ giác. Nếu Nê-Hà là đúng chánh văn Đức Thầy viết là con chịu thua, kính nhờ chú; nhưng cháu yêu cầu chú giảng lược hết hai câu, trong đó từ ngữ Nê-Hà là chính:
“Nếu mãi mê-man mùi tục-lụy,
Linh-hồn chìm đắm chốn nê-hà”.
Được, tôi trình bày nhá!
Dạ, chúng con sẵn sàng chờ nghe.

Nếu Mãi Mê Man: Nếu: riêng từ nầy có ý nghĩa là đặt điều kiện trước, ví dụ: Nếu kiếm được tiền tôi sẽ đến thăm anh. Hoặc, nếu là con nhà có ăn thì tôi sẽ học giỏi; nếu bạn đừng hiếp tôi quá đáng thì đâu có đụng cảnh “tức nước vỡ bờ” thế nầy… thì ra, kiếm không được tiền là không đi thăm, không giàu thì không học giỏi, không có chuyện người ức hiếp người sẽ không sanh tức nước vỡ bờ. Mãi: luôn luôn, ví dụ: nghèo mãi, thua mãi, thằng đó cứ chơi cờ bạc mãi, tức luôn luôn nghèo, luôn luôn thua, luôn luôn cờ bạc, không thay đổi việc làm, số phận. Mê-man: : 1 ngủ mê, làm ức chế các giác quan, 2 mê là không tỉnh. Điều nầy không phải là ngủ mê mà thức cũng mê, do đó mê thứ hai nầy nó không có liên quan đến thức với ngủ: mê danh, mê lợi, mê tình. Mê vào đâu thì bị cuốn húc trong sự yêu thích, từ yêu thích dẫn đến đam mê có thể sa vào tội lỗi. Man: dối trá, nói man, khai man, tức nói, khai không đúng sự thật. Mê man là sự mê kéo dài: Anh ấy nằm mê man bất tỉnh mấy ngày rồi. Nếu mãi mê man có nghĩa là, người ta sống nhờ tinh thân, tỉnh tâm, tỉnh trí, biết được giả chơn, tốt xấu đặng mà theo chơn bỏ giả, theo tốt bỏ xấu; chứ sống mà mê man chẳng biết gì về chân lý, làm ăn dối trá, gạt lường, chẳng nên thân gì. Mãi mê man như vậy, tự hại bản thân mình mà hành động có thể gây nhiều đau khổ cho người khác.
Mùi Tục Lụy: Mùi: hơi hương bay ra, mùi thơm, mùi tanh. Từ đó, dùng nghĩa bóng, có thể nếm phải sự cay đắng trong cuộc đời. ví dụ: dạy bảo không nghe còn làm bướn thì người dạy nói: Nếu ngoan cố đến vậy là hết thuốc chữa, ta cho mi nếm mùi đau khổ. Tục: Theo đạo Phật, gọi trần gian nầy là cõi tục, khác với cõi thanh bai của Phật ở. Nhà Phật thường dùng từ “thoát tục” để kêu gọi chúng sanh chốn Ta Bà quay đầu về cõi Phật, Đức Thầy có câu:
“Chốn Ta Bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế”.

Và những câu sau đây mang ý nghĩa nhàm chán Ta Bà cõi tục, cầu sanh Phật quốc:

“Lời Phật thuyết ta xin nhắc lại.
Ta-bà khổ Ta-bà lắm khổ.
Có bao người xét cho tột chỗ,
Tịnh-độ vui, Tịnh-độ nhàn vui,
Cảnh thanh-minh sen báu nặc mùi,
Nào ai rõ cái vui triệt đáo”.
Lụy: dính vào, chìm vào, đắm chìm; nói lên sự bó buộc, ví dụ người ta lụy mình vào sắc đẹp, rượu chè, cờ bạc, đàng điếm. Đức Thầy có câu:
“Người tu phải lánh hơi men,
Đừng ham sắc lịch lám phen lụy mình.”
Tóm lại: Mùi tục lụy là mùi tanh hôi đáng chê đáng chán, không phải mùi thơm tho đâu mà thích, là chỗ thấp hèn không phải nơi cao quí mà ham. Người nhà giàu, kẻ có học thức nếu lụy mình vào sắc đẹp, cờ bạc, rượu chè, đàng điếm dần dần vị thế nhà giàu sang, trí thức sẽ bị sự trả giá đến lột mất trắng, người tu hành để lụy mình vào Danh Lợi Tình hay những thứ cám dỗ khác, hết thấy đường về Phật Quốc.
Linh hồn: Hồn người chết. Thân người là giả thân bởi mượn của Đất Nước Lửa Khí tạo thành, nên gọi là thân tứ đại. Người tu hành quán thân tứ đại giai không, trừ được bệnh chấp có là thành công lớn, tiến triển trên đường đạo hạnh. Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng “ Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách” ( Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại hành sâu vào Bát Nhã Ba La Mật, thấy thân năm uẩn đều không, liền hết các khách).
Thân mượn có thời kỳ, đến lúc phải trả, chôn vùi dưới ba tất đất, linh hồn không mất, do gieo nhân lành dữ, tội phước, phải chịu hưởng quả theo nhân. Đức Thầy có câu:
“ khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác,
Quỉ vô-thường dắt xuống Diêm-Đình.
Sổ-sách kia tội phước đinh-ninh,
Phạt với thưởng hai đường tổ rõ.”
Chìm đắm: Chìm là ngợp xuống, đắm: nhiễm sâu vào, không thoát ra được, chìm đắm trong cõi mê, mê bất tận. Đức Thầy có câu:
“Chớ nhiễm nghiệp phiền chớ đắm say.
Đắm say một phút cội lành xa.
Chốn nê-hà: Thưa quý vị! Đã đến ngay điểm nghi vấn chính của quý vị rồi đây. Chốn: chỗ ở, nơi chốn, nê-hà. , không phải do in sai từ chữ mê và ý nghĩa của Nê và Mê không giống nhau. Mê với ý nghĩa nói lên sự tối tâm, ngu dốt, trong khi Nê là bùn trịnh còn hà là sông nước. Đạo phật thuyết về luân hồi có sáu đường: Đường lên Trời, đường trở lại người, đường về thần A Tu La; đường xuống 3 chỗ ác: địa ngục, ngạ quỷ, xúc sanh. Sáu đường nầy do chúng sanh gieo nhân tốt xấu, lành dữ bị bộ máy nhân quả vô tình buộc làm sở hửu. Ba đường xuống thấp do những chúng sanh tội nặng, đày đến đây để chịu hình phạt, phạt xong cho đi đầu thai, cửa đầu thai thấp nhứt là bùn trịnh nước nôi, lên cỏ cây… vốn vô tri vô giác, rồi chết đi chuyển dần dần lên, trở lại được làm người không biết đến muôn kiếp nào mà kể hết. Ông Thanh Sĩ nói:
“Làm bùn làm đất làm cây cỏ,
Trơ trọi giữa trời vạn kiếp thu”.
Đức Thầy khi dạy về thân ngũ trược đáng chê đáng chán, ở mục chúng sanh trược Ngài cho biết:
Chuyển luân trong nhân-vật các loài,
Căn mờ ám làm điều dại dột”.
Ở đây chúng ta nên xét chữ “mãi” đứng đầu từ ngữ “mê man” khiến ta phải hiểu là mê man mãi mãi. Mê có lúc tỉnh còn có thể trở lại làm người chứ mê mãi mãi chìm tới đáy “Nê Hà”. Câu “chuyển luân trong nhân-vật các loài” danh từ “các loài” không ngoại trừ làm bùn làm đất.
Đại ý hai câu giảng nêu trên có liên quan đến câu trước “lừa lọc con lành diệt quỷ ma” Đức Thầy dạy người tu luôn luôn ở độ thức ngộ cao, tinh thần tỉnh táo, sáng suốt thì các mùi tục lụy trong trần không cám dỗ được. Bằng như thiếu cương quyết trong sự “lừa lọc và diệt quỷ ma” mùi tục lụy cứ thế mà nhử lòng, sức tu không đủ để chận đứng sự cám dỗ thì chúng xâm nhập, làm ta mãi mê man để linh hồn chìm đắm tới đáy sông mê, thành bùn đất.
30/12/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét