Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

TU VỚI TỈNH

Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay chúng ta bàn qua đề tài Tu Với Tỉnh. Cụm từ nầy được trích từ hai câu giảng của Đức Thầy như sau:
“Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ-ngộ đạo mầu”.
Chắc quý vị còn nhớ, độ khoảng hơn hai tuần trước chúng ta gặp nhau qua đề tài “Muốn Tu Tỉnh”; hôm nay ta cũng bàn về “Tu với Tỉnh” đại khái cũng là tu tỉnh nữa thôi. Nghe riết bắt ngán phải không? Nhưng mong là quý vị đừng chán nản, tưởng như việc nhai đi nhai lại sẽ không còn dinh dưỡng cho não trạng qua tìm tòi. Thưa quý vị! Theo như tôi hiểu, hai sự tu tỉnh nầy ở hai vị trí khác nhau. Muốn Tu Tỉnh gắn bó ở vị trí cầu Phật Độ còn Tu Với Tỉnh ở vị trí Tự Độ. Từ ngữ giống nhau nhưng ở hai vị trí thì mỗi vị trí có mang đặc tính riêng, nếu quý vị nào muốn nghe lại ý bài trước cho tư tưởng thuần hơn, khi tôi trình bày Tu với Tỉnh khác đi Muốn Tu Tỉnh mong chư đồng đạo đây có sự thông cảm nhá!
Tu Với Tỉnh: Tu: theo tự điển, chữ tu có nghĩa là sửa. Vậy người tu tức là người chịu sửa, nhưng ta làm trật gì mà chịu sửa chứ? Sự thật thì ta quá nhiều điều trật. Theo giáo lý nhà Phật nói về nhân quả thì ta đã làm trật từ bao kiếp trước nên kiếp nầy phải bị đầu thai làm người, cũng có những thứ nhân quả bị trả trong hiện kiếp. Khi đã đầu thai làm người mà không tu, sống trong bống tối vô minh tiếp tục trật nữa thì phải chịu vào vòng quay luân hồi sáu nẽo, kiếp nầy thọ thân người chưa biết kiếp sau như thế nào, có được thọ thân người trở lại hay nghiệp húc vào những loài thấp hèn?
Nay theo Thầy học đạo, phát hướng tâm tu, muộn màng hằng trăm lúc trật, từ đường cong sửa cho ngay là rất khó, người sống cong quẹo quen thói, sửa ngay những thói quen cong quẹo đâu phải dễ. Trật làm cho trúng lại là cả một tiến trình đòi hỏi sức chịu đựng liên tục. Cũng vì cái chuyện để trật lâu nên sửa phải tốn nhiều công, đối trước việc sửa ngay đường cong, con người sửa xấu ra tốt, dốt ra thông, mê ra tỉnh hành giả phải đủ sức kiên nhẫn nếu không giữa chừng bỏ cuộc là uổng kiếp. Như thể cây cong lâu ngày, có người cong quá sá nay mới sửa đã cực thân mà phải chịu trầy vi tróc vảy, nhiều phen đau như chết được thì cây, đường, người mới ngay tốt lại.
Đức Thầy diễn tả cảnh trạng đó qua những câu sau đây:
“ Muốn tâm tánh ngày kia sáng tỏ,
Thì Khổ-Đề phải chịu nhọc-nhành.
Lòng dục tu thì phải thiệt hành,
Chớ đừng có mang điều sung sướng.
Đức Phật-Tổ nào đâu hẹp lượng,
Chịu nhọc-nhằn mới rõ đạo-đề.
Thấy một đàng thẳng-bẳng mà mê,
Ôi chừng đó mới là mầu-nhiệm”.
Việc tu sửa có hai phương diện một là tự sửa, hai là người khác nói cho mình sửa. Việc tự sửa, hành giả phải tập cho sự tu mỗi lúc ở độ nhạy cảm, trật là hay và hay thì sửa liền tay, sửa lúc còn nóng hổi đừng để nguội ngắt mới sửa thì sự làm trật có cơ hội kéo dài, trật để trật thêm lâu mới hay là không nhạy bén, nhạy cảm thức tỉnh trong trường tu niệm. Khách đăng trình đi lộn đường mà để đi quá xa mới trở lại, mất nhiều thời giờ, công sức, sanh lòng chán nản nữa là nguy! Đời người đâu phải chỉ lộn một lần thôi, trật một lần là không trật nữa. Ta từ chỗ bất giác mà làm chúng sanh thì bất giác là điều có sẵn trong tâm ý nếu hơ hỏng, vụng tu thì nó chường mặt ra. Chỉ cần ta nhạy bén việc thức tỉnh, hễ nó chường mặt ra là hay và cũng nhạy bén cắt đứt. Về điều nầy, chúng ta có thể đọc bài “Nhổ Bàn Thông Thiên” Đức Thầy sáng tác tại làng Hòa Hảo hồi tháng Giêng năm Canh Thìn:
“Đạo ác xảy ra rất thảm-phiền
Làm cho dân-sự nhổ Thông-Thiên.
Xô ngang ít bửa rồi trồng lại,
Phật Thánh đi xa khó rước liền”.
Với người ý chí không cao, thiếu quyết tâm thì việc tự sửa có thể không khả quan lắm. Phải nghinh tiếp những xây dựng, sửa chửa của các bậc đạo tâm. Mình cho dù có cẩn thận nhưng không hiếm lúc thiếu cẩn thận để mặt dính dơ không hay, người khác chỉ, có ngại tin thì qua dòm kiếng thấy mặt mình dính dơ là sự thật thì phải tin, tức khắc chùi rửa; đừng câu nệ người chỉ mặt ta dính dơ là hạng thấp, đã không nhận sự xây dựng của họ còn phát sùng trong bụng.
Trong con người có hai thứ cần phải sửa cho trơn láng: Thân và Tâm, Thân thuộc nhóm vật chất, Tâm thuộc tinh thần, hai cái sửa phải đi đôi, nếu sửa thân mà không sửa tâm tánh tu hết kiếp không thoát miền mê khổ.
Tỉnh: Đối lại với Mê, mê thì nghĩ sai, làm sai mà tỉnh thì giác ngộ, thức tỉnh. Tu Tỉnh là thoát mê khai ngộ.
Biết Làm Chẳng Khó: Ý nói, việc vì nếu không biết mà buộc phải làm thì công chuyện nặng nề, thiên nan vạn nan nhưng biết rồi chuyện nhẹ hỏng, dễ khô, chẳng khó khăn vì nữa mà lo sợ. Trong cụm từ “Biết Làm chẳng khó” có ẩn ý hiểu biết và biết làm, hiểu biết là hoạt động của tri thức, nhận thức, não trạng còn biết làm là phần hành sự của chúng.
Lặng Tâm: Lặng: nếu nói về ồn ào thì lặng tâm là hoàn toàn yên tĩnh, không một mải tiếng động. Ví dụ: Trời lặng gió, tức ngoài Trời cây nhánh đứng nghiêm mình không một chút động đậy; Trời hôm nay sao đứng gió ngợp quá! Tâm: ý nghĩa có cả vật chất lẩn tinh thần, bao gồm ba thứ: Nhục đoàn tâm (trái tim), Duyên Lự Tâm (tâm suy nghĩ tính lường), Chân Như Tâm (nói cái tâm như như bất động). Nhưng Tâm đi với Lặng thành Lặng Tâm nó thuộc hoàn toàn về tinh thần. Lặng Tâm để thể hiện trạng thái tâm không còn vô minh nữa, phát sáng Phật Tánh của chính mình.
Tỏ Ngộ: Tỏ: làm cho sáng ra, tỏ rạng; Ngộ: Nhận biết, nhờ có sáng tỏ các sự việc trong ngoài mà nhận biết một cách chính xác. Tóm lại, nhờ Tỏ Ngộ bổn tâm mà sáng tỏ được chân lý, kết quả cho sự tu học.
Đạo Mầu: Đạo: con đường, con đường đi đến chân lý tuyệt đối. Người quy y vào đạo là người có đạo, mang danh tín đồ hay làm chức sắc trong giáo hội cũng là người vào đạo để học đạo, còn phải đi từ học đạo đến chứng đạo, sâu vào trạng thái lặng tâm, tâm bình tịnh. Mầu: Nhiệm huyền, linh ứng. Khi tu đạo sâu vào trạng thái lặng tâm, bình tịnh tâm thì trí huệ phát khai. Chẳng phải Đức Thầy bảo “Tâm bình tịnh được thì phát huệ” là gì?
Xưa thái tử Sĩ Đạt Ta rời cung điện uy nghi tầm sự học đạo, đã học hỏi qua nhiều vị Thầy và đồng sự mà cái đạo giải thoát sanh tử chưa đạt được. Thôi đi sự trông chờ người khác giúp tu đắc đạo, Ngài đi sâu vào rạch Ni Liên Thiền, trải cỏ ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề, tự tu tự độ đạt đến giải thoát sanh tử, thành Phật có tên là Thích Ca Mâu Ni.
Tóm lại Tu Với Tỉnh người tu hành không chủ ý cầu Phật cứu, cần lặng tâm là hơn, vì khi hành giả lặng tâm, trí huệ bật sáng đoạn căn gốc vô minh, không lệ thuộc nhân quả tất nhiên sẽ không còn luân hồi sanh tử.

01/10/2016

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

CHUYỆN VỀ TU SĨ THÁI HÒA (tiếp theo)

Dự lễ cúng tuần thất đầu cho Tu Sĩ Thái Hòa tôi có chý đến sớm để được nhiều thời giờ gặp hỏi chuyện với anh chị em hồi xưa là học trò của cụ. Thật đúng như tôi dự tính, bà con đồng đạo chỉ mới đến lưa thưa ít người thì những học trò của cụ, ai hay cụ qua đời đã đến ở trực chiến tiếp khách, chạy bàn, cho dù những vị nầy người nào giờ cũng đã quá tuổi lục tuần.
Anh Nguyễn Thành Trung ( Lai Vung, Đồng Tháp)

Tôi gặp lại anh Nguyễn Thành Trung với thêm ba vị mới: Anh Nguyễn Hửu Đức, Trương văn Việt, cô Út Nhung. Anh Trung đưa ý kiến tiếp tục cuộc kể chuyện có liên quan với vị Thầy yêu kính của các vị. Tôi mời các anh chị vào ngồi chung một bàn xong, anh Nguyễn Thành Trung kể tiếp:
Ở bệnh viên bất cứ công việc nặng nhọc khó khăn vì, hễ cần sức lực của nhiều người thì sư phụ (hôm nay anh Trung không kêu là Thầy mà đổi lại là “Sư Phụ”, nhưng tôi cũng viết sửa thành “chú hai”) đưa ra ý kiến kêu gọi sự tiếp ứng của tập thể thì chú hai phải làm trước treo gương. Cây cầu ván trước bến sông bệnh viện qua thời gian đã bào mòn, xuống cấp trầm trọng mà chiếc cầu nầy rất là quan yếu làm bến ghé cho các bệnh nhân đến bằng xuồng, ghe, đò, đậu đưa bệnh, khách lên xuống. Chiếc cầu lung lai như răng sắp rụng, để chậm e có thêm tai nạn cho bệnh nhân; bệnh nầy trị chưa xong bổng thêm bệnh khác nữa thì nguy lắm. Chú hai chuẩn bị cây ván và các dụng cụ đâu đó sẵn; một hôm sau bửa cơm chiều, chú hai kêu gọi các anh em mỗi người tiếp nhau một chút sức sửa cây cầu trước bến sông bệnh viện cho bà con tới lui an toàn để mình nhẹ một phần trách nhiệm mà lại có phước lớn. Chẳng phải sách sử đã bảo “tu kiều bội lộ” đó sao! Chú hai chỉ nói vậy chứ không ấn định ngày giờ, các anh em cứ tưởng đây là lời báo để chuẩn bị cho một hai ngày tới; thành ra hiện tại chưa ai có thái độ vì với công tác thiện nguyện nầy. Bổng chú hai đi vào phòng, chừng ra đã cởi trần mặc quần cụt tay xách xà beng, tay cầm búa đi thẳng xuống bến sông. Các anh em thấy vậy hô lên đồng cùng kéo quân ồ ạc theo sau. Tiếng kêu ken két của cây xà beng nhổ đin, tiếng lốp bốp của nhiều sóng búa nện hùng dũng và đc nữa, nghe như tiếng bắp rang nổ, tiếng pháo dây của đêm giao thừa xưa, chưa đầy một giờ đồng hồ là hoàn tất trước khi Trời tối.
Anh Nguyễn văn Lía đi mời một người đến ngồi chung bàn và giới thiệu anh ta xưa có ở phục vụ trong bệnh viện Nguyễn Trung Trực. Tôi hỏi chào anh và xin anh cho biết quý danh. Anh trả lời:
Anh Trương văn Việt (Cù Lao Ông Chưởng)

Tôi tên là Trương văn Việt.
- Thưa anh Việt, lúc ở phục vụ bệnh nhân trong bệnh biện Nguyễn Trung Trực, Những ngày gần gủi với cụ Thái Hòa lòng anh có còn đọng lại chút dư hưởng kỷ niệm gì với vị Thầy Y đức yêu kính của anh không ạ?
Anh Việt trả lời:
- Thưa có, nhưng tôi rất là ngại nói.
- Vậy không nói được sao?
- Tôi thật mắc cỡ khi nói lên điều nầy.
- Tức có ảnh hưởng không tốt đến danh dự của anh hay của cụ chứ gì?
- Dạ không, ảnh hưởng không tốt với tôi thôi chứ chú hai mãi mãi tốt và còn cao c hơn nữa là khác: Nầy nhé, Lịch phân công ở bệnh viện rất bình đẳng trong sinh hoạt tập thể; hôm đó đến ngày toán tôi trực, chia nhau bạn quét sân, bạn quét phòng tôi thì trách nhiệm chùi rửa cầu xí. Xui rủi cầu vệ sinh hôm nay bị nghẹt ứ ra, xối nước tràn trề mà không xuống. Dơ và mùi ô uế dậy lên làm tôi tản thần, phát ụa mửa, ngặt mình. Tôi bỏ đi ra quét dọn chỗ khác chờ cho bình tỉnh tinh thần hết gớm mửa thì hãy trở lại chiến đấu. Chờ cho được bình tỉnh thì thời gian phải kéo dài, sự sinh hoạt của mọi người ra sao? Chú hai biết việc nầy Ông âm thầm đi làm việc của tôi làm, cởi trần mặc quần cụt xông vào trận, thụt thông sự bế tắt, chừng tôi thấy mòi bình tỉnh trở vào thì chiếc cầu nghẹt được thông và chú hai vẫn còn đang rửa rái tạc nước cho hết mùi hôi. Thấy tôi vào chú hai không nói vì.
Từ đó lòng tôi rất sợ sẽ bị quở trách nặng hoặc bị đuổi việc không chừng. Tôi làm việc nhưng không sao quên được nghĩa cử của chú hai và phập phồng lo sợ lệnh kêu. Hết ngày không nghe chú hỏi tội hay để lộ ra chút thành kiến khó khăn nào với tôi; một ngày như mọi ngày, bình thường. Qua được một ngày xui rủi là tôi mừng nhưng còn lo ngại đến kỳ họp kiểm điểm sẽ đem mà giải phẩu cái bệnh xấu của tôi trước đám đông. Điều lo sợ của tôi là đúng và tôi rất hên, trường hợp lo sợ sẽ không xảy ra. Chú hai không hề đề cập đến điều sai trái của tôi.
Sự bao dung tha thứ của chú làm tôi quá cảm kính. Đôi lúc tôi cũng muốn chú trách nhẹ hay dạy dỗ riêng tư một bài học thích đáng. Dầu không bị quở nhưng tôi đã ăn năng đến thấu xương tỷ, tôi nghĩ suốt đời mình sẽ không tái phạm lần thứ hai. Chú hai là quản đốc của bệnh viện, chỉ cần chú ra lệnh thì trên dưới đều nghe. Nhưng chú không phải là đấng chỉ huy năm ngón, dễ hay sai người khác mà tận tụy với mọi người chia sẻ những khó khăn nặng nhọc.
Tôi yêu cầu anh Lê hửu Đức kể những kỷ niệm có liên quan đến cụ Thái Hòa. Anh Đức nói:
Những chuyện các anh em đây kể tôi có biết, thật đúng như vậy còn để nói về kỷ niệm của riêng tôi với chú hai thì chú đã kể tôi nghe chuyện như vầy: Lần chú ra Sài Gòn công việc, nhen nhúm chút thời giờ đi mấy tiệm sách y học lục lạo tìm sách hay, chú gặp một quyển sách mỏng, lật coi trong đó chữ vì không ra chữ vì, nhưng đinh ninh là chữ Tàu cổ. Chú hai tìm liên lạc với một người bạn Tàu chánh cống và chú đưa ra tuồng chữ. Người bạn Tàu ấy vốn là người có học rộng, biết đây là chữ Tàu xưa, Ông bạn tận tình chỉ giúp chú cách tra cứu, phiên âm dịch thuật. Chú hai sáng ý, nghe cách hướng dẫn một lần về cách tra cứu tự điển, dịch thuật thì chú đã mò đọc ra được. Ngồi trên xe đi từ Sài Gòn về Chợ Mới chú hai đã dịch xong tác phẩm chữ Tàu Cổ nầy. Từ đó chú nghiên cứu, có thêm cách trị bệnh mới lạ hay ho, nâng cao nghề y học.
Nghe chuyện anh Lê Hửu Đức Kể, tôi nhớ lại, hôm lễ an táng cụ Thái Hòa chị Nguyễn thị Kim Hoàng và anh Nguyễn Thành Trung đều cùng xác nhận cụ Thái Hòa có đang viết một quyển sách nghiên cứu về sự châm cứu để giải phẩu thay vì gây mê. Nhưng tập sách chưa xong thì đất nước xảy ra biến cố chính trị ba mươi tháng tư năm 1975, chú hai bị đày đi học tập cải tạo thành thử tài liệu giữa chừng ấy đã bị lạc mất. Phải chăng kinh nghiệm của cụ Thái Hòa, và sự nâng cao kiến thức, tay nghề để bệnh viện trị hay có tiếng cũng một phần lớn nhờ từ quyển sách chữ Tàu cổ mà cụ dịch ra được và áp dụng qua khả năng tri thức của vị y đức, lại là, vị tu sĩ của giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo hiến thân ?
28/9/2016


Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

CHUYỆN VỀ TU SĨ THÁI HÒA
tạm minh họa về ao sen báu
Nghe cuốc điện thoại của Huỳnh Phước Sự gọi báo, cụ Thái Hòa Lê Văn Vui từ gỉa cõi trần để đến ngự trên tòa sen báu và hỏi tôi có đi dự lễ an táng cụ không. Nhận được tin tôi xúc động trân mình, vì với cụ là bậc trưởng thượng mà lúc sinh tiền tôi đã bỏ lỡ hai cơ hội đến thăm, đáng tiếc! Anh Nguyễn văn Lía đã hai lần đi thăm cụ đều có rủ tôi đi cùng nhưng lần nào tôi cũng bảo là bận việc nầy việc nọ, hứa để dịp khác. Nay thì hết còn dịp khác nào, đạo luật vô thường không cho tôi có dịp khác với cụ nữa đâu. Ngày 22 tôi có hứa trước đi dự đám cúng tuần cho một nhà quen thân vùng Thánh Địa Hòa Hảo, trước sự kiện nầy tôi đành phải thất hứa với đám cúng tuần để đi dự lễ an táng, đưa tiểng vong linh cụ Thái Hòa về miền an lạc, hầu mong gở lại chút đáng tiếc như đã nói.
Cũng tại cái bệnh hứa lần hứa lựa nên tôi chưa biết nhà đám ở đâu để mà đi tạ tội. Sáng sớm anh Nguyễn văn Lía gọi điện đến, tôi mừng và nghĩ rằng anh ấy cho hay việc đi dự đám táng cụ Thái Hòa. Ai ngờ, anh không hay cụ mất, lại rủ tôi đi xuống Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp dự lễ cúng tuần. Tôi báo anh hay cụ Thái Hòa viên tịch hôm qua 21 tháng 8 và 2 giờ chiều nay cử hành lễ an táng. Tôi mời anh cùng đi, bây giờ đến lược anh từ chối. Rốt cuộc anh Lía cũng không đi cùng tôi, anh cho tôi cái địa chỉ và nói rằng tôi có thể đi đến đó trước còn anh phải đi dự cúng tuần ở địa điểm nói trên rồi mới tranh thủ chạy qua dự lễ an táng cụ sau.
Tôi rất dở việc hỏi thăm đường nhà nhứt là vùng thành thị nên mới nhờ sự hướng dẫn của cô Nguyễn thị Thùa. Là hướng dẫn viên nên cô chạy trước, trông khác với con đường anh Lía chỉ, cô đi rẻ từ cầu kênh Cái Sơn đổ ra sông không mấy xa thì đến điểm.


Tại nhà lễ, tôi may mắn gặp nhiều đồng đạo quen lâu mà lại vắng lâu nữa. Bây giờ thì ai cũng tuổi tác hết rồi. Cô Nguyễn thị Thùa giới thiệu cho tôi biết một số các vị học trò của cụ Thái Hòa lúc học ngành y, phục vụ cho bà con bệnh nhân ở bệnh viên Nguyễn Trung Trực và cô nhanh nhẹn mời các vị ấy ngồi vào cùng bàn cho tôi có dịp tìm hiểu về sự nghiệp y học, y đức của cụ.
Anh Nguyễn Thành Trung một trong những học trò của cụ ngồi cận tôi đây, tôi hỏi anh ấy những kỷ niệm anh có với cụ Thái Hòa là gì? Anh liền kể chuyện về vị thầy yêu quí của mình như sau:
Chú Hai dạy các học trò đừng hút thuốc (tôi xin lỗi sửa lời của Nguyễn Thành Trung vì anh kêu cụ Thái Hòa bằng thầy, tôi đổi lại là “Chú Hai” để một số ngươi khó tính nghe không dị ứng) phần đông bỏ hút thuốc được, còn một số ít thiếu quyết tâm bỏ mãi không xong nhưng họ không dùng công khai. Ghiền quá đi kiếm chỗ kín hút lén lút, chú hai bắt gặp, người phạm do lòng nể sợ mà tự động lên tiếng: Chú ơi con quá ghiền, bỏ ngang là cơn ghiền nó giật mạnh chịu không nổi, chú cho con giảm lần lần rồi con sẽ bỏ dứt. Hoặc chú ơi con không thể nào bỏ hút tuyệt đối được. Người hứa bỏ lần lần và quyết phải bỏ thì chú hai có niềm tin, biểu cảm nét mặt vui vui, còn người nào nói không thể bỏ được, trông vẻ chú
 hai buồn lắm.

Sau mỗi buổi hết giờ làm việc dùng cơm tập thể xong, chú hai nhơn đây nói chuyện đạo đức PGHH và đạo đức của người làm ngành y, và Ông nói với tính quyết định: hai điều đạo đức phải đi từ xây dựng bản thân là trên trước hết. Mấy anh em ghiền thuốc có khi ăn cơm chưa no thẳng thì buông đủa đi kiếm chỗ vắng phà khói phun mây. Có một anh ra ngoài sau hút thuốc, đứng ở sát vách nầy mà mắt cứ lườm lườm về vách đằng kia, sợ chú hai đi bất ngờ. Sợ cũng không khỏi, hút mới có vài hơi chưa đả thèm anh gặp chú hai đi thẳng lại, tức khắc liệng điếu thuốc xuống đất lấy bàn chân đặt nhẹ như che án chờ chú hai đi qua lượm lên mà hút lại. Khổ ơi là khổ! Chú hai có chịu đi qua đâu! tới chỗ anh Ông dừng lại nói chuyện. Anh nghĩ bụng chắc chú hai biết mình ra đây hút lén nên không che giấu nữa anh đạp mạnh chân lên điếu thuốc thì chú Hai bỏ đi, chừng sau coi lại điếu thuốc tét bét ra.
Tuy vậy chú Hai vẫn đối đải bình đẳng rất mực thương yêu giúp đỡ người dạy không nghe lời bỏ thuốc. Chính nhờ chú lấy tình thương mà cảm hóa, kẻ nói không thể bỏ hút được, sau không lâu cũng bỏ.
Tôi hỏi: Lúc anh và các bạn xin gia nhập vào ngành y ở bệnh viện Nguyễn Trung Trực, thủ tục có khó lắm không? Anh Nguyễn Thành Trung đáp:
Cán bộ, nhân viên y tế các ban ngành trong bệnh viện chú hai hồi thu nhận hoàn toàn là tín đồ PGHH, một là chú biết rõ lai lịch người tốt, hai là do các Ban Trị Sự PGHH giới thiệu đề nghị vào làm, nên hầu hết cán bộ nhân viên y tế đều có tâm hồn đạo Đức PGHH. Giờ nào làm thì làm, tới giờ tu cũng tu. Dầu làm trong bệnh viện, có vất vả với các bệnh nhân thế nào thì hai cử tu mỗi ngày cũng không bỏ sót. Chú Hai kiểm điểm rất kỷ để không ai vắng mặt, mỗi thời cúng thì Thầy lên đứng trước trò đứng sau, đồng cúng nguyện.
Bây giờ trong bàn chúng tôi được thêm một chị hồi xưa có phụ vụ bệnh nhân trong bệnh viện Nguyễn Trung Trực, theo sự hướng dẫn của Anh Nguyễn Thành Trung chị ấy được mời ngồi cận bên tôi và anh ta. Chị họ tên là Nguyễn thị Kim Hoàng. Tôi hỏi chị, những kỷ niệm lúc ở phục vụ trong bệnh Viện Nguyễn Trung Trực thân cận với Thầy lương y Trưởng Thái Hòa, trong lòng chị còn vươn đọng lại những kỷ niệm gì?
 Chị Kim Hoàng đáp:
Tôi vào học và làm ở bệnh viện Nguyễn Trung Trực rất sớm, lúc đó nơi nầy còn là những căn trại lá lụp xụp lắm, nhưng vì cảm mến hạnh cách và tấm chân tình của vị thầy lương y hiến thân phục vụ từ thiện mà có nhiều anh chị em đến xin nhập học, phụ vụ trong bệnh viện. Làm việc hiến thân chứ không lương bỏng vì, những anh chị em nhà khá hơn có điều kiện làm thiện nguyện, mỗi tháng đóng tiếp tiền ăn. Mãi đến sau nầy có một số mạnh thường quân ủng hộ cất mới bệnh viện bằng nhà tường kiên cố. Để góp sức cho bớt hao chi phí, chú hai động viên các học trò theo học ngành y, nhân viên y tế, tích cực tham gia công tác xây cất bệnh viện bằng những vì mình có thể làm được. Ai làm thợ được thì làm, không cũng bưng gạch, vác cát, trộn hồ, chuyển hồ tới thợ. Thời cúng sáng xong mọi người bắt tay vào việc, làm cho đến giờ phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện mới thôi. Làm việc nhọc nhằn như vậy nhưng ai nấy đều hòa vui vì luôn có chú hai đi đầu trong các công việc đặng khích lệ tinh thần, dạy dổ ngọt ngào. Đến giờ dùng cơm, đặc biệt là tất cả đều dùng chay, dọn ăn tập thể, luôn nêu cao tinh thần bình đẳng sự sống, cho dù chú hai có ngồi ăn ở mâm bàn nào thì đồ ăn của mâm bàn đó không nhiều hơn, và những mâm bàn không có chú hai ngồi dùng cũng chẳng vì thế mà ít hơn…

Chuyện kể về cụ Thái Hòa đang hồi ngon ngọt, bổng Ban Tổ Chức cuộc lễ an táng thông báo đến giờ di quan, chiêng trống vang lên chúng tôi đành phải khép lại câu chuyện.
Cứ như chuyện kể thì cụ Thái Hòa Lê Văn Vui tài tình quá phải không? Đứng mũi chịu sào thành lập một bệnh viện hoàn toàn PGHH. Nhân viên các ban trong bệnh viện đều dùng chay, giờ làm xả thân làm giờ tu thì bỏ làm ra tu, y đức có thêm tâm đức, nhờ vậy mà bệnh viện trị hay có tiếng. Ở quận Chợ mới xưa đương thời có hai bệnh viện, một bệnh viện quốc gia, một nữa là bệnh viện tư nhân từ thiện Nguyễn Trung Trực, mà dân chúng trong làng như làng Kiến An tôi đây, ai có bệnh nặng phải chỡ đi nhà thương thì người ta chọn đến nhà thương Nguyễn Trung Trực.
Sự tài tình của cụ còn nữa … nữa, cụ khuyên những nhân viên trong ngành y đều không nên hút thuốc. Ở vào thời điểm đó thì khách quan khó tính có thể bức xúc cho rằng: Bệnh viện vì mà kỷ luật nghiêm khắc vậy! đây giống như chỗ tu hành, đã trường chay rồi mà còn phải giữ giới nữa, nếu không sao lại kêu người ta đừng hút thuốc? Ta thấy Tu Sĩ Thái Hòa đi trước thời gian khá lâu, Ông đã giảng dạy rất nhiều về sự hút thuốc có hại cho sức khõe, đồng thời nhà biết làm từ thiện, đạo đức, đừng nên dùng tiền lảng phí. Ngày nay các bệnh viện, không chỉ ở Việt Nam người ta đã lệnh không cho ai hút thuốc trong bệnh viện, chừng ni, những người khó tính đó mới hay thì cụ Thái Hòa đã đi trước thời gian quá xa.

25/9/2016

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016



Trời chưa thiệt sáng, Hương tranh thủ ra sân hái bông cúng rằm trước khi đi chùa lễ Phật. Sân bông nay trổ rộ mà nhứt là trên những buội bông Trang có ba màu Đỏ, Trắng, Vàng trồng liền nhau vun lên trông đẹp mắt. Chiếc bông nào cũng còn đang ngậm sương, đụng vào là lạnh vờn tay, vô ý làm động đậy mạnh nhánh lá bị nước vẩy lên mình, lên mặt. Hương vừa khỏi cơn cảm lạnh mấy ngày bởi đi đường quên đem áo mưa mà nước sương lạnh hơn nước mưa gấp mấy. Nếu chờ đến lúc vầng dương cho ánh sáng, Ông Trời thu sương lại mới ra hái bông thì trễ tính chuyện đi chùa, lòng thêm rạo rực. Bị mấy cái vẩy sương rờn rợn người nên Hương đi lấy nón Len trùm đầu, khăn Len quấn cổ … Hái đầy tràn trề chiếc thau dành để thỉnh bông cúng mà trên những buội bông vẫn còn đủ nét duyên mời mọc. Bông Hồng, Huỳnh Anh, có cái duyên mà kín đáo, lúp ló dưới tàng Mai sung lá xuề xòa. Hương chợt nghĩ về hoa … hái hoa còn thêm ngâm Sám Giảng:
“Vinh hoa dường thể Cúc Mai,
Cuối mùa tàn rụi lâu dài đặng đâu.”
Hái bông Trang ba màu đủ dùng, Hương lấy kéo nhấp khoảng chục chiếc bông Hồng, một nắm Huỳnh Anh nữa là đủ. Hương đi lấy ghế thấp ngồi tuốt lá, trẩy gai những hoa, ngâm nước rửa sạch đâu đó rồi đem để trên bàn có ba chiếc bình bông đợi sẵn… Hương đi một tý trở lại với phục sức khác, cũng cái hình dáng của Hương nhưng nó đã làm phân biệt màu sắc lúc hái hoa khác với lúc dâng hoa cúng Phật, các đấng linh thiêng.
Không biết cô bé Hương lòng nghĩ gì mà lúc cha của Hương chết bởi rượu chè quá chén sanh hoạn, khi Hương mới mười sáu tuổi thì đã bắt đầu dùng chay trường và nghỉ học giữa học kỳ năm lớp 10 mà cô bé Hương lại là học sinh thuộc dạng giỏi nhứt nhì trong lớp được Thầy, Cô thương, bạn mến. Hương giờ lên 21 tuổi, mặc bộ bà ba đen mới may, tuy có hơi mắc cở vì lần đầu trong đời mặc kiểu dáng nầy nhưng cô cảm thấy hài lòng, hãnh diện được khoác lên mình bộ đồ dáng đạo đã từ lâu mong ước. Bà lan, mẹ của Hương rất khó chịu khi thấy Hương mặc đồ như thế, cho dù con gái đang kết hoa cúng Phật bà cũng không từ, nhắc chừng những lời nghe trơ trẻn và cũ kỷ:
- Con gái lớn lên thì phải có chồng, mặc phải cho màu sáng sủa để không bỏ lở khi có cơ hội đến.
Hương đang cho Bông vào bình, nghe nói, liền nhìn lên ánh mắt mẹ, ánh mắt không che giấu sự thương con… nhưng Hương thì quyết tâm, không dám nhìn ánh mắt mẹ lâu, e có “dạ buồn đổi chí” cô dứt khoác:
- Con thấy từ trước giờ, chỉ có hôm nay con mới thật sự mặc đồ sáng sủa nhứt.
- Con gái mới hăm mốt tuổi đã sớm trở thành bà già còn mồm mỏ…
- Đó là quan điểm của mẹ.
- Con cũng là phụ nữ
- Đâu phải hễ ai là phụ nữ đều phải có chồng. Đây không phải là quan điểm của con.
- Chứ quan điểm của con là gì?
- Con muốn làm nữ Tu-Sĩ
- Tu-Sĩ ! là gì hả?
- Là giữ độc thân suốt đời để chuyên tu tịnh hạnh.
Nghe được tiếng lòng của con nhưng Bà Lan không tin con gái của mình làm được điều nầy. Trước mắt bà, trong xóm đã có nhiều cô cậu tu lúc trẻ tuổi cũng nói mạnh nghe biết ngán, quyết giữ độc thân tu hành. Xưng hô tu nầy tu nọ cho dữ, đi chưa tới đâu bị tình dục “bắn sẻ” chết trong trận. Xem ra suốt kiếp suốt đời được mấy người! rơi rớt dọc dường dọc xá, bất lực với dục vọng níu trì, già đứng một chỗ không yên đừng nói là đi lên miền Cực Lạc, giữa chừng quơ hốt bậy bạ… làm xấu…Chèo thuyền từ sông mê qua bờ giác đi đã mấy mươi năm chừng chết cũng chết nơi bến sông mê với cảnh cha già con muộn hoặc loạn hoạn trong chuyện chồng của người nầy, vợ của người kia, ghê gớm tội. Bà Lan trằn trọc với những chuyện xảy ra trước mắt, nói với con gái:
- Mẹ không tin chuyện con giữ độc thân suốt đời. Nghe mẹ đi, đừng liều lĩnh nữa con gái !
- Con sẽ cho mẹ tin.
- Đến đổi phải làm cho mẹ tức lên thì con mới chịu sao?
- Dạ, con không muốn làm phiền lòng mẹ vì mẹ đã cho con hình hài nầy. Nhưng nếu mẹ thương con thì mẹ đừng nên ép con những điều con không chịu.
Bà lan thở dài.
Hương cắm xong mấy bình hoa tươi thắm liền thượng lên các ngôi thờ, xong việc, Hương cảm thấy mình như trơ trẻn quá về cuộc đối thoại mới xảy ra, tránh tiếp xúc với mẹ để không nghe bà nhắc nhở hôn nhơn, chuyện đời, mất thời giờ tỉnh tâm tu niệm, tinh thần xuống dốc là khác. Nhưng sáng sớm đã nói năng làm mẹ không hài lòng mà giờ hỏi mẹ đi cúng chùa thì rất là ngượng miệng… bổng Ông Cậu của Hương về đến trước nhà, mẹ đang lục đục cái gì trong buồng không hay, Hương ra tiếp cậu, nói nhanh nói gọn là mẹ ép con lấy chồng, nhờ cậu can thiệp với mẹ giùm, để con sống trọn đời tu. Giá như mẹ có đặt cho con chọn một trong hai điều kiện: một là xuất giá hai là bị đuổi đi, con sẵn sàng nhận điều kiện thứ hai mà không cần suy nghĩ vì nhiều.
Cậu rầy Hương đừng quá lo sợ mà suy nghĩ đến mức trầm trọng. Cậu đây thứ ba tên Điệp là em trai của bà Lan, tu lúc hai mươi tuổi đến nay cậu vẫn độc thân, tuổi gần năm mươi. Hương rất quí kính cậu và dựa vào tinh thần mạnh mẽ của cậu mà tu tiến. Có lần trước bạn cùng tu Hương tự hào về cậu, mẹ cũng vậy, bà rất thương em trai của bà lắm. Nghe mẹ kể hồi đó cậu đi xa nhà cất cốc ở tu, nhớ thương em trai mẹ khóc, cằn nhằn với Ông Bà Ngoại sao cho cậu đi vậy.
Mách xong với cậu, Hương vào kêu mẹ có cậu ba về thăm. Nghe nói có em trai về thăm bà Lan mừng lắm, ngưng ngay việc lục đục trong buồng đi vội vàng ra, bất cẩn quẹt chân vào bệ cửa buồng, rất đau mà gượng… Mừng thì mừng nhưng vừa gặp em trai là bà trách:
- Đi sao mà lâu về thăm chị vậy?
- Em biết chị cũng khõe mà.
- Biết khõe là không về thăm sao? Coi cậu ốm quá rồi đó!
- Chị thấy vậy chứ em khõe lắm, suốt năm không bịnh hoạn gì.
- Hương à, làm nước cho cậu đi con!
- Thôi khỏi, cháu Hương định đi cúng chùa. Chị hãy để cháu đi có phước.
Có cậu về mẹ vui, cậu còn nói đỡ, Hương mừng quá:
- Thưa mẹ, thưa cậu con đi cúng chùa!
Thấy vẻ vội dàng của con gái, sợ nó đi vui mà về muộn, bà nhắc nhỡ:
- Có cậu đợi ở nhà, mau mau mà về đó, nghe chưa ?
- Dạ con nghe.
Hương gặp Cậu đi tu xa mới về, thích ở bên cậu để hỏi đạo, nhưng vì có những khó khăn bởi quan niệm xưa về chuyện phụ nữ sanh ra là để lớn lên xuất giá tòng phu, đành phải lánh mặt cho cậu bàn chuyện với mẹ. Hương biết mẹ rất thương kính cậu, hy vọng cậu mà nói thì mẹ phải nghe. Với lại, cậu cũng tu độc thân tới giờ, nghe mẹ nói hồi đó cậu tu tại nhà, Ông Bà Ngoại ép cậu cưới vợ nên cậu mới bỏ đây mà đi xa. Hương đã nhiều lần suy nghĩ hướng đi của cậu. Nay đứa cháu nầy gặp cảnh như cậu, chắc là cậu phải thương mình như thương thân cậu hồi đó.
Đến chùa, Hương lễ bái các ngôi thờ xong, ra ngoài không nghe thấy ai nói đạo, chỉ có gặp nhau cười cười giỡn giỡn. Hương đi thẳng xuống nhà bếp tìm chút công quả.
- Về thăm nhà lần nầy em rất là mừng _ Cậu ba Điệp nói
- Mừng về chuyện gì cho chị biết với?
- Cha mẹ sanh có hai chị em ta thôi. Em thì lúc còn trẻ đã sớm vươn vấn lòng về đường tu niệm; nghịch cảnh không được ở nhà sớm hôm trả hiếu cha mẹ. Nhưng em an tâm vì có chị lo lắng mà cha mẹ không thiếu thốn về cái ăn cái mặc. Nay vô thường đã biến cha mẹ từ có thành không và em chợt nhận ra lời dạy của Đức Thầy “ Lúc cha mẹ quá-vãng, hãy tu cầu cho linh-hồn được siêu-thăng nơi miền Phật-cảnh, thoát đọa trầm-luân”. Việc cầu cho linh hồn cha mẹ được siêu-thăng nơi miền Phật-cảnh đối với em rất là lớn và nặng nề. Chị không tu, em tưởng chỉ có mình em gồng gánh chuyện lớn nặng nầy, không ngờ bây giờ lại có cháu Hương chia sẻ em mừng lắm.
Nghe cậu ba khen nhắc Hương, Bà Lan uể oải thở dài:
- Sao chị không nói vì với em mà lại thở dài?
- Chị quá mệt mỏi với con Hương mà cậu còn nhắc.
- Cháu ở không tốt với chị sao?
- Không phải không tốt. Chị muốn nó phải có chồng.
- Cháu không chịu nên chị bực chớ gì?
Nghe giọng hỏi có ý mỉa mai Bà Lan phát lên tự ái vồn dập, không thèm ngó mặt em trai, lòng buồn buồn, không đáp; Ông Điệp nói:
- Em xin lỗi giùm cháu Hương đã làm cho chị ưu phiền rồi phiền lây tới em.
- Không phải chỉ mình con Hương cháu của cậu làm tôi phiền mà cậu nữa đó.
- Em nữa sao? Hơn năm rồi em mới về, chị đừng phiền lâu trong bụng. Em ở chơi vài ngày phải trở lại am cốc, giận lâu, em đi nữa thì uổng đấy.
- Cái cậu nhỏ nầy! chọc chị đó hả?
Bà Lan nói dứt câu liền cười, gương mặt ngộ lại, hỏi trỏng cho đỡ thẹn:
- Con Hương đi cúng chùa sao mà lâu thế chưa về!
- Chị đừng trông, cháu chưa về lúc nầy đâu.
- Sao lại là Lúc Nầy? Nó đã hẹn giờ với cậu sao?
- Em và chị nói chưa xong chuyện.
- Thế hôm nay nó nhờ cậu làm thuyết khách?
Ông Điệp không muốn thêm lôi thôi, đôi co với chuyện có thuyết khách hay không nghĩ cũng vô ích, hãy tập trung gở rối cuồn chỉ rối:
- Chị Hai! Em hiểu lòng mẹ thương con, sợ nó sống cô đơn nên tìm chồng cho con có đôi có bạn vui hưởng lúc sinh tồn. Em là cậu thì cũng biết thương cháu, nhưng chị và em thương cháu đến không cùng mục đích mà kết quả cho sự thương yêu đúng nhất là trí thương không phải muội thương. Anh rể chết sớm lúc chị chưa đầy 30 tuổi, hạnh phúc trăm năm ở đâu chứ? Chị đã bị gảy gánh một cái trăm năm, không tái giá không gây lộn sộn cảnh cha nầy con nọ, một mình nuôi ba đứa con. May là Cha mẹ mình cũng dạng có ăn có mặc với đời, ruộng vườn không thiếu, cha mẹ rất vất vả lo lắng cho ba mẹ con chị. May nữa là, từ nhỏ em đã phát tâm tu, không màng của thế, nếu không, em là trai mà ham lợi sẽ giành giựt với cha mẹ thì chị cũng đâu hưởng trọn cái phước báu của gia đình mình. Kể hết đời chị, đến ba đứa con của chị thì sao? Thằng Chỉnh, con trai cả trong nhà mà phải ra sống riêng, và chỉ một đứa con trai mà chị lần lược tới ba con dâu. Cháu Xuân, có chồng sanh hai đứa con bị chồng bỏ đi theo vợ bé, nó khổ chết lên chết xuống chị cho là trăm năm hạnh hạnh phúc sao?. Chị may mắn còn được út Hương biết tu hành, nó mang lại hạnh phúc cho cả nhà mà chị không thèm nhận. Đọc thân tu hành giá như có khổ thì một mình nó dễ lo, nếu cháu lấy chồng, sanh ra con cái đùm đề thì nó hai, ba, bốn mình, chừng khổ đến chị mặc sức mà lo khổ cho cái đùm đề của nó. Chuyện phân tách của em đâu phải là chưa đến với chị.
Bà lan bật khóc. Em trai của bà ngưng phân tách đề tài, hỏi chị có sao không, cũng trong tiếng khóc và nước mắt bà nói:
- Chị cám ơn em cho chị hưởng hết gia tài của cha mẹ. Em tu chơn chánh của chị! Nhưng gia tài em không màng đến đã bị thằng Chỉnh con trai của chị ăn chơi tiêu tán cả rồi.
- Thôi chị đừng nhắc. Những thứ thuộc dĩ vãng quên đi cho yên. Hãy bắt chim đậu đừng lo mà bắt chim bay. Giờ trong nhà chị, cháu Hương là con chim đậu, hãy để cháu ở cho vui nhà, là hạnh phúc. Tất cả những gì trước đây chị cho là hạnh phúc đều đã bay đi. Nếu chị thắm thía nổi đau của cuộc đời thì hãy lo mà tu hành, cầu Phật cứu khổ. Không có ai thương mình hơn tự thương và cầu Phật thương. Phật không thể cứu khổ cho người không biết tự cứu. Cháu Hương muốn độc thân tu hành, tự cứu khổ chị đừng ép cháu thành thứ hạnh phúc bay đi.
- Chị sợ con Hương nó làm không tròn, người ta cười.
- Đừng vì sợ cháu làm không tròn mà chận đứng đường tu của nó. Hãy nên ủng hộ, theo dõi và khuyến khích thì điều lo sợ sẽ không đến.
- Cậu chắc sao?
- Em chắc.
- Tôi nghe lời cậu khuyên, từ rày không ép nó lấy chồng, nhưng cậu cũng phải có trách nhiệm dạy dỗ cháu, kẻo sơ sẩy người ta cười. Cậu hứa không?
- Em hứa.
Hương đi chùa về trước sân, thấy cậu ba ngồi bàn đọc sách, mẹ lau quét bụi trên ngôi thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Gia đình có thêm cậu ba mà không khí rất dễ chịu. Hương tin chắc rằng cậu đã nói xong về sự mắc mớ giữa mình với mẹ, nên bà thể hiện chút dáng vẻ đạo, lau quét bàn thờ. Hương vào thưa mẹ, thưa cậu con mới về và xá trình các ngôi thờ không như thường lệ, Hương chấp tay lên trán miệng lăm răm một chút rồi mới xá. Bà Lan nhìn con, biết là nó đã niệm cám ơn Cửu Huyền Thất Tổ, Phật Tổ Phật Thầy và Đức Thầy độ mình. Bà cảm động thổ lộ qua ánh mắt thương yêu.
22/9/2016



Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

RẤT MỪNG CHO SỰ HỌC PHẬT PGHH

Tiếp chuyện với chư đồng đạo, rất mừng là được gặp gở với quý vị qua những đề tài Tâm là Phật, Phật là Tâm, làm Chơn chánh là Phật… Mừng vì huynh đệ nhà mình, dù sống trong đời tại gia cư sĩ, bận rộn nhưng có chí hướng thượng đáng trân trọng. Đức Thầy khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Ngài là Phật từ bên cõi Thiên Trước lâm phàm dạy tu theo đạo Phật. Phật dạy tu thành Phật là lẽ tất nhiên, không ai có thể phủ nhận. Xưa Đức Phật Thích Ca tu thành đạo như lịch sử đã chứng minh Ngài ngồi thiền-định dưới cội Bồ Đề chứng đắc quả Phật tại thế, truyền thừa xuống 33 đời tổ là pháp môn thâm sâu nầy. Đức Thầy dạy về pháp môn thiền-định như sau:
“Tâm bình tịnh được thì phát huệ.
Ta yêu chúng viết ra giảng kệ,
khuyên Tăng Đồ cùng các Tín Đồ.
Nghe cạn lời chớ có mờ hồ,
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo.”
Hoặc:
“Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu”
Ngài cho biết, người tu thiền định thì phải tu cho tới nơi:
“Định tâm thần như mặt nước hồ”.
Lúc tôi còn trẻ nhỏ chưa biết tu là gì, nghe chú bác cô dì bàn về chuyện tu hành thành Phật thì mấy cụ như có vẻ khinh khi buông một câu thiếu điều nhá lửa “ Mấy đứa hễ gặp nhau là bàn chuyện xa vời, cái thứ ăn cơm dưới đất làm chuyện trên Trời thì bàn rốt lại được gì?
Bị chê dở nhưng tôi thích, mấy cô chú nói nghe hay tai lắm mà những tiếng la rầy của một số cụ không mang ý nghĩa vì để tôi biết la rầy như vậy là đúng hay không. Sau nầy phát tâm tu, có đọc những câu giảng của Đức Thầy khuyên tu thành Phật tôi mới thấy ra ý nghĩa Phật dạy tu thành Phật là rất đúng. Dầu thích nghe, nhưng tôi biết tu thành Phật khó khăn đâu dễ mà được. Chẳng phải Đức Thầy đã nói như vầy sao!:
“Khó tìm cho gặp chủ-nhơn-Ông,
Còn ẩn ánh nơi vòng sanh-chúng.
Ai mê tâm nghe qua không phủng,
Rán suy tầm đặng mở tánh linh.
Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,
Thì cũng thấy bổn lai diện mục”.
Ta hiểu Đức Thầy là cổ phật lâm phàm dạy tu đắc đạo như Ngài đã khuyến khích môn đồ bài “giải thoát cửu huyền” như sau:
“ Rán tu đắc Đạo cứu Cửu-Huyền,
Thoát chốn mê-đồ đến cảnh Tiên.
Ngõ đáp ơn dày công sáng-tạo,
Cho ta hình-vóc học cơ-huyền”.
Nếu mục đích tu không để thành Phật thì Đức Thầy sẽ không nói ra chi cho uổng tiếng uổng lời.
Phật và chư đại tổ sư tu chứng viên thông đều từ pháp môn thiền định thấy tánh thành Phật. Chúng ta đọc trong Kinh Sách nhà Phật thấy ghi Phật tức tâm, ngộ nhận lái lý không cần dụng công niệm Phật, tham thiền; chê bai người Niệm Phật, tham thiền màu mè hình tướng, là không nên.
Đức Thầy bảo “Phật nọ tức tâm” là giáo lý dạy tu chứ không phải đương nhiên là Phật rồi. Dạy trong tâm có Phật để khi tu đừng chạy kiếm Phật ngoài tâm. Nói cách khác Đức Phật cho hay tất cả chúng sanh trong tâm đều có Phật, chỉ cho hay thôi chứ chúng sanh chưa là Phật thực sự. Phật có trong tâm và thành Phật là hai chuyện hoàn toàn khác nhau; bởi vì Phật trong tâm mới chỉ là Phật trên lý thuyết, chưa có nội dung một vị Phật, chưa thể hiện Phật chất. Ý nghĩa của giáo lý là phải từ lý thuyết đến hành trì, sự hành trì là trừ bỏ các giả tướng để sống với thật tướng. Thế nào là giả tướng? Tức những tướng sanh diệt.
Có người đọc thuộc vài câu giảng của Đức Thầy rồi đắc ý, chứng tỏ ta là … chấp câu “ Làm gian-ác là Quỷ là Ma, làm chơn-chánh là Tiên là Phật”, đi những việc từ thiện, giúp đời, độ người thì tự hào là làm chơn chánh, cho mình là Tiên là Phật. Thế gian có những kẻ độc ác trộm cướp giết người nhưng có lúc họ cũng thấy thương tâm cho một gia đình nghèo thiếu ăn thiếu mặc, đành lòng bố thí, ta cho đây là việc làm chơn chánh nhưng không thể coi họ là Tiên là Phật được. Bởi vì họ mới làm một chút xiếu việc thiện trong khi tội ác của họ không biết đến bao nhiêu lần mà kể. Phật là đấng toàn thiện chứ không phải chỉ thiện chút chút vậy đâu! Gọi họ là Phật thì rất là bất công với Phật toàn thiện. Họ tạm dừng chân trên con đường ác để làm một chút thiện chứ không phải từ nay thiện hoài hoài. Đắc Phật là Phật luôn chứ không phải Phật trong ít bửa hoặc giây lác rồi trở lại chúng sanh, như Đức Phật Thích Ca đắc Đạo ba ngàn năm rồi mà cho đến giờ chúng sanh vẫn còn Niệm Phật Hiệu của Ngài là Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Do đó câu “Làm chơn chánh là Tiên Là Phật” có ý nghĩa giáo lý rằng: Đức Phật luôn luôn làm thiện với chúng sanh và hướng dẫn chúng sanh đi lên đường thiện nghiệp, những chơn chánh Đức Phật đã làm nếu chúng sanh nào theo dấu Phật, làm điều chơn chánh như Đức Phật, coi là việc Phật sự. Việc Phật sự có tính công tác tôn giáo hơn là tính chuyên tu, rất khác với việc thành Phật.
Ta làm việc Phật mà chưa thành Phật bởi vì ta còn thiếu nhiều chất liệu mặt tâm linh: Khi Đức Phật làm điều chơn chánh tâm Ngài an trụ trong chánh niệm, chánh định có đi làm việc chơn chánh hay không làm tâm Ngài vẫn bình tịnh, sáng suốt, không bị bất cứ điều gì có thể làm cho Ngài thiếu bình tịnh sáng suốt, nguồn tâm sinh hoạt đều đều không có cặn cáo làm phai đi tâm tịnh, cũng không có bống đen vô minh hạn chế sức sáng suốt của Ngài.
Giả tướng từ lâu ẩn núp bởi vô minh, hành động trong bống tối, tâm Phật bị các giả tướng che phủ, bất giác hoàn toàn từ ý niệm dẫn tới hành động, nói Phật trong tâm chứ chưa sử dụng được. Ví như cây Tre, tiềm năng có rổ, thúng, cột, kèo, đòn tay các cái… nhưng cây Tre ấy còn nằm trong buội Tre đầy gai thì Rổ, Thúng, Cột, Kèo, Đòn Tay… các cái đâu có. Dựa vào thế nhà có trồng Tre mà nói bóng gió rằng: Tôi có Thúng, Rổ… là không thực tế.
Lúc xưa Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp ai Ngài cũng nói một câu “ Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài có thể thành Phật”, câu nói đã lột trần được sự thật về ý nghĩa Phật tức Tâm, Tâm tức Phật. “Có thể” là từ ngữ nói cho tương lai sẽ thành Phật thì hiện tại chưa phải là Phật; cũng như có thể làm ra Rổ, Thúng, Cột, Kèo, Đòn Tay … nhưng chưa làm, hiện tại nó còn là cây Tre thì không thể gọi là Thúng, Rổ, Kèo, Cột các cái được vì sự chưa làm ấy mà cả hai chúng sanh vẫn còn chúng sanh, cây Tre vẫn là cây Tre.
Cho nên ngay trong việc làm chơn chánh thì phải có cái tâm chơn chánh đi cùng, nếu không thì việc làm chơn chánh chỉ là cái vẻ bề ngoài, Tiên, Phật đi trước cách rất là xa. Có cái tâm chơn chánh ngay trong việc làm chơn chánh là mới hiệu quả cho một việc làm hay nhiều việc làm đương nhiên đã lên đường của Phật nhưng chưa đi cùng với Đức Phật, hành giả còn phải thai đổi tâm lý từ chơn chánh qua chánh tâm, chánh định…
Muốn có một tương lai tốt phải siêng năng làm cái vì đó từ hiện tại. Nhà nông, đối với các bác nông phu, nay không cày sạ lúa mà hy vọng bốn tháng sau trúng mùa, có lúa đầy bồ, là hy vọng ảo huyền.

19/9/2016