SƠ LƯỢT ĐÔI
NÉT VỀ CUỘC ĐỜI TU SĨ LÊ MINH TRIẾT
Tu sĩ LÊ MINH TRIẾT sanh năm 1951 tại ấp Hòa Bình, xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang.
Là con thứ Tư của ông Lê Văn Phát và bà Nguyễn Thị Phấn. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức, cha và mẹ đều quy y theo đạo PGHH từ khi Đức Thầy khai Đạo (1939).
Năm 1973 (lúc 23 tuổi), ông chính thức quy y theo Đạo PGHH và tu hành tại tư gia theo “hạnh Độc thân”, theo đúng Giáo lý của Đức Thầy “vừa lo làm ăn, vừa lo tu hành chơn chất”.
Cũng năm 1973, ông tham gia khóa học “Đạo Pháp Khai Tâm” và đạt Thủ Khoa trong khóa học nầy.
Từ ấy, ông bắt đầu đi đây đi đó để thu thập kiến thức trên bước đường Tu học, nên ít khi về nhà mà dành nhiều thời giờ ẩn mình trong các am cốc để chuyên lo tu học. Điển hình là ông đến xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang) nhờ người quen cho mượn 1 miếng đất nhỏ để cất cái cốc ở sâu trong đồng nội, ít người lui tới. Hàng ngày ông chuyên tâm niệm Phật và ở đấy được 3 năm.
Ông cũng đã có mặt tại Thiên Cẩm Sơn khá lâu (cùng với Đ/đ Ba Chủng).
Có lúc, ông đã ra tận Hòn Tre rồi Hòn Sơn Rái (nay thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang). Ông ở đây tu học được vài năm thì mắc phải cơn bạo bệnh, nhờ người dân địa phương đưa vào đất liền.
Với suy nghĩ “Mẹ già cần có người chăm sóc” nên ông quyết định ở lại nhà hầu làm vui lòng mẹ. Nơi đó là ngọn Cái Dung là nơi mà ông chọn để vừa lo tu hành, vừa lo chăm sóc mẫu thân.
Năm 1994, ông bị phá nhà và bị bắt giam,kết án 8 năm tù với tội danh “Viết đơn đòi hỏi Nhân quyền và Tự do Tôn giáo”, chung vụ án với Tu sĩ Lê Thị Thu và Cô giáo Phan Thị Kịp. Ông bị giam tại Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai).
Sau 4 năm tù tội, ông được Trưởng trại giam mời ra và bảo: “Chú nhận tội sẽ cho về.” Ông Lê Minh Triết khẳng khái trả lời: “Tôi không có tội, lẽ đương nhiên tôi sẽ không nhận tội.” Thế là 4 cuốn lịch nữa được ông từng tờ lật qua 1 cách nhẹ nhàng dù cho ai đó đã bảo “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.”
Khi mãn hạn tù, ông trở về gia đình năm 2002 còn phải chịu thêm 2 năm “quản chế tại nhà” thì Mẹ già đã vĩnh viễn lìa đời. Thật không còn nỗi đau nào hơn khi đi tù thì Mẹ già còn sống, đến khi ra tù thì Mẹ già đã ra người thiên cổ !!! Nhưng nhờ biết vào định luật “Vô thường” của tạo hóa nên ông đã nén đau thương mà tiếp tục lo tu hành.
Sau đó, nhờ một đồng đạo hảo tâm tặng cho 1 số tiền, nên ông cất được 1 cái am trại nho nhỏ để tu hành và được ông đặt tên là “Thiên Quang Am”. Nơi đây, ông rước người chị Hai bị mù lòa của mình về nuôi dưỡng và từ ấy, hai chị em cùng nhau tu hành tinh tấn.
Ông đã tìm mọi cách để truyền bá Giáo lý PGHH như: Viết bài về Đạo pháp đăng trên Inetrnet, Facebook…hay đi đây đó thuyết trình Giáo lý hoặc tham gia sinh hoạt với Đạo tràng của Minh Thiện & Huệ Thọ. Ngoài ra còn hợp tác với 1 số Đ/đ PGHH mang tiền và quà ra tận miền Trung cứu trợ lũ lụt và xây cầu cho người dân an toàn qua lại…
Bên cạnh đó, ông còn tiếp tục tranh đấu đòi hỏi cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo, cho Đạo nhà…chớ không vì những ngày tháng trong vòng lao lý mà nãn chí hướng của một đấng sĩ hùng.
Đến cuối năm 2018, sau khi phát hiện trọng bệnh và theo lời khuyên nhủ của anh chị em trong gia đình cùng Đồng đạo, ông đã đến bệnh viện Hạnh Phúc để chữa trị, kế đó là Bệnh viện Ung bướu ở Saigon. Nơi đây, Bác sĩ cho biết kết quả là ông bị khối u gan đa ổ nên phải tiến hành Hóa trị và Xạ trị, nếu không sẽ không sống quá 9 tháng.
Cuối cùng, ông quyết định thà chết trên đống thuốc Việt Nam còn hơn chết trên giường bệnh của Bác sĩ. Cho nên, ông trở về nhà trị bệnh bằng thủy châm theo toa thuốc của Đức Thầy cùng 1 số thuốc Bắc, thuốc Nam khác từ các Danh y ở Giồng Riềng (Kiên Giang),…
Và mặc dù em cháu tận tình cứu chữa, nhưng vào lúc 4 giờ chiều ngày 23-06-2019 (nhằm ngày 21 tháng 5 âm lịch, năm Kỷ Hợi) ông đã trút hơi thở cuối cùng với nụ cười trên môi và 1 cái vỗ tay rồi tắt thở, bên tiếng Hộ niệm của mọi người.
Ông để lại cho đời, cho Đạo tiếng đọc Sấm Thi của Đức Thầy với giọng đọc truyền cảm làm lay động lòng người cùng với tác phẩm truyền đời là “Đời Thượng Nguơn” của tác giả Vương Kim cũng bằng giọng đọc rõ ràng, truyền cảm của ông. Đồng thời, còn 1 số tác phẩm khác như:
- Phật Giáo Hòa Hảo ngày nay,
-Hoa đồng nội,
-Kể chuyện bên đêm trăng…
- Và rất nhiều bài viết về Giáo lý PGHH (đã được phổ biến trên mạng Internet và chọn đăng hàng tuần trên trang Diễn đàn_PGHH hải ngoại).
Giờ đây, chỉ còn trong chốc lát, chúng ta vĩnh viễn xa lìa người đồng đạo thân thương của mình, nơi công trình Phật sự mất đi một dũng sĩ, nơi trang mạng Internet mất đi một ngòi viết truyền bá Giáo lý PGHH, rồi gia đình vĩnh viễn mất đi người em, người chú, người bác kính mến…Thế nhưng, “Mai cốt bất mai công hộ Đạo, Táng thân bất táng hạnh phò Sư”, dầu mất đi sự gần gũi với thể xác nhưng những công hạnh và những sự hy sinh cho Đạo pháp của ông sẽ sống mãi, sống mãi trong lòng thế hệ mai sau. Rồi đây nơi trời Tây cực lạc:
“Thánh Tiên vừa nhích miệng cười,
Chúc mừng trần thế có người chân tu.
Than ôi !
Ai ghét ai thương cũng chẳng màng,
Xong rồi nợ thế bước lên đàng.
Rất mong từng phút về nơi Phật,
Nguyện niệm hằng ngày đến Lạc bang.
Một thuở gắng công Thiền ngộ pháp,
Tâm hồi mài miệt Tịnh an nhàn.
Ra vào các cõi không ngần ngại,
Đi suốt đưa người khỏi thế gian.”
Lễ phép kính chào chư Quý vị.
Nam mô A Di Đà Phật !!
Nguyễn Văn Nhựt và Bùi Minh Luân đồng kính bái.