Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

NGHI VẤN 4
BUỔI HỌC 8
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÁC TÀ DÂM (tiếp theo)
Hỏi: “Ngàn việc dữ tà dâm đứng trước”. Dữ đồng nghĩa với ác. Đọc qua Kinh Sách nhà Phật như “Thập ác” thì ác sát sanh đứng đầu, tà dâm ở hàng thứ ba; trong “Ngũ Thường” của Thánh Nhân hay “Ngũ Giới” của nhà Phật thì sát sanh cũng ở hạng trên hết của các thứ ác. Ta thấy như thế thì tà dâm nhẹ hơn, luôn hai điểm trích nêu đều đứng hàng thứ ba. Nay nói tà dâm là ác đứng đầu hết ngàn việc ác thật tôi không hiểu, mong có sự giải đáp.
Đáp: Câu thắc mắc của đồng đạo vừa nêu rất cần thiết cho việc khai thác những tiềm ẩn trong đề tài. Nhưng nghi vấn nầy có quá nhiều lập luận; so sánh vị trí của ác sát sanh với ác tà dâm. Cái gọi là quá nhiều lập luận vì căn cứ vào kinh sách mà bảo rằng tà dâm là ác đứng đầu trong các tội ác là mới mẻ, ý lạ.
Kính thưa quý vị! Giống như một đề tài thuyết trình giáo lý, để săn sóc cho đề thuyết được chu đáo sức thu húc thì đề thuyết phải được bảo trọng tính chất chuyên môn và chuyên biệt làm sáng tỏ vấn đề. Chúng ta là con nhà Phật Giáo, qua học Phật chúng ta cũng biết các pháp đều do nhân duyên mà sanh. Khi Đức Phật thuyết qua thời kinh nào thì thời kinh ấy được chính Đức Phật cho là cao siêu nhứt. Ví dụ như Đức Phật thuyết về Kinh Di Đà Ngài nói Kinh Nầy là vua của các Kinh, tới thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Ngài bảo Kinh nầy là mẹ đẻ ra các Đức Phật, Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn cũng được Đức Phật cho là cao siêu hàng đầu: Trong nước biển dầu ở đâu cũng cùng một chất mặn, Đạo của Như Lai đem dạy bất cứ nơi đâu cũng một mục đích giải thoát mà thôi. Nếu sự học Phật của chúng ta không thông thì hay xảy ra những cuộc so đo đi đến thắc mắc về nhân ngã, pháp ngã, hiện tại làm bế tắc sự giải thoát trong kiếp sanh tồn.
Rốt cuộc kinh pháp nào mới ở vị trí hàng đầu?
Như tôi nói với quý vị lúc nảy: Phật Pháp là phương tiện cho chúng sanh tu học, nhờ vào cái phương tiện ấy mà mỗi người chọn phương tiện nào phù hợp tự cứu mình. Kinh Sách nhà Phật có câu: “Phật Pháp bất định Pháp” tùy duyên Phật thuyết pháp và cũng tùy duyên chúng sanh chọn pháp. Ta không nên tạo thêm sự mắc mớ mà hãy để suôn đường. Trong khi ta tu pháp Tịnh Độ, người khác tu Thiền Tông, phận ta ta biết, phận người khác người khác làm. Hai pháp khác nhau nhưng hai pháp đều là lời của Phật dạy, tự nó không mắc mớ, mắc mớ là do chúng ta không thông tâm. Hãy đi vào pháp tu bằng tấm lòng trong sạch. Đi ! đừng giậm chân tại chỗ mà nói pháp thiền pháp tịnh đâu cao đâu thấp. Phật pháp vì nhân duyên mà có thì người học đạo phải biết tùy duyên đặng quên đi những tranh cãi. Đừng ở Pháp Môn Tịnh Độ niệm Phật A Di Đà mà nói rằng pháp nầy là vua của các pháp rồi cho pháp nào không phải là pháp tịnh độ là dở hơn thấp hơn. Đừng dựa ở các pháp đều không của Kinh Bát Nhã rồi thì đi kiếm độ ăn thua, mặc kê các pháp có. Đức Thầy dạy:
“Chúng sanh mê nên đem pháp thuyết,
Giải thoát rồi pháp bất khả dùng”.
Giống như trong kinh Duyên Giác Phật tỷ dụ: Ngón tay chỉ mặt trăng, chiếc bè qua sông, tiếng gỏ bảng của Thầy giáo… Ngón tay chỉ mặt trăng sự giải thích của vấn đề là: Nói mặt trăng mà không biết mặt trăng ở đâu, muốn tìm mặt trăng là phải theo hướng ngón tay chỉ mặt trăng, nhìn hướng ngón tay chỉ chớ không phải nhìn ngón tay chỉ; nếu nhìn miết ngón tay thôi thì nhìn cho đến hết đời cũng không thấy mặt trăng. Ngón tay là phương tiện, khi tìm thấy mặt trăng thì ngón tay phương tiện hết xài, tự hóa không. Học sinh ồn ào trong lớp, Thầy giáo gỏ bảng làm nên tiếng ồn còn hơn tiếng ồn của học sinh, nhưng nhờ có tiếng gỏ bảng mới dẹp các tiếng ồn của học sinh. Khi học sinh bị tiếng gỏ bảng của Thầy giáo mà im phăng phắt thì Ông Thầy giáo phải biết dừng ngay, thôi gỏ bảng; nếu ông vẫn tiếp tục gỏ bảng vì giận lâu mấy đứa học trò hoặc vì vì đó thì chính Ông mới là kẻ làm ồn trong lớp chứ không phải học sinh.
Tóm lại, Phật pháp là phương tiện để chúng sanh tùy duyên chọn tu hành. Khi ngộ đạo, giải thoát thì phương tiện tự mất, như qua được bên kia bờ giác ngạn là thuyền bè không cần nữa. Đức Phật thuyết về Thập Ác cũng là pháp phương tiện để chúng sanh bỏ ác tùng thiện, pháp sát sanh đứng đầu hàng cũng là pháp phượng tiện để độ những chúng sanh hiếu sát. Mục đích là độ kẻ hiếu sát thì ác sát sanh sắp đứng hàng đầu là lẽ đương nhiên. Ác Tà Dâm ở hạng thứ thấp vì ở đây Tà Dâm chưa nhằm lúc đặt nặng vấn đề điều trị, chưa nhằm lúc coi trọng như mục đích.
Tôi nói chưa nhằm lúc bởi vì đề thuyết đang coi trọng ác sát sanh, ác sát sanh sở dỉ được coi trọng là vì Đức Phật đang đặt vấn đề trị bệnh kẻ hiếu sát mà chỗ khác, ác tà dâm xuất hiện một cách gớm ghiết hơn, câu “Dâm tâm bất trừ trần lao bất khả xuất” hoặc như hai câu đối sau đây làm rõ nghĩa hơn “Ái bất trọng bất sanh Ta bà, Niệm Bất nhứt bất sanh Tịnh Độ”. Hỏi chứ ai tu mà không hướng đến giải thoát sanh tử trong một kiếp? Nhưng dâm tâm đã đẩy mình vào vòng quay luân hồi không phải đã quá ác rồi sao? Không phải là hàng đầu của các tội ác sao? Còn nữa, câu “ái bất trọng bất sanh Ta bà” nếu không nặng lòng về ái dục chắc chắn khi chết đi không đầu thai trở lại thọ thân tứ đại chịu khổ, chẳng phải nói về tà dâm quá mức ác rồi sao?
Phật nói “Ái Dục” hay “Dâm Tâm” pháp nầy cao hơn về tà dâm gấp bội, vì Tà Dâm nằm trong khuôn phép gia đình đặt trước hôn nhơn, quan hệ tình dục trong hôn nhơn là được phép, ngoài hôn nhơn là không được phép. Ái dục hay dâm tâm nó bay cao khỏi tà dâm rất xa. Trong ý thức và sự tu hành nó không nói tà hay chánh nữa, nếu trong tâm vẫn còn động đậy bởi dâm dục là cõi hồng trần cho dù có tu lắm lắm cũng đừng hồng thoát khỏi. Ái dục hay dâm tâm là cái ác tà dâm không lộ hình tướng sự thật về thân thể. Đức Thầy cũng dạy cao hơn “… Lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…, cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thoát ly ra được. Ấy về phần tà.” Trong đây có “nghĩa vợ tình chồng” cũng bị coi là tà không cần phải giải thích quan hệ trong hôn nhơn hay ngoài hôn nhơn về tình dục.
Đức Thầy thuyết Ác Tà Dâm đứng đầu ngàn việc ác cũng là pháp phương tiện để đánh đổ thói quen dục vọng mê cuồng, lên án tà dâm là tai hại nhất, để cho bất cứ ai tu muốn thoát khỏi sanh tử chẳng những không được tà dâm mà phải không dâm tâm hay ái dục. Qua thực tế, Ngài nói về tà dâm trong một đề tài tà dâm, nêu cao ác tà dâm thuộc thứ dữ đáng sợ là sự nêu cao đúng cách. Chúng ta lấy tấm gương xưa chiếu lại, Vua trị vì quốc gia dân tộc mà đắm say sắc dục, tà dâm thì mất nước, mất dân; quan đắm sắc, tà dâm thì quan mất chức, vợ chồng mà một hay hai người tà dâm là mất hạnh phúc hôn nhơn, tan nhà nát cửa. Đây chỉ nói phần hư hại sự nghiệp chưa động tới vì tà dâm mà người ta tình địch, giết hại lẩn nhau. Đức Thầy luận về ác tà dâm, giải thích tội ác của chúng xã hội thời xưa hay thời nay đều có xảy ra đúng sự thật, coi ác tà dâm đứng đầu ngàn việc dữ rất là chính xác.
30/1/2016.


Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI
ĐI QUANH ĐI TẮT
Gặp gở nhau để nói về một chuyến đi chung, người ta hay bàn bạc chuyện đi quanh đi tắt thì có câu dè chừng “ Đi quanh một khắc đi tắt một ngày”. Câu nói hoàn toàn nghịch lý nhưng trải bao đời nó vẫn tồn tại mãi với thời gian để gặp chúng tôi.
Mới đây chúng tôi rủ nhau viếng núi. Quy ước đi và về trong ngày thì núi Cấm là không thể, chỉ có núi Bà Đội Om phân chia thời gian là hợp nhứt. Đã chắc ăn như vậy thì thôi, cứ theo lệ mà đi. Trong đoàn có Nguyễn Vũ Tâm thường gọi là Tâm Nhà Cháy còn tính già tính non dẫn đoàn đi tắt cho dư thời giờ có cơ hội sinh hoạt đạo đức lâu hơn. Từ nhà Cô Năm Huệ ở trục lộ Tri Tôn và Châu Đốc, dưới chân núi Bà Đội Om hướng đông bắc, cách đường chính lên núi không quá ba cây số. Đoàn đi xe nhà, nếu chạy đến đó gởi mà vào núi mất khoảng năm phút dành cho những xe chạy chậm. Từ đó lên tới điểm điện “Thần Kim Qui” tốn một giờ trèo núi nữa là tới ngay, dư nhiều thời giờ cho mặc sức mà vui, tỏ bày đạo pháp khuyên tu.
Đàng nầy, Tâm nhà Cháy dẫn đoàn đi tắt, lúc 8 giờ sáng từ nhà Cô Năm Huệ xuất phát, băng ngang ruộng khô, thông thả một chút thì đến chân núi đụng rừng, luồn lách gai quàu trầy da đổ máu lắm người, leo trèo hết tảng đá nầy đến tảng đá khác để kiếm đường. Kiếm gì thì trước mắt cũng rừng bốn mặt bao vây. Bống Trời nghiêng ngả hai giờ chiều mới đến được nơi mơ ước: Điện Thần Kim Qui.
Chỗ mơ ước mà chừng tới cũng phải chịu lấy con mắt ngó rồi bái bay chứ không ở được, bụng gào đói, đây có đãi cơm từ thiện mà không dám ở dùng. Giờ giất như giục giả khách đăng trình mau mau xuống núi đặng về nhà cho kịp trước khi Trời tối.
NHỚ HÔM ĐI TẮT

Tìm đường ra mà mỗi lúc lạc sâu vô rừng. Tôi biết Tâm Nhà Cháy bây giờ rất lo ngại nên hễ đến chỗ rắc rối, lùm dây chằn chịt uể oải không đi được, ngồi nghỉ thì Tâm Nhà Cháy ngồi xa một mình hoặc cảm thấy khó chịu nữa thì đi dọn dò đường đã rồi trở lại dụ dỗ: Gần tới rồi, quý đồng đạo rán lên! Nghe gần tưởng là thiệt ai cũng mừng, chen rừng đi  tiếp mãi chẳng thấy tới, nhè đâu là “Gần Giả Bộ”. Đá chồng kê cao, ai có sức lên trước, thòng dây hay cây cho những người còn ở phía dưới đu lên. Cái chỗ rất lo sợ đáng lẽ buồn lắm mà nín cười không được, làm ầm vang cả một gốc rừng. Sợ để cười lâu lảng tâm, tôi khuyên mọi người hãy nhớ niệm Phật còn giải thích thêm rằng niệm Phật trong trường hợp nầy là đúng sách vở.
Mệt rả người, phần lớn là do khát nước. Nước đá đem theo một thùng to to mà vượt qua mấy trận chui khe, đu dây nước trong thùng sạch bách. Trong thùng giờ còn là đá cục, chia nhau cắn ăn. Có người nuốc cục đá xem chẳng nhằm nhò gì với cơn khác đến ngứa cổ, vì nước đá xuống bụng có đã thèm chút nào đâu, ngậm lâu ở miệng mới thông từ từ xuống cần cổ. Xin thêm một viên tí tí, ai đã qua kinh nghiệm thì lần nầy không dám nuốc; không dám không có nghĩa là sợ mắc cổ…
Đi xa nữa, thấy có cái hầm to và sâu, dấu đất mới đào, bênh cạnh có đống cây tề bằng và một thùng nước lọc, chừng như đống cây tề bằng ấy là cả một sườn nhà hẹn ngày cất và cái hầm to sâu là người ta đào kiếm mạch nước ngầm hoặc chờ sẵn nữa chứa nước mưa. Không thấy chủ nhân cho mình hỏi thăm đây là đâu gần hay xa nữa mới tới điện Thần Kim Qui; tuy vậy cũng mừng ít ra là có dấu chân người.
Đang khát nước mà gặp đây có cái thùng nước lọc, thiệt là “bần cùng sanh đạo tặc” dễ dàng. Nghèo đói sanh trộm cắp là chuyện thường, đây khát thôi mà cũng khiến mình ăn trộm được. Không cần hỏi ai, đâu phải như ngày nào học “Của rơi không thèm lượm” giữ hạnh cứng khừ. Của đây có chủ chứ rơi gì mà để hơ hỏng là đoàn mình lượm tuốt. Chắc nước từ thùng của người ta qua thùng mình, phát hiện màu nước xanh rì là ngán ngẩm nhưng có ai đó nói: không sao đâu, màu nước xanh là chủ nhân để lá Dứa vô làm nước thuốc uống ngừa bệnh. Khát tới nước nầy, tôi thấy không ai sợ chết mà bảo giùm một tiếng thôi đi. Dầu vậy tôi khuyên đoàn hãy dùng nhín nhín, đặng khi chủ nhân có đến bất chừng cũng còn nước cho người ta sinh hoạt chứ uống cạn là mất lòng, người ta nổi nóng chưởi bới, đồn ra thì chuyến tham quan hành hương của mình còn có ý nghĩa gì chứ? Dù chừa nước cho chủ nhân, chúng ta cũng nên để lại một số tiền cột vô cái thùng, trước là tạ tội với chủ nhân vì mình lấy ngang không hỏi, sau nhờ chủ nhân dùng tiền nầy mua thêm thùng nước khác.
Theo lời khuyên của tôi, trước lúc rời khỏi đây tôi đi vòng lại cái thùng nước lọc định cột tiền vào đó thì có một cô ra tay trước tôi, tưởng vậy đã đủ bù, tôi thôi thì có một cô khác nhét thêm tiền trong dây cột. Tôi thật vui vẻ…
NHỚ HÔM BÊN THÙNG NƯỚC LỌC

Xa trông thấy thùng nước lọc, mừng mà đi riết tới, nghĩ bụng thế nào cũng có người cho mình hỏi thăm đây là đâu và bao giờ thì mới tới Điện Thần Kim Qui. Lạ lùng thay! Chỉ có cái thùng nước chứ chẳng ai thèm ở, hỏi ai đây?
Mọi người đang khát, thấy có cái thùng nước là ham, bu quanh chờ uống. Tôi không hài lòng cho việc xài nước không được chủ cho phép, nhưng nước bây giờ đắt như thuốc để trị cái bệnh khát lâu không nỡ lấy giới luật ra ngăn cấm. Để khuyên nhủ xa xa về việc phạm phải nầy tôi liền kể một câu chuyện.
Thuở xưa, lúc Đức Thích Ca mâu Ni còn tại thế, có hai vị Tỳ Kheo từ miền xa đến viếng Ngài. Hai vị trải qua nhiều chặn đường rừng buội rất vất vả, khát nước đến khô rát cổ (Trường hợp chúng ta hôm nay cũng gần giống vậy). Bổng gặp cái hầm nước trong veo nhưng trên mặt nước có con vật chết. Bấy giờ hai nhà Sư hai tâm trạng: một sư nghĩ rằng, ta từ xa do lòng kính Phật mà không ngại khổ khó vấn thân đến, mất nhiều ngày mà chưa gặp Phật, nếu nay không dùng nước nầy là chết mất, thế là suốt kiếp không thấy Phật sao? Thôi hãy dùng vào cho sống mà gặp Phật để không uổng công lặn lội vậy. Sư kia nghĩ rằng: Ta học Pháp của Phật để nương vào đó tu hành. Nếu ta dùng nước có con vật chết tất dính vào tội sát sanh. Uống một bát nước không thấy gì trong đó Đức Phật còn dạy phải niệm chú trước khi uống nước, huống nay đã thấy rành rành ra mà dám uống cho mang tội nặng sao. Pháp của Phật dạy đầy đủ không nghe lời, đi tìm Phật làm gì chứ??? Nghĩ thế sư không dùng nước, kiệt sức đi thêm không được, ở đó mà chết. Vị sư uống nước có thịt chúng sinh đủ sức đi tới chỗ Phật. Sư bạch Phật chuyện xảy ra trên đường. Phật nói: Thầy Tỳ Kheo kia đã đến với Như Lai trước hơn Ông.
Kính thưa chư đồng đạo nghe qua chuyện trên ta nhận xét, Đức Phật dạy chúng sanh tu, giới luật là căn bản. Ta thấy câu nghi vấn từ trong lòng của vị sư “Pháp của Phật dạy đầy đủ không nghe lời, đi tìm Phật làm gì chứ ?”còn Đức Phật thì bảo với Ông sư phạm giới rằng “Thầy Tỳ Kheo kia đã đến với Như Lai trước hơn Ông” đều để ca ngợi giới luật. Kinh Phạm Võng dạy “Giới minh như nhựt nguyệt diệc như anh lạc châu, vi trần bồ tát chúng, do thị thành chánh giác” (giới luật sáng như mặt Trời mặt Trăng, cũng như hạt châu Anh Lạc, Bồ Tát đông như vi trần đều nhờ giữ giới mà thành).
Mườn tượng chuyện trên, Đức Thầy trước khi xa vắng tín đồ đã viết thành kinh văn:
“Từ nay cách biệt xa ngàn,
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đàn nỡ đứt dây,
Chưa vui buổi hiệp bổng Thầy lại xa.”
Ngài đi, sợ tín đồ lơ là việc tu học, đã dặn dò bổn đạo:
“ Ít lâu ta cũng trở về,
Khuyên cùng bổn đạo chớ hề lợt phai.
E chừng trở lại sẽ bị mất mát nhiều, Đức Thầy dặn:
“Ta dù có cách thôn hương,
Vạn dân cứ chữ hiền lương mà làm”.
Kính thưa quý vị! Từ “Phụ Thầy” có ẩn dụ hai ý:
Một là bỏ đạo, hai là không nghe lời của Thầy mà hành đạo đúng nghĩa. Xét ra hạng một, việc bỏ đạo Thầy chỉ rơi rớt một vài trường hợp, không đáng kể; hạng hai, không bỏ đạo nhưng không siêng nghe lời dạy của Thầy là đa số. Tôi dùng từ “không siêng” để nói rằng không phải không nghe mà vì không siêng nên lúc nghe lúc không. Nghe không phải dùng vào việc nghe tiếng, âm thanh mà nghe bằng cách vâng lời dạy. Đức Thầy có câu:
“ Ai mà ta dạy chẳng gìn,
Thì sau đừng trách mất tình yêu thương”.
Chúng ta đọc câu:
“Ít lâu ta cũng trở về,
Khuyên cùng bổn đạo chớ hề lợt phai”.
Nghe thế mà trông mãi, nhưng ta có làm bảng kê khai để kiểm chứng rằng trình độ Học Phật Tu Nhân đã đi đến đâu chưa? Học không thuộc bài mà mong tới ngày chấm điểm sao? Hãy mang tâm sự của nhà sư giữ giới kia đi “Pháp của Phật dạy đầy đủ không nghe lời, đi tìm Phật làm gì chứ???”. Theo tôi nghĩ Đức Thầy chậm trở lại chấm thi vì rõ thí sinh của Ngài phần nhiều chưa học thuộc bài, có mau mau mà trở lại  lớp học không mấy người đậu là uổng công dạy dổ, đành phải neo thêm thời gian. Theo lý đó, muốn Đức Thầy sớm trở lại thì lo mà học hành cho thuộc. Chẳng phải Đức Thầy đã nói như vầy sao?:
“Chờ con đây đủ nghĩa nhân,
Ra tay tế độ dắt lần về ngôi”.
Kính thưa quý vị ! chúng ta ngồi nghĩ đã lâu, chưa biết đây là đâu, xét hành trình còn vượt nhiều đoạn khó. Xin tạm ngưng chuyện trò để chúng ta lên đường nhá.
27/1/2016







Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

NGHI VẤN 3
BUỔI HỌC 8
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÁC TÀ DÂM
Hỏi: Câu “ Bắt chước gương xưa trau-giồi lòng hiếu-trung trinh-tiết”. Thưa, xin cho biết ý nghĩa của gương xưa và thế nào là trinh-tiết?
Đáp: Câu hỏi ngắn mà rõ ràng. Nhưng xét có hai dụng ý, trước là nói về tấm gương tốt của việc học đạo Thánh Hiền, sau là giải thích về ý nghĩa của trinh tiết.
I. Tấm Gương
Tấm gương tốt kể có cả hai học đạo và hạnh đạo.
1/ Học đạo là học qua sách Thánh Hiền, phép tắc của đạo Luân Thường gồm Ngũ Luân và Ngũ Thường. Trong đó Ngũ Thường có năm điều cấm, một trong năm điều cấm đó là LỄ. Sự giáo dục của đạo, phái nam, hành hạnh Lễ là không được tà dâm, tức không quan hệ tình dục khi chưa có lễ cưới hỏi hay lén lút ngoài hôn nhơn. Phía phụ nữ có Tam Tùng: Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử. Ở đây không bàn vế thứ ba. Khi người con gái chưa lên xe hoa, còn sống chung với cha mẹ, có sự giáo dục của bậc sanh thành, lương duyên do cha mẹ định, đặt đâu là ngồi đó, con gái không có bất kỳ cuộc hẹn hò tư tình với người đàn ông con trai nào. Người xưa rất trọng về danh giá. Nhà nào có con gái tiếng đồn lu bu về tình tứ ngoài hôn nhơn ông bà cha mẹ cảm thấy xấu hổ chẳng dám đi chơi đâu.
Nếu quý vị nào có đọc quyển Ngũ Tổ Chơn Kinh thì biết. Xưa ở Chúc Gia Trang có Ông Viên Ngoại sanh được ba người con, hai trai một gái. Gái lại là con út, dung mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh Ông bà cưng quí con gái như ngọc như vàng, nhà giàu viên ngoại cho mướn nô tùy về riêng hầu hạ tiểu thơ. Bổng ngày nọ người tùy nữ nhơn khi đem đồ xuống dòng sông giặt vũ, thấy có một trái đào Tiên trôi bềnh bồng, cô vớt lên nhìn nó đẹp và thơm, cho là vật quí nên đem về tặng chủ. Tiểu thư ngửi mùi liền thích. Ăn Đào chẳng bao lâu tiểu thư của nhà ấy bụng lớn dần lên. Lúc đầu thì giấu mình trong phòng nhưng bụng mỗi lúc to, không thể giấu tiếp, tiểu thư thưa cùng mẹ mọi chuyện. Mẹ tin con gái của mẹ trong trắng, vì sanh ra và lớn lên trong khuê các ngoài chuyện học hành thì không giao du với bạn bè, lân la hát sướng. Bà không tin bụng lớn là do thai, có thể bệnh hoạn gì đó không chừng. Viên ngoại hay con gái có chửa oan lấy làm xấu hổ, lại có con trai tên Chúc Hổ anh cả của tiểu thư tánh tình hung ác đốc xúi cho sanh lớn chuyện. Viên Ngoại lập kế giết con gái rồi vác xác đem chôn đặng giữ kín chuyện. Tiểu thư tánh tình hiền đức người tớ gái cảm phục nên thế chỗ chết thay. Nhờ vậy mà tiểu thư trốn khỏi gia đình, chịu nhục với đời nuôi dưỡng thai nhi sau nầy là Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn_ tổ thứ năm trong sáu đời của Thiền Tông Trung Quốc_
Chuyện nói lên lòng tự trọng, người xưa coi danh giá lớn lao, con cưng cỡ nào cũng không bằng danh giá. Nhiều người gặp chuyện như trên họ không nỡ giết con nhưng bắt buộc sống lìa, xúi con trốn đi biệt tích.
2/ Gương hạnh, tức những người tôn trọng cách dạy đời của thánh hiền mà ăn ở đúng phép. Xưa có người phụ nữ có chồng nhưng vẫn còn nhan sắc lắm; cô bị vua bắt ép làm tình. Buồn cho số phận, gái đã có chồng thì không thể cùng ai khác nữa. Mới đầu vua không có hành động ngang với người con gái đẹp, chỉ dụ dỗ, nài ép. Cô thấy tính cách háo sắc của vua thì chắc Ông ấy không nhường lâu, đến một lúc nào đó dục vọng đẩy tới sức mạnh của quyền lực mình không thoát khỏi bị làm nhục. Bị mất tiết với chồng dù chỉ một vài lần thôi, tha cho mình về, chồng không biết nhưng tự ty mặc cảm đã vằn vặt suốt đời thì thà chết còn hơn. Cô nghĩ ra kế chết, nói với vua:
Bệ hạ là người quyền cao nhất nước, đã có biết bao cung phi mỹ nữ ưng tình, xin hãy tha cho thiếp và thiếp sẽ thế mạng bằng hoàn thuốc trường sanh, có ra trận gươm đao không thể hại mạng.
Vua nghe có thuốc trường sanh và không bị gươm đao làm hại là mừng bèn hỏi tới:
Lấy gì làm tin việc mỹ nhân nói là sự thật?
Rất dễ, để thiếp uống thuốc vào, song bệ hạ cứ đem gươm ra mà chém. Nhưng bệ hạ có đồng ý sự đổi chát nầy không?
Trẩm đồng ý.
Quân tử bất hý ngôn nhá! Thiếp dùng thuốc rồi đó, bệ hạ cứ chém đi.
Vua chém mạnh một gươm thân thể người đẹp đứt lìa, chết ngọt sớt.
II. Trinh Tiết:
Trinh tiết là thứ quí nhất trong đời người con gái. Theo giáo lý PGHH, người Việt Nam là nòi giống Tiên Rồng, trinh tiết phải được đề cập bảo vệ giống nòi không cho lai căn giống các dân tộc khác. Có bốn điều nữ tín đồ PGHH phải biết giữ mình:
1/ Không lấy chồng ngoại quốc.
2/ Không vì tiền mà lấy chồng già cao tuổi, hay vì tiền làm bẩn tiết trinh.
3/ Giữ cái cao quí ấy khi chưa đi lấy chồng.
4/ Khi đã có chồng thì giữ cái thứ quí ấy riêng cho chồng thôi.
Câu 1, không lấy chồng ngoại quốc và câu 2, không vì tiền mà lấy chồng già, cao tuổi, đáng tuổi cha Ông hay chú bác, ý nghĩa đó ta đọc thấy trong bài “Lấy Chồng Chệc”, nhập đề Đức Thầy hạ bút qua những câu:
“Cô ơi! Nước Việt-Nam thiếu gì trai trẻ,
Mà vội đi lấy lẽ “ba tàu”?
Của tiền quí-báu là bao,
Đem tuổi mười tám so vào bốn mươi.”
Căn cứ theo sự chú thích trong Sám Giảng Thi Văn “ lúc Đức Thầy đi ẩn lánh 1946, Ngài có gặp một cô gái Việt lấy chồng Ngô. Tức cảnh, Ngày có làm bài thi sau đây ( dùng biệt-hiệu Hoài-Việt).”(nói trên)
Ba Tàu tức là người Tàu, bây giờ tên thường gọi là Trung Quốc. Trách rằng, cô là con gái Việt Nam, nòi giống Lạc Hồng. Việt Nam không thiếu gì trai trẻ mà không thương người cùng nòi giống, nỡ nào bỏ đây yêu người ngoài đồng bào chủng tộc. Của tiền dầu có quí nhưng không thể đem đánh đổi tiết trinh của cô gái nhà Tiên cho lai căn qua một giống khác. Đánh đổi ngang cân cảm thấy giống nòi còn chịu thiệt, huống chi đổi không ngang cân, tuổi cô gái Việt Nam chỉ mới 18 so với 40 mươi của Ông chồng ngoại quốc thì thiệt là xấu hổ cho dân tộc Lạc Hồng.
Đoạn cuối bài “Lấy chồng Chệc” Đức Thầy tỏ rõ thái độ người giữ gìn chủng tộc giang sơn, nói như thở than:
“Ta là kẻ phương xa tá túc,
Thấy sự đời vẽ khúc văn chương.
Thấy đời cô chìm đắm trong gió sương,
Than ít tiếng gọi hồn chủng loại.”
Qua cách thở than để gọi hồn thiêng dân tộc, những anh linh đã vì bảo vệ quốc gia dân tộc mà hy sinh trước hai đế quốc xâm lược Tây Tàu, Đức Thầy cất cao lời kêu gọi những cô gái Việt Nam vong bản:
“Việt Nam ! Người Việt Nam mau trở lại!
Yêu giống nòi có phải hơn không?
Dầu sao cũng giống Lạc Hồng !”
Điều 3 và 4 Giữ cái cao quí ấy khi chưa đi lấy chồng, cưới vợ, Đức Thầy dạy:
“Tình duyên chẳng kíp thì chầy,
Chớ đừng cãi lịnh gió mây ngoại tình.
Ngài khuyên hết gái trai:
“Làm trai nhỏ tuổi tình duyên đang nồng.
Cũng đừng ghẹo gái có chồng,
Cũng đừng phá hoại chữ đồng gái trinh.
Ra đường chọc ghẹo gái xinh,
Nữa sau mắc phải yêu tinh hư mình.
Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,
Vâng lời cha mẹ mà gìn gia cang.
Nghiêm đường chịu lịnh cho an,
Loạn luân cang kỷ hổ mang tiếng đời.”
Và cầu:
“Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
Sách thánh hiền dạy đạo làm người.”
Kính thưa quý vị, câu “Bắt chước gương xưa trau giồi lòng hiếu trung trinh tiết” tôi vừa giải. Nếu vấn chủ không còn thắc mắc xin cho qua câu hỏi khác.
(còn tiếp)
25/1/2016.







Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NGHI VẤN 2
BUỔI HỌC 8
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÁC ĐẠO TẶC VÀ TÀ DÂM (tiếp theo)
Hỏi: Vì bần cùng mà sanh ra đạo tặc; những quan chức không nghèo, đời sống họ no đủ hơn thường dân. Họ không lén lút trộm cướp như dân mà dùng nghị định nầy nghị quyết nọ để xâm phạm tài sản của nhân dân, lấy giá rẻ. Còn nữa, Đức Thầy nói “ Mượn luật pháp ẩn trong bống tối, mãi làm điều phi nghĩa chuyện bất lương”. Như vậy họ có bị coi là đạo tặc không?
Đáp: Câu nghi vấn nầy dài lượt thượt, ý nọ dệt ý kia, một câu thành hai, ba câu:
1, “Bần cùng sanh đạo tặc”, họ không phải kẻ bần cùng nhưng cướp đoạt tài sản của nhân dân thì họ có bị coi là đạo tặc không?
2, Họ ỷ có chức quyền đưa ra nghị quyết nầy, quyết định nọ để lấy không tài sản của nhân dân, hoặc trả giá tài sản rất rẻ và ép buộc phải chịu để chiếm dụng hợp pháp, như vậy họ có bị coi là đạo tặc không?
3, Đức Thầy có câu “ Mượn luật pháp ẩn trong bống tối, mãi làm điều phi nghĩa chuyện bất lương”. Mượn tiếng nói của luật pháp để chiếm dụng tài sản của nhân dân ta có thể áp dụng họ là đạo tặc không?
Tôi đoán ra những vế hỏi như vậy có trúng ý vấn chủ không?
Dạ đúng ạ.
Vậy tôi xin lần lược trình bày qua cách lập lại các vế hỏi:
Hỏi: “Bần cùng sanh đạo tặc”, họ không phải là kẻ bần cùng nhưng cướp đoạt tài sản của nhân dân thì họ có bị coi là đạo tặc không?
Đáp: Bần cùng sanh đạo tặc thường là nói về người dân nghèo khổ, gặp sự thiếu thốn thúc bách không chịu nổi mới đi trộm cướp cứu sinh. Ý nghĩa của đạo tặc là trộm cướp tài sản của người khác, đâu trừ Ông nhà giàu hay kẻ quyền chức mà không dám nói khi bắt quả tang họ trộm cướp. Xét ra, kẻ không nghèo mạt mà ỷ khôn ỷ quyền hành động đạo tặc tội ác của họ nặng hơn. Giàu dư ăn không giúp đỡ người nghèo để cùng sống ấm no còn ỷ khôn dùng mưu lập kế cho kẻ nghèo khờ lọt vào kế, nợ nần mà mất đất đai, tiền của. Quan chức ỷ quyền, luật pháp không quy định tịch thu nhưng họ tìm kẻ hở của luật pháp bắt tội một cách gượng gạo. Tội thêm tội, họ chiếm tài sản của người khác một cách độc ác hơn kẻ bần cùng sanh đạo tặc.
Hỏi: Họ ỷ có chức quyền đưa ra nghị quyết nầy, quyết định nọ lấy tài sản của dân hoặc trả giá tài sản rất rẻ và ép buộc phải chịu để họ chiếm dụng hợp pháp, như vậy họ có bị coi là đạo tặc không?
Đáp: Hành động đó chính là đạo tặc… giờ có phong trào “dân oan” khiếu kiện đất đai, đồng loạt kêu kẻ lấy đất họ là quân ăn cướp. Rất tiếc không còn từ nào nặng hơn là đạo tặc để dùng khi nói về họ. Nhân dân là chủ sở hữu hợp pháp tài sản của mình còn bị lấy ngang…
Thưa, thế nào là chủ tài sản hợp pháp?
Ví dụ: Đất của tôi là do Ông cha của tôi khai mở hoặc mua bán sồng thẳng đã qua bao đời chánh quyền, đất tôi đều có bằng khoán, chứng khoán và giờ thì có cái tên gọi khác: Giấy chứng nhần quyền sử dụng đất. Thế mà hễ chủ đầu tư kinh doanh trong nước hay nước ngoài ưng ý chỗ nào thì chánh quyền bán cho chỗ đó. Họ thành lập công ty hay cất lên nhà máy, đặt khu công nghiệp… Họ cấm móc bán đất, rồi thì rao lên đất ai trong vòng cấm nhà cửa cũng phải dọn đi, giá mỗi công đất chánh quyền mua cho hai mươi lăm triệu, mau mau mà đến lãnh tiền đặng cuốn gói để họ sớm hoàn tất khâu giải tỏa mặt bằng đặng mà giao đất đúng hẹn.
Một khu công nghiệp như khu công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, dân bị bắt bán với giá hai mươi lăm triệu một công, ai không chịu ăn tiền thì chánh quyền cho ăn còng số 8. Hộ gia đình Ông Nguyễn văn Duyên ở mãi không dời đi cho họ giải phóng mặt bằng bởi giá mua không hợp tình hợp lý. Chánh quyền dùng cưỡng bức dở nhà đào mồ, Ông Duyên phản đối, chúng đánh Ông Duyên hộc máu tại chỗ.
Vùng Thánh Địa Hòa Hảo quê ta, hôm trước có người đến thăm tôi kể nghe câu chuyện đau lòng: cả nhà tôi có hai công đất của Ông bà chia, đầu đàng trước cất nhà ở, phía sau trồng rẩy sống qua ngày. Bổng chánh quyền địa phương lấy đất tôi bán qua người khác làm cơ sở kinh doanh, trả mỗi công hai mươi lăm triệu. Không bán thì phải chịu hai hình phạt một là chết hai là ở tù nhưng chọn một trong hai thì đất vẫn mất. Cầm tiền hai mươi lăm triệu đi mua đất chỗ khác tương đối như chỗ tôi ở, an cư lạc nghiệp từ đời Ông Cha, nhập bốn lần tiền như vậy mua cũng chưa chắc được. Họ lấy đất mình nơi có đường, chợ và dân cư đông đúc, còn nói số tiền họ mua như vậy là cao, nếu vô vùng rừng mới mở, đất rẻ rề, bán một công đây mua hai công nơi đó còn dư. Dám so nói bậy bạ mà chừng mua nền nhà ở, họ lựa thứ hằng trăm triệu một nền, chỉ nền thôi đừng nói là có đất cắm giùi, một công.
Tôi không chịu vô vùng rừng mới mở để sắm lại đất, ăn ra mà không có làm vô riết rồi tiền bán đất tiêu hết. Nhiều người cũng có hoàn cảnh như tôi, rồi rủ nhau, con lớn con nhỏ phải cuốn gói ra Bình Dương sống tạ tội với tổ tiên, bất hiếu không giữ được đất của Ông bà. Việc nầy kẻ cướp đất phạm vào tội “là tội nhân gây ra những tai biến cho những gia đình cần lao kiệm tiết, là nguyên nhân của sự nghèo sự khó, họ phá hoại hạnh phúc của con người”.
Hỏi: Câu “mượn luật pháp ẩn trong bống tối, mãi làm điều phi nghĩa chuyện bất lương”. Mượn tiếng nói của luật pháp để chiếm dụng tài sản của nhân dân ta có thể áp dụng họ là đạo tặc không?
Đáp: Kẻ quyền chức mà có lòng nhám nhúa, cướp bốc, họ nói chuyện ra với nhân dân là luật pháp, bắt buộc nhân dân phải làm theo mà họ không làm. Công an có trách nhiệm giữ an ninh, quy tắc thẳng ngay “số một”. Bề ngoài của họ đều là vậy nhưng khi thực hành công tác an ninh… Tôi không cho là hầu hết chánh quyền các địa phương đâu cũng hiếp dân qua tài sản đất đai, phân nửa số các chánh quyền địa phương đưa ra giá thỏa thuận về mua bán đất phù hợp, cân phân. Quan thương dân thì quan không ăn chận của dân, hoặc ăn chận chút chút để bù vào công tác. Bán đất cho các chủ đầu tư mười thì mua vô cho dân cũng mười mới đúng. Dân đang sống đời an cư lạc nghiệp lại đuổi người ta đi, bị ép hơi còn nhịn được, mất đất của Ông bà mà tiền trong tay có thể đi nơi khác lập nghiệp. Quan chỗ nào không thương dân, bán ra mười mà mua vô cho dân có một. Ép quá thì dân phải nổi lên làm dân oan vác đơn khiếu kiện. Chỉ nói rơi rớt một số cái bề ngoài nói luật pháp thông thái như vậy… Ai dám nghĩ họ gian dối, hối lộ? Nguyễn Quốc Huy thứ trưởng bộ công an làm gì mà quan tòa cho vào tù gở mấy cuốn lịch? Còn nữa, năm 1994 trưởng công an phường Mỹ Thới vây bắt tín đồ PGHH đang hoạt động tôn giáo thì hai hôm sau hắn bị bắt vào tù với hai tội danh: 1 làm hồ sơ giả cho viện con lai xuất cảnh, 2 nhận tiền hối lộ. Đối với những quan chức như vậy, trích đọc lời Đức Thầy nói “ mượn luật pháp ẩn trong bống tối, mãi làm điều phi nghĩa chuyện bất lương” quả không sai.
Nói tóm, bất cứ ai lấy chiếm tài sản hợp pháp của nhân dân đều là kẻ trộm cướp, mà phân tội nặng tội nhẹ giữa dân thường và kẻ có quyền chức thì dân thường, theo tình lý mà so, tội nhẹ hơn bởi hai điều: một vì họ nghèo đói hoàn cảnh ép phải làm người vô lương tâm để kiếm sống mà họ không còn cách nào khác, hai họ trộm cướp ai là làm khổ có một nhà thôi, còn quan chức ỷ quyền hễ chịu lấy là lấy nhiều, khoanh một vùng đất có hằng trăm nhà bị mất tài sản, lên một kế hoạch đánh thế là rút ruột năm bảy chục triệu người.
22/1/2016
(nghi vấn buổi học còn tiếp)


Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

LƯỢC BÀN VỀ MỘT BÀI VIẾT (tiếp theo)
Trích dẫn:
“Sự tách biệt trong tài liệu này giữa các bài giảng đạo Phật và các bài thơ có vẻ như không chính xác. Ngay từ thời kì ấy, Huỳnh Phú Sổ thực tế là đã dạy đời bằng miệng và dưới hình thức thơ – những bài thuyết giáo vừa áp dụng thuật dễ nhớ vừa có tính cách giảng đạo. Huỳnh Phú Sổ cũng dùng những vần luật thơ ca từng được Đoàn Minh Huyên và những người kế tục ông sử dụng. Một số trong những ông này đã ghi lại các bài giảng của mình ra giấy. Bản tài liệu không xác định rõ liệu những bài thơ được sáng tác bởi Huỳnh Phú Sổ, theo ý kiến của họ, có phải là được cóp nhặt từ các tập thơ trên hay không. Có một sự giống nhau nữa có thể nhận ra là về cách chữa bệnh. Ngoài việc thường sử dụng hoa cho vào nước thuốc sắc từ thuốc nam, người ta còn nói “giấy vàng” liên kết lại phép mầu của người thanh niên ấy với phép mầu của Đoàn Minh Huyên. Những người bệnh đến khám quả thực đã hi vọng rằng giấy vàng sau khi đốt thành tro và uống vào có thể chữa cho họ khỏi bệnh tật và phòng ngừa cho họ khỏi dịch bệnh, thậm chí bảo vệ họ trước ma quỷ. Huỳnh Phú Sổ cũng sử dụng cách thức vừa chữa bệnh vừa giảng đạo Phật (lợi sanh nhi hoằng pháp).” Ngưng trích.
Thuyết Pháp với giảng đạo là mấy khác ? Ông Pascal Bourdeaux bảo rằng qua tài liệu mà Ông nghiên cứu thì giữa các bài giảng giải về đạo Phật bằng thơ nói của Đức Thầy là không chính xác. Bởi vì _ Ngay từ thời kì ấy, Huỳnh Phú Sổ thực tế là đã dạy đời bằng miệng và dưới hình thức thơ _ (những câu trích dẫn dùng chữ nghiêng) Nói dạy đời bằng miệng để dẹp bớt tính cao siêu của một vị giáo chủ và người ta nếu cố tình sẽ gạt bỏ ý niệm Đức Thầy có viết quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý. Trong đạo PGHH, nhà ai cũng có quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý để học hằng ngày hằng giờ, thật tế như vậy mà Ông người ngoại diện dám ngang nhiên sửa nguồn gốc lịch sử của đạo PGHH cho Đức Thầy dạy đời bằng miệng và dưới hình thức thơ. Quyển Sám Giảng Thi n Giáo lý của Đức Thầy thì Ông nói hơi hám _ “Huỳnh Phú Sổ cũng dùng những vần luật thơ ca từng được Đoàn Minh Huyên và những người kế tục ông sử dụng. _ Đánh đổ dần dần ra, Đức Thầy dạy đạo giùm chứ bản Thân của Ngài không có gì hay ho trong việc độ chúng. Ông bảo một số người kế tục sự nghiệp Phật giáo của Đoàn Minh Huyên Phật Thầy Tây An _ Một số trong những ông này đã ghi lại các bài giảng của mình ra giấy _  Ông nói mỉa mai bóng gió như là Đức Thầy lấy những bài giảng đạo của các đệ tử Đoàn Minh Huyên làm của mình.
Còn nữa, Ông thật quá đáng, nói hơi hám cho đả để người tìm hiểu học tu theo PGHH coi mòi quá chán cái sự thật không mấy tốt của vị giáo chủ thì Ông tóm kết bằng _ Bản tài liệu không xác định rõ liệu những bài thơ được sáng tác bởi Huỳnh Phú Sổ, theo ý kiến của họ, có phải là được cóp nhặt từ các tập thơ trên hay không. _ Ông tự đặt vấn đề _ Huỳnh Phú Sổ dại đời bằng miệng còn nói trớ trêu là _ theo ý kiến của họ _ để tránh va chạm.
Ông ăn nói sổ sàng như vậy mà nghe được với một con người có học vị sao? Xin đừng thêu dệt nữa, đừng nói là theo ý kiến của họ hay của ai nữa một cách nói hoang đường, bảo là _ được cóp nhặt từ các tập thơ trên hay không _ thì Ông cũng nên cho đọc giả biết xuất xứ từ các tập thơ được Đức Thầy cóp nhặt chứ !
Tôi biết Ông không tìm được xuất xứ bởi vì nó có đâu mà tìm. Ngay bản thân Ông đã học được cái thói quen ám chỉ, hơi hám, bóng gió… để lập luận bài viết cho suôn là xong chuyện. Sợ gì mắc mớ tín đồ PGHH đã đi học đạo ở cái Ông Thầy chỉ giảng đạo bằng miệng thôi, không có bút tích. Nói đến Ông Thầy của họ Ông không tiếc lời _người thanh niên cuồng tưởng_.
Đức Thầy khai sáng PGHH từ năm 1939, theo các cụ thì Ngài dùng “Tam Độ Nhứt Như” Thuyết pháp để truyền giáo, viết giảng kệ để truyền giáo và độ bệnh để truyền giáo. Về viết giảng kệ để truyền giáo bắt đầu từ năm khai sáng đạo, 1939 tính đến nay hơn hai phần ba thế kỷ trôi qua đâu nghe vị đệ tử nào của Đức Phật Thầy Tây An kiểu chính Đức Thầy cóp nhặt bài của các vị và phản bác; đó là Ông cố tình chọc phá đức tin cho trong đạo sôn xao, vướng bận để chậm lại sức phát triển. Ông cứ hở ra là nói tài liệu nầy tài liệu nọ mà không chứng minh về tài liệu đó một cách chính xác là của vị nào. Đức Thầy thuyết Pháp bằng miệng, còn các bài viết đều là cóp nhặt qua các tập thơ của những đệ tử Phật Thầy Tây An là lần đầu tôi mới nghe một mình Ông nói đó.
Trích dẫn:
“Đoàn Minh Huyên cũng đã lưu danh hậu thế là Phật Thày đến từ Tịnh Độ ở Tây Phương sau khi đã được gọi là Đạo Khùng vì thái độ chống lại việc thờ tượng Phật và chủ trương giữ gìn sự thực hành đạo Phật đích thực của ông. Trong con mắt của quần chúng nông dân, Huỳnh Phú Sổ được xếp vào dòng kế tục của Đoàn Minh Huyên. Những cách gọi tên ông xuất hiện ít lâu sau (nhất là “Đạo Khùng”) xác nhận sự kế thừa tinh thần Bửu Sơn Kì Hương của Huỳnh Phú Sổ.” ngưng trích
Ông lại sai thêm nữa. _Trong con mắt của quần chúng nông dân, Huỳnh Phú Sổ được xếp vào dòng kế tục của Đoàn Minh Huyên._ Phật Thầy Tây An và Đức Thầy hai mà một. Nói hai là nói về cái tiền thân và hậu thân. Ông không phải trong đạo và cũng không có dịp đọc giảng, thậm chí, viết về nguồn gốc lịch sử của đạo PGHH suốt một bài viết nhiều trang mà Ông không chứng minh một câu giáo lý của Đức Thầy để Ông tự ý phát sinh nguồn gốc lịch sử một tôn giáo không phải của Ông. Sự thật của giáo lý tôn giáo là nguồn gốc lịch sử của tôn giáo, Ông không biết giáo lý tức đồng nghĩa với không biết về nguồn gốc lịch sử. Trong giáo lý có những câu rất là nguồn gốc, Ông không đọc làm sao mà biết, ví dụ:
“Bửa xưa giảng kệ một nang,
Bởi vì ta mắc dời thoàn cảnh xa”
Và câu:
“Lời của người di tịch Núi Sam,
Chớ chẳng phải bài điều huyễn hoặc.
Cảnh thiên trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống hồng trần.
Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.”
Câu có những chữ “giảng kệ một nang” và “dời thoàn” là để đánh thức lương tâm quần chúng qua câu chuyện Lúc Đức Phật Thầy ngụ dưới mái đình làng Tòng Sơn, Ngài để cái mo nang trong đó có quyển giảng kệ, lá cờ và giấy vàng trên ngôi thờ thần, Hôm Ngài đi về rạch Trà Bư, Xẻo Môn để trị bệnh cho bá gia thì cách không lâu sau nơi làng Tòng Sơn dân chúng cũng phát bệnh lên dữ dội, họ cho người đến Trà Bư Mời Phật Thầy trở lại độ bệnh dân chúng. Xét Ở đây dân còn bệnh phải tiếp tục điều trị cho họ không thể về Tòng Sơn được. Phật Thầy dặn dò người đại diện đến từ Tòng Sơn Hãy về lấy cái mo nang ta để trên ngôi thờ Thần, lấy giấy vàng ra chia dùng sẽ khỏi bệnh.
Câu trích dẫn hai “Lời của người di tịch núi sam” là quá rõ nghĩa.
Còn nữa, trong quyển Sám Giảng Thi Văn có ghi lại bài thơ Ông Tùng ở Vàm Cái Đầm hỏi Đức Thầy về gốc gác đạo của Ngài ở đâu, lãnh sắc chỉ của ai. Đức Thầy viết trả lời cho Ông ấy:
“ Sắc của A Di là Phật Tổ,
Bốn chữ xuống trần chớ ở đâu”.
Tên gọi của một tôn giáo thuộc đạo Phật có bốn chữ, xưa nay chỉ có Bửu Sơn Kỳ Hương và giờ là Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngoài những câu dẫn chứng được trích ra từ quyển Sám Giảng giáo lý xác định Phật Thầy Tây An là cái tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ, còn có một câu chuyện phát tích từ Ông Đạo Thắng một trong những đại đệ tử của Đức Phật Thầy. Trước lúc Phật Thầy viên tịch có viết hai bài thơ đề tên “Bát Nhẫn” và “ Đạt Đạo Ngao Du Chau Di Viễn Cận”. Bài Bát Nhẫn Phật Thầy để treo trong phòng của Ngài, nhằm hôm Ông đạo Thắng đến quét dọn phòng cho Thầy lấy đọc, còn bài “Đạt Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận” Phật Thầy nói với Ông Đạo Thắng: Ta nhập Niết Bàn rồi trở lại với thân thể khác, nữa sau có vị nào viết và đọc được hai bài thơ nầy bằng chữ hán chính là ta trở lại. Ông Đạo Thắng chờ mãi không nghe thấy Phật Thầy trở lại, già sắp mãn đời Ông mới đem vụ việc nói lại người cháu nội là Nguyễn Phước Còn. Năm 1939 Đức Thầy ra đời dạy đạo, Ông Nguyễn Phước Còn nằm mộng ba đêm liên tiếp chư thần kêu đến Hòa Hảo tìm Phật trở lại. Sở dĩ chờ kêu ba lần vì Ông Bảy Còn không tin việc mộng là thật nhưng lần thứ ba bị chư Thần quở nặng buộc phải đi. Đến Hòa Hảo gặp Đức Thầy, quả nhiên Đức Thầy viết liền hai bài thơ bằng chữ hán đọc cho Ông Bảy nghe. Ông bảy nhớ lại chuyện của Ông nội dạy, phục mình xuống lạy.
Rõ ra, Đức Thầy chính là Đức Thật Thầy nhập Niết bàn rồi tái lâm phàm tiếp tục sự nghiệp Phật Giáo vì thời cơ đã đến, không phải hàng đệ tử mà gọi là kế tục hay kế thừa. Vì nhận định sai lầm nên Ông Pascal Bourdeaux cho rằng vị trí khai sáng đạo PGHH của Đức Thầy là không xứng đáng, gọi Ngài là “người thanh niên cuồng tưởng”, mộng cao danh dự mà sự hiểu biết Phật pháp không nhiều, giảng đạo miệng còn bài kinh kệ thì cóp nhặt của ai làm của mình.
Tôi may mắn được tiếp chuyện một số các cụ hồi sanh tiền sống gần gủi Đức Thầy trong đó có bác sĩ Trần Lũy, người theo học thuyết “duy vật sử quan”, đem hỏi chuyện với Đức Thầy về thuyết thủy tổ của loài người là Khỉ, tóm tắc kể lại chuyện mắt thấy tai nghe, Đức Thầy thuyết pháp và viết kinh kệ, tất cả đều cung kính Đức Thầy là bậc siêu phàm như Ngài viết trong bài Nang Thơ Cẩm Tú:
“Miệng nhích môi đầy văn tao nhã,
Hạ Bút thần thơ đã đề khai”.
Đi quá xa với thực tế, Ông Pascal Bourdeaux ơi!
20/1/2016.







Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC 8
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC ÁC ĐẠO TẶC VÀ TÀ DÂM
Buổi học 8 của nhóm học giáo lý PGHH qua hai tiêu đề: Ác Đạo tặc và Tà Dâm.
Chú giảng xong đến phần đặt nghi vấn những chỗ chưa rõ qua đề học, có nhiều câu hỏi đưa ra; thời giờ còn lại không nhiều tôi chỉ trình bài đại khái tại lớp cho kịp. Giờ tôi viết lại những vấn đáp kể trên mở rộng để làm tài liệu đọc thêm cho nhóm học giáo lý nhờ đó các học viên nâng sức ghi nhớ về nội dung của bài học.
Dầu viết không o ép bởi thời gian nhưng rất nhiều câu vấn đáp mà khung bài có hạng, tôi gạn lại những câu hỏi có khía cạnh giống nhau rút bớt số câu, đem khía cạnh câu hỏi của người nầy lắp ráp vế trả lời qua câu hỏi của vị khác. Miễn đề tên vấn chủ mà chắc chắn người trong cuộc sẽ hiểu được câu hỏi của ai và trả lời cho ai.
Về đạo tặc, hỏi:
Nếu nói “Bần cùng sanh đạo tăc” tức hễ nghèo mạt là có quyền trộm cướp sao?
Đáp: Nghe cách hỏi, tôi biết đồng đạo học viên chưa nghiệm kỷ câu Đức Thầy nói, tôi đọc ngắt đoạn quan trọng để tiếp ý quý vị nhá! đọc “Bần cùng sanh đạo tặc” liền ngưng là ngưng chưa đúng chỗ ngưng, câu ấy vẫn còn đi tiếp một mạch “là câu chữa mình”. Nếu ngưng như vậy té ra Đức Thầy đồng ý hễ ai nghèo là có quyền trộm cướp sao. Nầy nhá, Bần cùng sanh đạo tặc cần phải là câu chữa mình… “chữa” ở đây có nghĩa là bào chữa. Bào chữa cho ai? Thưa rằng cho tự thân bọn bất lương vô đạo, cho sự gian ác của chính họ gây mà đổ thừa vì hoàn cảnh nghèo thiếu mới làm chuyện nông nổi nầy. Việc bào chữa không đặt trên quan điểm luật pháp hay đạo đức mà là lời bào chữa hòng lừa đảo chạy tội. Chính bản thân họ làm chuyện bất lương, có bào chữa cỡ nào thì cũng là bất lương.
Câu bần cùng sanh đạo tặc, Đức Thầy ví để bọn bất lương vô đạo nói bào chữa đặng chạy tội, lẽ dĩ nhiên ai không phải hạng bất lương vô đạo thì không được áp dụng câu ấy trong đời sống. Quý vị suy ra việc của tên đạo tặc làm là cảm thấy khó chịu ngay: “chuyên lo giết người cướp của, đoạt giựt tài-sản lương-dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ-hôi, bao nhiêu dòng nước mắt mới làm ra được.” Những gia đình làm lụn vất vả, “cần lao kiệm tiếc” lắm mới có ăn có để mà vô cướp của người ta nếu không nói họ “là tội-nhân gây ra những tai-biến trong những gia-đình cần-lao kiệm-tiết, là nguyên nhân của sự nghèo sự khó, họ phá-hoại hạnh-phúc của con người” thì nói họ là gì? Mần quá sức sanh bệnh, mệt không dám nghỉ, ăn xài tiện tặn qua nhiều năm như vậy mới phất lên được chút giàu, xui rủi bị trộm cướp chỉ một đêm thôi của cải trong nhà bay sạch bách.
Tôi có một người bà con, năm đó 1970, cả vợ chồng dan lưng ra mần ba chục công đậu nành, suốt một mùa ngoài đồng mặt mày đen đúa, da tay da chân sầng sượng nổi u. Trúng đậu lại còn trúng giá, bán một trăm hai chục ngàn đồng. Năm 1970 số tiền như vậy là rất lớn. Để trong tủ chưa có hơi tiền thì phe cánh của cướp “Cua Vàng” đến giữa ban ngày kêu đưa hết số tiền một trăm hai chục ngàn đồng cho họ. Tiếng bán đậu số tiền lên cao như vậy nhưng thanh toán các khoản chi phí còn trong tủ non một trăm ngàn, rốt cũng phải đi mượn đưa đủ số cho cướp. Chúng đòi, ở mà kèn cựa lôi thôi, dẫn đến mất mạng không chừng.
Người bà con nầy lúc đó là lính ấp “nhân dân tự vệ” nhà có cây súng Ca Răng, bá súng dài thòn bắn tầm xa khoảng trăm thước còn độ chính xác trong khi hai tên Cua Vàng đi chiếc xe Hon Da ss 67 với hai cây cul, tầm bắn của cul hai mươi thước là kém chính xác, thế mà Ông lính Ca Răng chịu thua non hai cây cul cho nó lấy một trăm hai chục ngàn đồng đi tuốt luốc. Mất số tiền to, vợ chồng buồn bả khổ sầu như muốn chết đi. Có ai hiểu được nổi đau của người bị cướp nhứt là ở làng  quê, bòn mót từ đồng lâu ngày thì phút chốc bay đi. Giàu như một giất chiêm bao, có chưởi bới Cua Vàng cũng chửi thầm trong bụng chớ chửi tạn mặt nó biết được thì chẳng những chúng cướp tiền còn cướp luôn cái xác đem tặng viêm vương.
Nghèo thì dân ta đây nhiều người nghèo lắm nhưng không mấy kẻ hành nghề đạo tặc nuôi thân để mang tiếng “bất lương vô đạo”. Chính vì vô đạo nên không kìm chế bản thân trước các sự ham muốn sa hoa, sa đọa. Tiền mần vô không kịp cho sự ăn xài, mua sắm, mà dục vọng cứ được nước phát sinh; khát vọng lên cao ghiền không chịu nổi, đâu mà chờ tới tháng lãnh lương hay mần xong mùa vụ… “con ơi học lấy nghề cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”, tính chuyện “ăn liền”mới kịp cho khát vọng bừng cháy. Những người hành nghề đạo tặc họ cũng trong làng mình ra làm chuyện lén lút, ta thấy nhà họ đâu nghèo đến đổi mà nói là “bần cùng”để lấy cớ. Nhà họ sắm đủ những đồ cần thiết. Nhiều nhà nghèo gấp mấy lần họ mà vì người ta không chịu trở thành kẻ bất lương vô đạo và mỉa mai Ông cha nào đó dạy con tầm bậy “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”.
Ai mà không được sự giáo dục từ lúc nhỏ “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Ảnh hưởng nền giáo dục tốt từ gia đình đến học đường, nhưng ra trường đời khác hơn trường học, xã hội khác hơn gia đình, nếu bị nhiễm đục của thói sa hoa thì nền giáo dục học đường, gia đình bị đậy kín. Người không kìm chế lòng trước sự sa hoa thì từ sa hoa dẫn tới sa đọa là không xa nữa để đến bất lương vô đạo. Như thứ trưởng bộ công an Nguyễn quốc Huy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án tòa án nhân dân tối cao phải chịu ra vành móng ngựa với tổ chức Năm Cam một tên trùm xã hội đen nổi tiếng, ai bảo là không có nền giáo dục học đường?...đâu phải là kẻ bần cùng mà cũng sanh đạo tặc.
Đức Thầy khuyên thôi đạo tặc:
“Nay đước huệ từ bi đã rọi
Vào thâm tâm những kẻ gian phi.
Hãy tu thân chừa thói vô nghì,
Của phi nghĩa làm chi xong chuyện.
Luật nhơn quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thông thả”.
Hỏi: Bàn về Đạo Tặc, gọi “con sâu làm rầu nồi canh” là ý nghĩa gì?
Đáp: “Rầu” là nổi buồn phát lên từ trong lòng khi gặp chuyện không may. Lấy sự “nồi canh” được nấu chín, thức ăn toàn mua thứ đắc tiền, hoặc nói là những món ngon mình thích; sau cùng người ta phát hiện một con sâu chết rả thây trong nồi canh, bỏ thì tức, tiếc còn ăn vào là không dám, buồn rầu đứa nấu sao mà hơ hỏng đến vậy. Mượn sự nồi canh ngon bị con sâu chết trong canh mà hết ai xài, đổ bỏ, ví nói lên sự ảnh hưởng lớn lao của một gia đình, đông người đàng hoàn, chỉ một người không đàng hoàn, trộm cắp, tiếng dữ đồn ra, nhà ta là nhà trộm, xóm trộm, thiện dù nhiều mà bị ảnh hưởng bởi một hai kẻ ác, cộng đồng cũng sẽ bỏ tới lui thân mến. Bởi thế người ta chơi chung thường nhắc câu “một người làm xấu cả bọn mang nhơ, một người làm tốt cả bọn được nhờ” mà sống có chuẩn mực.
18/1/2016

(còn tiếp)

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

BUỔI HỌC 8
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
Học qua
ÁC ĐẠO TẶC, ÁC TÀ DÂM

Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa chư quý đồng đạo! Hôm nay chúng ta tiếp tục học biết qua mười điều ác, đến lược ác Đạo Tặc và ác Tà Dâm.
Nghĩ phát thẹn lên mặt, xưa nay nói về ác là không ai học, cho dù có học đối với một vài phần tử xấu trong xã hội thì họ cũng học lén lút, âm thầm chứ đâu mà rầm rộ “học khoe” như chúng ta. Trong khi soạn bài giảng tự nhiên lòng tôi gợi lên câu hỏi: Tuần tới học bài gì với bài gì nhỉ? Đáp: Học bài đạo tặc và tà dâm. Môi miệng lỡ chừng còn bụm họng chận hầu chứ ý đã tuột ra chỉ còn cười cho đỡ thẹn.
Ý nghĩa của sự học mười ác không phải để hành ác mà là biết mặt mủi của từng tên ác, không lầm lộn khi sử lý cho thiện tồn ác mất.
PHẦN 1: CHÁNH VĂN
ĐẠO- TẶC.- Câu: “Bần-cùng sanh đạo-tặc” cần phải là một câu chữa mình cho bọn bất-lương vô đạo. Những kẻ nầy ngày vẩn-vơ đầu đường xó chợ, tối kiếm chỗ khoét vách đào tường, không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Lớp người cặn-bã của xã-hội ầy, sống ngoài vòng pháp-luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối sự an-ninh của dân-chúng, chuyên lo giết người cướp của, đoạt giựt tài-sản lương-dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ-hôi, bao nhiêu dòng nước mắt mới làm ra được. Họ là giống sâu làm rầu nồi canh, là tội-nhân gây ra những tai-biến trong những gia-đình cần-lao kiệm-tiết, là nguyên nhân của sự nghèo sự khó, họ phá-hoại hạnh-phúc của con người.
Cơ-hàn đói khó, thay vì phải làm-lụng như những kẻ khác mưu cuộc sống còn, họ gây cái lỗi nầy rồi đến cái lỗi khác, phạm tội nầy rồi tới tội nọ, tạo chẳng biết bao nhiêu chuyện bất lành cho nhân-chủng. Lưới Trời tuy thưa nhưng khó lọt, những kẻ ấy dầu họ không bị luật hình của loài người phân-xử, song cơ Trời cũng sẽ báo-ứng đến những hành-vi đen tối, nếu họ không chịu ăn năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân, bỏ thói vô-nghì lánh điều phi-nghĩa.”
TÀ-DÂM.- Muôn việc lành hiếu-thuận đứng đầu, ngàn việc dữ tà-dâm đứng trước”. Sách sử thường bảo như thế.
Lần dở xem sách sử, thời thấy tội ác ấy lan-diễn khắp mọi nơi, từ trào- nội cho đến thứ-dân, từ trong gia-đình đến kẻ xa người lạ; nó là mầm gây ra biết bao thãm-trạng ! Gương của vua Tề với vợ Thôi-tử, An-Lộc-Sơn với Dương-Quí-Phi há chẳng còn lưu-liên hậu-thế ? Giàu ỷ của hiếp-dâm kẻ khó, quan ỷ quyền cưỡng-bức đám dân nghèo. Gian-phu dâm-phụ từ xưa đến nay luôn luôn đều có.
Muốn tránh sự bại-hoại của nền luân-lý nước nhà, muốn giữ-gìn tiếng tăm của gia-thế, phải đừng để dục-tình lôi cuốn, bắt chước gương xưa trau-giồi lòng hiếu-trung trinh-tiết.”
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG.
Đạo-Tặc: Trộm cướp, lấy tiền bạc, đồ đạc của người ta làm của mình.
Bần-cùng sanh đạo-tặc: Bần cùng là nghèo cạn đáy, nghèo hết chỗ nghèo mà lại không có cách làm ăn lương thiện, sanh ra trộm cướp. Nhưng đây không phải là lý do cho tất cả hạng bần cùng. Đức Thầy có câu:
“Bần cùng cũng sớm liệu toan,
Giữ tâm ngay thảo xóm làng mến ưa”
Xóm làng mến ưa thì xóm làng giúp cho ăn, giúp có công việc sanh phương lương thiện.
Chữa mình: Chữa đây không phải sửa chữa mà là bào chữa. Sửa chữa là từ xấu sửa lại tốt còn bào chữa là diện chứng nói cái quấy của mình là phải. Nghèo quá phải trộm cướp, Đức Thầy cho đó là câu nói chữa mình của nhóm người hành nghề bất lương, chứ trong đời có biết bao người còn nghèo hơn nhưng người ta đâu có sanh tâm trộm cướp.
Cặn-bã của xã-hội: Cặn bã là chất dơ bẩn bị lóng lặn xuống đáy cho trên có được nước trong. Trong lu nước khi người ta dùng hết nước trong chỉ còn là cặn bã người ta đổ hất nó ra ngoài. Cặn bã của xã hội cũng là những thứ dơ bẩn bị lóng lặn xuống, dầu không đổ bỏ đâu được nhưng  đa phần người tốt trong xã hội, không ai xài.
Phá rối sự an-ninh: Phá rối tức tạo nên sự xáo trộn nào đó, ví dụ: mọi người đang lẳng lặng nghe thuyết trình giáo lý PGHH, bổng có kẻ đến làm ầm lên khiến người ta không còn nghe rõ để tiếp thu đề tài. An ninh là nơi được sự trị an của pháp luật, không có những trường hợp đánh giết hay trộm cướp… Phá rối sự an ninh: do trộm cướp nổi lên trong dân chúng, làng xóm không yên “Ngày làm lụng đêm lo gìn giữ”
Sâu làm rầu nồi canh: Là câu thành ngữ diễn tả một nồi canh với nhiều thực phẩm cao lương mỹ vị, quí giá đắc tiền, khi người ta phát hiện có con sâu nằm trong thực phẩm đã bị nấu chín người ta sẽ bỏ cả nồi canh, còn có tiếc không chịu bỏ thì dùng cũng không mạnh miệng. Một xóm làng yên ổn bổng cướp trộm nổi lên hết vụ nầy tới vụ khác, riết vậy thiên hạ đồn là xóm trộm cướp; không ai dám đến ngoại giao, những người tốt trong làng cũng chịu ảnh hưởng tiếng xấu mà bị bỏ.
Cần-lao kiệm-tiết: Chuyên cần làm lụng mà sống tiết kiệm, dành dụm của tiền để phòng khi hữu sự đem ra xài thì trộm cướp lấy xài rồi.
Phá-hoại hạnh-phúc: Phá hoại: Khi người ta làm cái gì đó chưa thành công hoặc đã thành công thì bị kẻ khác phá hoại cho hư mất. Hạnh phúc là sự sống tốt đẹp nhất của con người khi có tiền của, lứa đôi êm thắm nhưng bị lấy cướp tiền của mà nghèo khổ, hạnh phúc bay đi.
Lưới Trời: Lưới định luật Trời giăng để bắt kẻ làm ác phải chịu quả báo.
Báo-ứng: Nói lên sự đúng đắn nhất của tạo hóa. Hành thiện là thiện ứng, gây ác thì ác lai.
Hành-vi đen tối: Hành vi là việc làm, cũng gọi là hành động; đen tối, dùng sắc màu không ra gì để biểu thị người có hành động lén lút, né tránh, không dám công khai.
TÀ-DÂM: Tà là việc làm không chánh đáng, ngay thẳng; Dâm, thuộc phần dục vọng về sinh lý con người. Tà dâm tức sử dụng dâm dục ngoài phép tắc hôn thú.
Trào-nội cho đến thứ-dân: Trào nội là nói ở hoàng cung, cũng gọi là triều cung hay triều đình, nơi vua ở; thứ dân là dân ở nơi thôn quê, dân thường. Từ trào nội cho đến thứ dân, ý nói từ hạng cao đến hạng thấp, vua chúa hay dân quèn, người giàu sang hay kẻ bần tiện… đâu đâu ác tà dâm cũng xuất hiện. Hễ lòng còn dục vọng hành dâm thì bất kể là ngu hay trí học cao hay vô học vẫn lâm cuộc để chịu chung sự miệt khinh của xã hội loài người. Có những người học vị cao, chỗ đứng trong xã hội cũng cao mà đi trộm vụng vợ con của thuộc hạ, hay dụ dỗ con nít… chuyện đổ bể ra mất chức mất quyền, danh giá cũng mất.
Gương của vua Tề với vợ Thôi-tử ( Điển ) Đây thuộc chuyện xưa tích cũ, đời Đông Châu Liệt Quốc nước Tàu. Vua Tề tức nói vua nước Tề, có tên là Tề Trang Công, con của Tề Linh Công. Dưới trướng của nhà vua có một bầy tôi tên là Thôi Tử làm quan thượng khanh, quan có một người tiểu thiếp tên là Đường Khương dung nhan kiều diễm. Sắc đẹp của Đường Khương đã làm động lòng Tề Trang Công, muốn chiếm hữu ân ái thỏa tình, cho người dùng mối mưu kết, hẹn hò làm chuyện gió trăng. Thôi tử chừng biết ra là giận lắm, trách vua không nhớ ơn sâu nghĩa nặng của cái hồi bị vua cha truất phế ngôi thái tử thì Thôi Tử gánh vác trọng trách nặng nề lật lại thế cờ cho Ông được lên ngồi ngôi báu. Ơn ích chưa trả mà thê thiếp của bầy tôi trung thành vua còn muốn giựt tướt.
Nghĩ người chăn dân có tính hoang dâm như vậy là không thể tha, bèn hợp tác với Đường Khương lập mưu giết vua để trừ hậu họa cho nhân dân bá tánh. Ông giả bệnh nặng, cho người đồn đãi ra ngoài. Tề Trang Công nghe tin vậy là mừng lắm, bèn sắm sửa tư cách Ông vua hoang dâm đến thư phòng riêng của Đường Khương trong lúc người đàn bà đẹp tuyệt vời nầy vẫn đang bủa sắc khoe hương gợi tình, cùng lúc có người tỳ nữ đến thưa:
Bẩm lệnh bà! Quan lớn kêu đau nhức, gọi lệnh bà đến lo thuốc.
Đường Khương nghe báo cũng giả làm tiếc mà đi vội vàng, hẹn chút trở lại khuyên vua ở đợi tình nồng. Với vua thì không còn chút hẹn nào nữa, Đường Khương vừa ra khỏi phòng, đội quân sát thủ của Thôi Tử đã tràn tới giết chết Tề Trang Công.
An-Lộc-Sơn với Dương-Quí-Phi: (Điển) An Lộc Sơn làm quan Tiết Độ Sứ đời nhà Đường có tên là Đường Huyền Tôn hay Đường Minh Hoàng. Dương quí phi, tên tự là Dương Ngọc Hoàng tên hiệu là Thái Chân, đầu tiên được thái tứ Long Cơ xin cưới làm vợ, chuyện chưa thành thì nhan sắc của cô công nương đã đập mạnh vào mắt của vua cha Đường Minh Hoàng, từ đó đã làm đảo lộn mối dục tình của hai cha con nhà hoàng tộc. Vua là kẻ có quyền lực cao nhất đã kéo cô nương Thái Chân ngã vào lưới tình và ban tặng danh hiệu Dương quí phi.
Từ ngày người đẹp Thái Chân vào cung, nhận chức ái phi, Đường Huyền Tôn như bị hốt hồn, lơ là việc triều chính cho bọn gian thần kết bè lập phái. Dựa vào sự mất cảnh giác của vua quan, An Lộc Sơn nhơn đó tiến tới thủ đoạn xưng là con nuôi của Dương quí phi, tự do ra vào cung cấm vừa trổ tài dâm loàn với quí phi mẹ nuôi vừa theo dõi sự mạnh yếu của quân triều đình, an ninh triều chính. An Lộc sơn cho quân tấn công vào thành Lạc Dương, Ông ra mặt xưng hiệu là Yên Đế, Huyền Tôn nghe tin sợ chuyện giết vua cướp ngôi, liền bỏ trường an với đám tàng quân trung thành trong đó có người đẹp Thái Chân, dẫn nhau đi trốn chết.
Lưu-liên hậu-thế: Tiếp diễn thời trước qua thời sau, đời này sang đời khác. Ý nói ác Tà Dâm, kẻ hậu sanh biết những chuyện về tính dâm loàn của người đi trước chẳng hay ho mà noi theo để đời đời nối tiếp, đáng lẽ phải trừ mà người ta cứ lầm lủi đi theo vết xe đổ đến lưu liên hậu thế.
Ỷ của hiếp-dâm: Nói về người ỷ mình có tiền của, lợi dụng cái chỗ người ta nghèo mình giàu, hiếp dâm có gì thẩy tiền ra đậy miệng, bằng đậy miệng nạn nhân không được thì cho hao tiền nhiều hơn một chút đem đậy miệng quan dưới quan trên là xong. Nạn nhân có cứng rắn viết đơn thưa kiện thì mình giàu nó nghèo, kiện thưa riết hết tiền bỏ cuộc rốt lại mình cũng thắng. Hoặc người đi làm công, ở đợ, bị hỏi tình không phép tắc, hoặc ép bức mà không dám từ chối, cải lại, sợ bị đuổi việc chết đói cả nhà.
Ỷ quyền cưỡng-bức: Nói về kẻ có quyền, ỷ quyền cao chức cả cưỡng bức dâm dục các cô các bà dưới hệ thống tổ chức, nếu không thì sàn xảy các ghế ngồi hoặc chuyển công tác không thích hợp, lưu đày xuống tổ chức nhỏ vùng xa. Đổi lại các cô các bà cũng thế, khi lòng dâm dục phát tác mạnh cũng đi o bế ép buộc các anh các cậu dưới tay mình.
Gian Phu: Gian là ăn ở không ngay, dối trá; phu là chồng. Gian phu là nói người đàn ông đã có vợ rồi còn đi lén lút tư tình với người đàn bà khác; dối gian với vợ nhà ngày mong đêm đợi, gian dối với thiếp đến sau nói là chưa vợ hay trù ẻo vợ chết để cô nàng tin mà thỏa mãn lòng ham muốn.
Dâm phụ: Dâm là lòng ham tình dục, phụ là tiếng dành để gọi người phụ nữ có chồng, thành ra đàn bà. Dâm phụ là nói người đàn bà loạn luân, nặng tính dâm dục, không dừng lại ở một ông chồng.
Bại Hoại: Bại là thua, hết khả năng chống đỡ, bại xụi, bại cuộc; hoại có nghĩa là hư mất, phá hoại, hủy hoại. Theo nghĩa của ác Tà Dâm, bại hoại là làm hư mất nền luân lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quốc gia Việt Nam.
Tiếng tăm của gia thế: Tiếng tăm là nói về sự nổi tiếng của cá nhân hay hội nhóm, tổ chức, ví dụ: Ông ấy rất có tiếng tăm trong nghề thuyết giảng, hội nhóm đó nổi tiếng qua việc làm từ thiện. Gia thế là dòng dõi, tộc họ. Tiếng tăm của gia thế là nói việc danh thơm tiếng tốt cho dòng dõi bổn tộc.
Dục tình lôi cuốn: Dục tình tức sự ham muốn về dâm dục, nó từ trong lòng những ai nặng niềm trần tục, có cơ hội liền phát sinh tính năng yêu đương. Lôi cuốn: Lôi là kéo theo, lôi vào, lôi tới, cuốn là cuộn, guộn vào. Dục tình lôi cuốn là bị sự ham muốn về dâm dục làm cho mê đắm không còn phân biệt tố xấu, phải trái. Như người của con yêu cha ỷ quyền vua mà giành giựt, vợ của bầy tôi trung thành gầy dựng cơ đồ cho mình mà cũng giành lấy đại lấy càn, mẹ và con nuôi cũng lấy nhau bậy bạ thì bao nhiêu sách học làm người, sự phải trái tốt xấu không còn chỗ đứng danh dự khi người ta đã dục tình lôi cuốn.
Tôi xin trích đọc một đoạn trong “Khuyến Thiện” (quyển 5) Đức Thầy khuyên thôi đi ác Tà Dâm bằng những câu chữ dễ đánh thức lương tâm trai gái như sau:
“Trài liều lĩnh điều nầy nên bỏ,
Đừng phá trinh hại tiết nữ nhơn.
Gái lẳng lo tiếng huyễn lời đờn,
Hoa có chủ đèo bồng tình mới.
Cất tiếng gọi nữ nam ơi hỡi,
Bỏ những điều điếm nhục tông môn.
Đấng nam nhi học lấy điều khôn,
Lòng trung hiếu gìn theo đạo lý.
Hàng phụ nữ gương xưa nối chí,
Những mẹ hiền dâu thảo roi truyền.
Trong quyển nhì “Kệ Dân của người khùng” cũng có đoạn:
“Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người.
Xem truyện thơ chẳng biết hổ ngươi,
Mà làm thói Điêu Thuyền Lữ Bố.”
Trinh tiết: Trinh là trong sạch, trinh nguyên, trinh trắng; tiết là hạnh nết. Trinh tiết có hai nghĩa: 1 khi còn là con gái ở với cha mẹ không được quan hệ tình dục với ai trước hôn lễ, 2 khi đã có chồng thì đi thẳng một đường tình với chồng, lỡ bị hoàn cảnh chia xa lâu trong kế sinh nhai cả hai đều phải thủ tiết.
KẾT LUẬN: Hôm nay ta học qua hai điều ác để biết mặt mày chúng mà tránh các phạm phải. Không được đổ thừa “Bần cùng sanh đạo tặc” mà đi trộm cướp, phá hoại an ninh, hạnh phúc trong dân chúng. Không quan hệ tình dục ngoài vợ chồng đã được cha mẹ đôi bên chủ sự lên đèn thắp hương xin sự chứng nhận của bậc cữu huyền thất tổ, Ông Bà quá cố.
PHẦN 3 : ĐẶT CÂU HỎI
-         Đạo Tặc là gì?
-         Người ta đổ thừa tại bần cùng mới sanh ra đạo tặc, là đúng hay sai? Giải thích.
-         Thế nào gọi là cặn bã của xã hội?
-         Lưới Trời là gì?
-         Kể chuyện điển hình về sự Tà Dâm của Vua Tề với Vợ Thôi Tử?
-         Giải thích về giàu ỷ của mà hiếp dâm?
-         Thế nào là quan ỷ quyền cưỡng dâm kẻ dưới?
-         Hiểu thế nào về gian phu và dâm phụ?
Buổi học 8 đã hết giờ. Xin hẹn gặp lại quý vị ở buổi học 9. Chào tạm biệt!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
16/1/2016