VÙNG ĐỊA
LINH
Tiếp chuyện với chú tài xế xe 16 ghế khiến lòng tôi
không khỏi rộn ràng cho chuyến đi nầy, rộn ràng vì phù hợp mong ước của chúng
tôi. Chú nói không biết vì sao, những năm, tháng, gần đây, bà con lại thích
thuê xe đi viếng bốn Ông Thẻ hơn đi núi đi chùa. Câu nói nầy làm tôi chợt nhớ
ra, mình có vài người quen ở xã Vĩnh Hanh, gần Ông Thẻ số 1 nói rằng: Ngày nào
ở Dinh Ông Thẻ nầy cũng có ít nhất hằng chục chiếc xe 16 hoặc 7 chỗ chở khách
đến cúng bái, đó còn chưa nói những đoàn đi xe hai bánh kẻ tới người lui dập
dìu. Bà con quê tôi rất thích đi viếng bốn Ông Thẻ, lâu lâu là rủ đi, trong đoàn
đây có người đã đi viếng nhiều lần mà vắng lâu thì cũng thấy nhớ.
Đoàn tôi đi hai xe mỗi xe 16 chỗ ngồi, ban tổ chức điều
động lên xe vào lúc bốn giờ rưởi sáng. Tôi
cho đi như vầy là quá sớm muốn dời thêm một giờ mà không được. Đến Ông Thẻ Vĩnh
Hanh vào lúc trời mới 6 giờ rưởi sáng. Tưởng mình đi như vầy là sớm nhứt, không
ngờ có hai chiếc xe khác còn đến sớm hơn, họ làm khách mở hàng, đậu sẵn trước
cổng, trong dinh tiếng chuông phát lên làm huyên náo một buổi sáng đẹp trời.
Tài xế nói đúng và tôi thấy được nguyên nhân mà
nhiều bà con lúc nầy đi viếng bốn Ông Thẻ nhiều là do sự vận hành của bộ máy
Thiên Cơ, các vì trên trước huyền nhiệm dẫn dắt để người đời, cho dù, nhà còn
lắm công nhiều việc cũng không quên vùng địa linh, nơi bảo vệ sự bình an cho cả
đồng bào miền tây nam bộ, đến thắp nhang cầu nguyện, kính bái sự thi ân bố đức các
vì trên trước, để từ đó học hạnh hiền nhơn quân tử, tiếp nhận và truyền thừa
đời đời BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN hiện hữu dỗ về bá tánh.
Rời khỏi dinh thờ Ông Thẻ số 1, xe trên đường đến
chùa Tam Bửu thuộc trị trấn Ba Chúc còn xa, tôi nghĩ nhơn thời gian còn dài nên
nói chút ít vì đó với các bạn đồng hành ghi kỹ niệm, làm ấm áp thêm chuyến hành
hương:
Kính thưa bà con, hôm nay chúng ta cùng một trọng
tâm đi chiêm bái bốn Ông Thẻ, tôi xin có đôi điều muốn nói với quý vị mình: một
về hành trình của chuyến đi; hai, ý nghĩa của bốn Ông Thẻ là mục tiêu hướng tới
của chúng ta.
Hành trình: Hợp đồng với quý bà con là chúng ta có
đến chiêm bái Dinh Đức Cố nơi phát sinh kỳ công kỳ tích (lò rèn đúc vũ khí cho
đội binh Đức Cố) nhưng giữa chừng theo lời xác định của chú tài xế, tuyến đường
rẻ phải từ chợ Vĩnh Bình (cầu số 5) đến dinh Đức Cố, nhằm thời điểm nước lũ dâng
cao, vì bảo quản đê đường, quan chức trong làng đã treo bảng cấm xe bốn bánh di
chuyển nên đoàn chúng ta không thể vào đó được. Đây là trường hợp xảy ra ngoài
ý muốn mong quý bà con hoan hỉ, còn nữa, lịch trình hôm nay chúng ta cũng không
đi theo hệ thống hàng dọc: một, hai, ba, bốn mà là một, bốn, ba, hai và thuận
theo tuyến đường, đoàn cũng nên ghé chùa Thới Sơn kính bái ngôi thờ Đức Phật
Thầy. Vậy, nếu giờ không vào dinh Đức Cố ở vùng Bảy Thưa được, chúng ta dừng
chân viếng chùa Tam Bửu trước khi đến Ông Thẻ số 4. Nếu quý bà con mình chưa
bụng ai kêu đói thì tôi đề nghị chúng ta thống nhất ý kiến đợi đến dinh ông thẻ
thứ tư hãy dùng cơm thay vì ghé mấy tiệm chay dọc đường.
Về ý nghĩa bốn Ông Thẻ mà đoàn chúng ta phát tâm đi
hành hương chiêm bái, theo sự hiểu biết của tôi, bốn Ông Thẻ ở vào các vị trí như
một cuộc sắp trận có bốn thiên tướng trấn giữ miền tây nam bộ, bảo an bá tánh
sống đời lạc nghiệp xứ ruộng đồng, để từ sự bảo an lạc nghiệp đó con người đón
nhận một cách thân thiết tư duy đạo đức của bốn ngôi Phật, Thánh, Tiên, Thần,
hòa nhập cộng đồng, các giai tầng xã hội để cộng đồng và xã hội thăng hoa.
Người ta đã so sánh nhân dân ở miền tây nam bộ rất hiền hòa, dễ dải, thân mến,
có thể do bốn thiên tướng hóa duyên mà con người hoán đổi căn cơ thành con của
Phật, Thánh, Tiên, Thần nên đã ứng xử với nhau những điều đạo nghĩa, quày đầu
hướng thiện để đất lành chứa vựa người lành.
Xưa Mạc Cửu người Tàu sang nước ta sinh sống, là
những tướng binh của nhà Minh bại trận với nhà Thanh, xin vua ta cho một ít đất
vun thân, hứa theo lễ chư hầu hằng năm triều cống. Nhưng họ Mạc nầy rất giỏi về
địa lý, đã khám phá miền tây nam nước Việt là nơi địa linh nhân kiệt, tên nầy
không muốn Việt Nam
có quá nhiều của phụ ấm thiên nhiên ưu đải nên đã dùng bùa ếm phá cho địa không
linh, người không thiêng. Theo quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm của hai cây bút cự
phách trên văn đàn PGHH: Dật Sĩ, Nguyễn Văn Hầu, tính từ cái ếm của họ Mạc đề năm
1792 thì khoảng 60 năm sau Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đức Phật Thầy Tây An ra đời
phổ độ chúng sanh. Ngài thấy được ý đồ bất chính của tên họ Mạc kia nên xai Đức
Cố Quản Trần văn Thành (ông nầy là một đệ tử hàng đầu của Phật Thầy), chỉ cho
các vị trí cấm bốn cây thẻ ở mỗi nơi. Một điều kỳ lạ, bốn nơi xa cách đều mang
chung một họ Vĩnh: Vĩnh Hanh ông thẻ số 1, Vĩnh Thạnh Trung ông thẻ số 2, Vĩnh
Tế ông thẻ số 3 và Vĩnh Điều ông thẻ số 4.
Thưa quý bà con, kể lại nguồn gốc của bốn ông thẻ
tôi ví như bốn thiên tướng làm vô hiệu phép trù ếm của quân họ Mạc đối với nước
ta, đồng thời, bốn ông đây còn chuyển hóa phù sa cho đất đai thêm mầu mở, trồng
trọt thuận lợi, trúng mùa, đời sống nhân dân trong vùng ổn định, tinh thần chan
chứa tình thương đồng bào nhơn loại các miền, nhất là miền Trung, đồng bằng ít,
đồi núi lại nhiều, đất trồng trọt không bao nhiêu nghèo đói là tất nhiên mà mỗi
năm phải chịu nhiều trận bão dữ, tàn phá hoa màu, nhà cửa và lắm cơn bão dẫn
đến chết người. Nhân dân sông nước miền tây hiền lành phúc hậu, chịu sự giáo
huấn của Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo về đạo đức, nhân nghĩa, thấy ai
đói khổ thì thương. Đối với ba miền đất nước Nam, Trung, Bắc, miền Nam
được thiên nhiên ưu đãi về trồng trọt, nông nghiệp làm vựa lúa của ba miền, nhân
dân trong vùng vựa lúa rất thảnh thơi về ăn, ở, Đức Thầy dặn dò người trong
vùng vựa lúa hãy cứu giúp hai miền kia:
“Nam
Kỳ đâu thể sống riêng
Mà còn cung cấp cho miền Bắc, Trung”.
Quân đội Nhựt đảo chánh bọn Tây, làm chủ tình hình,
họ đã thấy gia tài của miền Nam
kiệt quệ trầm trọng vô phương cứu chửa, đồng tróng ruộng hoang. Trong sự thách
thức tìm cách giải nguy họ bổng nhớ lại một người, là bậc đạo hạnh tuyệt vời,
vị nầy nói ra như phát lệnh, là giáo chủ một tôn giáo bản địa có đông đảo tín
đồ, phải nhờ Ngài mở cuộc “Khuyến Nông” dỗ an bá tánh “Nắm tay trở lại cánh
đồng” cứu nguy tình thế, người đó chính là Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ:
“Hỡi đồng bào ! Hỡi đồng bào !
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc,
Ngày lại ngày siết chặt giống nòi.
Lật qua các báo mà coi,
Thấy con số chết xem mòi kinh nguy.
Cũng tại vì Tây-di bày kế,
Phá hoại nền kinh tế nước ta.
Làm cho điên đảo sơn-hà,
Làm cho điêu đứng con nhà Lạc-Long…
… Giờ đây xem lại mùa màng,
Năm rồi miền Bắc tan-hoang còn gì.
Chỉ có xứ Nam - Kỳ
béo bở,
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền chủ phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.”
Từ câu “Nam kỳ đâu thể sống riêng, mà còn
cung cấp cho miền Bắc Trung” và “Thần chết đã tràn vào Trung Bắc” với một kết
luận đáng ghi nhớ “Chỉ có xứ Nam Kỳ béo bở…” vì chỉ có xứ Nam Kỳ béo bở nên Đức
Thầy“cả kêu điền chủ phu nông, đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang”… đủ thấy
miền Nam nước Việt là nơi nhân dân có sự bảo an của bốn ông thẻ, bốn vị thiên
tướng giữ mực sống ổn định từ vật chất lẫn tinh thần.
Được ở trong vựa lúa và tình người như đã nói,
chúng ta có bổn phận đối với những tiền bối giữ cho ta vùng đất linh thiêng
không bị họ Mạc quấy nhiểu mất đi ảnh hưởng đáng được tôn thờ, để hôm nay cũng
như mọi hôm qua và vị lai muôn thuở, chúng ta có an cư lạc nghiệp, đi cúng bái
di tích lịch sử Bửu Sơn Kỳ Hương tỏ lòng biết ơn của người ăn trái nhớ kẻ trồng
cây, uống nước nhớ ơn người đào giếng.
25/10/2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét