Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019


                                                                   LỆ BÚT
                 [BẢO VỆ THÁNH TÍCH AN HÒA TỰ]
                      


  Gần đây hung tin Thánh Tích An Hòa Tự lại một lần nữa bị lăm le đổi mới [xóa Thánh Tích] và điều ấy đã làm đoàn thể cộng đồng tín đồ Phật Gíao Hòa Hảo [PGHH] vô cùng bức xúc trước việc làm ... của...
  Là một hậu sanh, con vô cùng đau đớn khi nhìn thấy những vị được cho là bực lại vô tình thiếu đi sự nhận định hay vì bởi cố tình không cần nhận định, không biết nhận định??? Mà người không có nhận định thì đó là người như thế nào ?
Nếu nói cho đúng, cá nhân con [ người viết] chỉ là một đứa con nít hay một đứa miệng vẫn còn hôi sữa thì dựa vào đâu để có ý kiến nầy nọ! Nhưng có lẽ với Đạo Pháp thượng sẽ không áp hạ, ai cũng có quyền bày tỏ chánh kiến của mình...Thêm nữa việc bày tỏ ý kiến nầy có thể làm mích lòng, đụng chạm tới người lớn. Mà nếu vậy tức là Hỗn, nhưng xét cho thật kỹ nếu vì cá nhân làm sai chạy lẽ công thì khác nào một kẻ Tham Quan Ô Lại. Khi muốn viết con đã khóc, khóc một cách chua xót vì chính anh em trong nhà lại có đứa bảo vệ tài sản chung, còn đứa thì cố tình hết lần nầy đến lần nọ muốn xóa tích! Để rồi :
“ Giòi trong xương đục gân mới ngặt,  
Đống trấu nhà sanh giặc gà bươi.”
 ớc mắt ướt đầm tạm gát bút lại, nhưng rồi hết tin nhắn nầy đến tin nhắn nọ, hết bài viết nầy đến viết khác gởi đến với chủ ý đả kích việc BẢO VỆ AN HÒA TỰ... và rồi quyết định phải viết, dẫu biết rằng nó sẽ làm phiền lòng một số cô, chú, bác đồng đạo của mình nhiều, thật nhiều nữa là khác!
Thưa quí vị đang, đã và sẽ có ý muốn đả kích việc BẢO VỆ AN HÒA TỰ!
Các vị bảo rằng tu hành không lo tu hành, đi tối ngày lo chống đối, lo hơn thua. Cái gì là của mình nó sẽ là của mình có mất đi đâu mà nhảy rô lên làm quá.
Hay:
Có chổ nào Thầy dạy trong giáo lý phải đấu tranh giữ Chùa chăng, mà làm vậy? Chùa hư dột không cho sửa, tu hành mà nóng nảy sân si, sao không nghe lời Thầy dạy : “ ĐỂ CHO TRỜI PHẬT LO TOAN VIỆC NẦY”...vv
Thưa quí vị!
Quí vị nói rất đúng, nhưng cái đúng của quí vị đó nhé!
Mai mốt ai đó ngan xương phá nhà của các vị, hay cướp vợ gì đó  mong các vị hãy nhớ mình là người tu hành không thưa kiện, không nóng nảy sân si, không được quyền lên tiếng nầy nọ. Bởi vì cái của mình sẽ là của mình có mất đi đâu mà sợ!
Đất người ta có chiếm đoạt cũng chịu vậy, không lên tiếng nhé! Và các vị cũng đừng nên đi đến TỔ ĐÌNH PGHH mà cúng viếng. Vì nơi ấy còn được đến hôm nay để khách thập phương lui tới là nhờ vào máu và nước mắt của những người mà các vị cho là sân si đấy!
Quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Thầy các vị cũng đừng động tới vì không có những người sân si kia hôm nay không còn được đầy đủ như vầy đâu!
Ai bảo rằng ngôi An Hòa Tự dột mưa do ngối đã hư hết? Khi trời mưa lớn các vị vào chùa mà xem chỉ dột một vài chổ và theo lời của những vị ở trong chùa nói do người đi đường điện chùa vô tình làm vỡ một hai miếng ngối thôi, chớ có đâu cái việc ngối hư gần hết!?
Còn nhớ chăng lời căn dặn của Đức Thầy “ HƯ ĐÂU SỬA ĐÓ”?
Hay cố tình không nhớ để cộng tác cùng đối phương quyết lòng xóa bỏ Thánh Tích?
Nếu nói rằng cái gì cũng phải phú cho mệnh trời không phú là lỗi thì các vị vô tình... quá vô tình mà lỗi nặng, bởi trước kia Thầy của chúng ta đã không phú mệnh trời, Ngài phải : TUỐT GƯƠM VÀNG LÊN NGỰA XONG PHA...” bảo vệ quê hương, đất nước, chống độc tài...vv. Vậy xin hỏi các vị cho Đức Thầy là người như thế nào???
Chỉ có những hạng HÁ MIỆNG CHỜ SUNG mới thản nhiên trước cảnh mất mất mất ấy thôi! Mình cảm thấy không đủ sức để bảo vệ gì thì thôi cứ yên mà lo hành Đạo chờ Thầy. Không chịu vậy còn ngược lại chê bai, chế nhạo việc mà người khác hy sinh để lo cho đại cuộc, trong đó mình cũng có thơm lây nữa đó!
Cổ nhân có dạy: “ Tận nhơn lực, tri thiên mạng.” mà cứ muốn làm công tử, tiểu thơ không làm lại hưởng còn chê bai người làm nữa là sao?
n Sư trước kia “ MƯU QUỐC HÓA RA NGƯỜI PHẢN QUỐC, NGÀN THU MỐI HẬN DỄ NÀO PHAI"
Còn hôm nay chính mình lại lên án đồng đạo mình : Lo Đạo hóa ra người phản Đạo,   Đời sau muôn thưở hận nầy ghi.
Chúng ta con một Cha, nhà một Đạo lại phải như vậy ư?!

Cư gia thôn dã, 19/6/2019 âl
NGUYỄN VĂN NHỰT



                                                   

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019


                          GÁI  SẮC
   

Tức cái hồng nhan có phép gì?
Bắt hồn bao kẻ xuống âm ty
Tu hành còn chẳng cho yên ổn
Lớ quớ cái rồi nó dẫn đi
Bị vậy mà tu hành khó được
Lỡ cơ lắm đứa phát làm kỳ
Vái hồn bao kẻ nơi âm cảnh
Xin chứng giùm tôi! Giết nó đi!

Giận thứ ỷ mình có sắc hơn
Rồi đi thỏ thẻ cái cung đờn
Vào chùa lạy Phật còn chưng dọn
Nép cửa Từ Bi lén kiếm dươn
Khoác áo nâu sồng đi nhỏng nhảnh
Khá no lý pháp lội lơn tơn
Phải tu không nổi ra đời sớm
Cho dạ quí Thầy đỡ chút cơn.

Coi thứ vậy mà ác quá tay
Tu mi hở chút bị chôn hoài
Ngán thay liễu yếu xuân mùi mẫn
Láy mắt như bằng viên đạn bay
Nhếch cái môi son cười tủm tỉm
Hơn gươm hiệp sĩ đánh cầm đài
Ước gì Lục Yểm mà mua được
Mấy cũng mua về chém thẳng tay.

Tu ở một nơi không được sao?
Đi hoài Thầy Sãi phát chiêm bao
Lẽ như mầy đẹp đừng nên dọn
Đến viếng Tăng Sư bớt miệng đào
Đừng để phải tuồng: kêu ghẹo nguyệt
Chớ nên bẫy cọp dưới dầm ao
Cá to chẳng muốn rày lưu luyến
Chút nước trong hồ quên khổ đau.
     LÊ MINH TRIẾT



Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019


                  SƠ LƯỢT ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI TU SĨ LÊ MINH TRIẾT


Tu sĩ LÊ MINH TRIẾT sanh năm 1951 tại ấp Hòa Bình, xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang.
Là con thứ Tư của ông Lê Văn Phát và bà Nguyễn Thị Phấn. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức, cha và mẹ đều quy y theo đạo PGHH từ khi Đức Thầy khai Đạo (1939).
Năm 1973 (lúc 23 tuổi), ông chính thức quy y theo Đạo PGHH và tu hành tại tư gia theo “hạnh Độc thân”, theo đúng Giáo lý của Đức Thầy “vừa lo làm ăn, vừa lo tu hành chơn chất”.
Cũng năm 1973, ông tham gia khóa học “Đạo Pháp Khai Tâm” và đạt Thủ Khoa trong khóa học nầy.
Từ ấy, ông bắt đầu đi đây đi đó để thu thập kiến thức trên bước đường Tu học, nên ít khi về nhà mà dành nhiều thời giờ ẩn mình trong các am cốc để chuyên lo tu học. Điển hình là ông đến xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang) nhờ người quen cho mượn 1 miếng đất nhỏ để cất cái cốc ở sâu trong đồng nội, ít người lui tới. Hàng ngày ông chuyên tâm niệm Phật và ở đấy được 3 năm.
Ông cũng đã có mặt tại Thiên Cẩm Sơn khá lâu (cùng với Đ/đ Ba Chủng).
Có lúc, ông đã ra tận Hòn Tre rồi Hòn Sơn Rái (nay thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang). Ông ở đây tu học được vài năm thì mắc phải cơn bạo bệnh, nhờ người dân địa phương đưa vào đất liền.
Với suy nghĩ “Mẹ già cần có người chăm sóc” nên ông quyết định ở lại nhà hầu làm vui lòng mẹ. Nơi đó là ngọn Cái Dung là nơi mà ông chọn để vừa lo tu hành, vừa lo chăm sóc mẫu thân.

Năm 1994, ông bị phá nhà và bị bắt giam,kết án 8 năm tù với tội danh “Viết đơn đòi hỏi Nhân quyền và Tự do Tôn giáo”, chung vụ án với Tu sĩ Lê Thị Thu và Cô giáo Phan Thị Kịp. Ông bị giam tại Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai).
Sau 4 năm tù tội, ông được Trưởng trại giam mời ra và bảo: “Chú nhận tội sẽ cho về.” Ông Lê Minh Triết khẳng khái trả lời: “Tôi không có tội, lẽ đương nhiên tôi sẽ không nhận tội.” Thế là 4 cuốn lịch nữa được ông từng tờ lật qua 1 cách nhẹ nhàng dù cho ai đó đã bảo “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.”
Khi mãn hạn tù, ông trở về gia đình năm 2002 còn phải chịu thêm 2 năm “quản chế tại nhà” thì Mẹ già đã vĩnh viễn lìa đời. Thật không còn nỗi đau nào hơn khi đi tù thì Mẹ già còn sống, đến khi ra tù thì Mẹ già đã ra người thiên cổ !!! Nhưng nhờ biết vào định luật “Vô thường” của tạo hóa nên ông đã nén đau thương mà tiếp tục lo tu hành.
Sau đó, nhờ một đồng đạo hảo tâm tặng cho 1 số tiền, nên ông cất được 1 cái am trại nho nhỏ để tu hành và được ông đặt tên là “Thiên Quang Am”. Nơi đây, ông rước người chị Hai bị mù lòa của mình về nuôi dưỡng và từ ấy, hai chị em cùng nhau tu hành tinh tấn.
Ông đã tìm mọi cách để truyền bá Giáo lý PGHH như: Viết bài về Đạo pháp đăng trên Inetrnet, Facebook…hay đi đây đó thuyết trình Giáo lý hoặc tham gia sinh hoạt với Đạo tràng của Minh Thiện & Huệ Thọ. Ngoài ra còn hợp tác với 1 số Đ/đ PGHH mang tiền và quà ra tận miền Trung cứu trợ lũ lụt và xây cầu cho người dân an toàn qua lại…
Bên cạnh đó, ông còn tiếp tục tranh đấu đòi hỏi cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo, cho Đạo nhà…chớ không vì những ngày tháng trong vòng lao lý mà nãn chí hướng của một đấng sĩ hùng.
Đến cuối năm 2018, sau khi phát hiện trọng bệnh và theo lời khuyên nhủ của anh chị em trong gia đình cùng Đồng đạo, ông đã đến bệnh viện Hạnh Phúc để chữa trị, kế đó là Bệnh viện Ung bướu ở Saigon. Nơi đây, Bác sĩ cho biết kết quả là ông bị khối u gan đa ổ nên phải tiến hành Hóa trị và Xạ trị, nếu không sẽ không sống quá 9 tháng.
Cuối cùng, ông quyết định thà chết trên đống thuốc Việt Nam còn hơn chết trên giường bệnh của Bác sĩ. Cho nên, ông trở về nhà trị bệnh bằng thủy châm theo toa thuốc của Đức Thầy cùng 1 số thuốc Bắc, thuốc Nam khác từ các Danh y ở Giồng Riềng (Kiên Giang),…
Và mặc dù em cháu tận tình cứu chữa, nhưng vào lúc 4 giờ chiều ngày 23-06-2019 (nhằm ngày 21 tháng 5 âm lịch, năm Kỷ Hợi) ông đã trút hơi thở cuối cùng với nụ cười trên môi và 1 cái vỗ tay rồi tắt thở, bên tiếng Hộ niệm của mọi người.

Ông để lại cho đời, cho Đạo tiếng đọc Sấm Thi của Đức Thầy với giọng đọc truyền cảm làm lay động lòng người cùng với tác phẩm truyền đời là “Đời Thượng Nguơn” của tác giả Vương Kim cũng bằng giọng đọc rõ ràng, truyền cảm của ông. Đồng thời, còn 1 số tác phẩm khác như:
- Phật Giáo Hòa Hảo ngày nay,
-Hoa đồng nội,
-Kể chuyện bên đêm trăng…
- Và rất nhiều bài viết về Giáo lý PGHH (đã được phổ biến trên mạng Internet và chọn đăng hàng tuần trên trang Diễn đàn_PGHH hải ngoại).
Giờ đây, chỉ còn trong chốc lát, chúng ta vĩnh viễn xa lìa người đồng đạo thân thương của mình, nơi công trình Phật sự mất đi một dũng sĩ, nơi trang mạng Internet mất đi một ngòi viết truyền bá Giáo lý PGHH, rồi gia đình vĩnh viễn mất đi người em, người chú, người bác kính mến…Thế nhưng, “Mai cốt bất mai công hộ Đạo, Táng thân bất táng hạnh phò Sư”, dầu mất đi sự gần gũi với thể xác nhưng những công hạnh và những sự hy sinh cho Đạo pháp của ông sẽ sống mãi, sống mãi trong lòng thế hệ mai sau. Rồi đây nơi trời Tây cực lạc:
“Thánh Tiên vừa nhích miệng cười,
Chúc mừng trần thế có người chân tu.
Than ôi !
Ai ghét ai thương cũng chẳng màng,
Xong rồi nợ thế bước lên đàng.
Rất mong từng phút về nơi Phật,
Nguyện niệm hằng ngày đến Lạc bang.
Một thuở gắng công Thiền ngộ pháp,
Tâm hồi mài miệt Tịnh an nhàn.
Ra vào các cõi không ngần ngại,
Đi suốt đưa người khỏi thế gian.”

Lễ phép kính chào chư Quý vị.
Nam mô A Di Đà Phật !!
Nguyễn Văn Nhựt và Bùi Minh Luân đồng kính bái.


Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019


TÌNH CHỊ EM
                                                             

                                            
Chẳng biết tự bao giờ trong trường âm nhạc đã truyền tay nhau một bài hát đi vào lòng người. Với những lời lẽ nghe ngọt ngào, sâu lắng làm tan chảy cả con tim khi người nghe có thể hòa mình vào tận nhịp đập của lời ca:
“ NẮNG HẠ ĐI
MÂY TRÔI LANG THANG CHO HẠ BUỒN
COI KHÓI ĐỐT ĐỒNG, ĐỂ NGẬM NGÙI CHIM NHỚ LÁ RỪNG

AI BIẾT MẸ BUỒN VUI KHI MẸ KÊU CẬU TỚI GẦN
BIỂU CẬU NGỒI MẸ NHỔ TÓC SÂU, HAI CHỊ EM TÓC BẠC NHƯ NHAU...”
Thiên Quang Am một buổi tối vào hạ, những cơn mưa nhỏ hạt kéo dài cứ nhẹ mình đổ xuống mái nhà cùng hòa vào những tiếng ếch nhái, ểnh ương vang giọng kêu thanh ở giữa đồng tróng vắng, tối ôm... nó làm cho cả một khoảng không gian sầu buồn vô hạn đến khó tả.
Em trai đã chuẩn bị bứớc vào cái tuổi Thất Thập Cổ Lai Hi, với cuộc sống độc thân nuôi người chị mù lòa gần tuổi Bát Thập. Thế nhưng cây cầu bốn nhịp: Sanh, Lão, Bệnh, Tử không kiêng nể hay nhỏ chút lòng từ thương xót cho hoàn cảnh đáng thương kia. Gìa rồi bệnh là điều khó ai tránh khỏi, nhưng cơn bệnh của người em trai độc thân nuôi chị ấy lại là cơn bệnh quái ác làm cho cơn đau đớn hoành hành đớn đau vô tận, không một loại thuốc phàm nhân  nào ngăn chặn sự hoành hành ấy nổi.
Từ khi cơn bệnh bắt đầu trở nặng đến nay đã một tháng trôi qua thế mà “thuốc than chẳng giảm, cầu sống chẳng đặng, cầu chết chẳng xong” người chị rất chua xót cho em mình nhưng chẳng thể nào khác hơn ngoài cách nguyện vái cho em tai qua nạn khỏi. Chỉ cái việc muốn tận tay chăm sóc lão đệ của mình còn không thể được huốn chi là những việc đã xa quá tầm tay của người mù lòa.
Có lẽ ta không xa lạ gì với câu nói “ máu chảy ruột mềm” Tuy từ bé đến lớn sống trong môi trường đạo pháp, thấu hiểu nhiều về định luật vô thường THÀNH, TRỤ, DỊ, DIỆT thế nhưng máu chảy thì ruột mềm làm sao tránh khỏi. Nhưng rồi thương thì thương mà sáng suốt phải sáng suốt. Người chị tuổi bát thập tóc trắng như tuyết vào giường bệnh thăm em trai tóc bạc như mây, không tận mắt nhìn thấy thân xác em mình tiều tụy trầm trọng nhưng nắm lấy tay em cũng đã đủ biết chỉ còn da bọc xương.
-Ốm quá rồi, rán nghe, rán niệm Phật. Đời nầy là vô thường đau khổ lắm về bên kia Tây Phương mới là cõi tột cùng hạnh phúc. Thầy dạy: CHỈ MỘT KIẾP TÂY PHƯƠNG HỒI HƯỚNG, rán mà giữ chánh niệm...!
Những lời lẽ khuyên lơn an ủi ấy dường như nó làm cho người em trai không kềm được xúc động, nhưng cố kềm nén kêu chị đi ra vì sợ sự bi lụy ngay giờ khắc mỏng manh nầy.
Tôi thấy, thấy rất rõ cả một bức tranh tình thâm tuyệt đẹp, bức tranh ngọt ngào không thể dùng lời lẽ truyền tải hết sự thâm tình của người chị và em tóc bạc như nhau.
Ôi cái tình chị em ấy nó ngọt biết là bao!

3/5/2019 âl
Văn Nhựt

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

ANH KHÔNG CHẾT ĐÂU ANH!


(Mến tặng tu sĩ Lê Minh Triết)
Là chiến sĩ thân mình ra trận địa
Súng đạn bơm, xương máu đổ cam đành
Dẫu hy sinh trí hùng luôn chặt chịa
Xác hơi tàn trí dũng mãi nêu danh.
Là tu sĩ hiến mình cho đại chúng
Cả tinh thần, vật chất quyết hy sinh
Đời bảo pháp máu tim đem chưng dụng
Xương cốt tàn công hạnh rạng ngời xinh.
Lê Minh Triết! anh tư đời chiến sĩ
Của Như Lai trí dũng đấu dục tình
Của chân thân quyết thắng mọi tà tinh
Của thể tánh vương mình dầu rơi lệ.
Cơ tạo hóa xoay vần nào đâu nệ
Sức hơi mòn an dưỡng nhé người anh
Luật vô thường có đến để tranh giành
Lê Minh Triết lòng tôi không hề chết!...
Anh không chết đâu anh
Dù định luật tranh giành
Tim anh không hề lạnh
Chí anh vẫn hoài xanh!
THIÊN QUANG AM
22/4/2019 âl ( ngày: tôi cũng yếu như anh)
Phóng ý và tâm tư: Nguyễn Văn Lía
Lời thơ: NGUYỄN VĂN NHỰT

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019


NHỚ HÔM MÙNG BỐN TẾT

Từ tôi rời bệnh viện về nhà tới nay bà con đồng đạo xa gần nghe tin đến thăm, từng đợt người ra vào, có lúc liên tục, lúc lưa thưa, hỏi thăm bệnh tình và sức khỏe của tôi đã ổn định chưa? Tôi đáp đỡ thì có đỡ nhưng ổn định là chưa, bởi bệnh còn khi yên khi cựa quậy với cường độ cao, sốt dữ.

Lúc nào khõe, nhẹ đau nhức tôi ngồi được lâu với khách để hỏi đáp những câu đạo đức vui vui, không thì cứ nằm đó nghe ù ù lỗ tai. Đặc biệt, hôm ngày mùng bốn Tết Nguyên Đán 2019 có một đoàn khách ồ ạc đến bằng Mô Tô rất đông xe, nhiều người, ngồi chen khít gian nhà trước, chỗ tôi nằm nghỉ. Nay nhằm lúc tôi khõe, trong người dễ chịu nên gượng ngồi tiếp những vị khách đông vui nầy. Chủ khách chào nhau xong, ai nấy ổn định chỗ ngồi, một vị đại diện trong đoàn đi từ chợ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và một số người ở Cái Nai, Cái Tây huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đứng lên phát biểu:

Kính thưa anh Tư! Nhân nay đi cúng viếng chùa Thầy “An Hòa Tự” và Tổ Đình PGHH hưởng lộc đầu năm, trên đường về tiện đường ghé thăm anh để biết qua sức khõe của anh từ đi nằm viện về đến nay có chuyển biến tốt không, mạnh yếu thế nào?

Nói tới đây vị đại diện đưa mắt qua lại với các bạn đồng hành đang ngồi nghiêm chỉnh, xong quy lại  tôi, tăng một chút âm thanh: Thưa quý vị, đây là anh tư Triết, Lê Minh Triết mà trong đoàn mình không ít người nghe danh là người có giọng đọc ngâm Sám Giảng ngọt ngào ở một thời trai trẻ, đã làm vương vấn tâm hồn của người hâm mộ, cho đến nay băng nhựa còn ghi lại và đã cho qua đĩa MP3, thêm nữa, cuồn băng  “Đời Thượng Nguơn”anh đọc từ rất xưa được đông đảo bà con đồng đạo nghe qua liền thích, thúc giục ai chưa tu thì phát tâm tu, bằng đã phát tâm rồi nhờ sự thúc giục ấy mà tinh tấn tu hành kẻo không kịp “ Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến, sao dân còn tríu mến làm chi”? (Lời Đức Thầy). Mấy nay “Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình” nghe danh chứ chưa một lần gặp mặt, nay đã gặp, vui thích chứ ạ!

Ngoài nguyên nhân đó còn có thêm một nguyên nhân khác, hôm nghe tin anh tư bị bệnh đi nằm viện chúng tôi có tổ chức đặt bàn Phật mời chư đồng đạo đến làm lễ cầu an cho anh sớm dứt quả căn tiêu tan bệnh chướng. Trong đây có số đồng đạo biết anh, đầy lòng hoan hỉ tích cực tham gia cuộc cầu an đã đành, một số khác chưa quen biết anh cũng bị sức húc của cuộc cầu an đến khấn vái. Nay nhân chuyến đi về vùng Thánh Địa Hòa Hảo hành hương chiêm bái những thánh tích như Chùa Thầy, Tổ Đình PGHH … tôi có thông báo trước, nhà của bệnh nhân Lê Minh Triết chỉ cách Thánh Địa Hòa Hảo một con sông mà lại thuận trên đường về, chúng ta sẽ ghé thăm bệnh nhân mà mình đã ba ngày dốc tâm cầu an cho vị nầy để nhận diện dáng vẻ và hỏi thăm sức khõe có hồi phục tốt chưa. Đến đây chúng tôi thấy vẻ mặt anh tư có điểm nhiều hứa hẹn tương lai gần sẽ khỏi bệnh, còn lại nói chuyện hoạt bác như vầy chúng tôi rất mừng, tưởng như cuộc đặt lễ cầu an cho anh ba hôm liền lạc ấy đã có dự phần trong sự phục hồi sức khõe bệnh nhân. Xin anh, nếu có thể được, hãy nói chuyện gì đó cho ấm lòng những đồng đạo quen và chưa quen đã có quan tâm đến sức khõe của anh và vì anh họ đã cầu an cho anh sớm hết hết bệnh, hãy coi đây là sự yêu cầu chính đáng.

Nếu vậy, tiện đây tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với chư đồng đạo đã quan tâm về sức khõe của tôi trong lúc tôi bị bệnh, cầu nguyện ơn trên Đức Phật Đức Thầy ban bố phúc lạc cho quý ân nhân có cuộc sống tốt và đạo nghiệp vững bước trên đường hướng thượng, NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Tôi vừa dứt câu niệm Phật vị đại diện đoàn nhìn tôi buộc miệng: Chỉ có mấy lời vắn ngủng vậy thôi sao?

Dạ. Chư hiền đệ nghĩ…

Trong đoàn đi đây có khá nhiều hậu tấn đã ngưỡng mộ anh lắm, tôi muốn anh chia sẻ chút “hương vị thiền môn” để đoàn hậu tấn cảm nhận ý nghĩa của chuyến ghé thăm nầy làm hành trang trên vạn dậm đường trần thẳng về Phật Quốc.

Đi thăm bệnh mà còn đòi hỏi bệnh nhân của mình chia sẻ hương vị thiền môn sao?

Nếu được chẳng phải hay quá là gì?

Vậy tôi xin bộc bạch thôi nhá! Hương vị thiền môn của tôi không nhiều như những bậc trí thức huyên thâm Phật Pháp, chỉ có ba điều mà tôi cho là ba nguyên lý tối thượng như sau:

Nguyên lý thứ nhứt là đặt trọn niềm tin bất khả xâm phạm vào sự nghiệp cứu đời của Đức Phật. Nguyên Lý thứ nhì: Đặt trọn niềm tin bất khả xâm phạm vào thuyết nhân quả của Đức Phật. Nguyên Lý thứ ba: Đặt trọn niềm tin Bất khả xâm phạm vào khả năng của chính mình qua hành giả đích thực chứ không ở học giả thôi. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Tôi thấy hơi khó khó hiểu. Biết rằng anh là bệnh nhân còn đang điều trị, rất cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi, ép anh thì chúng tôi không dám nhưng nếu anh còn có thể gượng thêm một chút sức để giải trình câu chuyện giữa vời nầy liền lạc, tăng sức mạnh tinh thần cho người hâm mộ là quý lắm thay!

Vậy tôi gượng thử nhá!

- Niềm tin thứ nhứt, như quý vị biết, Đức Phật từ cõi Phật lâm phàm cứu độ chúng sanh, cứu ai là độ nấy thành Phật như Ngài, như câu Ngài tuyên thệ: “Nhứt thiết chúng sanh bất thành Phật quả, ngã thệ bất thành Phật” (còn một chúng sanh nào không thành Phật ta thề không thành Phật), với ý nghĩa trên, Đức Thầy cũng từ cõi Phật lâm phàm độ chúng qua lời tuyên thệ như sau:

“…Giác thiện tín chấn hưng nền Phật Giáo.
Nếu chừng nào khai thông đại Đạo,
Đuốc từ bi rọi khắp cả nhân gian.
Bể trầm luân khô cạn sáu đàng
Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh.”
Và câu:
“Nếu thế gian còn chốn mê tân
Thì ta chẳng an vui Cực Lạc”

Bất kỳ một chúng sanh nào, thượng lưu hay hạ tiện, kẻ lành người dữ đều nằm trong sự nghiệp cứu đời của Đức Phật. Ông Thanh Sĩ nói:

Đạo Phật Giáo là nơi cứu khổ,
Độ chúng sanh không xót một ai.
Tình yêu luôn khắp muôn loài
Không hề muốn thấy một ai khổ trần.”

Niềm tin bất khả xâm phạm để cho ta hướng trọn kiếp sống nầy về sự nghiệp cứu đời của Đức Phật lo tu thân hành thiện, không sơ hở để ngoại duyên cám dỗ, lung lạc niềm tin làm tắt nghẻn sự vấn thân hay chậm chạp tiến trình: hành trễ đò.

- Niềm tin thứ nhì là luật nhân quả, điều nầy rất thông dụng ở suy nghĩ, dễ hiểu, nói ra ai cũng nhận biết tác dụng của nó. Nhưng nếu không phải là niềm tin bất khả xâm phạm thì khi bị trục trặc trên đường hướng thượng, ví dụ như tai bay họa gởi, thất thế nghèo nàn, bệnh tật… thì hay buồn, trách than số phận không may, có người còn trách trời không công bằng cho người kia vậy còn mình là vầy. khi trách than số phận, buồn vì tai bay họa gởi, tất nhiên, chánh niệm về Phật sẽ bị lu mờ dần, nếu không cầm cự được và kịp thời khôi phục ý chí, sau cùng chết đi trong luân hồi sáu nẽo. Vậy nên, phải tin chắc vào luật nhân quả của Phật thuyết để gieo giống thiện không gieo ác cho thân, khẩu, ý mắc phải tội tình, kiểm soát tốt hành động, tư tưởng, ngôn ngữ theo chuẩn mực đạo đức giải thoát cao siêu.

- Những lời Phật dạy từ giáo lý giải thoát cho đến trạm kiểm soát nhân quả khít khau, qua sức hành trì ta tự tin bất khả xâm phạm rằng mình: con đường trải sáng trước mặt về hướng Phật Đà, ta vui lòng dứt bỏ mọi thứ cấu nhiễm phiền phức ở cõi thế gian. Mọi cái nhớ xả ra tróng rổng, chỉ còn nhớ Phật, mọi cái niệm xả ra tróng rổng chỉ còn niệm Phật thôi. Niệm Phật, niệm Phật, niệm Phật, NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, NAM MÔ A DIA ĐÀ PHẬT, NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT…

Cám ơn anh tư cho chúng tôi một chuyến viếng thăm có ý nghĩa. Trời đến lúc xế chiều, Tôi thay mặt đoàn xin phép kiếu về, chúc anh mau lành bệnh.

13/2/2019



Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019


QUÀ TẾT CHO BÀ CON NGHÈO


Tết sắp đến, những nhà dư dả người ta nôn nao đón chào mùa xuân mới, bày biện trước sân những hoa kiếng đắt tiền, sắm dọn cửa nhà cho hoa lên lên mắt, diện lại thân thể, trang điểm kiểu Mỹ kiểu Tây để mừng xuân mới với niềm hy vọng làm ăn hanh thông, sự nghiệp phát đạt, hạnh phúc cùng đến với bạc tiền.
Thương cho những bệnh nhân còn nằm trong bệnh viện giữa lúc xuân về, chẳng có ước mơ gì hơn là mong mau hết bệnh hoặc nhẹ bớt sự đau nhức mà tưởng xuân cho lòng bớt cô đơn tróng vắng. Thương cho những người bất hạnh, luôn bị nghèo thiếu hành phạt, xuân đến họ không mộng mị cao xa, chỉ cần đủ cơm gạo cho những ngày nghỉ tết và không bị nợ nầng đòi siết để thảnh thơi mà nhìn xuân nghèo rụt rè an ủi nhà mình, thế đã đủ.

Vào giữa tháng 11 lịch ta, một anh bạn ở hải ngoại gởi tin nhắn hỏi tôi: Năm nay có định giúp quà cho bà con nghèo ăn tết nữa không? Nếu có cho anh ta gởi hùng. Đọc thấy như vậy tôi rất là mừng, liền đáp: Việc phát quà giúp bà con nghèo ăn tết đối với tôi đã thành lệ rồi, rất mong có sự giúp đở của anh và những thân hữu anh có tấm lòng nghĩ đến bà con nghèo khổ của mình.

Sau vài hôm cái ngày phát tin nhắn, anh ấy gởi tiền về cho tôi với lời dặn: Hãy cho anh luôn luôn là người bạn ẩn danh. Ngoại tệ đổi ra tiền Việt:20.844000 ( hai mươi triệu tám trăm bốn mươi bốn ngàn đồng). tôi định số lượng quà phát năm nay là một trăm phần, mỗi phần ba trăm ngàn. Tiền nói trên còn số lẻ 844000 tôi lấp cho thành một triệu, lên được hăm mốt triệu, như vậy đã có trong tay bảy mươi phần quà, ba mươi phần còn lại tôi sẽ đóng góp năm phần và kêu gọi hảo tâm của bà con hùng hập cho đủ. Tính xong để đó, bởi thời gian còn dài chưa vội quyên tiền thì tôi đã lâm trọng bệnh. Tôi chống chỏi với con bệnh nhiều ngày không có kết quả, cường độ của bệnh mỗi lúc phát tác mạnh, đau nhức khôn nguôi. Thấy không ổn, anh em đồng đạo đưa tôi đến bệnh viện Hạnh Phúc vào ngày mùng bốn tháng cuối năm. Sau vài hôm điều trị bệnh, nghe trong người tôi có phần thuyên giảm. vì chuyền nước biển nên cứ phải hơn một giờ phải thức mà đi tiểu. Vài lần như vậy trời đã khuya, mỗi bệnh nhân và người nuôi bệnh trong phòng bệnh 203 đã ngủ ngon, cái yên lặng của chốn ồn ào giữa đêm khuya làm tôi chợt nhớ ước nguyện phát quà tết cho bà con nghèo… Mình bị bệnh cỡ nầy và đang là bệnh nhân của bệnh viện, chưa biết chừng nào hết bệnh, chừng nào xuất viện, đâu thể về nhà được mà lo… làm sao…làm sao đây?
Anh bạn hải ngoại, người đã gởi tiền về giúp làm từ thiện hay tin tôi bệnh vào nhà thương, nghi là lớn chuyện, nên đã gởi tin nhắn rằng: Anh Triết ơi nghe tin anh bị bệnh nhiều quá nhưng tôi không ở gần thăm giúp gì được. ý của tôi là số tiền tôi đã gởi về hôm trước để anh phát quà tết cho bà con nghèo, tôi cho anh Triết hết số tiền đó để anh an tâm dùng vào trị bệnh, sau nầy anh Triết khõe hết bệnh, tôi sẽ gởi về sau phần đó. Anh Triết không được phép từ chối. Chúc anh Triết mau lành bệnh.

Cho mà còn ép buộc “ Anh Triết không được phép từ chối”. Dùng Lời lẽ cho một cách thật lòng nhưng tôi phải từ chối nhận tiền, chỉ nhận tấm lòng. Làm sao được, số tiền ấy hơn hai mươi triệu để làm từ thiện thì nhất định phải đi đúng mục đích, tiền bà con đóng góp làm từ thiện, năm ngàn tiền Việt Nam cũng không thể lấy ra dùng vào việc khác. Trường hợp của tôi, dầu thí chủ có hứa sẽ hoàn đủ số tiền phát quà tết sau khi tôi lành bệnh, lời hứa đầy tình người, tình đạo, tôi chỉ nên trân trọng và sống với tình người, tình đạo của chính mình mà đối đải đáp ngôn thôi.
Mấy hôm nay bà con đồng đạo đến thăm rất là nhiều, một số vị giúp tiền cho tôi trị bệnh, mới đầu tôi không nhận vì viện phí của tôi được út Bửu và tám Thọ hứa lãnh phần. Giờ một tia hy vọng ánh lên, nếu mình nhận tiền thì có thể góp vào số ba mươi phần quà nói trên mà không cần quyên ai giải quyết. Tôi mừng thầm, cảm nghe lòng lâng lâng nhẹ nhỏm. Khi xuất viện về nhà, tối đến tôi kiểm lại số tiền có được vượt mức yêu cầu, không chỉ ba mươi phần mà lên đến năm mươi phần. Tổng cộng phát quà cho bà con nghèo ăn tết năm nay là một trăm hai mươi phần, mua sắm bằng tiền ba mươi sáu triệu.

Trước sự việc nhận tiền trị bệnh để đóng góp vào mục đích từ thiện tôi có thỏ thẻ với vài đồng đạo thân tín khi đến bệnh viện thăm tôi, quý đồng đạo nầy tỏ lời khuyên: Hãy dành tiền lo cho bệnh của anh cái đã, anh mắc phải hai chứng bệnh viêm tinh hoàn và u gan, ở đây bác sĩ chỉ trị một bệnh viêm tinh hoàn, còn u gan hãy đi nơi khác trị. vì bệnh u gan, sau khi xuất viện còn phải dùng thuốc đặc trị kéo dài, không tính giờ phút mà phải tính từ tháng, năm, e lâu ngày, tiền bạc cũng mòn mỏi. Việc làm của anh tôi tin chắc sẽ có một số đồng đạo không hài lòng, nên tính cho kỷ rồi hãy hành động. Tôi giải thích: Năm rồi phát quà tết cho bà con nghèo tôi mới nhận được thực trạng đau thương quanh quẩn trong đời sống của họ. Có những gia đình lúc nào cũng bị thiếu thốn bao vây mà chồng hay vợ hoặc con bệnh hoạn, thường thì đã nghèo thiếu, xảy ra bệnh hoạn còn nghèo thiếu hơn, khiến nên thân thể gầy gò, người khõe thì đi cuốc đất hay giãy cỏ mướn nuôi gia đình, cố làm để vượt khó mà cái lệ mua gạo tầm lon giẫy không sứt. Họ khó có một ngày thảnh thơi để nói chuyện ăn nghỉ, huống chi tết đến, muốn được vui chơi theo phong tục nhưng trông lại cái lu con con mua gạo tầm lon đã cạn sát, lo tiền ăn gạo qua mấy ngày tết đã khó khăn, tiền đâu mua sắm ít đồ cho “nổi màu” tết trong nhà. Cái kiếp tay làm hàm mới được nhai của họ, rất mong sự giúp đở của bà con tốt lòng. Tôi đã có ấn tượng về họ từ chuyến quà tết năm rồi mà năm nay, nếu không tiếp diễn lòng tôi cảm thấy hơi buồn.

Còn về việc e ngại anh em đồng đạo không hài lòng khi nghe tiền của quý vị ấy cho tôi để dành uống thuốc tôi dùng vào việc từ thiện. Điều nầy tôi có cân nhắc kỷ, quý ân nhân cho tiền tôi để tôi sử dụng vào việc trị bệnh thì làm từ thiện cũng là uống thuốc trị bệnh đấy, chẳng phải Đức Thầy đã dạy như vầy sao:

“Làm nhơn ái ắt tiêu bệnh tật.

“Kẻ nghèo khó hụt tiền thiếu gạo
Mở lòng nhơn tiếp rước mới là.”

Ý nghĩa đã quá rõ ràng, làm nhơn ái tức là dùng thuốc trị bệnh chứ còn sao nữa! Nghe hiểu được lời giải thích của tôi chắc quý ân nhân cũng sẽ sanh lòng hoan hỉ.

Năm nay tôi không đích thân đi cùng anh em phát quà vì bệnh trạng còn vương vấn trong người. Tuy cường độ của bệnh đã giảm sụt nhưng ngồi trên xe đi xa là không thể, tôi giao hết trách nhiệm cho vài đồng đạo thân tín thay tôi làm công tác từ thiện nầy. Chiều mát trời ngày 25 tháng cuối năm, có người đem xe chở tôi đến chỗ để quà tết cách chừng ba trăm mét, may mắn lắm mới chụp được vài kiểu hình, còn mai đi phát quà xa, tôi không thể đến đó được, nên chẳng có bôi hình nào làm kỷ niệm.


Sáng sớm ngày 26 tháng cuối năm 2018, một đoàn mười chiếc xe Hon Da chở năm mươi phần quà tết đi từ miền Cù Lao Ông Chưởng đến phía tây dưới chân Thiên Cẩm Sơn ( Núi Cấm) giúp cho bà con nghèo ăn tết, bảy mươi phần quà còn lại dành cho địa phương nhà sẽ phát vào ngày mai. Chúng tôi đã lên danh sách trước để không bỏ sót những hộ nghèo, bệnh hoạn và xe Hon Da mang quà tới tận nhà, dâng niềm an ủi đối với những mảnh đời bất hạnh.

Nguyện cầu ơn trên Đức Phật Đức Thầy ban ân, chuyển hóa phúc phần đến với những người bất hạnh, vượt qua sự nghèo khó và bệnh tật tan đi. Nguyện cầu ơn trên Đức Phật Đức Thầy cảm ứng chứng minh, số tiền đồng đạo cho để uống thuốc trị bệnh, con đem làm từ thiện, cầu xin các Ngài chuyển hóa tính hoan hỉ vào tâm khảm của những ân nhân đã giúp con chảy gở xúc sự khó khăn nầy. Cầu xin đấng Từ Bi độ chuyển cho các ân nhân của con hưởng được lợi ích của sự bố thí quà tết năm nay. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
01/2/2019