Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

NGHI VẤN 1
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC THỨ 14
NGHI VẤN VỀ CHÁNH TƯ DUY
Hỏi: xưa nay các nhà đạo học thường hay giải thích Đạo là con đường, đạo là chân lý tuyệt đối…trong “Luận về Tam Nghiệp” Đức Thầy giải thích với một ý nghĩa khác Ngài nói rằng “Đạo của con người kêu bằng đạo nhân, và nó là một con đường đi trúng là sống, bước trật tất chết”. Nhưng ở “luận về Bát Chánh” Đức Thầy nói “ Chân lý ấy là cái đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đố với mình. Có nhiều kiến giải như vậy, xin cho biết ý kiến của Ông giảng viên?
Đáp: Đức Thầy lâm phàm dạy đạo, xét trình độ học đạo của chúng sanh cao thấp không đồng nhau trong nhận thức nên Ngài cũng dạy đạo bằng nhiều cách, hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu của đa số. Khi bảo “Đạo của con người kêu bằng “đạo nhân” là để dạy những ai thích học đạo làm người. Đạo làm người theo sách vở xưa, dành cho nam giới học thuyết Tam Cang Ngũ Thường, dành cho nữ giới là học thuyết Tam Tùng Tứ Đức.
Đức Thầy cũng theo xưa mà dạy đạo nhân bằng như câu:
“Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,

Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người”.
Và câu:
“Ngũ luân lễ nghiã năm hằng,
Tam cang trung trực người rằng ngu si.”
“…Rán giữ gìn luân lý tam cang,
Tròn đức hạnh mới là cao quí”.
Từ sách xưa đó Đức Thầy có chút canh tân dạy đạo nhân lần theo hướng Phật, khuyên tín đồ “muốn làm tròn nhân đạo phải giữ vẹn tứ ân nhưng trước hết phải tránh tam nghiệp và trừ thập ác”. Tứ Ân, Tam Nghiệp, Thập ác đều là những danh từ Phật học, không dính dáng chút đạo nhân sách xưa. Xét con người ai cũng lãnh thọ tứ ân: Tổ tiên cha mẹ, Đất nước, Tam Bảo và ân đồng bào nhơn loại. Thọ ơn mà không trả ơn thì không thể gọi là người có nhơn đạo được. Cũng như con người còn phạm phải với người khác về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, phạm với người ta mà nói tu nhân đạo gì chớ?
Phật Giáo Hòa Hảo là chính danh đạo Phật bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca, chánh tư duy là một trong bát chánh đạo của Đức Phật. Giải thích về “ĐẠO” ở chánh tư duy là hoàn toàn đạo Phật. Hôm nay ta học đề chánh tư duy thì chữ “Đạo”cũng theo ý nghĩa của Bát Chánh Đạo. Trước hết phải tư duy về “Cái đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình”. 3 sự tư duy căn bản nầy được Đức Thầy dạy và cho ra đáp số.
Đáp số của câu “cái đạo của mình đối với nhân loại là : “Đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt. Đáp câu hai, “Của mình đối với Trời Phật” là “hãy tin tưởng Phật Trời và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chủng”. Đáp số câu 3 “Của mình đối với mình” là “Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo, an bần, xả thân tu tỉnh”.
Giờ chúng ta đi vào phần chi tiết của cả 3 thông số nói trên mà tìm đáp số các điều trong sự sống có liên quan đến chánh tư duy.
1, “Hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt” là gì?
Vòng trầm luân: Trầm: lặng sâu, Luân: dời đổi, luân lưu, luân chuyển; vòng trầm luân ý nói là vòng tròn của trục luân hồi sáu nẽo: Trời, Người, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Trầm luân trong sáu nẽo khi làm Trời người, khi làm ma quỷ, súc sanh. Theo tôi, điều đáng lưu ý là cứu giúp những ai trong vòng trầm luân thì chính hành giả (người cứu giúp) phải không nằm trong vòng trầm luân mới được. Kinh Pháp Cú dạy: “Người nào sa lầy không thể vớt được người sa lầy; chỉ có những người không sa lày mới vớt được người sa lầy”. Đức Thầy cũng bảo:
“nhiều người kinh sử lảu thông,
Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê”.
Tu là để thoát mê, người còn mê là bị độ chứ không thể tha độ. Hoặc giả, giúp người độ đời là việc làm nóng bổng không có thời gian chờ đợi, hành giả đang khi tìm cách vượt qua khỏi vòng trầm luân rủ người khác cùng làm cùng đi thóat khổ như mình, coi đây là người học có hành độ tha dầu miễn cưỡng nhưng thông cảm được. Tuyệt đối không chấp nhận người trong vòng trầm luân nặng nề, dạy người ta cách thoát khỏi trầm luân mà mình cố lỳ ở suốt cho nhiễm nặng. Đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp là có hướng tâm cao đi tới chánh đạo, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn công cuộc tìm phương. Tâm trí như vậy trong khi tu hành chánh đạo ta không có lý do gì buồn giận, hiếp đáp, làm khổ một chúng sanh khác, không thể có chuyện một người nào đó chuyên đặt tư tưởng mình vào công cuộc cứu giúp sanh linh mà đi giận phiền hay hại họ. Đó là cái đạo của mình đối với nhơn loại.
2, Đạo của mình đối với Trời Phật là hãy tin tưởng Phật Trời và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chủng.
Phật Trời là đấng thiêng liêng vô hình nhưng có ở tất cả. Khi ta làm một chuyện lén lút, tội lỗi, không ai biết nhưng Trời Phật biết, làm chuyện lành điều phải không ai hay nhưng Trời Phật hay, bởi thế nên dân gian có câu “Trốn trời không khỏi” là ý nghĩa ấy. Đấng thiêng liêng dầu vô hình nhưng có ở tất cả, nếu ta tin tưởng và cầu nguyện thì các Ngài ở gần nhứt kịp đến ban bố phước lành. Tôi dùng từ “gần nhứt” vì dựa vào lời dạy của Đức Thầy “hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc …” Người trong đời, ai làm công việc gì đó, đặt tư tưởng với không đặt tư tưởng kết quả khác nhau. Đặt tư tưởng có nghĩa là chuyên chú công việc, phán đoán sâu sắc, luôn nhớ mình làm công việc đó. Nếu việc tin tưởng Phật Trời và cầu nguyên đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chủng thì các đấng thiêng liêng lúc nào cũng ở gần, ta nguyện là có, chứ tu như mấy vị tín đồ “nhổ bàn thông thiên” để Phật Trời đi xa rồi ít bửa trồng lại. Đức Thầy không cho việc làm nầy là tốt và nói trong sự xác quyết “Phật Thánh đi xa khó rước liền”. Nếu ta tin tưởng Phật Trời theo thói quen chiếu lệ không đặt tư tưởng chơn chánh trong cầu nguyện mà đi cầu nguyện giùm cho người khác, kết quả không nhiều.
3, Đạo “của mình đối với mình” là  “Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo, an bần, xả thân tu tỉnh”. Nếu đặt tư tưởng cứu giúp nhân loại, cầu nguyện Phật Trời mà không đặt tư tưởng tự cứu mình ra khỏi vòng trầm luân oan nghiệt là không được đâu nha! Rao bán thuốc bổ rất xơm tụ mà người ta nhìn cái Ông rao bán quá gầy gò… ai dám? Người luôn luôn bị đắm chìm bị đè trên đầu trên cổ, tự thoát còn không có khả năng lựa là chuyện cứu thoát ai?
Lý luận về giải thoát tới ngay cũng chỉ là lý luận, nếu không thực tế đi kèm thì chỉ là lý luận suôn. Phải hành trì từ bước một, lạc đạo tức vui với đạo. Nhà tu hành không tạo được niềm vui với đạo đức tất không bền; giải thoát là con đường đi lên, có khi dốc thẳm, không hăng hái là không chịu trả giá sự tu, gặp dễ thì tu lên, gặp khó tu cầm chừng hoặc xuống dốc. Tâm không vui với đạo như người đến xứ lạ bơ vơ, cảm thấy buồn mà để vậy chịu thì ít bửa cũng cuốn gói đào ngũ. Đạo trong lòng chứ đạo không ở cảnh, ở chùa, núi non am cốc. Ai không hiểu tận nghĩa tưởng vào chùa am là tìm được đạo rốt cuộc chẳng thấy đạo ở những nơi ấy. Người tu sở dỉ vào chùa là lòng muốn rời xa thế sự, bắt đầu vào cửa không xin giữ tấm lòng không. Vì rất sợ vật chất cám dỗ, nếu không đủ lý do tu chùa, tu núi, tu ở thế mà an bần, tức an tâm trong sự nghèo tất nhiên sẽ vững vàng tu niệm. Tu ở đâu, nếu để vật chất sa hoa cám dỗ, rù quến, cho dù tu chùa tu núi mà cái tâm khát dục về lợi danh tiền bạc … chẳng kết quả lắm đâu. Ta thấy những người tướng đạo còn sờ sờ mà đạo đã chết mất từ trong tâm; họ bị các món dục vọng đè đầu đè cổ, tỉnh không nổi đâu! Còn xả thân hả ? xả làm sao nổi chứ !
Tôi giải đáp câu nghi vấn trên nếu quý vị không còn vì thắc mắc thì cho thông qua câu khác .

29/4/2016

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

 TỈNH CÀ MAU và MỘ PHẦN ÔNG KÝ GIỎI.

Dự tính của tối hôm qua Không có gì thay đổi 6 giờ sáng ngày 16/4/2016 được một sồ đồng đạo tỉnh Bạc Liêu hưởng dẫn chúng tôi thẳng về thành Phố cà Mau là một tỉnh ở cùng Trời cuối đất.
Theo quyển sách nhan đề “Đức Huỳnh Giáo Chủ” do cụ Vương Kim biên soạn, ghi lại cuộc hành trình “Khuyến Nông” của Đức Thầy tháng 6 năm 1945 thì Đức Thầy có đi Hòa Bình, Giá Rai và đến tỉnh Cà Mau. Còn theo Sám Giảng quyển nhứt “Khuyên người đời tu niệm” kể về cuộc đi dạo lục châu Đức Thầy có đoạn:
“Đi cùng thành thị ráo trơn,
Cà Mau đến đó thiệt hơn tỏ bày.
Cho trong nam nữ chợ nầy,
Rõ việc dẫy đầy lao lý về sau.”

Lời thơ bổng trầm đã dạo lên từ năm 1939, âm ba của tiếng kêu thương “lao lý về sau” đã nhắc nhở xứ Cà Mau dân ở chợ cẩn thận hơn về cuộc sống. Thành phố Cà Mau chúng tôi đi qua với một buổi sáng đẹp trời, đường phố chưa nhộn nhịp lắm, chúng tôi tiếp tục tiến đến huyện Trần Văn Thời tham quan những đồng ruộng. Gần như huyện nầy có nhiều đất ruộng nhưng nó đang độ đồng khô cỏ cháy. Theo một số nông dân đây cho biết, làm lúa đợt qua nước mặn xâm nhập bị hư, có vùng ruộng nửa mùa có ruộng còn non hơn và cũng chỗ lúa nhiều tuổi hơn mà bị nước mặn đến thìn lình là hoàn toàn bỏ của. Từ ấy, những kênh trong vùng đều cho đắp đập chận mặn. Chận đến khô cả những con kênh mà nước ngọt chưa trở lại, nông dân phải đợi không biết chừng nào.

Khám mặn những điểm cần thiết xong chúng tôi trở về chỗ hôm rồi thì bống trời gần đúng đỉnh đầu. Dùng cơm xong xem lại đồng hồ đã chỉ 1 giờ chiều, chúng tôi hối nhau thu dọn hành lý trở ra thành phố Bạc Liêu viếng mộ phần của vị cao đồ PGHH Võ văn Giỏi, nhà 5 cô và nghỉ đêm ở nhà trọ để sáng mai gần đường về tỉnh Sóc Trăng, nhưng đồng đạo nơi đây muốn chúng tôi ở lại đêm nữa để chuyện trò nên yêu cầu Ông Thái thanh Hùng (Bé Năm) cho tài xế đem xe du lịch 7 chỗ đưa đi thăm viếng và rước chúng tôi về. Bây giờ thì khõe rồi, không ngồi trên yên xe hai bánh với hai cập đồ ép xát người mệt mỏi suốt đường xa. Xe 7 chỗ nhưng chúng tôi chen lên xe 11 người. Chủ xe Thái Thanh Hùng tiếc rằng Ông có một chiếc xe 16 chỗ nhưng tài xế về nhà, chỉ còn tài xế xe 7 chỗ không được phép lái xe 16 chỗ nên quý đồng đạo phải chịu ngồi chật. Tôi được mời ngồi ngăn trước với tài xế; nói theo người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu “Khõe re như con bò kéo xe”.

Một vùng mộ qua màu thời gian xem xưa thật là xưa, nhà mồ mốc thếch đồng đạo Lê Đức Nghĩa người hướng dẫn tham quan nói với chúng tôi: năm 2014, tôi cùng Ông Thái Thanh Hùng với một số đồng đạo khác sau khi dò hỏi biết nơi nầy là mộ phần của tộc họ nhà Ông Ký Giỏi, chúng tôi cho phát quang rừng rậm, cỏ cây mọc lúc đầu người, nhứt là cây điêng điểng, làm hì hục mấy ngày, dọn bỏ một số vật uế nhơ. Vì là nơi vắng vẻ sầm uất, những tên gian hồ phiu bạt nghiện ngập đã bỏ đầy trên nền nhà mồ những óng kim chít, chiếu chăn bẩn thiểu. Đồng đạo Thái Thanh Hùng nhìn cảnh mộ hoang dơ bẩn ức lòng không chịu nổi đã đi gặp chánh quyền tỉnh Bạc Liêu xin phép nâng cấp các ngôi mộ trong khu vực nhà mồ có Ông Ký nằm, chờ đợi mãi đến nay 2016 chưa có tin tức vì về phía chánh quyền.
Lê Đức Nghĩa tóm tắt xong câu chuyện, chúng tôi đi qua đi lại nhiều ngôi mộ. Có tấm bia đề Nguyễn văn Giỏi tôi biết vì bất cẩn người ta để lệch họ Ông thôi. Gì sao tôi dám nghĩ như thế ? Cứ nhìn bia ký của mộ, ngoài họ Võ thành họ Nguyễn thì ngày tháng năm sanh năm tử đều đúng sách vở; còn nữa, cập bên có vuông mộ chưa chôn đã quá củ mà gia tộc của Ông ký giành phần cho bà Ký, đâu hiểu rằng theo tiên tri của Đức Thầy bà Ký sau nầy chết không được chôn đây. Trong đời không thể có hai câu chuyện trùng hợp vào lời tiên tri của Đức Thầy.

Xưa lúc Đức Thầy ở nhà Ông ký Giỏi có cô sáu Nguyễn Thị Nhạn, em gái bà năm Cò (Cò Nhạn) và Đức Thầy có viết tặng bà một thi phẩm thất ngôn bát cú đường luật. Cô Sáu từ Sài Gòn vào viếng Đức Thầy, Đức Thầy nói với cô sáu: sau nầy nhờ cô chăm sóc bà Ký.
Thầy ơi con ở Sài Gòn vào _ cô sáu có ý từ chối _ có phải người của xứ đây đâu Thầy kêu con chăm sóc cô Ký.
Việc đó Tôi biết _ Đức Thầy xác định với cô sáu.
Ông ký mất vào năm quý tỵ 1953, chôn cất Ông Ký, gia tộc đã tạo sẵn chỗ cho bà kề cận bên chồng nhưng bà không theo đó và đã qua đời năm 1987 hưởng thọ 90 tuổi mộ phần nay ở tỉnh Bình Dương. Ta thấy lời tiên tri của Đức Thầy bảo cô sáu Nhạn chăm sóc bà Ký đã đúng. Thật vậy, có lệnh chăm sóc nên cô sáu phải chịu mãn phúc sau bà ký 4 năm đủ để lo việc mồ yên mả ấm cô sáu mới ra đi ngày 22/4/1991. Cái vuông cận phần mộ Ông Ký chịu để tróng mãi mãi.
Nói là đi viếng mộ Ông Ký một vị tín đồ có tên tuổi trong PGHH cũng là vị ân nhân của thể xác Đức Thầy. Tính theo lộ lớn từ ngoài đi vô thì mộ Ông Ký nằm sát vách phía trong, đi trải qua nhiều ngôi mộ mới tới, chủ nhà mồ là Ông Triệu Vạng Tượng, nếu không được giải thích Ông nầy là ai có dính líu gì với gia tộc Ông Ký chắc lòng tôi khó chịu lâu. Viếng xong vùng mộ, Lê Đức Nghĩa dẫn chúng tôi đến nhà bà Lại thị Lan năm nay 81 tuổi cháu kêu bà Ký bằng dì, tôi hỏi về Ông Triệu Vạng Tượng Bà Lan Nói:

Triệu vạng Tượng là Ông của tôi và là nhạc phụ của Ông Ký Giỏi, Dì hai tôi ( bà Ký) tên họ là Triệu thị Vạng, con gái của Triệu Vạng Tượng; Ông tôi sanh năm 1863 mất năm 1925, gia tộc lập nhà mồ 1926.
Bây giờ thì tôi đã hiểu, khu vùng mộ và xây cất nhà mồ 27 năm sau, 1953 mộ phần Ông ký mới có.
Qua những chuyện dẫn trên, dù tôi không kể Ông ký và 3 người bạn học thức có du học Pháp quốc đã cùng làm lễ quy y với Đức Thầy tại nhà Ông sau khi Đức Thầy giải thích tính khoa học về cây quạt máy, Ông ký cũng đủ để có cái danh dự là cao đồ của Đức Thầy, PGHH.
Thọ lễ quy y xong, Ông ký dạng tín đồ mẩu mực “quy y thì phải làm y” từ đó chuyên cần hành đạo. Ông tạo một phòng riêng trong nhà, vào đó giữ cái yên lặng mà tu tâm dưỡng tánh. Ít khi ra khỏi phòng, bởi vì thường tu nên Ông mặc áo choàng dà suốt, tiếp khách đến bất ngờ Ông cũng nghiêm trang đạo phục như thế.
Được Đức Phật A Di Đà hiện đến thọ ký vãng sanh, Ông đem chuyện báo cho người trong nhà biết để theo dõi. Trong khi sức khõe Ông rất tốt, không có dấu hiệu bệnh hoạn. Chiều ngày mùng 5 tháng 9 năm quý tỵ 1953 Ông tự tắm rửa sạch sẽ thì tối đến rạng 26 Ông được Đức Phật Di Đà rước về cõi Tây Phương, hưởng thọ 61 tuổi.
Còn nhớ, khi chúng tôi đi viếng mộ Ông ký, thấy chung quanh tường rào nhà mồ, nhiều cây bồ đề mọc lên, có cây mọc rễ dưới nền xi măng có cây mọc khơi khơi trên chót vót hàng rào tường. Trong Phật Giáo có ai không biết chuyện cây bồ đề đã đi trong lịch sử đạo Phật mấy ngàn năm qua, đi từ Phật Thích Ca ngồi thiền định dưới cội bồ đề mà đắc đạo và Kinh Phật cũng đã bảo trì tính bồ đề với danh xưng Đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Rời khỏi nhà bà Lại thị Lan Lê Đức Nghĩa hướng dẫn chúng tôi đến Nhà Năm Cô cũng trong thành phố Bạc Liêu. Năm cô đây là 5 cô gái chị em ruột sống độc thân, nghề nghiệp nhà giáo. Các vị cũng khá lớn tuổi. Theo lời Lê Đức Nghĩa và chú tài xế thì nhà năm cô Ông cụ trước kia đã có quy y với Đức Thầy và được Đức Thầy trao cho vật kỷ niệm. Chúng tôi đến, sau lời chào nhau tôi hỏi xin xem bảo vật của Đức Thầy cho. Nhà chỉ có 3 cô nói chuyện với chúng tôi, một trong 3 cô tiếp chuyện, thấy già tôi tưởng là chị cả, cô trả lời những bảo vật ấy vì sợ mà bà cụ (mẹ)đã đem giấu, đến khi bà cụ qua đời giờ không còn ai trong nhà biết những tín vật đó ở đâu.
Nghe tiếng “Bà cụ giấu mất” tôi tiếc nhưng còn dễ chịu, lác sau có một cô trong buồng đi ra, gương mặt già hơn, tôi nghĩ sộ, đúng đây là chị cả, cô nói một câu  tôi nghe muốn xây xẳm mặt mày:
Cha tôi không có quy y với Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ thích là đem hình Đức Thầy về nhà, không có vật kỷ niệm gì cả.
Người em nhận có gìn giữ vật kỷ niệm với Đức Thầy, nhưng mẹ sợ quá đã đem giấu mất tích; chị lại phủ nhận sự thật về đồ vật còn nói cha tôi không có quy y PGHH, chúng ta tin ai?
Có lẽ vì nhìn mặt chúng tôi xa lạ quý cô sợ mà không dám nói thật. Cũng có thể đồ vật kỷ niệm ấy còn để trong nhà. Muốn bảo quản vật kỷ niệm, của còn nói mất nghe cũng được đi. Đàng nầy phụ thân của cô có quy y không thì tôi chưa hỏi, cô lại đoán mò vội vàng phủ nhận. Đáng tiếc thay câu: Cha tôi không có quy y với Phật Giáo Hòa Hảo. Nếu Ông cụ đã quy y với Đức Thầy, con Ông phủ nhận như vậy thì quá là tội nghiệp cho Ông.
Rời khỏi nhà năm cô, trên đường về chúng tôi có ghé viếng tượng đài Quán thế Âm.
27/4/2016



Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

BUỔI HỌC THỨ 14
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
LUẬN VỀ CHÁNH TƯ DUY
                                           NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay là buổi học thứ 14, học qua đề mục  Luận Về Bát Chánh, tiết học: Chánh Tư Duy. Tư duy thuộc về tinh thần, hy vọng chúng ta sẽ vận dụng tinh thần học thuộc chánh văn trả bài lưu loát và nhớ kỷ những ý chính của sự giảng giải. Tiết học hôm nay không dài lắm, mong chúng ta chăm chỉ trong khi nghe chú giảng, hiểu nghĩa để sau nầy tùy duyên học hạnh. Giờ chúng ta vào thứ tự của chương trình hôm nay.
PHẦN 1: CHÁNH VĂN:

“Chánh Tư Duy.- Tư-tưởng chơn-chánh.
Sanh ra ở trong trần con người thường hay bị các thị-dục cám-dỗ: lợi danh, quyền-tước, nghĩa vợ tình chồng …; cái tư-tưởng đã rù quến tâm-trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thế nào thoá-ly ra được. Ấy về phần tà.
Phần chánh dạy rằng: Tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư-tưởng cho thanh-cao, trí rán tìm cái chân-lý, chân-lý ấy là cái đạo của mình đối với nhân-loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình. Vì thế, hãy đặt tư-tưởng mình vào công cuộc  tìm phương cứu giúp sanh-linh trong vòng trầm-luân oan-nghiệt. Hãy tin-tưởng Phật Trời và cầu-nguyện đấng thiêng-liêng ban-bố phước lành cho nhân-chúng. Hãy tìm con đường giải-thoát cho mình bằng cách lạc-đạo an bần, xả thân tu-tỉnh.”
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG:
Chánh tư duy: Tư: suy nghĩ, xét nét; duy: tưởng nhớ, nhớ lại; chánh tư duy: suy nghĩ, nhớ lại những điều đáng nhớ, chơn chánh. Suy nghĩ rất quan trọng vì nó sẽ dẫn tới hành động thiện ác hoặc phạm khẩu nghiệp, do vậy Đức Phật đặt chữ “chánh” trước chữ “tư duy” để nhắc nhở sự tu rằng luôn luôn giữ ý tưởng, nhớ tưởng những điều đạo đức thanh cao.
Tư tưởng chơn chánh: Tư: suy xét, nghĩ ngợi; tưởng: nhớ, tưởng tượng, nhớ tưởng; chơn chánh: ngay thẳng đúng đắn. Tư tưởng chơn chánh là suy nghĩ, nhớ tưởng những điều ngay thẳng chánh đáng, những suy nghĩ nhớ tưởng hỗ trợ cho tiến trình tu hành. Đức Thầy dạy:
“ Chánh tư duy mục ấy thanh cao,
Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ.
Trên cùng dưới dù Thầy hay tớ,
Cũng tưởng điều trung chánh mới mầu.
Việc vui say mèo mã đâu đâu,
Hãy dẹp gác nhớ câu lục tự”.
Thị dục cám dỗ: Thị: mắt thấy; dục: lòng ham muốn, lôi cuốn; cám dỗ: làm cho say mê vật chất, cảm tình, khó khăn cho sự tu hành. Thị dục cám dỗ: xin ghi những diễn tả của Đức Thầy làm sự kiện điển hình:
“Nhản thấy thường hay bận bịu,
Tai ưa nghe những điệu âm thinh…”
“Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay…”
Nhà tu hành, Ở đây Đức Thầy dùng từ rù quến đặc biệt về tinh thần không một chút vật chất nào “Rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát ly ra được”. Những sự ấy tức là “Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng”. Bị cảm dỗ, của mắt căn với sắc trần, nhỉ căn với thinh trần… chẳng những tu không tiến bộ mà còn có thể bán đồ nhi phế (bỏ dở nửa chừng).
Nghĩa vợ tình chồng: Tình nghĩa mặn nồng của đời sống hôn nhân, dây tơ tình đã cột chặc trong đam mê. Nói gì ra cũng là tình nghĩa, bổn phận vợ đối với chồng, chồng đối với vợ. Tu tại gia cư sĩ tức tu chung trong nhà có vợ có chồng. Nhưng tu là đi theo pháp môn của Phật dạy là Thiền hay Tịnh độ; vợ chồng không phải là pháp môn; trong khi tu hành mà bị tình nghĩa vợ chồng làm mê hoặc mất phương hướng Thiền Hay Tịnh Độ, chẳng lẽ nghĩa vợ tình chồng lại là pháp môn sao? Thay đổi pháp môn như vậy là kiếp tu không đạt mục đích. Nên người tại gia cư sĩ hãy cẩn thận trong khi tu chung nhà đừng để mê hoặc mất phương hướng.
Rù quến: Rù quến tức là rủ đến một cách không chánh thức, vì nó mời mọc bằng cách dụ dỗ chứ không phải đàng hoàn như mời một vị khách quí. Ông Bà cha mẹ hay rầy các cháu nhỏ: Mầy rù quến nó lại nhà phá đồ phá đạc, hay: nhà chú ấy chuyên môn rù quến bạn rượu, hoặc nói: để cục đường đặng rù quến kiến… Ý nghĩa của rù quến là kéo lại, rủ lại nghiện chơi.
Tâm trí: Tâm có ba nghĩa vừa vật chất và tinh thần. Nghĩa vật chất thì tâm là trái tim, tâm là chính giữa (trung tâm, tâm điểm). Về tinh thần tâm là tấm lòng, tấm lòng có chơn tâm và vọng tâm. Vọng tâm là tâm vọng động về việc quấy, chơn tâm là tâm như như bất động, không bị dời đổi bất cứ diều gì, nó luôn tròn sáng, chính chơn tâm ấy nhà Phật gọi là Phật Tâm. Trí là cái dụng của tâm, lúc tâm là vọng tâm thì trí quay cuồng theo để vọng khởi lu bu về việc đời, trần tục; khi tâm là chơn tâm là không còn sự ô nhiễm, không sanh khởi, như như tỏ sáng. Đức Thầy diễn tả hai loại tâm trí, tâm trí của lúc vọng tâm và tâm trí của lúc chơn tâm:
“ Người tâm trí tối đen, đời lắm ma vương khuấy rối”
“Tu rèn tâm trí cho minh,
Tánh kia thành kiến phỉ tình chùi lau”.
Quay cuồng vào những sự ấy: Quây cuồng: mất sự thăng bằng, đứng không vững. Ví dụ người bệnh chóng mặt mở mắt thấy Trời đất quay cuồng, người nghe hung tin như sét đánh bên tai, bị cú xốc mạnh về tinh thần làm họ ngả bệnh nặng. Vào những sự ấy: là những sự được Đức Thầy đưa lên làm điển hình: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng...
Thoát-ly: Thoát: ra khỏi vòng kìm kẹp, sự cai quản của người khác, ra tù; ly: lìa nhau, cắt lìa, ly biệt, ly hương, ly hôn… Thoát ly tức ra khỏi sự khổ, cắt lìa chiếc vòng trói buộc mà mình đã chịu đựng, trói buộc của dục vọng, của cơ chế chính trị, chánh sách nhà nước chẳng hạn. Ở đây Đức Thầy dùng nghĩa thoát ly ra khỏi sự kìm kẹp của lòng dục vọng.
Ấy về phần tà: Ấy: những thứ vừa liệt kê trên do mắt thấy liền sanh dục vọng danh, lợi, sắc, tài nó thuộc phần tà, vì đi ngược với chánh.
Tâm cần phải bình: Bình: yên lặng, vắng lặng, bình tịnh. Đức Thầy có câu:
“Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ”.
Bình được tâm như nước không gợn sóng, có tâm mà vô sự giặc phiền não thì tâm hiện tính Bồ Đề.
Tánh cần phải tịnh: Tịnh: trong sạch. Bình tâm là trạng thái tâm vô sự, tịnh tâm là tâm trong sạch, từ sự vắng lặng hiện tính Bồ Đề sẽ đi đến trong sạch tính “ bổn lai vô nhứt vật” của Lục Tổ Đàn Kinh. Bình Tâm đi đến tịnh tâm.
Giữ tư-tưởng cho thanh cao: Tư Tưởng là những suy nghĩ, tưởng nhớ; thanh cao là thanh sạch, cao siêu. Giữ tư tưởng cho thanh cao, vì suy nghĩ có biết bao điều mà kể, Đức Thầy đặc biệt đưa lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng… làm  sự kiện điển hình. Người tu luôn luôn với tâm hướng thượng, không được hướng hạ nên Đức Thầy dạy phải có chánh tư duy, nghĩ nhớ những điều đạo đức, thanh cao là không cho hướng hạ.
Trí rán tìm cái chân-lý: Chân: sự thật không thể cải chối được; lý: luận lẽ chân thật, không viện dẫn quanh co. Chân lý là sự thật không bị dời đổi bởi những kẻ đa văn quảng kiến hay những người có quyền huy thế lực, nó hằng hữu trong tâm tánh con người. Nhứt thời người không tìm được chân lý thì sống giả làm thật nhưng không phải vậy mà làm cho chân lý trong người đó mất đi, nó bị che đậy bởi lớp vô minh, bởi ngoại cảnh nổi bật sự cảm tình, nhận ngụy làm chơn mà chân lý không phát sáng, chỉ tạm thời không phát sáng chứ không mất.
Mình đối với nhân-loại: Nhân loại là loài người ở khắp vũ trụ, không riêng quốc gia nào. Đức Thầy giải thích “chân lý là cái đạo của mình đối với nhân loại”. Đạo của mình tức sự thể nghiệm đạo đức trong từng cá nhân, ai thể nghiệm bằng giác ngộ sâu về đạo thì trải lòng yêu thương nhân loại rộng ra, người ở chỗ mình nước mình đến người ở chỗ khác nước khác, nghe họ khổ ta thương, nghe họ đói ta muốn giúp và sau cùng vì nổi khổ đau của nhân loại ta rán tu cầu cho họ như hằng ngày ta nguyện “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật” là chuyện trước mắt, ta còn phải rán tu cho viên thành Phật quả cứu độ chúng sanh.
Mình đối với Trời Phật: Trời, Phật là hai ngôi bề trên ta, lúc nào cũng sẵn sàng vì người ở chốn hồng trần, để lúc nào trần gian có chuyện ta nhờ đó mà cầu Trời Khẩn Phật cứu độ. Còn nếu ai thường nguyện, không đợi có chuyện xấu ác xảy ra mới nguyện là Phật Trời gần gủi ta hơn. Tu có Phật Trời gần gủi là tu mau có kết quả, tu đúng đường! Do vậy ta xét mình có bổn phận đối với các vị ở ngôi thiêng liêng, vâng lời Phật chỉ tu hành, theo lẽ tự nhiên của Trời, ban bố sự sống cho vạn vật ta cũng tập ban bố sự yêu thương của ta đến mọi người, tập cứu độ bá gia như Phật Trời cứu độ.
Mình đối với mình: Mình là tấm thân ta đây, nếu chỉ biết hai cửa đạo giúp người và cầu nguyện cho người bằng việc mình đối với nhân loại, mình đối với Trời Phật mà thiếu mình đối với mình là không đạt kết quả của sự tu hành. Mình đối với Nhân loại là thương yêu, giúp đỡ, mình đối với Trời Phật là cung kính nguyện cầu, mình đối với mình là vâng lời Phật dạy để tự cứu ra khỏi lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng, “tâm bình tịnh được thì phát huệ” cắt đứt vòng quay của sáu nẽo luân hồi.
Hãy đặt tư-tưởng mình vào công cuộc: cụm từ nầy vạch rõ tư tưởng rất quan trọng, việc vì mà không đặt tư tưởng vào đó, làm lấy có, không kiến thức trong khi làm là khó chu đáo công việc. Ông Bà thường hay quở các cháu nhỏ: Tụi bây chẳng ngó ngàn nhà cửa, không có kiến thức bảo quản gia thế, mấy Ông Bà già nầy chết, tụi bây không có đất mà cạp. Đặt tư tưởng vào công cuộc; Nói đến “Công cuộc” ta nghĩ là chuyện lớn lao, những việc làm lớn lao cần nên đặt tư tưởng vào đó để bảo vệ, bảo quản tốt, duy trì việc làm, việc tu, hùng dũng vượt qua các chướng ngại.
Tìm phương cứu vớt sanh-linh: Tìm phương: từ ngữ nầy như đặt ta đứng trước một ngỏ cụt định mệnh mà ta không có quyền ngồi yên chấp nhận sự khổ đến với ta hay mọi người, phải tìm phương hướng cứu mình, cứu người. Đầu tiên của việc cứu mình là tu được trước những thứ cám dỗ của lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng … sau là hành trì pháp môn tu thiền hay tu tịnh không gián đoạn để có kết quả tốt là đạt đạo giải thoát, từ đó lo giải thoát cho mọi người. Đức Phật Thích Ca lúc còn là đông cung thái tử, lúc đi dạo bốn cửa thành thấy cảnh Sanh, Lão, Bệnh, Tử đến với người khác mà thương. Đức Thầy diễn tả tâm trạng của thái tử:
“Về đền đài cảm xúc buồn riêng,
Hằng để trí tầm phương giải thoát.
….
Đạo gần đắc ma vương theo khuấy
Dùng thần thông nghị lực dẹp tan.
Ấy mới vừa đắc đạo hoàn toàn,
Và lần bước phô trương độ chúng”.
Vòng trầm luân: Vòng: Dây có vòng, vẽ vòng, vòng cấm cột buộc; trầm: chìm xuống; luân tức luân chuyển, luân hồi. Vòng trầm luân: ý nói con người bị chìm đắm trong sáu đường: Trời, Người, Thần A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh chịu sanh tử đọa đày từ kiếp nầy qua kiếp khác.
Oan nghiệt: Oan: sự oan trái, oan ức, nổi oan; Nghiệt: thứ chướng, oan oan tương báo, yêu nghiệt, Đức Thầy có câu:
“Ta bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu kết oan khiên báo đền,
Thiều quang thắm thoát dường tên,
Mắc vòng sanh tử có bền được đâu.
Chi bằng theo học đạo mầu,
Sóm qua khổ hải theo hầu Phật Tiên.”
Oan nghiệt là quả của cái mầm làm ác, có nguyên nhân sanh ra ác để giờ chịu ác quả.
Hãy tin tưởng Phật Trời: Tin tưởng: đặt niềm tin vào Phật Trời luôn luôn thương yêu chúng sanh và có khả năng cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau trong sáu nẽo luân hồi mờ mịt. Tin tưởng thì phải nghe lời dạy bảo, hành trì đúng.
Cầu nguyện: Hành trì để tự cứu mình ra khỏi vòng trầm luân oan nghiệt, sức tự độ cũng cần có Phật Trời cứu độ. Vì thế đức tin tôn giáo thường nhắm vào cầu nguyện các vị ơn trên tiếp thêm sức mạnh để vượt khó các nghiệp cảm, nghiệp duyên níu trì chằn chịt.
Ban bố phước lành: Ban bố: cấp cho; sự giúp đỡ của người với người gọi là bố thí. Danh từ “Ban bố” đứng ở địa vị cao, dành cho Phật Tiên Thần Thánh.  Có người đề cao ân nhân mình, dùng từ ban bố là quá lạm dụng nghĩa cho, có thể người ta sẽ cười là nịnh hót. Phước lành: mang đến điều tốt lành cho nhân chủng. Phước lành không chỉ riêng về tiền bạc, vật chất mà là tất cả sự may mắn, yên ổn, dưới trên hòa thuận một lòng, nêu gương tốt, việc tốt để cả nhà, cả chúng hạnh phúc.
Hãy tìm con đường giải thoát: Tìm con đường giải thoát: vì tất cả chúng sanh hạng cao hạng thấp cũng đi chung trong sáu nẽo luân hồi, sáu nẽo ấy cột chặc con người trong sanh tử chịu khổ. Trời, người, a tu la, là ba nẽo trên đỡ khổ hơn ba nẽo dưới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Dầu chưa xuống địa ngục nhưng ta cũng biết nơi ấy là chỗ hành tội của người phạm đầy ác lúc họ sống trên dương gian. Nay được kiếp người cũng còn trong luân hồi chịu sanh sanh tử tử, hãy mau mau tìm đường thoát ra, mãi mãi không sanh, lão, bệnh, tử. Đức Thầy có câu:
“Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẽo không lần bước ra.”
“Chúng sanh mê nên đem pháp thuyết,
Giải thoát rồi pháp bất khả dùng”.
Lạc-đạo: Lạc đạo là vui với đạo. Ai người tu hành mà vui với đạo thì sẽ không còn vui chuyện thế gian. Đạo đức tự tâm mình làm niềm vui chứ không phải vui cái vui “vỏ đạo”, chạy đầu nầy đầu nọ kiếm chuyện vui bên ngoài. Có người vui với đạo bằng đi làm từ thiện, hoặc rủ hai rủ ba ngồi nói chuyện lúc thì đạo, lúc thì đời, có người vui với đạo bằng đi sâu vào cảnh giới nội tâm, bất cần có ai đến hay không đến, bất cần có ai nói cho nghe hay không, bất cần sự sống nghèo giàu, bất cần miếng ăn ngon dở. Hành giả luôn thấy chính họ, nghe chính họ và sống với chính họ mà sự thanh bình, thanh khiết dàn trải sự tu qua Thiền Tịnh pháp môn. Khi hành Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà thì lòng của họ chỉ có Đức Phật chớ không có gì khác, lúc họ hành Thiền Tông là đi vào thiền định bức phá vô minh. Họ vui khi đánh ngả các vọng niệm chúng sanh, những dục vọng đã nhiều phen làm chao đảo thiền lòng.
An bần: An tâm trong cảnh nghèo thiếu. Người hành đạo xem đạo là trên hết, trong khi tu họ chấp nhận thiếu thốn về vật chất, vì thế rất an tâm trong cuộc sống nghèo. Hãy nhìn các Tăng Sư không có của riêng, vào chùa tu niệm, chùa cũng là của bá gia bá tánh cất lên, tăng sư chỉ có Tam Y là của riêng nhưng cũng phật tử cúng dường, không may túi đựng tiền, mỗi lần đi bát đủ dùng một bửa ngọ trai rồi lo tu, nguyện Phật độ chúng.
An Bần là quân chủ lực đánh bại các ham muốn để chúng không xuất hiện trong khi ta đang tìm đường giải thoát.
xả thân tu tỉnh: Xả thân: quên thân, sá vì cái thân nầy mà không dám chịu khổ công hành đạo; tu tỉnh là ngược lại với tu mê: tỉnh ngộ, thức tỉnh. Xả thân tu tỉnh tức dám hy sinh thân xác để bảo vệ đường tu, sự tu; bệnh đến không sợ, nghèo đói chết không sợ.
KẾT LUẬN:
Chánh tư duy là suy nghĩ những điều chơn chánh, giúp hành giả không suy nghĩ vạy tà, đua đòi danh danh lợi lợi phiền phức không đâu. Để được điều ấy Đức Thầy dạy “tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư tưởng cho thanh cao, trí rán tìm cái chân lý. Nếu giữ tâm bình tánh tịnh thì coi như việc tu hành từ từ đạt đến kết quả. Đồng thời với sự suy nghĩ điều chơn chánh hành giả phải tự quyết con đường đi đến giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo, an bần, xả thân tu tỉnh. Lạc đạo an bần không chỉ ở bàn bạc, lý luận mà đi vào thực hành.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
-         Hãy giải thích từ ngữ chánh tư duy là thế nào?
-         Những thứ cảm dỗ để mất chánh tư duy gồm những gì?
-         Hãy giải thích từ ngữ chân lý, đạo đức, trong chánh tư duy?
-         Muốn cho công cuộc tìm phương cứu vớt sanh linh có kết quả tốt ta phải làm gì?
-         Muốn đạt đến giải thoát ta cần phải có những gì?
Kính thưa chư quý đồng đạo, buổi học hôm nay hết giờ mãn việc, xin hẹn gặp lại quý vị ở kỳ học tới. Kính chúc quý vị tâm bình tánh tịnh, tu hành tinh tấn.
NAM MÔ A DIA ĐÀ PHẬT
25/4/2016






                                                  


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

MẶN TỈNH BẠC LIÊU

Khởi hành từ THIÊN QUANG AM lúc 5 giờ ngày 15/4/2016, xuôi về Long Xuyên vượt qua thị trấn Thới Lai , thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), qua vùng tỉnh Sóc Trăng, xuôi về tỉnh Bạc Liêu, ven đường nhìn một đám ruộng bị cháy khô và nguyên một cánh đồng xa biển, ruộng cày trắng đất, mọi người như chờ đợi từng giờ từng phút nước ngọt về, nghèo giàu đủ thiếu nông dân cũng chạy lo giống vốn chuẩn bị mưa trên đồng hay nước ngọt trở vào kênh rạch là ra tay.
Gần 4 tháng Trời không mưa nước mặn rược vào những tuyến kênh ngang dọc. Vụ trước có một số ruộng sạ trễ bị biển mặn bức tử, muốn có liền vụ sau để gở nợ mà Trời đất cứ như vầy vụ sau biết đến bao giờ ? Nông dân chịu khổ, đồng khô cỏ cháy đến nay đã lâu mà vùng đây vẫn còn nước mặn xâm nhập nên bà con chưa làm vụ lại.
Miền Tây Nam nước Việt xưa nay dùng ruộng làm kinh tế chính mà giờ gặp phải hạn hán, nước mặn xâm đồng, đất bị bỏ lâu, mất trọn một mùa mà nhìn về tương lai vẫn còn mờ mịt. Chúng tôi dừng xe bên đám ruộng màu luốt cháy chụp vài tấm hình ghi nhớ.

Trời chiều, không thể nghỉ đêm ở thành phố Bạc Liêu chúng tôi cho xe về hướng tỉnh Cà Mau, cách thành phố Bạc Liêu 47 cây số, Tìm được một nhà quen xin ở trọ qua đêm là lúc 4 giờ chiều.
Nghe tin tôi đến một số đồng đạo lân cận tới chào mừng, vui chuyện, quý vị hỏi chúng tôi mục đích của chuyến đi xa nầy là gì? Tôi trả lời rằng vì muốn hâm nóng lại dấu tích của Đức Thầy ở xứ Bạc Liêu có ba kỳ công đáng nhớ nên phải chịu đi xa:
1, Lúc đi dạo lục châu có đến tỉnh Bạc Liêu bằng những câu:
“Lìa xa đô thị một khi,
Thuyền loan trực chỉ đến thì Bạc Liêu”.
2, Trong tiếng kêu bi thương của lúc “Năm năm trường xa cách, cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gũi các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi”. Đức Thầy bị chánh quyền thuộc địa dời Ngài về tỉnh Bạc Liêu, để mỗi sáng thứ hai là phải đến bót cò trình báo:
“Việc chi mà phải đi trình Báo?
Mỗi tháng bốn kỳ nhọc cẳng Ông.
Đời máy huyền cơ xây đến mức,
Tính xong cuộc thế lại non bồng”.
3, Đi khuyến nông các tỉnh miền Tây, tháng 6 năm 1945 Ngài thuyết giảng ở ngôi đình thần Tân Hưng trong đô thị Bạc Liêu.
Ba lần đến tỉnh Bạc Liêu tôi cho rằng lần “khuyến nông” là quan trọng nhứt. Dạo lục châu Ngài dùng thần thông huyền diệu chúng ta chỉ nghe nói chứ không thấy, còn trong khoảng thời gian “năm năm trường xa cách…” Ngài đến Bạc Liêu vì bị lưu đày, ở đâu một chỗ mà còn mỗi tuần phải đến bót cò trình diện. Chỉ có đến với lần khuyến nông là đường đường chính chính thuyết giảng công khai với lượng khán giả đi xem nghe đông ngoài sức tưởng tượng. Các nơi tổ chức lập đài ở sân vận động hoặc sân đình mới chứa khách hâm mộ.
“Khuyến nông” chính danh là tên tựa của bài thuyết, bài viết:
“ Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!
Thần chết đã tràn vào trung bắc
Tại vị lũ Tây Vi bày kế,
Phá hoại nền kinh tế nước ta
….
Năm rồi miền bắc tan hoang còn gì.
Chỉ có sứ Nam kỳ béo bở,
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền chủ phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.”
Từ lúc Đức Thầy kêu gọi sức đoàn kết của giới nông dân hãy “Nắm tay trở lại cánh đồng” thì những miếng ruộng bỏ hoang được cày cấy lại, trúng mùa, đưa đất nước lên phồn thịnh trong khu vực đông nam á.

Dấu xưa roi tích 3 lần Đức Thầy đến Bạc Liêu, dù nơi đây là xứ ven biển nhưng cũng có vùng xa biển không bị ảnh hưởng nước mặn vẫn trồng được lúa, vườn cây ăn trái vì thế Đức Thầy mới chọn điểm thuyết pháp khuyến nông. Nhưng nay, mấy tháng qua báo, đài đã đưa tin nước mặn tràn vào vùng ruộng lúa làm bức tử mùa màng tôi cảm nghe lòng đau sót vì di tích “khuyến nông” của Đức Thầy, sợ tái diễn cảnh “ruộng đồng bỏ hoang” nhằm lúc Đức Thầy đi xa chưa trở lại, có còn ai đâu khuyến khích nhân dân “nắm tay trở lại cánh đồng…cả kêu điền chủ phu nông, đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang”. Chúng tôi dò dấu đến Bạc Liêu, nhìn cảnh đồng khô cỏ cháy chỉ biết thở than và cầu nguyện Đức Thầy sớm trở gót.
Tôi trình bày xong mục đích của chuyến đi xa nầy và yều cầu đồng đạo hướng dẫn đoàn đến những nơi ruộng có bị ảnh hưởng mặn xâm nhập. Đồng đạo nghe tôi phân tích và yêu cầu, tất cả đều hài lòng liền đó có bốn vị hứa sáng sớm ngày mai dẫn đường cho cho đoàn đi xuống tỉnh Cà Mau.
Chương trình ngày mai dự tính xong chúng tôi hỏi thăm và trao nhau đạo đức. Chường trình trao đổi giáo lý kéo dài, sau cùng có một nam đồng đạo mới phát tâm kể cho mọi người nghe câu chuyện về chú như sau:
Hồi đó, tôi có nghe người ta nhắc nhớ nhiều về đạo Phật Giáo Hòa Hảo và những di tích lịch sử Đức Thầy đã nhiều lần đến xứ Bạc Liêu nầy. Nhưng tôi chưa có một chút cảm tình để tìm hiểu sơ về PGHH. Tôi được một Ông anh tặng cho quyển giảng của Đức Thầy; tặng thì lấy cho vừa lòng Ông anh chứ không xem trong đó Đức Thầy dạy những gì. Thỉnh thoảng tôi có đi chùa lạy Phật tam bảo khi giúp tiền, lúc làm chút công quả; cứ tu kiểu vậy và tôi thấy hài lòng. Chợt lần nọ, có người phật tử dạng uy tín đi quyên tiền cất chùa và nhờ tôi vận động nối rộng vòng tay đến bà con trong xóm. Theo bản vẽ thì ngôi chùa định xây cất kiểu tân, độ khoảng bảy hay tám tỷ. Nghe tính số tiền rất lớn mà nhìn quanh vùng đây bà con lắm người chưa có nhà ở lành lẽ, cơm ăn thiếu hụt, cất chùa tốn như vậy là quá phí, ăn nói làm sao với Phật trong khi nhân dân quá nghèo thiếu còn phải đóng góp tiền cất chùa lịch sự hơn nhà giàu cho Phật ở. Tôi nghĩ Phật có lòng từ bi thương sót chúng sanh sẽ không đồng ý cất chùa như vậy đâu.
Tôi không giúp tiền cũng không ủng hộ việc nhờ nối rộng vòng tay nhiều người. Thương dân nghèo khổ còn Phật là nơi để cho mình kính nể. Sự thương cần giúp tiền của chứ kính nể thuộc về tâm linh, phật dụng lòng không dụng tiền và vật chất. Tôi nghĩ mình không tham gia là đúng nhưng cần có bậc trên trước chứng minh mà không biết làm sao. Bấy giờ tôi mới nhớ lại quyển giảng của Đức Thầy Ông anh cho đã lâu chưa đọc, lòng phát sinh mừng rỡ. Tôi đọc quyển nhứt với tựa đề “ khuyên người đời tu niệm”, xét cách dùng chữ không cầu kỳ, dễ đọc, dễ hiểu và dễ cảm thông tâm trạng khi Đức Thầy đi dạo lục châu thức tỉnh người đời chuyên cần tu niệm. Lòng sanh cảm kính tôi đọc tiếp quyển nhì “Kệ dân của người khùng” đến đoạn
“Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi!
Hãy giúp cho kẻ khó mới nhằm.
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,
Còn hơn đúc chương đồng Phật bự.
Không làm phước lại làm hung dữ,
Rồi vào chùa lại Phật mà trừ.
Phật Tây Phương có lẽ hiểu dư,
Dụng tâm ý chớ không dụng vật”.
“Đúc Phật lớn chùa cao bối rối,
Mà làm cho Phật giáo suy đồi”.
“Phật nào ham tượng cốt phết vàng,
Mà tăng tạo hao tiền bá tánh”.
Đọc đi đọc lại hai lần tâm bệnh thao thức của tôi đã được chữa khỏi. Tôi nói trong bụng Phật của PGHH thương người quá không ở chùa chi cho hao tiền bá tánh xây cất. Đó là một trong những lý do khiến tôi quy y PGHH.
Đêm về khuya chúng tôi kết thúc chuyện trò đạo đức, giữ sức khõe để tiếp tục cuộc hành trình vào sáng sớm ngày mai.
23/4/2016




Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

NGHI VẤN 2
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC THỨ 13
MÔN HỌC CHÁNH KIẾN

Hỏi: có người phụ nữ khách vãng lai mua bán, rất trọng đạo đức, bán tới đâu hễ ngày rằm, ba mươi là nghỉ để đi cúng chùa; vì sống với nghề mua bán, phụ nữ trẻ tuổi thì phục sức mĩ miều một chút, vẫn giữ sự kín đáo chứ không tróng hở, vừa tới cửa chùa bị mấy người khoe mình đạo cao đức trọng hỏi người phụ nữ nói trên một câu nhá lửa:
- Đạo nào mà đi chùa đây?
Cô ấy nghe nhưng xét câu hỏi có tính mắc mỏ, với sự hiểu biết của cô không trả lời được, cô lẳng lặng vào chánh điện nguyện Phật. Thưa, qua cách hành sử như mấy Ông đạo nói trên có chánh kiến không?
- Xin cho tôi hỏi rõ trước khi giải đáp, học viên nghĩ sao khi Ông nầy hỏi câu đạo nào?
- Dạ, theo tôi nghĩ “Đạo nào” không có nghĩa ông ấy muốn loại bỏ người ngoại đạo vào đây mà nhìn cách trang điểm trên người phụ nữ Ông ấy đánh giá là “Đạo quỷ vương” mà đây là cửa chùa, theo ý ông ta không chấp nhận đạo quỷ vương vào.
- Nặng nề Thế sao?
- Dạ.
Tôi không biết gì về chuyện đó chỉ nghe học viên kể lại, vậy tôi dựa vào học viên để trình bài nhứt là cái tên “đạo quỷ vương”, học viên có đồng ý không?
- Dạ đồng ý.
- Như chúng ta biết chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh cần được bảo vệ tốt nhưng chùa cũng là nơi để bá tánh thập phương đến cầu phước. Bá tánh thập phương là đủ dạng người, ta không thể ngăn bá tánh vào chùa với lý do bá tánh mặc đẹp, mỹ miều. Những huynh đệ mà học viên cho là đạo cao đức trọng họ phân biệt đối sử với người phụ nữ dọn đẹp cũng là có ý tốt cho nơi tôn nghiêm thanh tịnh ta có thể thông cảm được. Nhưng nếu vì bảo vệ nơi tôn nghiêm thanh tịnh mà có ý miệt khinh người của bá tánh thập phương thì bản ngã quá cao, chính bản ngã ấy làm mất chánh kiến.
Người đạo hạnh cao không phải nói cao, nói hay mà là người không chấp thấp và không vào chùa vẫn có thể tự tu được. Bá gia thiện tín bình thường rất cần đến chùa để bái phật tam bảo thỉnh pháp, họ chưa có qui tắc về ăn mặc, miễn là họ có tâm điền thì đến chùa với nguyện vọng cầu phước Phật ban bố, ta không nên đặt điều kiện bắt buộc họ phải mặc đồ giống như mấy người đạo hạnh. Yêu cầu họ chịu niệm Phật hành thiện tránh những tội ác thì đang ở đâu, phục sức ra sao họ cũng là người tu chơn chánh. Ta đừng dựa vào lý do bảo vệ nơi tôn nghiêm mà kỳ thị họ.
Phật Giáo Hòa Hảo với chủ trương tu niệm tại gia Đức Thầy đã giải thích hạng tu tại gia ấy như sau:
“Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ điều kiện xuất gia” chỉ cách tu là  “ở tại nhà họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư…”. Còn đối với việc đi chùa, Ngài dạy:
“ Những ngày vía của các Đức Phật, ngày rằm hay ba mươi, mình muốn đi chùa cũng tốt, đặng lễ Phật, dưng hoa, không có cấm. Nếu chùa náo nghèo, hư, rách, mà mình giúp đỡ được càng tốt (có điều mình không nên mua sắm hình tượng cho nhiều).
Khi đến chùa cũng phải tôn trọng sự thờ phượng trong chùa không nên hủy báng”.
Những điều đáng dạy đã dạy đủ, đâu có dạy phải mặc đồ gì mới được phép đến chùa bái Phật.
Về tiền sử của đạo PGHH Đức Thầy đã độ được Ông Trần văn Soái, (người ta thường gọi là Ông năm Lửa). Quý vị cũng biết Ông năm xuất thân từ đâu chứ gì? Ông xuất thân từ dân gậy gộc đứng bến xe, dạng đó hễ nói ra là lời lẽ ít khi nhã nhặn, và lúc đụng chuyện là dùng bạo lực không cần phải trái mà Đức Thầy còn thu phục Ông năm vào cửa đạo để sao nầy ông thành người hữu dụng, sá vì một phụ nữ mặc đồ đời đến chùa và cô ta không có biểu hiện sự tội lỗi với ai.
Cứ hễ gặp người ta quá đời là không chịu, là đuổi ra, là không ưa thì đạo Phật có trên đời nầy để làm gì ?
Đức Thầy viết Sám Giảng quyển tư “Giác Mê Tâm Kệ” mở đầu bằng những câu:
“ Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện,
Tìm con lành dắt lại Phật đường.
Thương dân hiền giáo đạo nam phương,
Đặng chỉ ngõ làm lành lánh giữ”.
Đối với người phụ nữ nói trên Đức Thầy không cần tìm con lành dắt lại phật đường với cô ta nữa đâu, cô ấy đã là con lành tự đến Phật đường rồi còn gì, hà khắc làm chi với bộ đồ đời của cô ấy.
Đã có học Phật ít ai không biết câu chuyện Đức Phật tự tìm tới gần để độ một anh chàng thuộc giòng hạ tiện Chiên Đà La, Ông ta gánh phẩn, tự biết lúc nào mình mẩy cũng hôi hám nên cố ý lánh xa cộng đồng, đi đường hè vắng. Đức Phật cao cả, thân Ngài ví như ngọc thể thì anh chàng hạ tiện kia còn sợ  hơn gấp mấy lần nếu đến với người quyền quí khác, nhưng Đức Phật từ bi xuất hiện trước mặt anh làm cho anh không thể tránh được. Anh biết mình là hạng thấp hèn vang xin Đức Phật hãy tránh xa anh nhưng Đức Phật nói “Chiên Đà La à, Như lai đến đây với tình thương phải vì giai cấp. Đừng đặt giai cấp khi con người ai cũng có Phật tánh và có thể tu thành Phật.
Từ sự độ người hạ tiện, dầu những giai cấp quí tộc ở Ấn Độ không đồng tình nhưng từ lần giai cấp ấy cũng được giảm thiểu sau khi Chiên Đà La tu chứng quan A La Hán.
Sẵn đây tôi xin kể cho quý vị nghe chung một câu chuyện. Vào khoảng năm 1982 tôi vào khóa tịnh tu ba năm ở vùng hoang vắng xứ Hang Tra, có đôi vợ chồng trẻ và một đứa con trai nhỏ của họ đến chỗ tôi, tự giới thiệu người của huyện Thốt Nốt chèo ghe Tam Bản nhỏ đi các kênh rạch rang bắp nổ mướn. Chú ấy nói: Nghe đồn nơi đây có người tu tịnh, chúng con biết mình bạc phước nên phải trôi nổi tha phương cầu thực bằng cái nghề không sáng sủa gì, xin được làm chút phước với chú. Nói rồi chú ấy móc ra tờ giấy hai mươi đồng. Tiền thời Việt Nam Cộng Hòa đã được đổi ra tiền nhà nước xã hội chủ nghĩa, hai mươi đồng bấy giờ rất lớn mà tôi gần hai năm qua không xài tiền. Nhìn thấy họ quá bần hàn, ông chồng mặc sà lỏn áo thun rách với không biết bao nhiêu dấu bẩn, người vợ mặc áo bà ba củ nhầy nhụa và cái quần vải lông vịt. Qua xã hội chủ nghĩa mới có vải nầy; hồi may thì đo dài tới mắc cá chân, mặc lâu nó thun lưng lửng gần đầu gối, bé trai ốm gầy mặc tình ngồi dưới đất chơi dơ mà ba mẹ không la.
Thấy họ quá nghèo khổ tôi từ chối nhận tiền bằng cách cầm tiền trao lại tay chủ. Chú ấy buồn rớt nước mắt và nói: Chúng cháu cũng tín đồ PGHH nghèo khổ lo ăn còn chưa đủ lòng đâu nghĩ đến bổn phận của một tín đồ phải làm gì. Tha phương cầu thực lâu lâu mới về, riết nhà hư tan hoang, tiền có một ít dể dành dụm chứ không dám sửa. Lần nọ cháu nằm chiêm bao vía thấy Đức Thầy về Tổ Đình người ta đến rần rần mà cháu thì không có cửa để vô, cháu khóc đến khi thức dậy là ước gối. Cháu nghĩ có lẽ mình bị Trời Phạt vì đã bỏ nhà bỏ cửa hương tàn khói lạnh. Cháu mót mái cất lại căn nhà mời bà con đồng đạo đến thượng lên ba ngôi thờ, cúng nguyện hằng ngày đã làm ăn khá hơn. Chú nhìn vợ chồng cháu nghèo khổ mà thương không nhận tiền chứ gì. Chú ơi chúng cháu khá lên rồi, đi làm nghề nầy thì phải ăn mặc như vậy. Chú nhận cho chúng cháu vui.
Quý vị thấy tấm chân tình trong manh áo rách. Đừng nhìn cách ăn mặc của người ta mà đánh giá thanh cao hay trần tục làm mất chánh kiến nơi mình.
21/4/2016



Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC THỨ 13
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
HỎI VỀ CHÁNH KIẾN

Hỏi: Đức Thầy luận về bát chánh, chánh kiến được Ngài giải thích là thấy, xem xét, đúng theo sự thật. Thưa khi xem xét đúng theo sự thật ví dụ tôi thấy một người ăn trộm hay chuyện gió trăng ngoài hôn nhơn tôi có được nói và tư duy đúng theo đó không?
Đáp: Điều nầy khá quan trọng, cần phải nghe theo sự nhắc nhở của Đức Thầy:
“Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện,
Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà.
Dầu việc người hay việc của ta,
Nên phán đoán cho tường cho tận.
Tội với phước xét coi nhiều bận,
Mới khỏi lầm tà kiến chen vào”.
Học biết và tu chánh kiến để khỏi lạc vào tà kiến, còn chuyện thấy có mà nói không thuộc về vọng ngữ là chính. Nhưng ta thấy sự thật như vậy thì phải trông vào “trí linh mẫn” của hành giả phán đoán cho tường tận là thế nào. Linh mẫn khác với minh mẫn; minh mẫn chỉ cho sự thông minh sáng suốt còn linh mẫn cũng sáng suốt thông minh nhưng có thêm sự linh diệu, linh thiêng khi hành giả đã đạt đến một trình độ tu tập đúng đắn. Nói một cách khác, linh mẫn là trí đã được gột rửa từ tâm thanh tịnh, khinh an không hoặc nhẹ đối trị vật chất cảm tình, pháp môn… để linh diệu đời sống do đó mới có khả năng xem các việc mà không lầm lạc.
Dùng trí linh mẫn phán đoán sự thật bằng đưa ra câu hỏi ví dụ: có đặt sự thương ghét, ganh tị đối với người ta bắt gặp họ trộm cắp hay gió trăng ngoài hôn nhơn không? Nếu không thương ghét mà thấy là tâm hồn ta không động về cái thấy, giống như hằng ngày ta thấy biết bao nhiêu là chuyện nhưng ta không đặt để vào lòng sao chuyện của người nầy ta lại để? Ta có vấn đề với người đó hay vì ta lúc nầy không tinh tấn tu hành bị vọng tâm lấn lước, trí mờ ám bản ngã lôi cuốn vào những chuyện không đâu.
Thấy, xem xét đúng theo sự thật, ta không có vấn đề thương ghét với những kẻ làm tội mà ta gặp. Đừng động tâm đến họ và việc làm của họ, hãy lo tu điều trị thân tâm chừng ai hỏi ta có thấy người đó làm việc tội lỗi, hư thân thì ta hãy mở miệng nói về việc đó, đừng tự động khai chuyện khi chưa ai hay, chưa ai hỏi mà cứ đi rao bán danh dự người khác.
Thấy ta nói thấy nghe ra còn được, nhưng ở vào cái thấy không lợi cho người tu mà tư duy về chúng sẽ bị mất phước, gặp bất lợi hoài hoài. Người tu mong thấy biết tất cả nhưng không nên thấy sự lỗi lầm của người khác

Hỏi: Đức Thầy giải thích về Chánh Kiến là thấy, xem xét đúng theo sự thật, nhưng những sự thật để thấy không còn phiếu giễu trước mắt nữa mà nó vẫn còn tồn tại trong tâm, chánh kiến có chịu trách nhiệm với cái thấy còn tồn tại trong tâm không?
Đáp: Tất cả sự dạy đạo đều đi từ hình thức bên ngoài, có ghi nhận sự học đạo từ bên ngoài mới truyền vào tâm thức thì chánh kiến sẽ hoạt động suốt từ bên ngoài lẩn bên trong, trách nhiệm là đương nhiên. Xưa Sư Trí Thường đến học đạo với Mã Tổ, Tổ dạy có một câu “Phật tức tâm” mà ngộ được Phật lý, Ông một mình lên núi Đại Mai thiền định, chọn câu Phật tức tâm làm công án, tu suốt trong tâm. Hôm nay chúng ta cùng học giáo lý đây mọi người đều thấy nhau ở hình thức mặt mày, nói năng, đi lại… nhưng nhận thức về cái thấy nó thuộc về trình độ giác ngộ sâu cạn cao thấp không đồng. Có người đọc thấy câu giảng là ăn năng thức tỉnh ngay, Khi thức tỉnh việc đời họ có thể buông bỏ hết tất cả để một mình vào chùa hay sống quạnh hiu trên núi non hoang vắng để mà dành hết thời gian cho việc tu. Trái lại cũng có người đọc thấy câu Kinh Giảng ấy ý muốn hơi hơi, tu niệm hàng hai, tu niệm cũng ham mà có tiền nhiều cũng thích. Đọc câu “Sắc tức thị không” giải thích cái gì cũng không không, nhưng không muốn nó không.
Khi nhìn về một người có thói quen nặng về tình cảm, sắc đẹp, tri thức nặng về tình cảm thì ta đặt tình cảm lên hàng đầu ngoài ra đều là phụ thuộc, có thể không cần thiết như sự cần thiết ta đang mong đợi chiếm điều mến mộ thương yêu. Muốn mời một người nào đó cộng tác chung hay nhờ sự giúp đỡ của họ, gặp nhau qua tiếp chuyện đôi câu thấy họ khô khan tình cảm là không thích, chưa khởi đầu câu chuyện thì lại bỏ cuộc. Biết đâu họ là người có hành sử đặc biệt không thiếu không dư, họ không có thói quen gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn cho người ta cứng ngắt; cứ lòng vòng mãi bên ngoài những chuyện không đâu, rốt cuộc đánh rời mục đích.
Mục đích của ta là mời cộng tác, nhờ giúp thì ta cứ nói ra nguyện vọng của mình, sao lại khắc khe với người tiếp chuyện nói năng không thiếu không dư. Thế là đến với họ chỉ qua chút chuyện giáo đầu thì ta đã thay đổi mục đích, bỏ suy nghĩ về sự hợp tác nhờ nhỏi một con người mà ta cho là cứng ngắt đó sao?
Đây là việc khấy động nội tâm, chánh kiến cũng phải chịu trách nhiệm với sự khấy động trong tâm từ cái thấy bên ngoài. Khi ta đi vay mượn tri thức để đáp án một đề tài có tính sử học hay văn chương nhưng đến với Thầy cô giáo chuyên môn mà thấy họ quá đẹp và có những nét gợi cảm gợi tình trong khi ta rất sợ sắc đẹp và tình cảm nam nữ chinh phục ta thì ta lại muốn khước từ sự học hỏi lịch sử, văn chương. Có lẽ ta có cái bệnh “sống đọc thân” mà ngừa trước đón sau chứ ai sanh ra không muốn mình đẹp. Học Phật thì ta đã biết phước tướng con người đều do nhân quả, kiếp trước họ làm cái gì rất đẹp nên kiếp nầy họ đẹp. Họ đẹp tự nhiên còn gợi cảm gợi tình là tại vì tình cảm trong ta cũng nhớm động không hay, đổ tội họ chinh phục là không đúng. Có ở học, lòng nghiêng về sắc đẹp, tình cảm bằng thích hay không thích thì sự học cũng phai lợt, chánh kiến về sự học không còn nguyên vẹn như ý thức ban đầu.
Mắt thấy một lần trong vài giờ hoặc vài phút ngắn ngủi rồi thôi nhưng tâm thức chứa đựng và phân tích cái thấy tràng giang đại hãi chẳng những vài giờ mà còn có thể ngày qua ngày. Nếu không có sự can thiệp của chánh định thì cái thấy như khỉ chuyền cây, ngựa buông cương đảo lộn trật tự từ chánh kiến qua tà kiến.
Ta trở lại đầu đề, chánh kiến là thấy, xem xét đúng sự thật; thấy đúng đễ có tư duy đúng, nói đúng, hành đúng, tiến đúng, niệm đúng …  ngược lại, một đi đầu đã sai thì tất cả đều sai. Như thế chánh kiến có ảnh hưởng cùng khắp, không phải chỉ dùng mắt thấy đúng theo sự thật mà tâm thấy cũng đúng theo sự thật. Nếu tâm ta còn thấy thương ghét, thấy tình cảm vật chất níu trì là đúng sự thật theo đời nhưng không dúng theo sự thật của người tu. Sự thật của người tu là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ; quán thân bất tịnh để không bị các cái đẹp làm mê hoặc, quán thọ thị khổ để không cầu sống lâu tránh sự hèn nhác khi đem thân dùng vào việc tu thân hành thiện.
Đức Thầy giải thích về công năng của chánh kiến:
“ Chẳng thế, nó còn giúp cho ta hiểu biết được các điều tục lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm mầu của tôn giáo, khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự say mê trở về với đạo lý, thoát đọa hồng trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả dối và nhờ thế nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành đạo”.
Sự rộng khắp của chánh kiến như Đức Thầy dạy về hiện thực là thấy, xem xét, đúng theo sự thật để lấy tư cách ở đời “ Dầu của mình hay của kẻ khác” ngoài ra nó còn “ Hiểu biết các điều tục lụy trong trần” để không say mê mà trở về với đạo lý: chánh kiến suốt trong tâm.
Chánh kiến với ý nghĩa rộng sâu, sự trình bày của tôi nếu vấn chủ không hỏi gì thêm thì xin cho qua câu khác.
(còn tiếp)
18/4/2016