Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

CHÌM ĐẮM CHỐN NÊ-HÀ

Kính chào chư đồng đạo đến thăm.
- Dạ, chúng con xin chào chú.
- Nếu như tôi nhớ không lầm cách nay không lâu quý vị có đến đây thì phải?
- Dạ đúng, lần trước đến nghe chú giảng thuyết đề tài “Nguyện Dứt Trần Ai”
- Là quý vị sao?
- Dạ. Hôm đó con đi cúng chùa, trên đường gặp quý anh chị đồng đạo quen thân họ rủ ghé thăm chú, nhờ vậy mà con biết chú. Lần ghé trước là tình cờ, lần nầy là con chủ động.
- Làm hướng dẫn viên ?
- Có thể vậy. Lần đến tình cờ nghe chú giảng giải con rất thích, do đó hôm nay chúng con trở lại với nhiều người bạn mới khác mà con đã giới thiệu về chú. Xin thưa, chúng con đây là những phụ nữ còn trẻ, xem bài viết của Đức Thầy riêng tặng một nữ tín đồ ở Bạc Liêu. Con nghĩ hồi Đức Thầy viết tặng bài cho một nữ tín đồ theo tựa đề nói trên chắc bà ấy cũng còn trẻ như chúng con… Cảm nhận ý nghĩa hay hay, nhưng từ ngữ có chỗ chưa thông, ước vọng được nghe chú giảng luận hết bài.
- Được, trong bài, có từ ngữ nào chưa thông cháu nói, may ra tôi có thể tạm giải được thì tôi sẵn sàng. Ai bảo chúng ta là “Con một cha” thì phải sử sự cho đúng nghĩa “ dìu dắt lẩn nhau vào con đường đạo đức” chứ.
- Dạ, thưa chú ví dụ như từ “Nê-Hà” có phải nguyên là Mê Hà do in sai mà Mê thành Nê không? Mê Hà ta thường đọc thấy trong các thư tịch Phật Giáo với nghĩa là sông mê, hoặc nói bên nây là sông mê, bên kia là bờ giác. Nếu Nê-Hà là đúng chánh văn Đức Thầy viết là con chịu thua, kính nhờ chú; nhưng cháu yêu cầu chú giảng lược hết hai câu, trong đó từ ngữ Nê-Hà là chính:
“Nếu mãi mê-man mùi tục-lụy,
Linh-hồn chìm đắm chốn nê-hà”.
Được, tôi trình bày nhá!
Dạ, chúng con sẵn sàng chờ nghe.

Nếu Mãi Mê Man: Nếu: riêng từ nầy có ý nghĩa là đặt điều kiện trước, ví dụ: Nếu kiếm được tiền tôi sẽ đến thăm anh. Hoặc, nếu là con nhà có ăn thì tôi sẽ học giỏi; nếu bạn đừng hiếp tôi quá đáng thì đâu có đụng cảnh “tức nước vỡ bờ” thế nầy… thì ra, kiếm không được tiền là không đi thăm, không giàu thì không học giỏi, không có chuyện người ức hiếp người sẽ không sanh tức nước vỡ bờ. Mãi: luôn luôn, ví dụ: nghèo mãi, thua mãi, thằng đó cứ chơi cờ bạc mãi, tức luôn luôn nghèo, luôn luôn thua, luôn luôn cờ bạc, không thay đổi việc làm, số phận. Mê-man: : 1 ngủ mê, làm ức chế các giác quan, 2 mê là không tỉnh. Điều nầy không phải là ngủ mê mà thức cũng mê, do đó mê thứ hai nầy nó không có liên quan đến thức với ngủ: mê danh, mê lợi, mê tình. Mê vào đâu thì bị cuốn húc trong sự yêu thích, từ yêu thích dẫn đến đam mê có thể sa vào tội lỗi. Man: dối trá, nói man, khai man, tức nói, khai không đúng sự thật. Mê man là sự mê kéo dài: Anh ấy nằm mê man bất tỉnh mấy ngày rồi. Nếu mãi mê man có nghĩa là, người ta sống nhờ tinh thân, tỉnh tâm, tỉnh trí, biết được giả chơn, tốt xấu đặng mà theo chơn bỏ giả, theo tốt bỏ xấu; chứ sống mà mê man chẳng biết gì về chân lý, làm ăn dối trá, gạt lường, chẳng nên thân gì. Mãi mê man như vậy, tự hại bản thân mình mà hành động có thể gây nhiều đau khổ cho người khác.
Mùi Tục Lụy: Mùi: hơi hương bay ra, mùi thơm, mùi tanh. Từ đó, dùng nghĩa bóng, có thể nếm phải sự cay đắng trong cuộc đời. ví dụ: dạy bảo không nghe còn làm bướn thì người dạy nói: Nếu ngoan cố đến vậy là hết thuốc chữa, ta cho mi nếm mùi đau khổ. Tục: Theo đạo Phật, gọi trần gian nầy là cõi tục, khác với cõi thanh bai của Phật ở. Nhà Phật thường dùng từ “thoát tục” để kêu gọi chúng sanh chốn Ta Bà quay đầu về cõi Phật, Đức Thầy có câu:
“Chốn Ta Bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế”.

Và những câu sau đây mang ý nghĩa nhàm chán Ta Bà cõi tục, cầu sanh Phật quốc:

“Lời Phật thuyết ta xin nhắc lại.
Ta-bà khổ Ta-bà lắm khổ.
Có bao người xét cho tột chỗ,
Tịnh-độ vui, Tịnh-độ nhàn vui,
Cảnh thanh-minh sen báu nặc mùi,
Nào ai rõ cái vui triệt đáo”.
Lụy: dính vào, chìm vào, đắm chìm; nói lên sự bó buộc, ví dụ người ta lụy mình vào sắc đẹp, rượu chè, cờ bạc, đàng điếm. Đức Thầy có câu:
“Người tu phải lánh hơi men,
Đừng ham sắc lịch lám phen lụy mình.”
Tóm lại: Mùi tục lụy là mùi tanh hôi đáng chê đáng chán, không phải mùi thơm tho đâu mà thích, là chỗ thấp hèn không phải nơi cao quí mà ham. Người nhà giàu, kẻ có học thức nếu lụy mình vào sắc đẹp, cờ bạc, rượu chè, đàng điếm dần dần vị thế nhà giàu sang, trí thức sẽ bị sự trả giá đến lột mất trắng, người tu hành để lụy mình vào Danh Lợi Tình hay những thứ cám dỗ khác, hết thấy đường về Phật Quốc.
Linh hồn: Hồn người chết. Thân người là giả thân bởi mượn của Đất Nước Lửa Khí tạo thành, nên gọi là thân tứ đại. Người tu hành quán thân tứ đại giai không, trừ được bệnh chấp có là thành công lớn, tiến triển trên đường đạo hạnh. Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng “ Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách” ( Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại hành sâu vào Bát Nhã Ba La Mật, thấy thân năm uẩn đều không, liền hết các khách).
Thân mượn có thời kỳ, đến lúc phải trả, chôn vùi dưới ba tất đất, linh hồn không mất, do gieo nhân lành dữ, tội phước, phải chịu hưởng quả theo nhân. Đức Thầy có câu:
“ khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác,
Quỉ vô-thường dắt xuống Diêm-Đình.
Sổ-sách kia tội phước đinh-ninh,
Phạt với thưởng hai đường tổ rõ.”
Chìm đắm: Chìm là ngợp xuống, đắm: nhiễm sâu vào, không thoát ra được, chìm đắm trong cõi mê, mê bất tận. Đức Thầy có câu:
“Chớ nhiễm nghiệp phiền chớ đắm say.
Đắm say một phút cội lành xa.
Chốn nê-hà: Thưa quý vị! Đã đến ngay điểm nghi vấn chính của quý vị rồi đây. Chốn: chỗ ở, nơi chốn, nê-hà. , không phải do in sai từ chữ mê và ý nghĩa của Nê và Mê không giống nhau. Mê với ý nghĩa nói lên sự tối tâm, ngu dốt, trong khi Nê là bùn trịnh còn hà là sông nước. Đạo phật thuyết về luân hồi có sáu đường: Đường lên Trời, đường trở lại người, đường về thần A Tu La; đường xuống 3 chỗ ác: địa ngục, ngạ quỷ, xúc sanh. Sáu đường nầy do chúng sanh gieo nhân tốt xấu, lành dữ bị bộ máy nhân quả vô tình buộc làm sở hửu. Ba đường xuống thấp do những chúng sanh tội nặng, đày đến đây để chịu hình phạt, phạt xong cho đi đầu thai, cửa đầu thai thấp nhứt là bùn trịnh nước nôi, lên cỏ cây… vốn vô tri vô giác, rồi chết đi chuyển dần dần lên, trở lại được làm người không biết đến muôn kiếp nào mà kể hết. Ông Thanh Sĩ nói:
“Làm bùn làm đất làm cây cỏ,
Trơ trọi giữa trời vạn kiếp thu”.
Đức Thầy khi dạy về thân ngũ trược đáng chê đáng chán, ở mục chúng sanh trược Ngài cho biết:
Chuyển luân trong nhân-vật các loài,
Căn mờ ám làm điều dại dột”.
Ở đây chúng ta nên xét chữ “mãi” đứng đầu từ ngữ “mê man” khiến ta phải hiểu là mê man mãi mãi. Mê có lúc tỉnh còn có thể trở lại làm người chứ mê mãi mãi chìm tới đáy “Nê Hà”. Câu “chuyển luân trong nhân-vật các loài” danh từ “các loài” không ngoại trừ làm bùn làm đất.
Đại ý hai câu giảng nêu trên có liên quan đến câu trước “lừa lọc con lành diệt quỷ ma” Đức Thầy dạy người tu luôn luôn ở độ thức ngộ cao, tinh thần tỉnh táo, sáng suốt thì các mùi tục lụy trong trần không cám dỗ được. Bằng như thiếu cương quyết trong sự “lừa lọc và diệt quỷ ma” mùi tục lụy cứ thế mà nhử lòng, sức tu không đủ để chận đứng sự cám dỗ thì chúng xâm nhập, làm ta mãi mê man để linh hồn chìm đắm tới đáy sông mê, thành bùn đất.
30/12/2016


Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

BÀN VỀ CHÁNH TINH TẤN


Có người đến tôi giải bày tâm sự: Khi đọc qua lời dạy của Đức Thầy ở mục Chánh Tinh, có chỗ chưa thông, lòng nghi ngại, nhờ tôi giúp ý kiến những câu dưới đây:
“Chánh tinh tấn dầu thành hay bại,
Cũng một đường tín ngưỡng của mình.
Dù cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đường đi tới”.
Tinh Tấn: ta hiểu nghĩa chung chung là đi tới, lướt tới không ngừng. Xưa nay người ta áp dụng lướt tới để thành công thôi, nếu biết thất bại là không làm. Trong đây Đức Thầy kêu có cả hai “Dù thành hay bại” cũng “cứ một đường đi tới. Bại cũng đi tới để chịu bại, cháu thật không hiểu nổi dụng ý của Đức Thầy, kính mong các chú là hàng dày công, thâm học, giải đáp sự thắc mắc nầy cho cháu.
Đặt câu hỏi ý rất hay! Cám ơn em cháu tự bộc lộ những hoài nghi đã làm khó chịu trong lòng nhờ vậy tôi có sự hiểu thêm. Thú thật, em cháu đã đem tặng ý nghĩ sâu sắc mà tôi chưa hay chưa biết. Câu thắc mắc của em cháu đối với tôi hoàn toàn mới, nhưng sau khi nghe đặt vấn đề “BẠI” mà “cũng một đường đi tới” tôi chợt nghĩ ra chút ít vấn đề nằm ở đâu. Tôi nghĩ chúng ta phải nhờ chữ “CHÁNH” trong “Chánh Tinh Tấn” làm rõ mọi việc.
Nơi bài “ Luận về Bát Chánh” Đức Thầy có giải thích chữ CHÁNH trong mục “Chánh Kiến” làm tiêu biểu để từ đó về sau, bảy chánh kia không giải thích cá nhân về chữ Chánh nữa, vì chữ nầy ở đâu cũng mang một ý nghĩa mà thôi. Vậy ta dùng chữ CHÁNH của Chánh Kiến làm tiêu biểu sẽ hiểu được Chánh tinh Tấn.
Chánh: Đúng sự thật. Còn để giải nghĩa về Chánh Tinh Tấn Đức Thầy hạ bút “Tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới”. Lấy nghĩa của chữ CHÁNH là chơn chánh, đúng sự thật, ta thấy đủ sức mạnh để vấn thân, dù khó khăn cũng “một đường đi tới”. Trong việc làm cá nhân hay công việc mà mình xác định là chơn chánh, đúng sự thật, thì hành động trong hân hoan, tự tin, hãnh diện, ngẩng cao đầu không e dè nhúc nhác. Đã có con đường chơn chánh, đúng sự thật mà đi, nữa sau lở mà thất bại, là do sự giác ngộ của hành giả không sâu, không tới  mà áp dụng triệt để Chánh Tinh Tấn. Có những việc do thời thế sắp đặt số mạng, nhưng người chơn chánh, làm điều chơn chánh chẳng vì sợ thất bại mà không làm; nên tiếp tục phát huy vai trò tinh tấn trên việc làm chơn chánh, đúng sự thật. Ví dụ: Một công dân lo việc nước non xả tắc, quốc gia trong tình trạng trạng báo động lâm nguy, trai thời loạn phải vào quân ra đánh trận là chơn chánh, đúng sự thật, không nề hà quân địch mạnh quân ta yếu. Đối với giặc cướp nước mà nghĩ địch mạnh ta yếu như thế thì chỉ còn giao giang san của Tổ Tiên cho giặc rồi còn gì! Thất bại là do trong dân chưa được câu “Sơn Hà Nguy Biến” đánh thức tỉnh ra, nhiều công dân thờ ơ với chuyện nước non, cả một quốc gia dân tộc mà thanh niên vào quân không đông là thiếu ngay ý thức hệ về vai trò tiếp nối người đi trước, thiếu sức mạnh đoàn kết trong dân. Quân xâm lược lúc nào cũng ở thế hùng mạnh, trang bị vũ khí hiện đại, tối tân trong khi đó những quốc gia bị xâm lăng thường là nhược tiểu, vũ khí thô sơ, lạc hậu, thiếu nhân tài chỉ huy, ít quân đội và quần chúng ủng hộ không nhiều, ra đánh đuổi là thua “bại” nhưng phải đánh chớ không xuôi tay cho quân xâm lược vào làm chủ quốc gia mình. Nhân dân phải hiểu cảnh nước mất thì tan nhà nát cửa, giống nòi nếu không bị tiêu diệt cũng bị pha trộn mất giống lai căn. Những vị anh hùng dân tộc như các Ông Nguyễn Trung Trực, Trần văn Thành, thủ khoa Huân, Trương Công Định…đều đã thất bại, chết trong bàn tay của quân xâm lược đâu phải các vị không biết thế giặc mạnh, mình yếu, có ít vị anh hùng không đủ sức đánh đuổi giặc Pháp, nhưng bảo vệ nước non dân tộc là điều chánh đáng, phải làm. Trong bài “Tiếng Súng Bên Lầu” có những dư âm của vừa là tiếng thở than vừa là khí phách mạnh mẽ:
“ Nếu mất thôi đành xong món nợ,
Nay còn há dễ ngó lơ sao?
Dọc ngang chí cả dù lao khổ,
Thất bại đâu làm dạ núng nao”
Qua lĩnh vực tôn giáo: Gặp lúc dân trong nước không được tự do tôn giáo, các đạo đứng ra đấu tranh đòi hỏi quyền cơ bản nầy, kẻ thì bị chết, người bị bắt đi tù án cao. Nói riêng về PGHH, tín đồ không những hiện giờ mà từ xa xưa, các cụ, các chú bác cũng vì đạo, lo bảo vệ đạo từ thời Pháp thuộc tới nay có biết bao đồng đạo lớp thì chết lớp bị tù đày mà một số đồng đạo thích yên ổn, hưởng thụ đã chê bai việc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo như đem trứng chọi đá, là hạng ngu dốt không biết tự lượng sức mình… giờ thì ai cũng thấy nhờ có mấy người ngu dốt nầy mà PGHH mới có được chút ít tự do như ngày hôm nay.
Tới đây ta đủ chứng minh, giữ vững lập trường chánh tinh tấn cho dù có bại cũng là bại trong vinh quang, bại cũng một đường đi tới, Đức Thầy có câu “bài rồi thành lại nên tuồng” vì thế “Đâu nản chí mà ngừng việc phải”, cho nên Đức Thầy nhắc nhở tín đồ “Thất bại đâu làm dạ núng nao”.
Phá rối đức tin: Đức tin là hướng sự tin tưởng đến một việc làm, một công cuộc hay về tôn giáo, tạo nên sức mạnh tinh thần, chắc chắn, không ai có thể phá rối, gây hoang mang hay cố tình chia rẻ nội bộ tôn giáo. Các cụ của mình xưa đã đối mặt trước bao nghịch cảnh, mình tu theo đạo PGHH mà người ta đồn đải, tuyên truyền rằng: Hòa Hảo ăn thịt người, xấu ác, gian dối, bịa chuyện thiên cơ, nói tứng ứng… đã làm cho các tín đồ tiền bối bỏ ra rất nhiều công sức giải bày tường tận cho dân biết bằng tổ chức những cuộc thuyết trình hoặc viết sách nói về Đức Thầy và PGHH: Đại ý: Đức Thầy là Phật từ trên cõi Cực Lạc lâm phàm dạy đạo cứu độ chúng sanh. PGHH là tên đạo Ngài đặt, giáo lý của đạo chủ ý hướng chúng sanh tu giải thoát sanh tử, trước ngưỡng cửa Niết Bàn Ngài Dạy “hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh”, hoặc niệm Phật nhứt tâm cầu vãng sanh Tây Phương, hoặc tu trong trần thoát nhiễm đọa bởi trần:
“Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giauir thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa đày.”
Trong một đoạn khác, cũng nói về Chánh Tinh Tấn, Đức Thầy viết:
“Vậy mục Chánh tinh-tấn nầy khuyên hãy rán giữ đức tin cho mạnh-mẽ. Dầu các thị-dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám-dỗ hay bức-bách bỏ lòng tín-ngưỡng đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng lôi kéo được”
Em cháu thấy đó, các vị tiền bối của chúng ta, gặp những kẻ “gây rối đức tin” các vị cũng một đường đi tới và cố gắng giải mã những khó khăn cho đồng đạo bà con bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền xằn bậy. Không như một số người khác, gặp kẻ “phá rối đức tin tôn giáo mình, chạy kiếm chỗ kín mà trốn, chờ người khác thực hành “Ta cũng cứ một đường đi tới” thành công thì ra mặt khoe khoang. Tín đồ mà như vậy thì câu “Dầu cho ai phá rối đức tin, ta cũng cứ một đường đi tới” là dạy cho ai?
Sau 30/4/1975 gió mạnh có độc đã xô xập hết am cốc của các vị tu sĩ PGHH. Mất nơi ở tu, về nhà hòa nhập vào đời, thiếu hành đạo, đức tin tôn giáo về giáo lý giải thoát vơi dần đến phải bỏ tu, bỏ đạo theo đời. Người học đạo, đức tin tôn giáo là điều quan trọng cần phải được bảo vệ tốt để nó tồn tại mãi trên đường cầu đạo giải thoát. Xưa có Ông Thanh Tiến Sĩ tu hành tinh tấn đức độ hơn người, bổng vua ra lệnh cấm tu, ai không nghe lệnh còn tu tiếp thì sẽ bị xử trảm. Rất nhiều người nhận lệnh vua ban sợ quá bỏ tu trở về nhà hoàn tục, duy có Ông Thanh Tiến Sĩ đức tin tôn giáo vững như núi, cứ một đường đi tới, chết không sợ. Trong thời kỳ khó khăn về tự do tôn giáo, tinh tấn trước các sự cám dỗ, bức bách bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời, ta giữ vững đức tin tôn giáo có bị khổ cũng thời gian ngắn thôi nhưng nếu bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời, vui theo thị dục, sa đọa vào chỗ thấp hèn, tội  lỗi thì phải luân hồi trả quả.
Về việc bị kẻ khác phá rối đức tin, không phải chỉ xảy ra ở các bậc cao đồ mà còn diễn biến đến vị tôn sư PGHH, nội dung của sự phá rối đức tin tôn giáo được Đức Thầy viết bài “Đính Chánh” như sau:
“Gần đây có kẻ ngoa truyền,
                                   Một bầy sấm ngữ nơi miền Hậu Giang.
Nói rằng: tháng tám tai nàn,
                                   Tối tăm Trời đất tan hoang cửa nhà.
Kẻ gần rồi đến người xa,
Từ trong thôn-dã đến ra thị thành.
Hại cho quốc kế dân sanh,
Ruồng đồng tươi đẹp dân đành ngó lơ.
Thương thay những kẻ ngu khờ,
Lầm mưu gia trá ngẩn ngơ ưu sầu.
Hỏi rằng: Sấm bởi nơi đâu,
Nói: “Ông Hòa Hảo làm đầu truyền ra”.
Buộc lòng tôi phải đính ngoa,
Cho trong toàn quốc gần xa được tường.
Chuyện ấy là chuyện hoang đường,
Của bọn phá hoại chủ trương hại mình.
Anh em ta hãy đồng tình,
Nếu gặp “nắm óc” đem trình “công an”.
Chúng ta giải quyết lẹ làng,
Đừng để chuyện huyễn tràn lan ra nhiều”.
Em cháu thấy đó, chuyện ở đâu cũng đổ thừa “Ông Hòa Hảo làm đầu truyền ra”. Người ta phá rối đức tin tôn giáo PGHH như thế, Đức Thầy còn phải viết bài “Đính Chánh” để cho cái “ngoa truyền” cút đi, tại sao đến phiên ta, gặp kẻ phá rối đức tin PGHH ta lại giả bộ vô tình không hay không biết?
Giờ cháu hiểu ra, cám ơn chú nhiều lắm.
Tôi cũng cám ơn em cháu đưa đề ẩn ý hay ho.


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

GỢI VÙNG KỸ NIỆM (tiếp theo)

Chính vì sự theo về với PGHH đông đảo, Đức Thầy khai sáng đạo chưa đầy một năm làm chánh quyền thuộc địa hết chịu nổi về mặt an ninh, 12 tháng 4 Canh Thìn, phải cho dời đức Thầy đi xa để giải tán quần chúng quy tụ về Hòa Hảo.
An Hòa Tự cũng vì dân chúng trong làng theo về với PGHH mà đành chịu cảnh vắng vẻ, bơ vơ, dần dần các hương chức trong làng như ông Biện Đài, Ông Quản Diệp… quan làng còn ái mộ quy y PGHH quần chúng sao lại không ngã theo?
Quân Pháp buộc Đức Thầy phải sống lưu cư, hễ chỗ nào ở lâu, tín đồ nghe tin tìm đến thì họ lập tức đưa Đức Thầy đi nơi khác. Mãi vậy cho đến khi Nhựt đảo chánh Pháp 1945 Đức Thầy ra khỏi sự kìm hảm của quân dị chủng, Ngài đi Khuyến Nông để gặp dân chúng, tín đồ, đã từ lâu mong nhớ và Ngài về thôn Hòa Hảo nơi sinh ra ngài để kính thăm Đức Ông, Đức Bà song thân của Ngài trải qua thời gian xa cách như Ngài đã viết bài “Lời Nói Đầu” cho quyển Sáu: “Năm năm trường xa cách bởi cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gủi các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi.”
Trở về làng Hòa Hảo lần nầy, đến đâu dân chúng bổn đạo thi lễ chào đón Ngài long trọng, các vị hương chức trong làng, chủ chùa An Hòa xin hiến tặng chùa cho Đức Thầy. Đức Thầy nhận chùa hỉ cúng và Ngài chính thức di dời lư hương từ nhà Đức Ông đến an vị trên chánh điện An Hòa Tự, mà chiếc lư hương đó cách nay năm năm vào ngày 18 tháng 5 Kỹ Mão Ngài đặt lễ Cáo Hoàng Thiên khai sáng đạo PGHH. Cuộc lễ di dời lư hương từ nhà Đức Ông đến An Hòa Tự ngày 29/4/ 1945 diễn ra rất long trọng, có các cụ cùng đi toàn mặc khăn đóng áo dài, Ông xã Hinh và Ông quản Diệp theo hầu, nhịp nhàng, trang nghiêm. Từ  nguồn gốc đó An Hòa Tự là của Đức Thầy nên đã phát sinh trong lòng tín đồ hai tiếng Chùa Thầy.
Chùa Thầy đã được chính bàn tay ngọc của Ngài thượng lư hương lên ngôi thờ Phật nên từ đó sự sinh hoạt của cửa thiền môn nầy ngả hẳng về PGHH. Các tượng Phật có rồi để y không được tạo thêm nữa. Ngài kêu gọi môn đồ phải thực hành giáo lý vô vi của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni bằng những câu “ Đạo vô vi của Phật ân cần, nối theo chí Thích Ca ngày trước” hoặc những câu sau đây:
“Làm vô vi chánh đạo mới mầu,
Đạo Thích Ca nhiều nẽo cao sâu,
Hãy tìm kiếm cái không mới có.”
Đạo dần dần lớn mạnh, ảnh hưởng bay cao, bay xa đưa tin, thiện nam tín nữ từ các nơi không ngớt đến An Hòa Tự, ngôi đại tòng lâm kỳ tích PGHH.
Năm 1952 tức sau Đức Thầy vắng mặt năm năm, Đức Ông cho khởi công trùng tu ngôi An Hòa Tự. Sau nầy, người đến chùa tu hành được Đức Ông đưa ra bản điều lệ, qui định sự tu hành phải hạnh cách như sau:
“ 1- Người Xuất Gia phải thường trực tại chùa, khi đi đâu phải có lý do chính đáng.
2-     Phải gìn giữ ngũ giới và tám điều răng cấm của PGHH và luật lệ nhà chùa do ban quản tự ấn định.
3-     Phân công trực nhật việc trong chùa hằng ngày và Rằm, Ba Mươi hoặc những ngày lễ.
4-     Từ lời nói, ý nghĩ, việc làm cần phải biểu lộ hiền lương, trang nghiêm, thanh nhã; nam, nữ phải phân biệt.
5-     Đồng phục bà ba hoặc áo vạt miễn. Khi công phu mặc áo tràng. Tuyệt đối không mặc thứ khác.
6-     Không được ngồi nói nhảm, cãi vã, đùa giởn.
7-     Không được ra đường hoặc đi theo xóm không có lý do.
8-     Đi, đứng, nằm, ngồi phải chuyên tâm niệm Phật.
9-     Khi ngủ phải nằm nghiêng về tay mặt, niệm Phật.
10- Cần phải siêng năng học hỏi đạo đức, học thuộc lòng quyển Khuyến Thiện và Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Những Kẻ Tu Hiền. Xem kinh đàm đạo.
11- Không được bàn thiên cơ, thời cuộc.
12- Không phạm mười điều ác. Khi biết mình phạm lỗi, cần phải phục thiện.
Phạm Luật:
- Lần thứ nhất: Cảnh Cáo
- Lần thứ nhì: quỳ hương và sám hối.
- Lần thứ ba: trục xuất khỏi chùa.
                           Tôn trọng tinh thần tự giác. ”

3. Thư Viện PGHH: Thư Viện nầy Đức Ông Huỳnh Công Bộ đứng ra thành lập, khởi công năm 1950, đến 1953 đưa vào sử dụng. Nơi xây cất thư viện, Đức Ông chọn vị trí khá đặc biệt, ngay mũi nhọn ngã ba từ chợ Đình đi lại, một ngã đến chùa Thầy ước độ bảy tám trăm mét, thẳng về phà Năng Gù, ngã kia xuống đường hồ, thành ra thư viện có 3 mặt nhìn trông rất đẹp. Thiết kế thư viện nầy là một kiến trúc sư người Pháp, dân mình không đọc viết được chữ người nước ngoài giờ không nhớ tên ông ta. Kinh phí xây cất có ông Trần văn Đối dâng hiến 30.000, tín đồ đóng góp 20.000. Tổng cộng tiền xây cất thư viện là 50.000. (theo dữ liệu của Ông Lê Tấn Tài ở gần và tiền bối thân nhân với Tổ Đình). Thời điểm 1950 - 1953 mà năm mươi ngàn, đồng tiền rất là lớn nên thư viện khá đặc biệt và sang trọng.
Thư viện chứa nhiều sách quí. Đức Thầy dạy đạo có cả quy trình của tam giáo: Phật, Lão, Nho nên thư viện cũng chứa đựng giáo lý của tam giáo cho tín đồ  PGHH nghiên cứu hành theo. Phật Giáo có Kinh, Luật, Luận, Lão Giáo và Khổng Giáo cũng có nhiều quyển luận ngữ nói về “Vô Vi Thanh Tĩnh” của Lão Tử, và Đạo làm người của Khổng Tử; Phật Giáo Hòa Hảo với quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn bộ. Sau nầy 1965 PGHH có tư cách pháp nhân, nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu PGHH đã cho ra đời những tác phẩm rất có giá trị về mặt đạo đức nói chung, những tạp chí như Tiếng Quyên, Đuốc Từ Bi, những tài liệu tu học cho khóa “Đạo Pháp Khai Tâm”, tài liệu tu học “khóa Sơ Cấp” của ban phổ thông giáo lý trung ương lắm công phu biên soạn, rất có giá trị trên phương diện nghiên cứu chân xác về tôn giáo PGHH được trân tàng trong thư viện. Các đọc giả hay học giả muốn tìm hiểu tương đối đầy đủ về PGHH cũng lại đây mà tìm.
Nhưng tiếc thay! Sau biến cố chính trị 30/4/1975, vì thư viện là cơ sở của giáo hội PGHH nên đồng chung số phận với các giáo sản khác, bị tước lấy hoàn toàn, ngay cả quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn bộ, chánh quyền địa phương các nơi còn ra thông báo kêu giao nạp, không ân huệ cho một văn phẩm nào.  Lúc đầu hình dáng thư viện còn nguyên, chỉ đổi nhản, đổi ruột, không đổi da, người tín đồ nhìn vào đấy còn những tia hy vọng luật nước có ngày thay đổi, thư viện sẽ trở về cố chủ, da còn nguyên, đổi ruột, đổi nhản trở y như nguyên thỉ đâu mấy hồi.
Hy vọng không thành, thành tuyệt vọng! Khoảng đầu tháng 11 năm 2005 nhà nước huyện Phú Tân ra lệnh đập phá Thư Viện, Ông Trương văn Thức tín đồ PGHH tại trung tâm thánh địa, ngày 15/11/2005 đã gởi đơn thưa lên nhà nước huyện, tỉnh và trung ương nhưng không được các cấp giải quyết trả lại cho PGHH những gì đã có.
Tôi viết về những kỹ niệm để gợi nhớ gợi thương những đồng đạo đã biết chuyện về Tổ Đình, Chùa THầy, Thư Viện PGHH, đồng thời giới thiệu em cháu lớn lên sau nầy biết được cơ nghiệp của các tiền bối mình.

24/12/2016 – 26/11/ Bính Thân

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

GỢI NHỚ VÙNG KỸ NIỆM
THÁNH ĐỊA HÒA HẢO MẾN YÊU

Còn hai hôm nữa thôi là đồng đạo khắp nơi hướng về ngày lễ đản sanh Đức Thầy tôn kính lần thứ 98, 25/11/1919 – 25/11/2016. Có thể tổ chức lễ đạo tại địa phương hoặc tại nhà, nhưng phần đông muốn tìm về nguồn cội, nơi phát sinh một tôn giáo: PHẬT GIÁO HÒA HẢO.
THÁNH ĐỊA HÒA HẢO, danh xưng nầy do Đức Bà Lê Thị Nhậm từ mẫu của Đức Thầy đặt hồi năm 1965 gồm có 3 xã: Hòa-Hảo, Hưng-Nhơn, Phú-An. Từ năm đặt tên Thánh Địa Hòa Hảo 1965 cho đến 1975, dân chúng, tín đồ các nơi đều gọi làng Hòa Hảo là Thánh Địa Hòa Hảo. không còn mang tên xã, thay vì xã Hòa Hảo là Thánh Địa Hòa Hảo, thủ tục hành chánh không qua lệnh của quận, tỉnh mà trực tiếp với Trung Ương.
Miền trung tâm Thánh-Địa xưa có những kỹ niệm đáng trân trọng, rồi biển dâu của 30/4/1975, đạo bị giải thể, các cơ sở của đạo bị tịch thu và từ đó Thánh Địa Hòa Hảo bị mất tên, đối với phần đông tín đồ coi đây là điều sỉ nhục lớn lao, tất nhiên nó trở thành ấn tượng ghi đậm nét đau thương, nhờ đó kỹ niệm về Thánh Địa Hòa Hảo bất diệt và lớn dần trong lòng, hâm nóng sự thật: Tổ-Đình PGHH, chùa Thầy “An Hòa Tự”, Thư-Viện.
 1.Tổ-Đình: Trước kia là nhà của Đức Ông Đức Bà song thân của Đức Thầy, Là nơi có nhiều kỷ-niệm nhứt, ghi đậm nét son lịch-sử từ Đức Thầy được sanh ra và lớn lên khai sáng đạo PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO, hằng ngày sáng tác Sấm Giảng, thuyết pháp và độ bệnh.
SÁNG TÁC SẤM THI: Khai sáng đạo ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão là muốn hết nữa năm đầu mà từ đó cho đến hết năm, Ngài “Hạ Bút Thần” có đến bốn quyển Sám Giảng, quyển sau cùng trong năm là quyển tư “GIÁC MÊ TÂM KỆ” đề ngày 20 tháng 9 năm Kỷ-Mão, ngoài ra còn nhiều thi bài khác, tính từ bài “LỘ CHÚT CƠ HUYỀN’ sáng tác tại Thánh Địa Hòa Hảo tháng 6 năm Kỷ Mão cho đến bài thi  “ ĐÊM BA MƯƠI” tháng chạp cuối năm có tổng cộng bốn mươi bài thi thơ dài ngắn, trong đó có bài “THIÊN LÝ CA” là dài nhứt. Chỉ già nửa năm Kỷ Mão mà sáng tác bốn quyển Sám Giảng, với bốn bươi bài thi thơ rồi thuyết pháp, trị bệnh, là chuyện phi thường.
THUYẾT PHÁP: như chúng ta biết, đâu phải già nửa năm chỉ dành cho việc sáng tác; sau khi Đức Thầy chính thức làm lễ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, nhà của Đức Ông (giờ gọi là Tổ Đình PGHH) lúc nào ngày như đêm đều có khách thiền môn đến nghe thuyết pháp, thọ giáo quy y. Có người đến quy y nghe thuyết pháp xong là về có người ở lại chờ nghe tiếp những tràng pháp khác. Điều này Ông Ngô Thành Bá (Biện Đài) đã nói rất rõ trong quyển “Dõi Gót Theo Thầy” của Ông rằng ngày 29 tháng chạp năm Kỷ Mão Ông đến nhà Đức Ông nghe Đức Thầy thuyết pháp vào lúc chiều tối. Xong cuộc thuyết pháp Ông định ra về thì dịp may đưa đến, ông diễn tả như sau:
“Đức Thầy bảo ở lại, đến 9 giờ, Đức Thầy bảo tôi nhắc ghế ra sân Đức Giáo Chủ ngồi nơi ghế, còn Hương Quản Diệp và tôi ngồi trên mấy nấc thang gạch trước nhà Đức Ông. Đức Thầy giảng giáo lý…
Đức Thầy vào nhà, tôi lần gót theo sau. Ngài lên ghế bố nằm nghỉ và anh em đồng đạo nài nỉ  xin Đức Thầy “Ca Tiên”, Đức Thầy vì lòng thương nên chìu theo ý muốn…
Sáng ra Đức Thầy cho anh em tín đồ biết Ngài sẽ dẫn tôi đi non. Nhiều người xin đi nhưng Đức Thầy trả lời là không đặng!”
Chỉ trích lấy một lần tình cờ Ông Biện Đài đến nhà Đức Ông nghe Đức Thầy thuyết pháp, thấy tối khuya Ông Biện định về thì Đức Thầy bảo Ông ở lại cùng với nhiều anh em tín đồ khác nghe Đức Thầy Ca Tiên. Ở nghỉ đêm lại đó và sáng đến Đức Thầy báo tin là sẽ dẫn Ông Biện đi non, nhiều người xin cùng đi mà không được Đức Thầy cho phép. Bao nhiêu đó đủ chứng tỏ nhà Đức Ông lúc nào cũng có bổn đạo xa gần đến viếng Thầy nghe pháp, nghỉ đêm. Thuyết pháp từ sáng đến chiều từ chiều đến tối, như người thường chúng ta còn giờ đâu để sáng tác Kinh Giảng Thi Văn khuyến tu? Chỉ có bậc siêu nhân lâm phàm độ chúng mới quán xuyến công cuộc lớn lao nầy. Trong bài “Nan Thơ Cẩm Tú” Đức Thầy đã thố lộ sự thật về Ngài:
“Miệng nhích môi đầy văn tao-nhả
Hạ bút-thân thơ đã đề khai”
Còn theo Ông Nguyễn Văn Hầu qua tác phẩm “5 Cuộc Đối Thoại Về Phật Giáo Hòa Hảo”, nhắc lại chuyện Ông chủ quận Tân Châu Nguyễn Văn Lễ và chủ sở mật thám BaZin mới sáng sớm ngày 12/4/ Canh Thìn đã đến nhà Đức Ông mời triệt buộc Đức Thầy đi theo họ, có đông người chứng kiến, đoạn văn như sau:
“Trời mới vừa sáng ra một chập, chừng đâu lối 7 giờ theo đồng hồ thuở ấy, những tín đồ ở xa chưa kịp tới để nghe pháp, xin phù, nhưng số người ở lại từ đêm qua cũng còn đến hằng trăm. Tất cả đều ngơ ngác nhôn nhao, rồi thì thầm ứa lệ…”
Ở đêm mà hằng trăm như vậy thì ngày biết bao nhiêu người ta mà kể? Bởi đó mà sở mật thám của Pháp không ghé mắt sao được. Ghé mắt thì ghé, Đức Thầy tỏ cho tín đồ và quân chinh phạt Pháp biết rằng:
“Khó làm cho Hiền Thánh lung lay,
Chỉ tưới nước vun phân cây quí ”
Quân Pháp đày Đức Thầy qua cuộc sống lưu cư cho xa cách tín đồ, sự giáo đạo của Ngài coi như bế tắt. Họ tính vậy là an trí nhưng chúng không ngờ làm như vậy là rất thuận lợi cho Ngài như Ngài đã nói:
“Càng đi càng biết nhiều nơi,
Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông”.
Sự thật của việc “đem chơn lý tuyệt vời phổ thông” đã quá rõ ràng, nếu như không đưa Đức Thầy đi lưu cư ở nhà Ông Bà Ký Giỏi thì đâu có vụ chửa cháy kho xăng ở Bạc Liêu bằng hất bổng ly nước trà và nhờ đó mà Ông Ký quy y còn kéo thêm một số bạn bè có học vị, nếu không lưu cư Ngài vào nhà thương Chợ Quán Ông bác sĩ Trần Tâm làm gì biết Được Đức Thầy là ai mà thọ giáo.
ĐỘ BỆNH: Việc độ bệnh để truyền bá Phật pháp của Đức Thầy rất hưng thạnh, biết bao nhiêu là câu chuyện, tôi xin kể một ít câu chuyện để chứng minh.
Từ bắt đầu chửa bệnh Trùng độc cho con gái Ông hương chủ Hùng ở Hưng Nhơn thoát khỏi bệnh chết, tin ấy đồn ra, nhà Đức Ông đã không ngớt những con bệnh ế chỡ tới, Đức Thầy trị ai là hết nấy. Phương pháp trị bệnh của Ngài rất là đơn giản, có khi cho bệnh nhân uống nước lả, giấy vàng, có khi rưới nước lên người bệnh, có khi dùng dược liệu những loại dễ tìm như lá mít, lá ổi, lá xoài, bông trang… Trị hết những chứng nan y mà không phải tốn một đồng xu nào đã làm cho nhơn dân đầy lòng kính phục, nhưng việc độ bịnh của Đức Thầy còn đi xa hơn, cũng tại đây, Ngài cứu sống một người đã chết:
Anh Sinh nhà ở chợ quận Tân Châu, có người vợ bệnh nặng, đã đem đi chửa trị nhiều nơi với những Ông Thầy hay dược giỏi nhưng bệnh không thuyên giảm mà mỗi lúc nặng nề hơn. Nghĩ vợ mình không còn sống được bao lâu nữa, lòng anh hoàn toàn tuyệt vọng. May thay! Có người quen đến thăm bệnh vợ anh, kể hiện nay dưới làng Hòa Hảo có một thanh niên ra đời trị bệnh, tuổi trẻ nhưng vì tôn kính Ông Thầy trị bệnh giỏi, người ta gọi vị thanh niên ấy là Ông Tư, bệnh chi đem đến Ông đều được độ khỏi.
Người quen kể xong câu chuyện đồng thời khuyến khích anh Sinh mau đưa vợ đến đó. Đối với anh Sinh, cho dù vất vả mà có một chút hy vọng anh cũng tìm. Chỡ vợ anh đi bằng ghe chèo, anh rán sức chèo cho nhanh tới. Ghe cặp bến trước nhà Đức Ông, cắm xào cột dây đâu đó, anh vào trong muôi ghe cõng vợ lên mới phát hiện vợ anh đã chết, không biết bao lâu mà mình mẩy lạnh vờn. Lòng buồn gớm ghiết, hiện ra thái độ thất vọng não nề, về thôi. Trong khi anh mở dây nhổ sào lui bến thì trên bờ có tiếng kêu:
- Khoan đi đã anh kia! Chẳng phải anh đến đây để xin trị bệnh sao?
- Nhưng vợ tôi đã chết rồi.
- Chết cũng cứ đem lên tôi cứu.
Anh Sinh quá buồn kế lại lóe lên niềm vui với vài tia hy vọng, đâu còn để tâm suy nghĩ nhiều hơn mà biết người kêu anh lại là Đức Huỳnh Giáo Chủ, người mà anh đặt hết hy vọng sẽ cứu thoát được vợ anh khỏi tay tử thần nên đã không nài khổ cực, chèo ghe vượt dậm xa đến mà trễ mất rồi… Ngần ngại nhưng anh cũng phải làm, may ra có thể cứu sống vợ anh. Anh ôm thây chết từ dưới ghe lên bờ, Người thanh niên đứng trên bờ sông đón anh khi nảy đi cùng anh ra phía sau nhà Đức Ông, đợi cho anh đặt thây chết của người vợ yêu quí xuống chỗ nằm người thanh niên ấy bảo anh Sinh mang tô xuống sông mút nước, dặn rành hãy mút ngược nước mới là thuốc, đem lên trị bệnh. Bấy giờ anh Sinh mới chợt nhận trong óc mình chính đây là Thầy Tư mà chị bạn của vợ anh đã điềm chỉ. Quá mừng đến hấp tấp đi mất, anh Sinh mút vội vàng tô nước đem lên. Đức Thầy cầm tô nước, trách anh không nghe lời dặn mút nước xuôi chiều. Đức Thầy kêu anh đi mút nước lần nữa. Bị quở, lần nầy anh tập trung tinh thần mút đúng nước thuốc đem lên, Đức Thầy hớp ngậm nước phun khắp mình tử thi, làn da xanh mét của chị ta dần dần hiện lên màu da vàng, từ từ sống lại.

2. An Hòa Tự (Chùa Thầy) Trước hết, xin lược kể về nguồn gốc của chùa An Hòa qua bài viết của Ông Nguyễn Trung Hiếu.
Ông Phạm Miên từ miền Bắc vào Nam, định cư thôn Mỹ Lương, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1850, nơi đây còn hoang lâm, Ông phá hoang lập nên một mái am tranh, chuyên lo tu hành và độ bệnh cho bà con, đến năm 1900 thì Ông qua đời thọ 84 tuổi. Năm 1901 có Ông thủ tọa Thình từ Mặc Cần Dưng đến thay, sửa am lại rộng rãi hơn, tạo hình Phật bằng giấy để tôn thờ. Năm 1927 thủ tọa Thình qua đời Ông yết Ma Thường vào tiếp tục trụ trì. Chùa gổ lâu ngày hư mục, Ông Yết Ma Thường dường ít quần chúng ủng hộ, không có khả năng cất mới lại ngôi chùa nhỏ, nên 1935, Ông tình nguyện giao cho hương chức trong làng làm chủ, hương chức quyên tiền bá tánh xây cất chùa tường bê tông, cột gổ quí. Năm 1936, Làng cử Ông Dương Lai Bửu (Hương Chủ Bó) đi lên Châu Đốc rước thợ về đấp tượng Phật bằng xi măng thay thế hình Phật bằng giấy của thời Ông thủ tọa Thình.
Từ năm 1936 trở đi An Hòa Tự thuộc chùa Làng cất cho dân chúng đến kính bái, nguyện trau tâm sửa tánh, dân chúng nhờ đó mà có ít nhiều căn bản đạo đức. Đến ngày 18/5 Kỷ Mão 1939 Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, dân chúng nhờ có căn bản đạo đức đó mà nhận biết Đức Thầy là Phật lâm phàm cứu độ chúng sanh, nên dân chúng trong làng người có căn bản đạo đức khuyến khích người chưa có căn bản đạo đức hãy đến nhà Đức Ông mà xin quy y với Đức Thầy. Kẻ thức ngộ trước, người thức ngộ sau lần lược đến thọ giáo quy y. xứ gần đồn đến xứ xa, ngày như đêm rần rần kéo đến nhà Đức Ông, ai chưa quy y thì xin quy y, ai đã quy y rồi cũng đến để nghe Đức Thầy thuyết Pháp. Xin lập lại một đoạn ngắn trong bài viết “ 5 Cuộc Đối Thoại…” của Ông Nguyễn Văn Hầu “Trời mới vừa sáng ra một chập, chừng đâu lối 7 giờ theo đồng hồ thuở ấy, những tín đồ ở xa chưa kịp tới để nghe pháp, xin phù, nhưng số người ở lại từ đêm qua cũng còn đến hằng trăm. Tất cả đều ngơ ngác nhôn nhao, rồi thì thầm ứa lệ…”
21/12/2016

(còn tiếp)