Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018



NGHÈO THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO

Hôm dự lễ khánh thành cầu “TÌNH THƯƠNG”, trên đường về đoàn có ghé lại đình thần Nguyễn Trung Trực ở thị xã Rạch Giá cho bà con nguyện cúng đúng như hợp đồng. Nay mới có 21 tháng 8 mà không khí lễ đã náo lên những màu sắc, chuẩn bị băng, cờ, thắc hoa vải để ngày 27 , 28 chánh cúng lễ đình, cung nghinh hương linh Quan Thượng Đẳng đại thần Nguyễn Trung Trực, người đã lập được hai chiến công phá đồn Kiên Giang và đốt tàu quân xâm lược Pháp ở sông Nhựt Tảo về chứng giám.
Các tổ chức từ thiện dựng lên nhà tiền chế đải cơm, bánh, nước… cũng đã đến dọn chỗ sẵn để vài ngày tới vào cuộc. Chưa gì đã thấy, đoán được, mùa lễ cúng Quan Thượng năm nay tưng bừng náo nhiệt dường nào. Cũng phải, đối với bực anh hùng cái thế làm cho quân Pháp bao phen khiếp đãm rất đáng được dân chúng nhớ ơn, thờ phượng. Đức Thầy có câu:
“Tử vì nước còn ghi linh miếu
Thác vì đời thanh sử danh bia.”
Để ghi lại hai chiến công hào hùng của cụ Nguyễn, nhà thơ Huỳnh Mẩn Đạt viết:
“ Lửa hồng Nhựt Tảo oanh Thiên địa
Kiếm Bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.”
Tôi lễ bái xong ra ngoài hóng mát một chút thì đi tìm nhà vệ sinh để chừng về không khó chịu trên đường xa. Bước vào khu vệ sinh nam, không cần phải vào phòng đã thấy một người đàn ông tắm trần truồng, một người đàn ông khác lớn tuổi hơn trông vẻ rất phong trần, anh ta không tắm, trên mình còn mặc đồ kín đáo, hé cửa phòng vệ sinh múc nước sối cho người kia tắm và kỳ cọ giùm. Tôi thấy vậy liền quay ra mà lòng đắn đo vì đang mắc tiểu nên quay lại nhìn như thăm chừng coi họ có chịu ra chưa đặng mình đi vào. Bấy giờ tôi mới phát hiện người trần truồng ấy đã bị bệnh bại liệt một phần thân, tay chân còn lại cũng chỉ ngo ngoe. Tôi ra trước ngồi đợi, cũng biết cảm thương người bệnh tật nhưng có hơi trách anh kia: nhà vệ sinh có chỗ dành riêng để tắm và hàng chục phòng cầu xí, sao không đưa anh bệnh liệt nầy vào cái phòng nào đó tắm cho lịch sự một chút, đở làm phiền nơi công cộng. Hôm đó nhiều người mắc vệ sinh như tôi, đến thấy vậy đều bỏ ra, có người đi luôn, có người lóng nhóng phía ngoài mà đợi. Tắm xong, người khõe mặc đồ tiếp cho người mang tật, chỉ là quần sà lỏn áo thun và cổng ra khỏi đó. Tôi tự lý luận, hai người nầy chắc cũng tình ruột thịt mới đủ khả năng phục vụ tận tình như vậy, hoặc người mạnh khõe ấy ra công làm mướn, thế người tàn tật kia thuộc dạng khá giả sao? Không đúng, nếu khá giả mướn người giúp việc thì phải làm việc ấy trong nhà mình, lý đâu lại tắm ké và trần truồng nơi công cộng.
Vệ sinh xong tôi tìm các bạn đồng hành. Đoàn hơn sáu mươi người tham quan rời rạc, từng tốp năm ba người hoặc ra vành biển hóng gió, hoặc rủ ren đi chợ mua sắm, tôi cũng dạo đó đây vài nơi, chừng lại phía trước cổng Đình, thấy người bại liệt chân được cổng ra khi nảy ngồi trên chiếc xe lăn, tay cầm cọc vé số, thấy ai ghé vào Đình chú gồng miệng mời mọc qua giọng nói đớt đát khó nghe, lòng tôi cảm thương người tàn tật nhưng thuở giờ không chơi đánh số, đâu thể nào mua giúp chú được. Đứng thấy chú bán vé số ngồi trên xe lăn, mỗi lần rao mời là bẻ miệng thật là tội nghiệp quá đi, tuổi thân cho chú ta quá. Tôi muốn chạy trốn sự thật phủ phàn nầy cho đở thương tâm mà ngoài trời nắng nóng như nung, cái cảnh còn khó chịu hơn. Bỗng Trời cho đổi màu, nhạt nắng, gió lùa mát mẻ, dễ chịu quá, tôi ra đường, rẻ về phía hông phải của ngôi Đình tìm những người, xe đồng hành rủ về nhà cho kịp trước khi trời tối. Tình cờ tôi lại gặp vị ân nhân của chú ngồi xe lăn, người đã tắm rửa giùm chú ngoài hành lang nhà vệ sinh và cổng ra ban nảy, chú ấy cũng bán vé số. Được biết, mỗi ngày khi vác trưa nóng bức, tránh cái nắng nóng thì đi làm việc nghĩa với bạn đồng nghiệp tật nguyền. Bây giờ tôi mới rõ ra, họ không phải là bà con ruột rà nhưng sống chung cái quyền nghèo khổ thì phải biết thương nhau, dựa vào nhau cho sự sống nghèo có thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn về tự ti mặc cảm. Chú nghèo đến đổi không xắm nổi chiếc xe đạp, bán vé số xa gần cũng chuyên môn là lội bộ, có bửa trời mưa dầm chú phải đội nón lá lên, hoặc choàng mình một chiếc áo mưa cũ bẩn, cố bán cho hết cọc vé số không sẽ bị lỗ nặng.
Chú ấy chìa cọc vé số trước mặt tôi trong khi tôi đang đi, thấy chú tôi thật là cảm động, vì nghèo tới đâu chú cũng không sờn lòng làm chút phước duyên, tranh thủ thời gian làm việc nghĩa cho ông bạn tật nguyền chung nghề nghiệp với mình. Tôi không thể mua tiếp chú vé số, vì nghĩ rằng nó giống như cờ bạc, tính ăn thua còn đậm hơn những kẻ chơi bài; nhiều gia đình có đất đay, bề thế, mà nghiện số cũng phải tiêu tan sự nghiệp, bỏ nhà trốn nợ một nơi xa, hoặc đi đầu quân vào khu công nghiệp Bình Dương…
Ngồi trên chuyến xe về lòng nghe nặng trỉu tình thương cảm với hai người bán vé số, người tật nguyền kia tôi cho là số kiếp, đương nhiên sẽ gặp bất hạnh phủ lên cuộc sống. Nhưng may mắn là chú có một đồng nghiệp tốt. Tôi cảm thấy thương đồng nghiệp của chú nhiều hơn bởi anh ta có nghĩa cử nhân đạo, biết thương người mất khả năng tự chăm sóc bản thân như chú.
Trên xe có máy đọc giảng, ngay từ lúc đi, khán thính giả trên xe yêu cầu tôi đọc ngâm Sám Giảng của Đức Thầy cho mọi người cùng nghe. Tôi trả lời: đã lớn tuổi, âm thanh phát ra ồ ề lắm, giọng đâu còn trong trẻo như hồi còn trẻ mà quý vị yêu cầu, thông cảm nha! Bị từ chối đọc ngâm Sám Giảng, người ta yêu cầu tôi thuyết một đề tài khuyến tu tôi cũng từ chối vì sức khõe mấy nay không được tốt, nói chuyện hay bị hụt hơi. Nhưng chuyến về, dù chuyến đi tôi từ chối không đọc ngâm Sám Giảng hay thuyết trình giáo lý PGHH nhưng bà con trên xe cũng cứ mời. Lòng có mang tâm sự, chợt nhớ một đoạn trong quyển Sám Giảng “GIÁC MÊ TÂM KỆ”của Đức Thầy, ngồi ở hàng ghế sau cùng tôi đứng dậy tiếp míc, nắn nót âm tơ:
                      “Đức Thượng-Đế ngự đền Ngọc-Khuyết,
Nhìn dương-gian cũng luống thở dài.
Thấy chúng sanh trau trỉa mặt mày,
Chớ chẳng chịu trau tâm trỉa tánh.
Kẻ đói khó người sang hay lánh,
Bước lại gần chê lủ tanh hôi.
Cõi ta-bà ta thấy hỡi ôi!
Sầu bá-tánh quá nên kiêu-cách.
Người tàn-tật đui cùi đói rách,
Ít có ai để mắt nhìn vào.
Chuộng những người dù võng sắc màu,
Cậu với mợ, ông, thầy, cô, bác …”
Lạ thiệt! lâu rồi, tôi ít khi đọc ngâm Sám Giảng được cái giọng khõe thế nầy. Khán tính giả trên xe khen tôi già mà vẫn còn tốt tiếng. Tôi nghĩ, tiếng tốt và giọng khõe của tôi hôm nay có lẽ do lòng mình chở nặng tình thương hai người nghèo khổ, mà Giảng Kệ của Đức Thầy nhịp vào đúng lúc khiến tâm tư tôi bay luyện…
19/10/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét