Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

BỔN PHẬN CHÚNG TA.


Xin chào chư đồng đạo.
Nam Mô A Di Đà Phật. Hôm nay chúng con đến đây trước là viếng thăm vấn an sức khõe chú, sau xin nhờ chú giải thích giùm đoạn văn dưới đây:
“Bổn-phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm cho trí-tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giai-thoát, dẫn-dắt giùm kẻ sa-cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai-thông nền đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Như thế mới chẳng phụ công-trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy”.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Tôi rất vui khi được quý đồng đạo đến đây để chúng ta có dịp chào nhau vui vẻ, hỏi thăm sức khõe và còn nung đúc tôi làm cái việc “dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức” theo huấn lệnh của Đức Thầy, nhưng phải trích hỏi tới đoạn dài vậy sao?
Dạ, dài vậy mới đầy đủ chứ ạ !
Nhiều từ ngữ, chắc phải chú giảng cho nổi lên ý chính của từng đoạn sau mới tóm kết đại ý ?
Dạ phải, cám ơn chú trước.
Các em cháu thân mến! đoạn văn vừa trích dẫn tôi thấy rất cần đem bàn bạc, nắm được ý chính để không bị chướng ngại bởi những tri thức khác luồn gây cảm nhiễm về cái gọi là “Bổn Phận Chúng ta”. Trong chính văn có những từ ngữ quen thuộc, thường dùng, nếu không phải bậc đa văn quảng kiến có khả năng làm mới vấn đề và biến vấn đề trở nên nhạy cảm mà trình bày nữa e giậm dấu không hay. Tự biết mình không có khả năng làm mới vấn đề cũ nên đi vào giải thích tôi xin tránh lập lại những từ ngữ như đã nói, để khỏi mất thời giờ tìm hiểu nội dung chính nhá.
Dạ.
Bổn phận: Bổn là gốc, phận: việc phải làm. Ví dụ: người ăn trái phải có bổn phận với kẻ trồng cây, Cha mẹ đối với con, con đối với cha mẹ…đó là ví dthông thường dễ hiểu, chớ khi nói đúng vị trí Ân Tam Bảo thì từ ngữ BỔN PHẬN phải thắc chặc tình Thầy trò.
Tiền-nhân: Nghĩa đen là nói người sanh ra trước ta nhưng nói theo từng lãnh vực chuyên môn ví dụ như giáo dục, y học, kinh tế…tiền nhân là người lớp trước trong ngành đã có những thắng lợi những cống hiến đáng làm gương cho kẻ đến sau. Ở đây nói tiền nhân tức là những người phía trên dòng chảy đạo đức có tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Trí-tuệ: Sự sáng suốt do từ đáy lòng bật lên, tỏ rõ hơn sự học biết hay qua suy nghiệm. Đức Phật thành tựu công đức tu hành, cứu độ chúng sinh, Ngài có thể đem cho chúng sanh những phước đức, hoặc cứu khỏi những tại nạn… nhưng trí tuệ không thể cho được. Ngài căn dặn mọi người khi bước vào đường tu là “Hãy tự mình thắp đước lên mà đi” hay “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Trí tuệ, Khả năng hiểu biết, sáng suốt phải chính hành giả công phu lắng lòng ngộ đạo. Đây là điểm quan trọng nhất trong học Phật. Tu đạt trí huệ là đạt tột đỉnh của sự tu. Có trí huệ mới vẹt phá mây mù vô minh nhìn thấy khắp đâu đâu, giải thoát mọi ràng buộc, cả đến ràng buộc trong luân hồi sanh tử.
Sa-Cơ: Nói người bị rơi vào tình trạng thất thế, rủi ro, ví dụ như tai nạn, bệnh tật, nghèo đói vì thất mùa, hoặc vì bị thiên tai, chiến tranh giặc giả phải di tản, trôi giạt đến đâu họ cũng là kẻ sa cơ đáng thương.
Khai-Thông: Làm chảy đi sự bế tắt. Ở đây Đức Thầy dạy “Khai thông nền đạo đức”, tức không cho nền đạo đức bị bế tắt. Nói về đại cuộc thì PGHH là tài sản giá trị tinh thần cho hầu hết tín đồ, mỗi người quyết tâm gìn giữ, chưa bao giờ hay phải nói thẳng rằng không bao giờ có sự bế tắt từ trên đầu nguồn mà là bế tắt ở hạ tầng, những nhánh sông, mương rạch hòa nhập nông thôn, làng qua làng, những thành kiến cố chấp của người có bệnh “ta đây” đã chận đứng dòng chảy đạo pháp tới người khác. Ngày nào và ở đâu nếu ta hành sử  đạo Pháp như ngục tốt nhốt con người thì ta là người bị nhốt đầu tiên và sự học đạo trong ta đã trở nên bế tắt: cần phải được khai thông. Nền đạo đức được khai thông ở chính người có vai trò khai thông kẻ khác là một chuyển biến tốt đẹp cho đạo Phật đi vào đời, trong đời có đạo. Những thành kiến cố chấp, cống cao ngạo mạn đã chận đứng dòng chảy thì hãy khai thông tại đó, đừng đi kiếm khai thông người ngoài chi cho xa. Một khi ta đã khai thông đạo đức chính mình tất nhiên dòng chảy trong ta sẽ chảy thông qua người khác, niềm ước mơ trông đợi của Đức Thầy không quá xa xăm.
“Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,
Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”.
Đạo được khai thông từ người qua người tất nhiên dòng chảy ấy sẽ làng qua làng… thế mới gọi “Gieo đạo khắp đại đồng” được chứ!
Công trình: Công: Việc làm, công sức, công phu; Trình: hiện ra. Công trình là quy mô lớn và lâu dài, ví dụ như công trình giáo dục, công trình xây dựng nhà ở, xây dựng nông thôn ... Ở đời khi người ta làm công việc vì đó, tốn hao quá nhiều sức lực nửa chừng gảy đổ họ sẽ thở than: Thiệt uổng công trình.
vĩ đại: To lớn, công việc, người làm việc lớn, ví dụ: nhà cách mạng vĩ đại, nhà văn hóa vĩ đại, văn hào vĩ đại… Đức Thầy dùng cụm từ “công trình vĩ đại”là nói Phật Bảo lớn lao không gì sánh bằng. Đức Phật vì một đại sự nhân duyên lâm phàm độ chúng, các tiền nhân đã dày công vun quén, kế nghiệp Như Lai bằng ra sức tu hành, giữ gìn chánh Pháp của Ngài không mai một, có vị phải bỏ thân vì bảo vệ sự nghiệp Phật Giáo, nhờ vậy, những hậu sanh chúng ta ra đời là có ngay tài sản Phật Giáo, gặp được chánh pháp lập thệ tiến tu.
Đắc tội với kẻ đời sau: Ý nói: Đức Phật thuyết Pháp, Đức Thầy vừa thuyết pháp vừa chính tay Ngài viết ra giảng kệ dạy tu. Ta sanh ra không nhằm trong thời Đức Phật Đức Thầy lâm phàm để được học đạo từ chính kim khẩu của Ngài. Thời Đức Phật nhờ các chư tổ chư sư gần Phật tu hành đắc ngộ chân lý được kế truyền tâm ấn, thời Đức Thầy  nhờ các Ông, Cha, Chú Bác sống gần gủi với Đức Thầy, học đạo và bảo vệ chánh giáo PGHH ngày nay ta mới có quyển SẤM GIẢNG THI VĂN GIÁO LÝ và những CHUYỆN BÊN THẦY cho ta tu học. Sự nghiệp đạo phật cũng như Phật Giáo Hòa Hảo, các tiền nhân đã truyền xuống tới đời ta, nếu ta không truyền qua đời sau, sự nghiệp Phật Giáo đến ta bị bế tắt hay kém phát triển như sự phát triển của tiền nhân thì ta đắc tội với Đức Phật, Đức Thầy và những hậu tấn sau nầy.
Qua đoạn văn trích vấn của quý vị, về đại thể, Đức Thầy hướng người tu hành theo Phật đạo đối mặt trước ba vấn đề quan trọng như sau:
1 là: Bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân “hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát”. (tự giác)
2 là: Bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân “dẫn dắt giùm kẻ sa-cơ”. (giác tha)
3 là: Bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân “tiếp tục khai thông nền đạo đức”.( giác hạnh viên mãn)
Nếu người tu hành theo Phật Đạo không thực hành 3 quan điểm kể trên thì chịu trách nhiệm tội lỗi trước nhất là với Đức Phật và các vị tiền nhân, sau nữa đắc tội với những thế hệ mai sau.
Các em cháu thân mến, qua sự hiểu biết của tôi, tôi tự biết không đầy đủ với lòng mong mỏi của quý vị nhưng vì trong tôi có “Tình Hòa Hảo” mà tự đặt trách nhiệm để không phụ công ơn dạy dỗ của Đức Tôn Sư “dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức”. Những vì còn thiếu rất mong có sự thông cảm của các em cháu.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Dạ chúng con cám ơn chú rất là nhiều. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
29/4/2017


Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

AI MÀ MẶC AI

Xin chào chư đạo hữu đến thăm!
Chúng con chào chú. Thưa chú! Lật quyển Sấm Giảng và Thi Văn Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo, trong bài đề tựa “Tư Tưởng” có hai câu con xin trích dẫn ra đây hỏi, rất mong được sự giải thích của chú:
“Chắp tay Niệm Phật Di Đà,
Lòng ta, ta biết; ai mà mặc ai”
Con thắc mắc cụm từ “Ai mà mặc ai” nhờ chú giải nghĩa, đặc biệt hơn hết, theo sự hiểu biết của một hành giả.
Tôi chưa nắm rõ ý hỏi của cháu, cháu có th nói lại đồng thời cho thêm một hai cái ví dụ được không?
Dạ, ví dụ như người tu niệm Phật, ai làm thiện, làm ác, nghèo khổ, đói đau gì gì… mặc kệ họ, ta cứ lo niệm Phật để sớm đạt mục đích, Phật cứu vãng sanh Tây Phương…
Tôi hiểu rồi, cám ơn cháu qua dẫn dụ. Theo sự hiểu biết của tôi, cụm từ “ai mà mặc ai” được dùng trong hai lĩnh vực:
Một, đối trong phiên cử Niệm Phật phải điều tâm tuyệt đối vào chánh niệm, Nam Mô A Di Đà Phật chỉ là Nam Mô A Di Đà Phật thôi, không để phóng tâm qua việc nầy việc nọ hay kẻ lạ người quen, kẻ thương người ghét; đừng sắm tuồng tịnh tọa ra vẻ cao thượng trên vị trí tu hành, làm oai nhà đạo mà tâm tư bị chôn vùi trong đống chuyện vớ vẩn. Ngay giờ phút tịnh niệm, cho dù có nhớ Phật, nhớ pháp, cũng không bằng nhớ và niệm Phật cho rành đừng nói chi là những nhớ tưởng viễn vông khác. Niệm Phật liền lạc không kẻ hở, Không có niệm khác chen và cũng không có bất giác, câu niệm Phật vào chánh niệm. Hãy tự biết và nhắc nhở mình, giờ nào việc nấy, giờ ta đang niệm Phật thì cứ mà niệm Phật, đừng niệm hay suy nghĩ vì khác ngoài niệm Phật mới xứng đáng danh xưng. Ai làm gì làm gì, họ ồn ào nhiểu loạn cỡ nào thì cỡ, giờ ta dành cho niệm Phật nhứt quyết phải được niệm Phật, không chấp nhận niệm gì khác, họ làm gì mặc kệ họ.
Hai, “ai mà mặc ai, áp dụng trong khi không vào khóa công phu tịnh tọa. Là người tu hành, đối với những tiếng thị phi, lời lẽ khen chê, nói bóng nói gió, hay sự giàu sang, ai đó lắm của nhiều tiền mặc kệ người ta, mình tu nhơn tích đức cứ lo việc tu nhơn tích đức, chấp vào lời lẽ khen chê, nói bóng nói gió của người khác về mình lòng sanh buồn bực thì còn tu hành gì chớ! Lo vun trồng cội phúc, chẳng vì tiếng khen của người ta về mình mà khoái cảm, vui thích, chẳng vì tiếng chê của người ta về mình sanh lòng buồn giận. Họ khen chê ta mặc kệ họ, để tâm thảnh thơi không có chuyện vì xảy ra, lòng không chao động mới hiệp nhứt nẽo đạo, mầu nhiệm ý chí đi tới đỉnh điểm.
Ngoài hai lý do kể trên ta không nên “ai mà mặc ai” với chuyện phước thiện giúp đời. Giáo lý PGHH dạy pháp môn “Học Phật Tu Nhân”, về học Phật là có quyền học hết những gì gọi là thành công của đạo Phật còn tu nhân là tu với con người. Để xác định mục tiêu tu với con người bằng vào bốn điều ân quan trọng: Ân Tổ Tiên cha mẹ, ân Đất Nước, ân Tam Bảo, ân Đồng Bào và Nhơn Loại.
Ta được cha mẹ sanh ra và nuôi lớn khôn, dạy cách ở đời, cho học nghề nghiệp… ơn ấy lớn lao sánh như trời biển, hèn vì người xưa đã đặt thành điệu ca dao:
“Công cha như núi Thái-Sơn,
Nghĩa mệ như nước trên nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Thế ta không thể để mặc kệ cha mẹ đói no, nghèo khổ rách rưới, ta cứ lo ngồi một chỗ tu niệm.
Nhờ ơn Đất Nước, trước hết để biết ta là người Việt Nam, và những vị anh hùng dân tộc bảo vệ giang san giữ nguyên chủng nòi Lạc-Việt để ta và con cháu ta sau nầy mãi mãi là kim chi ngọc diệp, nòi giống Tiên Rồng. Nhờ quốc gia vững mạnh, dân chúng an cư lạc nghiệp, nhà nhà ấm no hạnh phúc thì ta không tháp dụng “Ai mà mặc ai” lên vai trò đất nước và những người hy sinh hay làm phát triển một quốc gia giàu mạnh. Đức Tôn Sư ta dạy:
“Ân Đất Nước: Sanh ra, ta phải nhờ tổ tiên, cha mẹ, sống ta cũng nhờ đất-nước, quê-hương. Hưởng những tất đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn-phận phải bảo-vệ đât-nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng-đỡ xứ sở quê-hương lúc nghiêng-nghèo, và làm cho được trở nên cường-thạnh. Rán cứu-cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống-trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc-gia mạnh giàu mình ta mới ấm.”
Đọc đoạn dẫn chứng trên ta cảm thấy có bổn phận, trách nhiệm với quốc gia không thể nói “ai mà mặc ai” với quốc gia được. Có điều, công dân trách nhiệm với quốc gia không nhứt thiết phải xua quân ra trận, tùy theo khả năng tu tập mà chọn vai trò ơn nước ở hình thức nào cho phù hợp đạo và đời.
Nhân Tam Bảo thuyết lý nhân quả cho ta học hạnh tu nhơn tích đức, tránh tội thêm phước. Thường thì người trong thế gian tưởng thân nầy là thật thân, gia tài sự nghiệp trường tồn, nó mãi mãi là của ta. Do suy nghĩ như thế mới hồ hởi đem thân giả giữ lấy của giả, Đức Thầy có câu:
“Màn vô minh che mờ căn trí,
Nên thường khi nhận ngụy làm chơn.
Lo huyễn thân vật chất kém hơn,
Chẳng thèm biết tinh thần đạo đức.
Dệt lưới nghi đeo điều phiền phức,
Bịnh rịn đời cực khổ tan thương.”
Ta nhÂn Phật với thuyết Tứ Diệu Đế, một trong bốn diệu đế là Khổ Đế, về hình tướng, thân nầy được kết hợp bởi bốn thứ: Đất, nước, lửa, khí; về tâm linh thân nầy được điều động đến bởi luật nhân quả; một khi nhân quả đã đền xong thì thân tạm mượn bởi bốn hợp chất đất, nước, lửa, khí của đâu trả về đấy, ta đã mất, tài sản của ta phút chóc biến vào tay của người khác. Đạo Phật khai sáng lòng ta, giúp ta vượt khỏi những thứ làm cho u mê ám chướng, biết đâu là giả thật, đâu là nẽo chánh đường tà để bỏ tà theo chánh, đi vào đường Phật đi, đến chỗ Phật đến. Nặng ơn với đạo Phật như thế, gặp lúc đạo nhà suy di, người thọ ơn Tam Bảo không thể khoanh tay đứng nhìn, không tháp dụng câu “Ai mà mặc ai” ở đây được. Đức Thầy dạy, trông như giá nào cũng phải chấn hưng Phật Giáo:
“Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng”.
Ân đồng bào và nhơn loại, Đồng bào: nghĩa gần gủi là đồng cùng một bào thai do cha mẹ sanh ra, nghĩa rộng là nói cùng giống nòi, công dân trong một quốc gia. Nếu chỉ có ta thôi thì ta không thể đương đầu với các thiếu thốn về vật chất, tình người. Đặt vào ta sống nghề làm ruộng, lúa gạo ăn là không thiếu nhưng nhà ta không biết dệt vải thì quần áo đâu ta mặc, mùng chiếu đâu ta ngủ, vật tư xây dựng ở đâu để ta cất được ngôi nhà…? Tất cả đều nhờ ơn đồng đào. Nay đứng trước cảnh đồng bào ta bị đói, bị thiên tay bảo lụt làm tan nhà nát cửa ta không tháp dụng câu “ Ai mà mặc ai” để chết ai nấy chịu khoanh tay đứng nhìn.
Chắp tay niệm Phật Di Đà: Câu nầy đáng lý phải được trình bày trước cho đúng thứ tự nhưng thấy không cần chú giải từ ngữ, chỉ dùng ý thôi, nên để sau cho dễ kết hợp với “Ai mà mặc ai”.

Như quý vị biết, “chắp tay niệm Phật” là thể hiện rõ nét hành giả đang công phu, không chấp nhận có những diễn biến khác đến quấy rối buổi công phu, áp dụng triệt để lời dạy của Đức Thầy trong khi ở vị trí chắp tay niệm Phật như sau:“ Còn phương pháp niệm Phật là để trừ cái vọng niệm chúng sanh, vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt; vì cái vọng về việc thế trần ấy mà không cho cõi lòng an-lạc, phiền-não ngăn che, chơn tâm mờ-ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh”. Theo lời chỉ dẫn trên, trong lúc ở vào vị trí công phu tu tập, “chắp tay niệm Phật” phải gạt bỏ muôn duyên bên ngoài, áp dụng “ai mà mặc ai” với tất cả.
Tóm lại: câu “lòng ta, ta biết; ai mà mặc ai” chỉ nên áp dụng trong hai khuôn khổ, một là trong lúc công phu, chấp tay niệm Phật thì phải nhiếp tâm theo cách niệm Phật để trừ vọng niệm chúng sanh, không chấp nhận sự len lỏi, rò rỉ nào từ ngoại cảnh đưa vào làm rối công phu chánh niệm. Hai là việc tu hành lúc không ở vào vị trí công phu “chắp tay niệm Phật Di Đà”, những thiếng thị phi, khen chê, những câu nói bóng nói gió xa gần hoặc những lời ong bướm… hãy để cho nó bay đi bay đi, tự sanh tự diệt, đừng giữ vào lòng.

26/4/2017

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

ĐÚNG NGHĨA TỪ THIỆN


Nhớ hôm tôi đến nhà của đồng đạo tư Tới xem xét tình hình bà con bệnh nhân gần xa lại nhờ tiêm thuốc của Đức Thầy. Vừa đến, tôi thấy quang cảnh trước sân và trong nhà rất là ồn ào, mà xe trên đường cứ lại quẹo ngỏ. Mỗi lúc thêm đông. Ngày qua ngày số lượng bệnh nhân tăng vụt làm cho quan chức ngành y tế huyện Tri Tôn xót dạ cử đoàn bác sĩ đến kiểm tra, hạch sách tay nghề của vị lương y PGHH chủ nhà độ bệnh miễn phí, khiến dân tình lo sợ không được tiếp tục trị bệnh. Riêng vị lương y chủ nhà học qua lời dạy của Đức Thầy “Làm đường ngay thẳng có Thần độ cho”, ông cố gắng giữ mình được ngay thẳng thay vì lo sợ và làm những điều không ngay thẳng.
Số lượng bệnh nhân đến đông như đã nói trên theo tôi nghĩ phần lớn là do quý vị lương y ở đây công tác từ thiện đúng ý nghĩa, không nhận tiền dù là tiền kính biếu. Sử dụng thuốc của Đức Thầy đúng với ý nghĩa từ thiện chắc chắn sẽ được Đức Thầy và các vì trên trước hộ độ hên tay giúp trị bệnh người ta chóng hết. Lòng trong sạch về tiền bạc, một mặt có đức mới độ được người và chính vì lương y có đức hạnh tốt, Trời Phật thương mến, các Ngài chở che, gặp chuyện cũng không đến đổi.
Nhớ hôm tiếp chuyện với một bệnh nhân ở nhà đồng đạo tư Tới, cô ca ngợi các vị lương y đến đây tiêm thuốc Đức Thầy cho bà con, hạnh cách trong sạch về tiền bạc ai như nấy, thậm chí việc mua trái cây đến cúng cửu huyền thất tổ còn bị căn dặn không được có lần sau. Lòng trong sạch về tiền bạc khi làm việc từ thiện khiến bà con cảm mến, hạnh cách tốt tiếng đồn vang xa, bệnh nhân nắm được thông tin có thầy hay dược giỏi mà mình thuộc dạng “bác sĩ chê” xa gần dễ khó cũng phải rán đi tới. Quả y như lời đồn, bệnh mình mới tiêm thuốc Đức Thầy chỉ một lần là đã thấy có kết quả đáng ghi nhận, bảo sao kín miệng không đồn? Đông đảo là vậy đó!
Ai có bệnh khó trị hay dễ trị, giàu hay nghèo cũng được các vị lương y tiếp đón chăm sóc tận tình. Chánh quyền dầu khó nhưng nhờ các vị lương y hành sự đúng nghĩa, trị bệnh miễn phí, miễn quà cáp của bệnh nhân là thế mạnh nhứt không có chỗ cho pháp luật nhà nước chen vào hay những kẻ ưa đặt điều bóng gió. Các vị thật sự là ân nhân cứu mạng cho dân thì sống chết người ta vẫn bảo vệ mình yên ổn để được trị bệnh giùm dân. Chánh quyền dựa vào dân mà sống, trong khi yêu cầu của dân muốn được yên ổn để lo trị bệnh, là yêu cầu chánh đáng không vi phạm pháp luật, nếu chánh quyền mạnh tay đàn áp không cho người dân đi trị bệnh theo tin tưởng chánh đáng của họ, vì muốn được hết bệnh mà không phải tốn tiền như đi bệnh viện của nhà nước và một số người rốt cuộc: tiền mất tật mang, họ có thể bất chấp sự ngăn cản để được trị hết bệnh… Thêm vào đó, Đức Thầy dạy “Làm đường ngay thẳng có Thần độ cho” các vị ơn trên dùng huyền cơ tiếp độ, bệnh nhân nào cũng báo là đã giảm bệnh rất nhiều.

Thật sự không phải chỉ có các vị lương y PGHH khám trị bệnh ở điểm nhà đồng đạo tư Tới mới trong sạch về tiền bạc, tôi biết có rất nhiều, rất nhiều, các vị lương y PGHH nơi khác cũng tốt bụng về tiền. Tôi nay nói như gặp đâu ghi đó, lương y dùng thuốc trị bệnh cho bá tánh là thuốc của Đức Thầy, hãy xem lương y khi độ bệnh cho bà con chính là lúc thi hành đạo sự PGHH, hẳn ai nấy đã nằm lòng lời dạy sau đây:
“Tu hành dương thế cậy đồng tiền,
Phật Giáo vì tiền phải ngửa nghiêng”
Và câu:
“Muốn Phật Giáo từ đây bền vững,
Đừng riêng lo lợi hưởng một mình.
Nếu xuất gia thì phải hy sinh,
Cả vật chất tinh thần lo đạo.
Chớ giả dối mà mang sắc áo,
Mượn Bồ-Đề chuổi hột lòe người.
Làm cho dân khinh dễ ngạo cười,
Tội lỗi ấy luật nào dung thứ”.
Phật Giáo Hòa Hảo dạy tu ở hạng tại gia cư sĩ học Phật tu nhân, không có hình thức xuất gia chỉ có biểu hiện, biểu cảm về xuất gia thôi. Nhưng vấn đề tôi muốn trình bày ở đây là “HY SINH”: hy sinh là hành động vì lợi ích cho người khác không nề lao nhọc, khó khăn, lắm khi thử thách trước cả cái chết cũng không nao núng lòng. Người xuất gia hy sinh cho đạo Phật, người tại gia hy sinh vì đạo Phật, hy sinh trong việc hoằng pháp lợi sinh và hy sinh trong việc cứu người khỏi bệnh tật, mục tiêu không giống nhưng ý nghĩa của sự hy sinh là giống. Người xuất gia hy sinh là “Cả vật chất tinh thần lo đạo”, tại gia hy sinh vật chất tinh thần dồn vào việc cứu bệnh nghèo khổ cho đời. Lương y hành sự cứu người mà thuốc cứu không phải của mình, là của Đức Giáo Chủ PGHH, ta vì đạo vì Thầy phát sinh hạnh cách từ thiện, cứu bệnh nhận tiền người ta cho, thế họ cũng mất tiền giống như hồi họ vào bệnh viện, thế nầy mất đi  ý nghĩa của việc hy sinh.
Đức Thầy là Phật từ bên cõi Tây Phương lâm phàm độ chúng, qua xem xét căn cơ Ngài dùng hai cách độ như ta đọc thấy trong bài “Thay Lời Tựa”mà phần đông tín đồ trong đạo thường gọi là bài sứ mạng của Đức Thầy, như sau:
“Nên phương-pháp của ta tùy trình-độ cơ cảm của tín-nữ thiện-nam, trên thì nói Phật-Pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây dốc thiện-duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền-diệu của tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan.”
Người thượng căn (trên) quy y Phật đạo là nhìn vào giáo lý giải thoát, không màng đến chuyện có ai ban ơn quệ cho mình no cơm ấm áo, thân thể mạnh lành; hạ căn (dưới) Phật pháp chưa vô lổ tai họ để chuyền vào tâm, muốn độ hạng dưới phải dùng “Huyền diệu của tiên gia độ bệnh” cho họ trước rồi hãy nói chuyện Phật Pháp khuyên tu sau. Người ta mắc bệnh, cơn đau hành hạ xác thân muốn chết được lại thuở giờ chưa biết tu hành đạo đức là gì, khuyên tu, giảng đạo pháp với họ trong trường hợp nầy có thể chưa đúng chỗ. Hãy giúp trị bệnh cho họ và ta ở vào vị trí ân nhân cứu bệnh họ, một phần là tình cảm, một phần là đức độ, ta khuyên họ làm lành lánh dữ, tu thân hành thiện, không nhiều thì ít họ có thể làm, tôi chắc chắn như vậy.
Trong số đông chỉ còn một vài lương y tiêm thuốc nhận tiền cho, có khi bệnh nhân tự nguyện cho ngay chỗ tiêm thuốc đặng người khác bắt chước cho theo; nhược bằng không thấy ai hảo tâm thì phải than lên là mình túng thiếu. Một số bệnh nhân nhà rộng tiền xài mà sự trị bệnh đây thấy có kết quả tốt, đâu chần chờ gì không chịu móc túi ra một vài trăm ngàn. Người nầy cho, người kia cho bao nhiêu cũng lấy chứ không dừng lại ở chừng mực. Thấy tội nghiệp những bệnh nhân nghèo, cơm áo qua loa, lắm khi không có tiền đổ xăng xe chạy đi xa nhờ trị bệnh, thấy người ta chung tiền cho lương y, mình nghèo thiếu chỉ biết lấy con mắt mà ngó cho thẹn đả lên. Tôi nghĩ tình trạng nầy nên chấm dứt để trước nhất, bệnh nhân không ai thấy khó chịu, mà đức độ của lương y cũng được kính phục, sau nữa không cảm thấy hổ thẹn khi dùng thuốc của Đức Thầy.
Lẽ tất nhiên, chúng ta rất nên thông cảm cho những vị lương y ở vào hoàn cảnh nghèo, vì công tác từ thiện nhiều không rảnh thời giờ làm lụn việc khác kiếm tiền, có chi phí đâu mà đổ xăng xe, nạp tiền điện thoại để giữ liên lạc với bệnh nhân; còn nào là máy hư, ruột rách, vỏ mòn, cần có tiền để đáp ứng nhu cầu cần thiết. Nhưng nhận tiền kiểu nầy còn hơn là làm việc ăn lương, hổ thẹn cho danh xưng từ thiện. Chúng ta đồng ý là lương y phải có đủ tiền để chi cho những yêu cầu cần thiết kể trên, nhưng hãy tạo nguồn tiền khác, tôi nghĩ, chỉ cần bốn hay năm đồng đạo không phải là lương y giúp tiền cho một lương y nghèo về xăng xe, thẻ điện thoại. Bằng không, lương y tiêm thuốc, chọn mượn điểm ở nhà nào cho bà con bệnh nhân gom lại thì nhờ thẳng nhà đó gánh chút trách nhiệm, xuất tiền của mình hoặc vận động nhẹ nhẹ một ít người quen thân, tuyệt đối không phải là bệnh nhân.
Lương y hy sinh cứu bệnh chỉ nên nhận tiền trợ cấp vừa phải theo nhu cầu cần thiết, để chứng tỏ mình còn đóng góp chút công sức vào việc làm từ thiện.

22/4/2017