PHẬT NÀO
CHỨNG CHO ?
Mảng lo tranh đoạt thù hềm với nhau.
Đến chừng có ốm có đau,
Vang mồm niệm Phật, Phật nào chứng cho
(lời Đức Thầy)
Chọn tựa đề “PHẬT NÀO CHỨNG CHO” để tìm lý giải ta
sẽ thấy nội dung ẩn chứa những hoài nghi: Phật không chứng cho ai đó lúc bình
thường, mạnh khõe không chịu làm lành, chẳng kiên Trời Phật, có ác cảm với
người khác, khi đã phát nóng lên chưởi trên đầu trên cổ chưa vừa, kêu thêm Trời
Phật ra mà mắng vốn. Lo thù hềm, tranh đoạt gây tội lỗi chất chồng, chừng sa cơ
thất thế, tai nạn ốm đau mới vang mồm niệm Phật mà trong lòng chưa tỉnh ngộ sự
tranh đoạt, thù hềm là tội lỗi. Chúng sanh đi trong vòng quay luân hồi để chịu
lấy cái quả sanh tử số kiếp, xưa nay người ta hiểu niệm Phật là cầu mong sự cứu
độ của Phật, cầu mong sự cứu độ của Phật là đi theo đường Phật, đáng lẽ phải
tháo vòng quay và đi không mang theo bất cứ điều gì ngoài một điều NAM MÔ A DI
ĐÀ PHẬT trong tâm. Nhưng khách đăng trình ít người làm như vậy, họ vác theo “tranh
đoạt, thù hềm”, những điều không thể chấp nhận được trên đường đến cõi Phật.
Nếu chẳng vì lợi ích Phật độ, hành giả tự độ lấy
một đống nghiệp nợ khổng lồ trên đường sang Phật Quốc rất khó mà đạt mục đích. Chỉ
có bậc thiện căn đại trí thức ngộ sâu thì có thể chứ hạ căn tiểu trí, thường
không tin mình có khả năng tự độ: Thật là ngán ngẩm khi bước vào đường tu nếu
như không cầu sự cứu vớt của Đức Phật.
Cầu sự cứu độ, tôi cho những điều nhạy cảm có liên
quan mật thiết với sự sống được đặt lên hàng đầu: Bệnh niệm Phật cầu hết bệnh,
tai nạn niệm cầu tai qua nạn khỏi, chết niệm cầu vãng sanh Tây Phương v.v... Người
con Phật ai cũng hiểu như thế, nghe lời Phật dạy mà làm theo, nói Phật không
chứng là sao?
Nhưng có chắc chắn là chúng ta nghe lời Phật dạy và
hành theo một cách đúng đắn không?
Suy ra lẽ phải trái trong cuộc sống thì biết, ví
như gia đình nọ, cha mẹ và các anh em trong nhà siêng năng làm lụn, không cập
bè cập bạn vui chơi sa đọa, không kết oán gây thù với ai, tấm lòng lương thiện
hay nghĩ đến người khác những gì tốt đẹp và sự che chở, giúp đở. Nhờ siêng năng
làm việc, chú tâm vào công việc mà tay nghề mỗi lúc mỗi hoàn hảo, kiếm tiền dễ
dàng, trở nên giàu có, danh dự, uy tín, bề thế, với xóm chòm họ luôn luôn là
người tốt đối đải thật tình. Nhờ có tấm lòng lương thiện che chở giúp đở nên được
dân yêu quan mến. Nhưng trong nhà ấy còn có một người không thích làm việc mà
lại hám ăn xài, hám thói sa hoa phung phí, kiêu cách, không giỏi giang công
việc chính đáng, ngay thẳng nhưng lại quá ham tiền, dở thói lưu manh, trộm cắp,
xảo trá, lường gạt… để có tiền làm sang cho lên vẻ ta đây. Chừng sa vào lưới
pháp luật, tiền do xảo trá, lường gạt mà có đã bị mất trắng “của phi nghĩa làm
chi nên chuyện” mà tội ác không được tha, rống miệng kêu cha mẹ ơi cứu con, anh
chị ơi cứu em. Dù ở đời cha mẹ có danh dự, uy tín, tiền bạc, nhưng cha mẹ là
người sống có mực thước, tôn trọng sự công bằng, Ông Bà không thể đem uy tín,
mực thước, danh dự, tiền bạc ra mua hành động xấu xa, tội lỗi, hiếp đáp người
khác mà con mình đã phạm phải, làm bất công với những người bị hại.
Cũng tương tợ như một gia đình có mực thước, ngay
thẳng chính đáng nêu trên, nói đến đạo Phật, vị khai sáng đạo Phật là đấng
chánh đẳng chánh giác, với chúng sanh Ngài luôn đối đải bằng tình Từ Bi nhưng
cũng có Bình Đẳng đi cùng. Nếu sử trí với riêng bản thân Đức Phật thì Từ Bi
không cần câu nệ có Bình Đẳng sánh vai nhưng với tất cả chúng sanh cần áp dụng
Bình Đẳng, không thì kẻ gian tà có thể lợi dụng lòng Từ Bi của người khác
chuyên làm chuyện phạm pháp, bất công không được truy cứu trách nhiệm tội lỗi thì
sự phạm pháp sẽ tràn thế gian.
Anh Tý hành hung với anh Sửu là cái nhân, bị anh
Sửu trả đòn lại chính là nhận quả của cái nhân bất lành mà anh đã vay anh Sửu.
Bậc trưởng thượng nhìn xa trông rộng xét rằng, kẻ bị hại nên chấm dứt việc đòi
người gây tội lỗi phải trả lại sự công bằng cho mình bằng cách ăn miếng trả
miếng. Khi tức giận không kìm chế được thốt ra những lời lẽ hiếu chiến, nói ăn
miếng trả miếng là sự công bằng mà giống ác hết người nầy gieo rồi đến người
kia gieo, hết người nầy chịu quả báo đến người kia chịu quả báo, giống như cuộc
giật lộn lúc thì mình đè đối phương nằm dưới lúc đối phương đè mình.
Người ta ác với mình mà mình nhịn được, bỏ qua, tha
thứ thì kẻ làm ác ấy một mình bị trả quả, xong là hết. Nhưng người bị hành hung
trả đòn lại với kẻ đã hành hung mình là hết người kia gieo nhân ác tới mình
gieo nhân ác, người kia bị trả quả với mình, mình bị trả quả với người kia, rốt
cuộc cả hai đều có tội. Ta bị gả kia hành hung là sự mất mát thiệt thòi, nếu ta
hành hung lại để trở thành người có tội, nguyên cáo trở thành bị cáo thì mất
mát thêm mất mát, thiệt thòi thêm thiệt thòi. Tha thứ bỏ qua là thắng, không
ngờ do “tranh đoạt thù hềm” mà ta đã bị thua.
Một số người nghe nói đến tu hiền là trong mình dị
ứng thẹn đỏ mặt, vì ham sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, họ bất chấp những thủ
đoạn để đạt được mục đích ham hố đó, đến khi trong nhà xảy ra tai nạn, hoặc
chính bản thân mình có biểu hiện trả quả của cái lúc mình bất chấp những thủ
đoạn nào để đạt đến mục đích, vái cúng những đồ hối lộ cho các vị linh thiêng
khuất mặt hóa dữ ra hiền, biến xấu thành tốt. Đức Thầy cảnh tỉnh nhơn sanh qua
điều răn cấm thứ năm có đoạn như sau “ … Không nên sát sanh hại vật mà cúng
Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì
nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bệnh là
Tà Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta.”
“Cứ lo làm việc tà tây,
Bắt ngưu bắt cầy đặng chúng làm ăn.
Chừng đau niệm Phật lăng xăng,
Phật đâu chứng kịp lòng người ác gian”.
Giáo lý là lời dạy có lý lẽ chơn chánh từ nơi tín
ngưỡng tôn giáo vì có ác nhân con người phải vào vòng quay luân hồi để chịu ác
quả. Người học hành thông thuộc giáo lý qua lý lẽ chơn chánh, không cho phép có
sự tranh đoạt thù hềm. Thông thuộc môn giáo lý nhường nhịn sẽ không mang trong
lòng những tranh đoạt, thông thuộc môn giáo lý Từ Bi, tha thứ được trong lòng
sẽ không chất chứa thù hềm, cứ làm cho người khác không yên thì chính mình là
người không yên trước.
Thương bản thân không chỉ là lo cho nó ăn ngon, mặc
đẹp, ở sang mà thương là khi bỏ cái thân huyễn ảo nầy, như chiếc áo cũ rách đến
lúc phải bỏ thì có chiếc áo khác tốt hơn để mặc không? Hiện tại, điều đáng lo
hơn hết là đừng gây họa với người khác. Gây họa với ai chưa chắc người ta để yên
cho mình. Mình muốn yên mà cứ làm cho người khác không yên, làm người khác
không yên tất nhiên người khác đó cũng không để yên cho mình. Tự mình bóp nghẹt
tình thương và sự sống, cán cân nhân quả của các đấng linh thiêng đang cầm cũng
không bỏ qua cách xét sử công minh, vang mồm niệm Phật cầu Phật chứng, Phật
không chứng bởi nguyên nhân đó.
09/7/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét