Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

THÔNG ĐƯỜNG, BUÔNG BỎ, DỄ ĐI

Tu hành ai cũng mong mau đến mục tiêu nhưng hiệu quả của muốn đi nhanh thường lại là chậm chạp. Tại sao thế?
Khi người ta muốn vượt nhanh thì hãy coi lại con đường như thế nào, nếu đường có quá nhiều chướng ngại vật không thể nhanh được, cương lên nói “gan ăn” là không ổn đâu. Ta học luật lái xe hai bánh, cán bộ phụ trách đại khái phân hai dạng, đường xe thô sơ dành dùng sức người hay sức Trâu, Bò, Ngựa kéo và đường xe máy nổ. Nhưng phần đông ở nông thôn, xe đẩy, Bò, Ngựa kéo xe cồn kềnh vẫn đi chung trên đường dành cho động cơ, những chiếc xe đẩy bán hàng, rau cải, thịt cá, quần áo… có khi ghé nhằm chỗ đậu trên đường người ta mua đông như nhóm chợ làm cho trục lộ giao thông bị quấy rầy, những chiếc xe Bò kéo rơm vun trùng làm các tay lái rất khó kiểm soát làn đường xuôi chiều, ngược chiều khi ở gần chướng ngại vật nầy.
Dường thế đó, hành giả trên đường về Phật mà có quá nhiều chướng ngại, ví dụ: tuổi trẻ thường bị chướng ngại về nam nữ, đã bị chướng ngại rồi mà cũng cứ sấn tới nói gan ăn coi chừng có ngày bỏ mạng xa trường. Đi không nhanh làm  kéo dài mà thời gian lúc nào cũng bào mòn thân thể, bệnh tật chết chóc xảy ra bất chừng. Chưa biết đường thọ mạng của ta có được bù lổ lúc chướng ngại mà thêm tuổi cho mình đi kịp tới Tây Phương Cực Lạc không? Đường dành cho động cơ mà để những chiếc xe Bò, Ngựa, xe người đẩy đi bán hàng, theo luật thì phía cán bộ phụ trách về giao thông có quyền dẹp, cấm những xe thô sơ trên đường dành cho xe máy nổ nhưng họ không làm như những gì họ đã dạy cho các tay lái. Chúng ta bàn đến việc xảy ra tai nạn khi những chiếc xe thô sơ làm chướng ngại, ví dụ như những chiếc xe đẩy bán hàng, nghe khách hàng kêu mua là dừng lại, vô tình không cần biết độ dừng lại đã chiếm lòng đường rồi những khách hàng lớp đứng phía trong, lớp đứng phía ngoài, sát nút với xe đi ngược chiều xuôi chiều làm người lái xe phải bớt ga chầm chậm trong khi có chuyện cần người ta phải đi nhanh cho kịp...
Dường thế ấy, đường về Tây Phương ta cũng muốn đi nhanh cho kịp bởi ta đâu biết chừng nào thì tấm thân mượn của Đất Nước Lửa Khí nầy bị chúng đòi lại nên hành trình về Tây Phương phải được thúc đẩy liên tục đi đến mục tiêu trước khi thân tứ đại rả rời. Quyết như thế nhưng khi thực hành, thượng lộ có được bình an hay không là một chuyện khác. Nếu thượng lộ bình an đường dẩu xa bao cũng thành gần và nếu tâm tính bất an, gần lại hóa xa.
Chướng ngại của người tu nhiều thứ lắm, tôi nói những chướng ngại gần gủi dễ thấy nhất: thương và ghét, tôi cho là mối nguy hại cận bên mình, hơ hỏng là nó “bắt dò” té lạch ạch; không giải quyết mối nguy hại gần bên, đất tâm mình sẽ là bãi chiến trường cho sự đối địch của hai thứ giặc thương ghét. Trong bài “Tỉnh Bạn Trần Gian” Đức Thầy có câu:
“Sân si phỏng có điều thêm bận,
Nhẫn-nhịn ắt không chuyện kéo dài.
Tiếng gọi hồn mê hồn được giác,
Phải toan sắm-sửa rứt trần-ai.”
Sân Si nóng nảy là gặc ghét, mến trần ai là giặc thương. Với giặc ghét ta dễ phát hiện bộ mặt của nó, dễ phát hiện không có nghĩa là dễ diệt trừ, có người ghét đến lửa đốt phừng phừng cái mặt, cháy tan tành ra tro bụi, hết củi hết lửa tự tắt chớ không phải thức ngộ tắt trong khi còn củi. Công đốn củi ba năm thiêu chỉ một giờ là làm lại từ đầu, đi đốn củi nữa, lâu lâu cũng để cháy nữa. Tu hành kiểu vậy còn miếng công đức nào cho Phật đến rờ đầu điểm đạo.
Giặc ghét gồm có ghét người, hận đời. Ghét người, ta thường thấy qua những nguyên nhân: Sợ người ấy đẹp hơn ta, danh dự hơn ta thông minh và giàu sang hơn ta. Hoặc ta ghét kẻ làm ác, vô đạo đức… Đừng nói ta ghét kẻ làm ác tức là ta đã làm thiện. Có khi ta là kẻ ác che lớp thiện để ghét kẻ ta không ưa, kẻ đã giành thắng với ta về uy tín, thông minh, sang giàu, đẹp đẽ, ta mắng ác họ qua biện minh hợp pháp vì ta đang làm từ thiện, có cái tướng tu. Làm thiện mà ghét kẻ làm ác thì cũng chính mình tự làm ác nữa rồi.

Ác ở hình thức nào cũng là chướng ngại vật, thượng lộ không được bình an đừng nói về cõi Phật chi cho uổng tiếng. Ghét người ở dáng vẻ đẹp xấu, điều nầy có nhưng ít khi, còn ghét người bởi họ hơn ta về danh dự, thông minh, giàu sang phú quí hơn ta điều nầy rất dễ thấy; chẳng những ta thấy mà người khác cũng thấy ở ta. Ta thấy ta làm điều sai, nghĩ sai, đáng lẽ là phải sửa sai ngay lúc mình thấy nhưng cường độ của lòng dục vọng trong ta vươn cao hết sức kìm chế, sợ người kia thông minh danh dự hơn mình thì mình sẽ bị lùn thấp xuống, thấy kẻ ấy là mặc cảm dậy lên sự khó ưa, trông cho người ta có lỡ lời thì bắt bẻ, quy chụp, phản bác. Chướng ngại vật nầy tương tợ như người lái xe đi công việc quan trọng giữa chừng gặp phải xe Bò kéo rơm, xe đẩy bán hàng rong chiếm hơn nửa phần đường mà lại che cao khuất mắt, khó qua. Các xe ngược chiều, xuôi chiều chen nhau lăn bánh chầm chậm, lâu lắm mới về tới điểm.
Hận đời vì thấy đời mình thua thiệt, cái người ta có, mình không có, người ta được tiếng khen còn mình đứng sờ sờ đây không ai nhắc tới. Ta thiếu thốn vật chất, lạnh lẽo tình thương, muốn có thêm vật chất để trang trải nhưng chẳng ai chịu thêm, xin một chút tình không có. Mang mối hận lòng, phê bình, chỉ trích những người làm phước, kẻ được phước.
Cảnh sát giao thông không chận cấm xe thô sơ đi chung đường với xe máy nổ là vì còn chút tình thương tưởng đến những người làm kiếm sống, bởi đất nước ta còn nghèo, tạm thời chưa có khả năng làm thêm đường thô sơ để giải quyết dứt khoác theo quy định luật ban hành. Nhưng đối với chúng ta là người tu Phật, hiểu rõ giáo lý giải thoát của Phật dạy là không đắm nhiểm hồng trần, đang trên con đường về Lạc Bang Tịnh Độ là phải đi từ chảy gở đến tháo gở những vướng bận cho nhẹ mình đi nhanh. Ta không có bất cứ lý do nào nói là thương những Lục Dục, Thất Tình, Tham Sân Si… các cái là đúng, trên đường về Lạc Bang mà cho nó đi cùng thì cũng có ngày nó làm cho mình nghỉ đi luôn. Đường ta đi là tự ta làm chủ, thất tình lục dục nó không hiện thực sự nghèo đói để ta thương mà dung chứa, làm từ thiện, nó chỉ là vọng niệm quấy lên làm ta mất chánh niệm về Phật. Cho chúng tồn tại cũng chỉ là vọng niệm, dẩu ta không đành lòng trục xuất nó ra khỏi đường tâm, đường Phật, có cứng rắn chịu đựng sự dằn dặt của lương tâm về dục tình, không hiện thực. Ta làm từ thiện với ai cũng được, tuyệt đối không làm từ thiện với phiền não hay những nơi làm cho phiền não trong ta dễ phát sinh. Đã tu hành, biết việc tu quan trọng đến cỡ nào thì đừng có liều lĩnh nói “gan ăn” với phiền não. Trong lúc người ta bệnh, thầy thuốc kêu kiên cử những món độc phá mà ta bị dục vọng về ăn uống quá độ, kìm chế không được nên ăn càn, kêu đừng dan nắng dầm mưa mà cứ lủi đi trong mưa nắng rồi trách sao tôi bị bệnh hoài. Tuổi trẻ luôn ở độ nhạy cảm, ta nên chủ động phân ranh hai phái cách xa ngoài sức húc tình cảm của cả hai phía, bảo đảm tốt trên đường về Phật Quốc.
Đạo Phật dạy tu, khi tu là phải buông bỏ hết những tríu mến trong đời, cho tâm thường trụ trong chánh niệm chánh định. Ông Thanh Sĩ nhắc chừng:
“Trong khi muốn lội qua sông,
Những gì mang gánh lòng thòng bỏ đi”
Đức Thầy dạy đi từ xa lánh đến đến buông bỏ như sau:
“Thế nên, hãy xa lánh những điều làm tinh-thần bị đen-tối; bỏ hết đài-các xa-hoa, thân mình tự chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh”.
Tóm lại, thông đường dễ đi là đối với những vật cản, hành giả cũng phải buông bỏ mới nhẹ mình mà đi nhanh đến mục tiêu. Đây chỉ mới là lý thuyết, cần sức tu cho thật nhiều thì sự buông bỏ sẽ dễ dàng hơn, miệng nói buông mà tấm lòng không buông, hành trình còn nặng nề và gian truân lắm.

29/11/2016

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

THƯƠNG QUÁ LÀ THƯƠNG !

Chuyến cứu trợ đi từ Long Xuyên 19 tháng 11/ 2016, cho đến ngày 23, còn 300 phần quà đem phát điểm cuối cùng ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nữa là xong 1100 phần quà chính thức, đoàn trở về miền Tây, nhưng sự việc xảy ra không như mình muốn. Khi chúng tôi vất vả lắm mới đến được địa điểm nói trên, rảo mắt tìm khắp không thấy một bống dân nghèo nào, chỉ có mấy ông chánh quyền đón chúng tôi và họ kêu chúng tôi giao hết tài vật cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở địa phương nầy cho họ, đoàn cứ ung dung ra về để họ phát giùm. Họ nói nghe dễ như chơi nhưng chúng tôi rất lo sợ, nếu như đem giao cho họ cái công tác từ thiện nầy, họ sẽ đi lạc mục tiêu, không làm việc thiện nghĩa như mình đã cam kết với các mạnh thường quân đóng góp thì sao?
Không dám giao công tác cứu trợ đã mang từ miền Tây Nam ra Trung Bắc, gặp chướng ngại chịu vất vả thêm tí nữa, tìm nơi khác có đồng bào nghèo khổ. Thật ra, chúng tôi không khó khăn về chuyện ai mới đủ tư cách phát quà cho dân nghèo, nhưng từ lâu nay đọc báo, xem đài, biết có nhiều vụ việc mấy ông quan chức nhà nước địa phương nầy, địa phương nọ ăn xén của dân, nhiều vụ án tham ô, tham nhủng, hối lộ… đạp trợt võ Dưa gặp võ Dừa cũng nên sợ mà tránh.
Số tài vật mà chúng tôi mang đi cứu trợ có sự đóng góp của nhiều bà con, họ gởi gắm trong đó biết bao nhiêu yêu thương và những tâm tình với đồng bào bị lũ lụt nghèo xơ xác. Nếu chúng tôi giao thí giao càng, không qua “chọn mặt gởi vàng” lọt vào tay những quan tham hoặc họ đem phát cho thân nhân của họ chưa đủ chuẩn nhận quà cứu trợ, chúng tôi bị mang trọng tội không làm tròn trách nhiệm đối với bà con đóng góp tài vật đã giao phó. Thà làm mất lòng mấy ông quan chức nhà nước xã Mai Thủy để giữ chữ tín với những bà con đồng đạo tín nhiệm mình hơn là đưa cho mấy ông quan chức nhà nước mà mình chưa biết bụng dạ của họ thế nào.

Không cứu trợ được những người anh em ruột thịt của mình ở xã Mai Thủy chúng tôi rất là buồn mà quan chức ở đó chừng như vô tư, vô cảm đến sự thiếu hụt nghèo khổ của dân xứ họ. Chúng tôi không đồng ý giao quà, muốn tự mình phát trực tiếp vào tay đồng bào đúng nguyện ước, họ không chịu vậy thì mình rút lui; đi cứ để cho đi chớ không kêu lại trả giá thêm…
Có đọc báo xem đài, tỉnh Quảng Bình là một trong bốn tỉnh chịu sức tàn phá cực độc chất thảy công nghiệp của nhà máy sắt thép Formosa mà chủ đầu tư nhà máy lại là người ngoài đồng bào chủng tộc, họ là người Trung Quốc, người của nước láng diềng hiếu chiến, tham vọng bá chủ, dân ta chết bao nhiêu thì chết, bệnh tật nghèo khổ cỡ nào thây kệ. Theo các nhà nghiên cứu, chất thảy công nghiệp cực độc của nhà máy Formosa gây ảnh hưởng nghèo đói bệnh tật cho nhân dân nơi đây kéo dài trên dưới 30 năm sau, dân chúng trong vùng bị chất độc oanh tạc phải chịu nghèo đói, bệnh tật, đối với những người còn sống, chất độc quanh quẩn, lưu dẫn lâu có thể làm cho con người hoặc các loài động vật giảm tuổi thọ chết trước số Trời Định. Chưa chết bởi Formosa nhưng nghèo khổ bao trùm bởi chất độc của nó đã làm xấu đi trên đồng ruộng mùa màng, dưới biển mênh mông thì tiêu diệt các loài cá, nhân dân vùng biển sống nhờ vào nghề đánh bắt cá hết bề vùng vẫy, đói khổ thảm thương. Hậu quả của Formosa chưa được khắc phục tốt, dân chúng còn đi kéo biểu tình rần rộ đòi Formosa phải bồi thường thỏa đáng và cút ra khỏi Việt Nam thì lại cảnh “họa vô đơn chí” xuất hiện với trận lũ lụt kinh hoàng đè vô vàn sự khổ nảo lên cuộc sống của họ, nhà cửa bị lũ cuốn trôi, mùa màng sạch bách.
Những đoàn cứu trợ từ miền Tây Nam ra Trung, Bắc đa phần là người tín đồ PGHH, được sự giáo dục tốt qua những lời châu ngọc của Đức Thầy giảng hóa, ý nghĩa rất thuận lợi cho việc đi từ thiện xa:
“Nam Kỳ đâu thể sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung”
Bởi lý do chính đáng là:
“Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng… đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, không thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta hãy rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một”.
Hoặc như:
“Làng gần chí những tỉnh xa,
Lúc xưa thì cũng ruột rà với nhau.
Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.”
Nghe lời vị tôn sư PGHH dạy thương tình đồng bào như người anh em ruột thịt của mình và từ học câu “Nam Kỳ đâu thể sống riêng, mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung” thì tín đồ PGHH đã liên tiếp hằng năm đều có chỡ hàng cứu trợ ra miền Trung Bắc cũng bởi hằng năm dân xứ miền Trung đều bị bão dữ chứ đâu phải đây mới là lần đầu. Nhưng nay, đặc biệt xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy lần nầy lại có sự phản ứng trái nguyên tắc của người đem quà cứu trợ. Tôi không biết nhân dân nghèo khổ xứ họ có hay tin nầy chưa, và không cho nhân dân nhận quà từ tay chúng tôi phát thí, chánh quyền làm gì để không hoặc giảm bớt sự đói khổ đang đè nặng trên cuộc đời của đồng bào anh em ruột thịt của mình.
Nhân dân đã kiểm tra cặn kẻ đối với những quan tham, mới ngày nào họ nghèo xơ xác, không có cục đất giục chim, chạy áp phe vô làm việc không lâu thì kinh tế nhà họ phất lên phát chóng mặt. Lương tháng họ bao nhiêu có đủ nuôi vợ con và cà phê sáng chiều cho họ chưa? Họ đào từ đâu ra tiền để cất nhà sắm xe nầy nọ đủ thứ? Chánh quyền Ông nào cũng lên phát biểu hay ho để lấy lòng dân, tuyến bố khẩu hiệu bài trừ tham nhủng, hối lộ, ăn bớt của dân mà cái tệ nạn ấy cứ lại leo thang. Chánh quyền ở cấp lãnh đạo tuyên bố cho dữ rồi cũng chào thua chứ làm gì được bởi cái bộ máy nhà nước lấp ráp đa dạng.
Hỡi bà con giàu lòng phước thiện! Hỡi những đoàn từ thiện từ trong lòng PGHH! Đồng bào ruột thịt của mình nghèo khổ, rất cần sự chia cơm xẻ áo thì ta nên cẩn thận sự chia xẻ, đi và đến đúng mục tiêu, đừng để người ta lợi dụng làm giàu bất chánh bởi những đồng tiền từ thiện của mình.
Hỡi các nạn nhân bởi thiên tai lũ lụt ở xã Mai Thủy. Trong tình đồng bào chúng tôi không bỏ quý vị, chúng tôi đã mang quà vượt hơn ngàn cây số tiếp tế thì đủ biết lòng dạ của chúng tôi thương quý vị đến cỡ nào. Chỉ một chút xíu nữa thôi thì qùa sẽ đến tay quý vị, nhưng chánh quyền sở tại của quý vị đã không cho chúng tôi làm việc trực tiếp với quý vị để hỏi han sức khõe, gởi ít tâm tình… Đem cho cái kiểu giấu giếm bảo sao chúng tôi không sợ mất mà thôi đi. Quý vị không được quà là do những người tự xưng là đày tớ trung thành của mình đó …

27/11/2016

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

CHUYẾN XE TÌNH THƯƠNG
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật

Xin kính chào quý bà con, đồng đạo, quen và chưa quen đi chung trên chuyến xe chỡ đầy tình thương nầy. Thưa quý vị! Do bão lụt miền Trung mà chúng ta kẻ đó người đây tâm tình cách biệt, có trái tim đồng bào dân tộc biết thương yêu và đùm bọc nòi giống Tiên Rồng gặp nhau, cùng nhau làm thiện nguyện. Khi nghe tin đồng bào ở đâu lâm nạn đói khổ là thương, tính chuyện cứu giúp và chuyến xe chỡ đầy tình thương của chúng ta hôm nay là một trường hợp điển hình.
Ngoài thứ tình chủng tộc còn có thứ tình thiêng liêng của tôn giáo, chúng tôi muốn nói đến một nền đạo phát sinh từ giữa lòng lịch sử dân tộc đó là Phật Giáo Hòa Hảo. Ý nghĩa đồng bào dân tộc được Đức Thầy giảng dạy như sau:
“Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một; ấy quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.
Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta hãy rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.”
Thuyết nhân quả là giáo lý cương lĩnh của Đạo Phật áp dụng cho tất cả chúng sanh chưa thoát khỏi vòng quay của bánh xe luân hồi sanh tử, người sanh ra ở nhà nầy nhà khác, tỉnh nọ tỉnh kia đều là nguồn gốc họ Hồng Bàn, do nghiệp mà đầu thai khác chỗ, giống như anh chị em cùng cha mẹ sanh ra, lớn lên cưới vợ gả chồng lập nghiệp có khi do hoàn cảnh đẩy đưa mà mỗi đứa ở cách nhau xa. Rất là thắm thía khi ta đọc những câu sau đây của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

Làng gần chí những tỉnh xa,
Lúc xưa thì cũng ruột rà với nhau.
Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi.”
Thưa quý vị, nói theo lời Đức Thầy thì hôm nay, cả những người ngồi trên xe nầy mang quà đi cứu trợ là cứu cho những người anh em ruột thịt của chúng ta đó.
Còn nhớ, Đức Thầy viết bài “Khuyên Người giàu lòng phước thiện” ngày 25 tháng 2 năm Canh Thìn hướng về sự cứu đói đồng bào miền Tây Nam Việt bởi năm Kỷ Mão đồng ruộng bị lũ lụt dâng cao quét sạch mùa màng như những câu:
“Hỡi kẻ sang giàu cứu nạn trôi.
Nạn trôi lúa ngập đói còn xa.”
“Mắt nhìn Kỷ Mão vừa qua,
Gẩm trong thiên hạ nhiều nhà thiếu cơm.
Ruộng đồng chẳng có rạ rơm,
Trâu Bò ngóng cổ nhà nông héo lòng.”
Đức Thầy diễn tả cảnh nhân dân phải chịu đói khổ thảm thiết trong năm Kỷ Mão, nghe bắt động lòng thương cảm:
“Sột sột nhà sau mụ vét nồi,
Ông chồng quần áo rách lôi thôi.
Bầy con ngơ ngác đòi xơi bữa,
Lũ nhỏ giành nhau lấn chỗ ngồi.
Khua đủ mèo mun ngờ chủ thảo,
Muỗng rơi chó Vện tưởng cho mồi…”

Nói lên cảnh thiếu thốn tận xương tủy, cơm ăn cái kiểu “mụ vét nồi, sột sột” là biểu cảm dùng bữa chưa no nên mới có vụ “Bầy con ngơ ngác đòi xơi bữa”, cơm ít, nếu bửa ăn, vào ngồi chậm trễ hơn là không no nên “lũ nhỏ”phải chen lấn ngồi trước. Chủ nhà thiếu ăn như vậy thì thử hỏi những thú vật nuôi trong nhà có đâu đỡ lòng? Người đói ăn, chân tay run rẩy làm rơi muỗng đủa là lẽ thường nhưng mèo chó tưởng chủ nhà thảo ăn… cho chúng… rất là tội nghiệp.
Viết bài “Khuyên Người giàu lòng phước thiện” Đức Thầy kêu gọi hảo tâm của bá tánh nhưng không quên đề cao những nhà giàu, nếu họ chịu mở lòng sẽ giúp được nhiều người:
“ Cả kêu cùng khắp xóm làng,
Mấy Ông điền chủ cứu nàn mới qua…
Bà nào góa bụa hữu tài,
Tiền nhiều đất rộng cò bay mút đồng.
Cơn nầy bố thí cho xong,
Để khi nhắm mắt bên chồng giành chia.
Ông Bang các chợ, xẩm hia,
Tiệm hàng thạnh mậu nhờ dân ruộng vườn.
Ngày nay thất bát khá thương,
Tiền nong chẳng có cơm lường cho qua.”
Để kết thúc bài khuyên làm phước thiện:
“Khá thương những kẻ bần cùng,
Tâm lành dư của hãy dùng vào đây”.
Thời điểm của năm 1939 – 1940 chắc trên xe mình đi đây không ai nếm phải vị đắng cái nghèo cùng cực của năm 1939 lũ lụt dâng lên nhận chìm ruộng lúa đến đổi Đức Thầy phải cất tiếng than “Ruộng đồng chẳng có rạ rơm, trâu bò ngóng cổ nhà nông héo lòng”. Xin thưa với quý bà con, đồng đạo, tuy chúng ta không nếm phải vị đắng của năm Kỷ Mão để chứng kiến cái cảnh “Bầy con ngơ ngác đòi xơi bữa, lũ nhỏ giành nhau lấn chỗ ngồi” trong bếp mụ vét nồi, ngoài  thì ông chồng áo quần lôi thôi rách rưới… Chúng ta may mắn đã đọc được bài viết của Đức Thầy “khuyên người giàu lòng phước thiện” mà cảm nhận nổi thống khổ đáng thương tâm đó.
Đức Thầy dạy khuyên bổn đạo nên “giàu lòng phước thiện” cứu nguy cho những người chịu hậu quả cảnh nước lụt của năm Kỷ Mão, lúc đó chưa có ta. Giờ những người anh em ruột thịt của mình ở miền Trung, lũ lụt nơi đó độ thiệt hại còn cao hơn gấp mấy lần nếu đem so với cảnh khổ “ruộng đồng chẳng có rạ rơm, Trâu Bò ngóng cổ nhà nông héo lòng” của năm Kỷ Mão. Mùa màng xin thôi đừng nói tới. Theo như những thông tin trên mạn internet có hơn hai mươi ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi mất xác, nhiều ngôi nhà còn đó nhưng hư nặng. Rất đau lòng khi thấy hai nhà hai phụ nữ, một trẻ một già, trẻ ngồi trên nóc nhà lá, dáng điêu tàn rách rưới, bà già ốm yếu, dở trổ mấy miếng ngói lên ngồi trơ mình ra đó chịu gió mưa mà bốn phía nước bao vây; nếu như bình thường không cậy nổi sức già leo lên tới nóc như vậy đâu. Thần chết của thiên tai rượt tới thì phải rán hết sức già chống cự, may thay hai người phụ nữ còn sống để kể lại một trận bão lũ kinh hoàng cho con cháu đời sau biết.
Với hơn 20 ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và rất nhiều rất nhiều những căn nhà bị hư hại nặng, sống được là chỉ còn tấm thân trơ trọi với bộ đồ mặc dính da, những người anh em ruột thịt xứ bão lũ nầy rất cần sự giúp đỡ của tình đồng bào mọi giới. Được biết M C  Phan Anh đã tình nguyện cho năm trăm triệu cứu khổ lũ lụt miền Trung và mở tài khoản kêu gọi lòng thương cảm của mọi người thì giới chủ cả trong nước cũng xin gởi tiền vào tài khoản của ông ta tiếp cứu trợ. Giới nghệ sĩ xưa kia phần nhiều rất hẩng hờ với bà con nông dân nghèo khổ nay cũng ra trận; được biết những đoàn từ thiện PGHH ở các tỉnh miền Tây Nam liên tiếp tổ chức mang hàng đi cứu trợ vùng lũ lụt nói trên, cũng như chúng ta hôm nay, là những người không chuyên nghiệp tổ chức cuộc vận động quyên góp, nhưng với tâm thành cộng thêm sức kiên trì của bà con huynh đệ đi trên xe tình thương nầy chúng ta cũng thành công một chuyến cứu trợ.
Với tư cách một thành viên trong đoàn cứu trợ tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối tất cả quý vị.
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo và Đức Thầy gia hộ cho đoàn chúng con vui vẻ mạnh khõe làm tốt công tác từ thiện.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT


 24/11/2016

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

SINH HOẠT TRÊN CHUYẾN CỨU TRỢ

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Kính thưa quý đồng đạo bà con trên chuyến xe chỡ đầy tình thương có chúng ta đi đây. Xe đang chạy trên tuyến đường dài từ Nam ra Trung bắc, trong khi còn chờ đợi gặp những người anh em nghèo khổ của chúng ta ở vùng mới vừa bị cơn lũ lụt, xin quý vị cho phép tôi được tâm tình đôi nét vây quanh chuyến đi nầy. Rất mong có sự thông cảm của quý vị khi nghe.
Kính thưa quý vị! Thể theo lời dạy của Đức Thầy:
“khùng cả tiềng kêu dân ơi hỡi,
Hãy giúp cho kẻ khó mới nhằm.
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,
Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự”.
Và do câu:
“Làng gần chí những tỉnh xa ,
Lúc xưa thì cũng ruột rà với nhau.
Ngày nay tốt phước sang giàu,
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi”.
Quý vị thể hiện tình thân thương khi nghe tin những người anh em ruột thịt của mình  lâm cảnh khổ, hơn hai mươi ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn đi, người trong vùng bị lũ sống cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn no, mặc ấm, rất đáng thương hại. Người PGHH không để tiền vào việc đúc chuông đồng Phật bự, hãy đem số tiền có được “giúp cho kẻ khó mới nhằm”,chúng ta vận động tiền quà đi cứu trợ, nhất là cứu trợ đồng bào miền Trung với câu Đức Thầy kêu gọi “Nam Kỳ đâu thể sống riêng, mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung” đúng mục tiêu của tôn giáo PGHH đề ra. Đức Thầy có câu “Phước đức quí hơn bạc vàng”; hiểu được lời minh giáo nói trên, người ta phải chọn cái gì quí hơn bạc vàng thì sẵn sàng bỏ bạc vàng ra để làm chuyện phước đức. Xét như vậy, nên hôm nay bà con đồng đạo bỏ bạc vàng để làm việc phước là hành động cụ thể qua lời dạy của Đức Thầy. Lại cũng có người nói: tiền bạc là máu chảy trong mình nếu khô máu thì mình phải chết nên họ cố giữ chặc đồng tiền để riêng sống hưởng thụ. Tôi không phủ nhận cách ví dụ khít khao nầy, nhưng có ai làm phước đến khô máu đâu! Chỉ là mót mái dành dụm, chiết bớt đồng tiền xài phí sa hoa để giúp đời đâu đến đổi khô tiền, khô máu mà đồng tiền làm phước giúp đời còn mãi không mất. Theo Đức Thầy,
“Trồng cây lành vị quả thơm tho,
Tuy không thấy mà sau chẳng mất”.

Gieo nhân tốt tất nhiên ra quả phải tốt. Bỏ tiền bạc để đổi lấy phước đức, ta thấy khoảng tiền bạc đó không còn vì nó đã được đem đi bỏ óng, chừng sau tới chuyện cần dùng sẽ được nhiều người khác bửa óng giùm ta. Đức Thầy có câu:
“Ngày nay đạo đức chẳng màng,
Thì sau dẩu có tiền ngàn khó mua.
Biển sông lặn lội hơn thua,
Tự thân tạo lấy mà mua cái sầu.”
Có được chuyến đi nầy là nhờ sự góp sức của nhiều bàn tay, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị mạnh thường quân, nhờ quý vị ủng hộ tài vật đủ khoản để chúng tôi thực hiện đi chung trên một chuyến xe chỡ đầy tình thương đem ban phát cứu khổ. Cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà chủ xe giúp chúng tôi phương tiện vận chuyển đường xa với giá nhẹ, góp phần ủng hộ. Còn nữa, nếu như chúng tôi hội đủ tài vật, mướn xe đàng hoàn mà thiếu chú tài xế với cái tâm tư cũng muốn góp công vào công tác từ thiện, lái xe theo yêu cầu, tính tình vui vẻ như chú tài xế đi đoàn hôm nay, nếu không thì công việc sẽ bê trễ hơn; xin bày tổ lòng biết ơn chú tài xế hợp tác tốt với chúng ta. Sau cùng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các thành viên trong đoàn tận tâm tận lực quyên góp nhiều ngày qua và bây giờ xúm nhau đóng vai ban hậu cần. Xin nói với bà con mình, hậu cần không chuyên nghiệp, họ có thể là những mạnh thường quân làm khách đi trên xe trả tiền, đóng góp sức mình vào công tác từ thiện cho đoàn đi làm từ thiện xứ xa, nấu ăn có không vừa miệng đề nghị đồng đạo bà con mình cũng nên niệm tình tha thứ và tiếp tay với họ để có những bữa ăn tốt hơn thay vì phê bình.
Quý vị thân mến! Trải hơn hai mươi ngày chúng ta mới vận động được một chuyến đem hàng đi cứu trợ. Nhiều bà con đã đóng góp tài vật lâu mà không nghe báo ngày đi, thắc mắc. Tôi cho đây là sự chậm chạp và sự chậm chạp ấy do những nguyên nhân sau đây:
1. Đoàn chỉ cứu trợ rồi về chớ không đi tham quan nơi nầy nơi nọ. Chúng tôi muốn việc nào ra việc đó, mình nói tổ chức đi cứu trợ thì phải chuyên việc cứu trợ, trừ phi trên đường cứu trợ có những điểm di tích mà xét thời gian đi xa cũng gần đến lúc xuống xe nghỉ xả hơi thì nhân dịp mà ghé viếng nhưng không để quá mất thời giờ. Với lại phần đông bà con mình nhà không dư giả nghe có người đói khổ lòng cũng muốn đi làm phước mà tiền bạc mót mái không nhiều  đi cứu trợ lẩn tham quan thì giá xe phải cao lên, ít tiền dầu có muốn, chầu cả tiền xe tiền đóng góp cứu trợ nữa là không đủ. Với số tiền không nhiều mà ham đi tham quan thì người ta chỉ đóng tiền xe đi tham quan xong là hết, đâu còn tiền đóng cứu trợ, thành ra nói đi cứu trợ mà không cứu trợ.
Nhờ học Phật Pháp, ta biết những người có cuộc sống giàu sang hiện giờ là do kiếp trước họ có tu nhơn tích đức, vun trồng cội phúc, nếu kiếp nầy các vị ấy vun trồng cội phúc thêm nữa thì từ kiếp hiện tại cho đến kiếp sau sang phú quí thêm lên, còn nếu có tu hành điều phục cái tâm thì phước đức sẽ chuyển thành công đức, được đắc đạo hoặc vãng sanh. Nghèo thiếu bởi kiếp qua vụng tu, bỏn xẻn, đời nầy phải chịu khổ nhọc mà vụng tu bỏn xẻn hơn nữa thì kiếp sau còn rớt xuống hạng thắp hơn. Nhân quả rõ ràng. Chúng tôi muốn đồng hành cùng bà con nghèo được đi kiếm chút phước bằng số tiền ít oi của mình, vé xe cứu trợ rất nhẹ để chúng ta có dư tiền sung vào việc phước. Điều nầy không làm hài lòng một số mạnh thường quân muốn đạt cả hai vừa cứu trợ vừa tham quan trên một chuyến đi nên họ không ủng hộ chúng tôi. Do đó mà chuyến đi bê trễ. May mắn được quý bà con đồng đạo mình đây hiểu được ý nghĩa của việc cứu trợ nên sẵn sàng dầu có chậm trễ cũng thủy chung ủng hộ. Cám ơn quý vị thật là nhiều!
2. Chúng tôi tổ chức cứu trợ, tài vật vận động được bấy nhiêu mang đủ số ra giúp, không bị trừ cấn hao hụt một khoảng nào. Mướn xe 27 triệu (hai mươi bảy triệu) không kể người đó là trưởng đoàn hay hậu cần, chia đều cho 45 người, mỗi người phải đóng 600.000 ngàn cho vé xe và 100.000 tiền ăn, còn việc nghỉ đêm, xe chúng ta chạy suốt, đi và về phải mất vài đêm ngủ trong khách sạn di động, chủ khách sạn di động rất tốt bụng đãi ngủ không tính tiền. Quý vị có biết khách sạn di động là gì không? Là ngủ trên xe vậy! Đói, ăn món dở cũng thành ngon, chừng buồn ngủ rồi đâu đợi phòng ngủ với chăn êm nệm ấm, nằm dật dựa cũng ngủ ngon khì khì. Nếu có được nghỉ đêm ở khách sạn cố định chắc cũng một đôi khi, tiền nầy không biết đâu mà góp trước, nếu có tốn tiền ngủ thì chừng một bữa hoặc hai là cùng, xin để quý bà con tự trả vậy. Trong khi đó đoàn cứu trợ tham quan khác thu vé xe là 1.500.000. có nơi 2.000.000 đúng, là bao luôn tiền ngủ ở khách sạn. Đoàn không mời ban hậu cần đặc biệt với nghề nấu ăn giỏi, vì không có tiền bù lấp vé xe cho họ cũng như tiền ưu đãi công lao; mỗi thành viên trong đoàn đều có trách nhiệm cùng lo nấu ăn, chín sống ngon dở cũng dùng với tâm hoan hỷ, nụ cười trên môi. Đi đường có ghé nghỉ ở tiệm quán, hoặc mượn quán nước làm chỗ ăn, ai có muốn uống nước hay dùng gì thêm trong quán, tự mà trả tiền hoặc bạn bè, thân nhân trả thế, thủ quỹ không xuất quỹ trả thế cho ai.
Khi đến vận động từng bà con, chúng tôi trình bày như thế để quý vị đóng góp không ngại nguồn tiền của mình bị hao hớt vào những việc không cần thiết, lợi ích riêng tư, đồng thời chúng tôi tha thiết mời những bà con nào có đóng góp tiền cứu trợ hãy cùng đi với chúng tôi để chứng kiến việc làm từ thiện của các thành viên trong ban tổ chức và có quyền điều chỉnh đúng hướng nếu như các vị thấy đồng tiền mình ủng hộ đi lạc mục tiêu.
Chúng tôi trình bày như thế tưởng được bà con đồng đạo hoan hỉ ủng hộ, không ngờ kết quả ngược lại, người ta thà đóng tiền nhiều để được đi tham quan, không đồng ý tốn tiền chỉ một việc cứu trợ, thành ra chúng ta phải tiếp tục vận động nhiều ngày nên việc đi có phần chậm trễ, mong được quý bà con đồng đạo thông cảm cho việc chậm trễ nầy.
Những tỉnh cuối của miền Tây Nam nước Việt đa phần là tín đồ PGHH thuộc dạng nông dân, đời sống cần cù, lam lủ, có tiền cũng ít đua đòi, sử dụng không quá hao tốn nhưng đối với tình người, hô lên sự giúp đỡ là sẵn sàng của ít lòng nhiều. Có tiền trong sự mót mái, dành dụm, họ muốn chia sẻ chút ít tình thương cảm với những ai bất hạnh, kém may mắn bị bão lũ đày đọa. Bằng như vé đi cứu trợ lẩn tham quan qua 1.500.000 – 2.000.000 thì đi cho việc cứu trợ với giá vé 700.000 họ dư ra từ 800.000 đến 1.300.000 đem hùng tiền cho việc cứu trợ; khả năng nầy những người nông dân nguồn thu nhập ít oi mà nhờ chắc mót thì có thể làm phước thiện được. Nếu trên chiếc xe tình thương của chúng ta đi đây hầu hết có khả năng làm được việc vậy thì số tiền cứu trợ sẽ tăng lên ở mức từ 36 triệu đến 58 triệu, một khoảng tiền tương đối lớn mà ta có được, dùng vào việc đem cho những người anh em ruột thịt của mình chẳng may gặp cảnh màn trời chiếu đất, đói thiếu cơm ăn, lạnh thiếu quần áo mền mùng, còn riêng bản thân mình, giúp đời chúng ta thêm phước. Đức Thầy có câu:
“không làm phước thiện họa e đến mình”
Hoăc:
“Giữ bo đến lúc phong ba,
Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân”.
Đến đây xin được tạm dừng lời tâm tình, kính chúc quý bà con đồng đạo đi trong đoàn, vui vẻ, mạnh khõe.
Kính cầu Đức Phật, Đức Thầy gia hộ cả đoàn chúng con làm tốt công tác chuyến đi từ thiện nầy.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Cố Đô Huế, Khách Sạn Như Hiền, 9 giờ tối ngày 21/11/2016