Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC 3

Kính thưa chưa chư quý đồng đao! Buổi học hôm nay chúng ta học tiếp bài “NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN” đến mục Tứ Đại Trọng Ân, qua thời lượng có hạng ta chỉ học hai trọng ân thôi:
1 Ân tổ tiên cha mẹ,
2 Ân đất nước.
Tuy chọn hai trong bốn nhưng hai mục nầy phần chánh văn khá dài, rất mong có sự cố gắng của quý vị, có chí thì nên mà.
PHẦN 1: HỌC CHÁNH VĂN.
Sách xưa có câu: “Thiên Kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều lấy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta cố gắng vưng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa.
Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: “muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn.
1.    Ân Tổ Tiên cha mẹ,
2.    Ân đất nước
3.    Ân Tam Bảo
4.    Ân đồng bào và nhơn loại( với kẻ xuất gia thì ơn Đàn Na Thí Chủ)
* ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ: Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên, nên khi biết ân cha mẹ, ta cũng có bổn phận phải biết ân Tổ Tiên nữa.
Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải, ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lảng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế, ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi phải đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm luân.
Còn đền ơn Tổ Tiên là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, nếu tổ tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ đường.
* ÂN ĐẤT NƯỚC : Sanh ra, ta phải nhờ Tổ Tiên cha mẹ; sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cấp cứu nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.
Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.
Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy”.
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG.
Hiếu nghĩa vi tiên: Hiếu nghĩa là nói về đạo làm người, vi tiên là trước hết; hiếu nghĩa vi tiên tức sử sự đạo hiếu đứng đầu. Cổ nhân bảo “ một năm có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông thì mùa xuân đứng trước của năm; người có trăm hạnh, hạnh hiếu ở hàng ưu tiên.”Luận như thế đủ hiểu hiếu nghĩa là đạo được đem dạy trước nhứt ở ba tôn giáo bao gồm. Đức Thầy nhắc lại sách xưa “ Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu”.
Phật Thánh Tiên: Là ba ngôi vị ở hàng trên trước. Thế gian có nhiều đạo, tên gọi khác nhau nhưng tựu trung cũng là ba ngôi lớn: Ngôi Phật, Ngôi Thánh, Ngôi Tiên.
Đức Phật Thầy Tây An: là tiếng gọi tôn danh đạo đức, tên họ thật của Ngài là Đoàn Minh Huyên sinh vào rằm tháng 10 năm Đinh Mão 1807 tại làng Tòng Sơn, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ngài sáng lập tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương năm 1849 đến năm 1856 là viên tịch, trong vòng bảy năm dạy đạo Ngài đã đào tạo được “Thập Nhị Hiền Thủ” tức mười hai Ông Đạo đệ tử tài năng đức hạnh với nhiều cơ sở tôn giáo trong miền Tây Nam nước Việt.

Phật Thầy, được dịch từ “Đoàn Phật Sư” trên bia mộ. Sư có nghĩa là Thầy, Phật Sư tức Phật Thầy. Tây An là tên của một ngôi chùa đã có sẵn ở vùng Núi Sam, hướng tây nam, cách thị xã Châu Đốc khoảng 7 cây số. Lại cũng có chùa Tây An ở vùng cù lao Ông Chưởng, nơi đây trước là cái cốc tu của Ông đạo Kiến, Đức Phật Thầy có đến đây thuyết pháp, trị bệnh cho bá tánh. Đã có dấu tích của Đức Phật Thầy nên khi  triều đình vua Tự Đức cho Ngài được tự do truyền đạo nhưng buộc Ngài phải thế phát quy y ở chùa Tây An núi Sam thuộc phái Thiền Lâm Tế Phật Giáo mà dấu tích của Đức Phật Thầy ở cốc Ông Đạo Kiến sau nầy nâng cấp thành chùa lấy tên gốc là chùa Tây An.
Ân TỔ Tiên Cha Mẹ: Cha mẹ sanh ra ta, tổ tiên là đấng sanh thành của cha mẹ. Thế gian người người đông đảo, ai cũng do cha mẹ sanh, nuôi nấng dạy dỗ. vất vả trăm điều vì con. Từ khi chào đời cho đến lớn khôn thành gia thất, cha mẹ tốn không biết bao nhiêu công lao và tiền bạc. Những người giàu sang uy quyền tột bực đến dân thường nghèo rách, hạng trí thức có chỗ đứng cao trong xã hội, tất cả không ai từ dưới đất vọt lên hay trên Trời rơi xuống, họ đều có cha mẹ sanh, cho hình hài. Công ơn to tác ấy đã có ca dao nhắc nhở:
“Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Đức Thầy cũng dạy môn đồ:
“Mẹ cha là kẻ trọng ân,
Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già”.
Đó là lúc sanh tiền, còn khi đã quá vãng thì:
“Dường linh đơm quảy mới là,
Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi !”
Đồng thời còn phải tu cầu cho cha mẹ siêu sanh Tịnh Độ và tự tu cho đắc đạo cứu thoát cửu huyền thất tổ:
 “Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền,
Thoát chốn mê đồ đến cảnh tiên.
Ngõ đáp ơn dạy công sáng tạo
Cho ta hình vóc học cơ huyền.”
Chăm chỉ nghe lời: Chăm chỉ nghe lời có hai nghĩa, một là chăm chỉ nghe cho rõ lời dạy bảo của cha mẹ, hai, nghe lời bằng cách thực hành. Chăm chỉ là để ý từ chút vào vấn đề, tập trung tinh thần. Khi  cha mẹ dạy điều gì phải chăm chỉ lắng nghe. Nếu điều dạy không có gì mờ ám thì thực hành ngay, bằng có chỗ nghi ngại thì phải đem thước đo nhận định đúng hay sai lợi hay hại; nếu đúng, có lợi thì làm theo, còn sai, có hại thì nên giải bài cặn kẻ, tìm cách khuyên can.
Lầm lẫn trái với nhân đạo: Lầm lẩn tức là lộn lạo với nhau trong nhận thức, làm việc tà mà tưởng chánh, do cũng vì nuôi con mà ra. Ví dụ, người ta thường nói “Đau chân hả miệng”. Con cháu bệnh, thay vì phải trị bệnh bằng dùng thuốc họ lại đi coi quẽ xin xăm, nhờ sự hộ độ của Thầy bùa Thầy ngãi, dùng phép thuật, hoặc sát sanh hại vật mà cúng kiếng cho mấy thầy bà. Nhân Đạo tức đạo làm người, đạo có tam cang ngũ thường, tam tùng tứ đức. Vì nuôi con mà cha mẹ làm điều lầm lẩn trái chống nhân đạo.
Gây sự hòa hảo trong đệ huynh: Trong việc đáp đền Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, có bốn điều quan trọng phải làm, 1 khuyên can cha mẹ không tiếp diễn những điều lầm lẩn trái với nhân đạo, 2 lo nuôi dưỡng báo đền, trong nuôi dưỡng là không để cha mẹ đói rách, bệnh tật ốm đau, 3 gây hòa hảo trong đệ huynh, 4 là cầu nguyện và tự tu tự độ cha mẹ. Như ta thấy điều thứ 3 gây hòa hảo trong đệ huynh rất là quan trọng trong việc kết hợp giòng tộc. Trên đời có nhiều cảnh cha mẹ chết đi thì anh em phân tán, ở cách không xa mà không qua lại hỏi han thăm viếng, chừng cúng giỗ song thân thì nhà ai nấy cúng, còn nói hơi nói hám với nhau, vì con bất hòa cha mẹ chết vong linh không được yên nghỉ.
Tồi tệ:Là tiếng ám chỉ sự sỉ nhục: Quân tồi, hạng tồi, ăn ở không ra gì, hạng tồi tệ trong xã hội.
Điếm nhục tông môn: Do vì có người làm điều lầm lỗi xấu xa, người ta hỏi kẻ đó là con cháu của ai để bị lây nhục đến họ hàng tông tổ. Ta đã thọ ân Tổ Tiên Cha Mẹ, muốn đền đáp ơn sâu Đức Thầy dạy đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, đó là đền ơn tổ tiên vậy.
Sai lầm gieo họa đau thương: Nói ý: Sự sai lầm nào cũng sẽ dẫn đến hậu quả, do tính nặng nhẹ của sự sai lầm mà con cháu lãnh hậu quả rẻ hay đắc. Ở đây nói về bậc sanh ra cha mẹ, cũng như cha mẹ ta, vì nuôi con lắm khi lâm vào hoàn cảnh khó sử phải làm cái gì đó để giải vây tình thế mà lâm họa. Không làm điếm nhục tông môn là không làm người con cháu bất hiếu đối với những tổ tiên có tấm gương sáng, nhưng Tổ Tiên ai không có tấm gương sáng, lỡ làng gieo họa đau thương cho con cháu sau nầy thì con cháu hãy rán tu cầu cho tổ tiên được tội lỗi mòn tiều.
Tổ đường:  Nhà tổ, nguồn gốc của giòng họ.
Kính thưa quý vị! Tìm hiểu sự thật qua “Ân Tổ Tiên Cha Mẹ” mà Đức Thầy đã dạy, xét thấy, Tổ Tiên Cha Mẹ cũng là con người, kiếp sống phàm không phải Thánh thì những sai lầm dẫn đến trái với Nhân đạo hay Phật đạo là khó tránh khỏi. Trong lớp học của chúng ta đây, có người đã lên vai vế Ông Bà, Cha Mẹ, ta đã học đạo, biết đạo mà còn chưa chắc khỏi sai lầm, tội lỗi huống hồ những Ông Bà Cha Mẹ không tu, tội lỗi biết bao nhiêu mà đong đếm. Đừng ai nghĩ lời dạy của Ông Bà cha Mẹ đối với con cháu là đúng hết, hễ bảo là làm. Điều nầy đã thể hiện rõ nét trong lời dạy của Đức Thầy “Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẩn… tổ tiên có gieo họa đau thương cho con cháu” ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản”. Trước tiên là khuyên lơn, khuyên lơn không được thì ra tay ngăn cản để cha mẹ, Ông bà, không thực hiện tiếp tục sự sai lầm.
Ân Đất Nước: Đất nước là chỉ cho quốc gia, giang san bờ cõi. Nhờ đất nước ta có nơi ăn chốn ở, giữ được tính khí dân tộc, nòi giống Tiên Rồng. Chiều dài lịch sử có hơn bốn ngàn năm văn hiến, tiền nhân ta lớp lớp anh hùng, khi sơn hà nguy biến đầu quân bảo vệ nước non. Lúc nước nhà bình định, giặc giả không còn, ra công khai phá đất đai trồng trọt, phát triển những mô hình kinh tế để nhân dân có ăn có mặc. Nói tóm lại, chúng ta sanh sau đẻ muộn, sanh ra được sống yên trong bờ cõi vững lặng, có chợ búa, đường sá, xe cộ lưu thông để cho ta dùng là nhờ ơn đất nước trong đó có những con người của nước giỏi dang, bàn tay khéo léo làm nên.
Bị kẻ xâm lăng: Kẻ xâm lăng là giặc ngoài vào quấy động bờ cõi. Họ là nước ngoại bang, chiếm Việt Nam ta để mở rộng giang san của họ, hoặc làm thuộc địa cho nước họ. Thọ ơn thì phải trả ơn, khi bị giặc xâm lăng cướp nước ta phải có bổn phận bảo vệ nước nhà.
Nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo: Do có thấp và ngã xuống nên mới có nâng đỡ. Khi đất nước lâm vào cảnh gặc giả chiến tranh nhân dân trong nước chịu đủ thứ khổ, ruộng đồng bỏ hoang, các cơ sở kinh doanh sản xuất cung cầu không còn hợp tác. Kinh tế quốc gia xuống vóc trầm trọng, dân tình nghèo đói loạn ly, là lúc cần có sự nâng đỡ của mọi người, đâu đâu đều có trách nhiệm của công dân, người ta không đến đổi bỏ xứ sở quê hương mà đi tha phương cầu thực. Trước nhất là chia cơm xẻ áo. Ông Bà ta nói “Lá lành đùm lá rách, một nắm khi đói bằng một gói khi no”, sau chỉ dạy nghề, tạo việc làm cho sinh sống đến mức ổn định cuộc sống. Đức Thầy có câu:
“chúng vô phước đời nầy dốt nát,
Người khôn ngoan chỉ dẫn mới là.
Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà,
Trong các báo khó bì tánh thiện.”
Do vì vô phước trước mà chịu dốt nát sau. Dốt nát có thể ảnh hưởng đến chuyện làm ăn sinh sống, không nghề nghiệp chính, điều nầy cũng nên nâng đỡ.
Kẻ ngoài thống trị: Kẻ ngoại nhân dị chủng đánh chiếm xong rồi “hành sử chủ quyền quốc gia  mà cai quản toàn thể nhân dân”( Hán Việt Từ Điển)
Bờ cõi vững lặng: Bờ cõi là chỉ cho ranh giới quốc gia, đồng nghĩa với giang san tổ quốc; vững là chắc chắn, lặng là không bị động bởi sự xâm chiếm bờ cõi. Bờ cõi vững lặng, trong nước không có chiến tranh giặc giả, nhân dân an cư lạc nghiệp.
Quốc gia mạnh giàu: Quốc gia có hai biểu ý: cấp lãnh đạo quốc gia hay quan chức thì hiểu quốc gia là nhà nước với bộ máy hành chính, lập kỷ cương trị dân, tạo phúc lợi hay hại cho nhân dân trong nước. Riêng dân thường hiểu quốc gia là nước nhà là nước của chính đồng bào dân tộc. Mạnh Giàu, thể lực vừa mạnh mẽ, có sức mà lại giàu của tiền. Nếu theo lẽ thứ nhứt là nhà nước giàu mạnh thì chỉ riêng quan chức ấm no, dân thường đói khổ (giống như hoàn cảnh hiện nay, cái gì cũng của nhà nước), còn theo lẽ thứ hai, nước nhà là của toàn thể nhân dân, hễ giàu mạnh thì toàn thể nhân dân đều giàu mạnh.
Đảm Đương: Đảm Đương là người mạnh dạn, gan dạ, gánh vác công việc. Người có khả năng đương đầu với công việc, trách nhiệm, bảo đảm, làm việc có kết quả tốt.
Chưa gặp thời cơ: Chưa gặp cơ Trời, thời Trời. Nói theo người có tín ngưỡng trên trước, việc gì cũng do “Trời Đất sắp đặt”, đi qua lốt tuồng; người không tin vào Trời Đất thì nói là “cơ hội”, dựa vào cơ hội để mua quan, làm giàu. Người tin Trời Đất, thời cơ, đã đến lúc đỗ quan, làm giàu thì là vị quan thanh liêm, giàu do tốt phước, mà kẻ cơ hội thì không phải vậy, được là chụp giựt, hóng hách, ngang tàng. Đức Thầy nhắc chuyện xưa, quốc gia đại sự làm an bá tánh:
“ Như đời xưa có gả Tử Phòng,
Xem thời cơ người đã rõ thông,
Dùng tôi thiểu mà an bá tánh.”
(chú thích: Tôi thiểu là tiêu thổi. Xưa quân hạng Võ hùng mạnh, đánh đâu thắng đó, phía đối địch bây giờ có Ông Trương Lương hiệu Tử Phòng xem được thời cơ lên núi Kê Túc chỉ thổi tiếng tiêu sầu làm cho quân Hạng Võ nhớ nhà đào ngũ, quân lính tróng trơn. Chịu đại bại, Hạng Võ tự cắt đầu tại bến sông Ô Giang)
Chưa gặp thời cơ phải chờ đợi thời cơ đến, như Đức Thầy căn dặn:
“ Lập thân danh tuần trải nơi nơi,
Chờ thời đại mới là khôn khéo.”
Lời xưa có dạy “Quân bất mình thần tử bất trung” Gặp Ông vua ác với dân, coi dân như cỏ rác, tối ngày lo củng cố quyền lực, dân nghèo đói thế nào thây kệ. gặp Ông vua như vậy mà đi đầu quân cho Ông ấy sao?
Đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch: Kẻ ngoại đich là người không cùng quốc gia dân tộc, đến nước ta có mưu đồ xâm chiếm. Gặp Ông vua ác mình không vào cùng lo chuyện nước non, nhưng không gì oán ghét Ông ta mà nỡ giúp sức cho kẻ địch để họ phá hoại giang san của Tổ Tiên.
Kính thưa chư đồng đạo học viên! Chúng ta vừa học xong hai trọng ân. Để trắc nghiệm cho bài học, quý học viên hãy học kỷ, để kỳ học tới, trả lời những câu hỏi sau đây:
1, Phật, Thánh, Tiên ra đời dạy đạo, dạy những gì trước nhứt?
2, Hãy cho biết tên thật của Đức Phật Thầy Tây An với ngày tháng năm sinh, năm nhập diệt và sự hoạt động tôn giáo của Ngài?
3, Đối với công ơn cha mẹ, thế nào là chăm chỉ nghe lời?
4, Thế nào là sự lầm lẩn trái với nhân đạo?
5, Nếu cha mẹ đã làm điều lầm lẩn, tìm cách khuyên lơn nhưng không được thì phải làm sao?
6, thế nào là nâng đỡ quê hương lúc nghiêng nghèo?
7, Danh từ quốc gia trong quốc gia giàu mạnh có ý nghĩa gì?
8, Thời cơ với kẻ cơ hội, về ý nghĩa có khác nhau không ?
9, Gặp người lãnh đạo quốc gia vô đạo, ác với dân, ghét quá đi thôi! nhằm lúc kẻ ngoại bang xâm lấn, ta có nên hợp tác với kẻ thù ngoại quốc để đánh bại kẻ thù trong nước không?
Hết buổi học. sẽ học tiếp buổi học 4: “Ân Tâm Bảo”





Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

ĐÓN NGUYỄN VĂN LÍA

Ông Nguyễn văn Lía một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, sinh cư từ lòng đất Cù Lao Ông Chưởng như một số bài Pháp Luận PGHH trước năm 1975 Ông Lía đã xuất xứ từ địa danh nầy.
Vì đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo cho PGHH bị đi tù hai lần. Ông Lía đã làm bổn phận người tín đồ bảo vệ đạo pháp qua lời truyền dạy của Đức Thầy:
“ Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên,
Phận môn đệ phải lo vun quén.
Tầm sức nhỏ còn làm nên lén,
Người không lo có thẹn hay chăng.
Cả tiếng kêu cùng các chư tăng,
Với tín nữ thiện nam Phật Giáo.
Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành.”
Chúng tôi không làm nổi việc của Ông Lía làm nhưng có tấm lòng ủng hộ bảo vệ người bảo vệ đạo trong lúc thế đạo truân chuyên nên khi hay tin vài ngày nữa Ông Lía ra tù chúng tôi chuẩn bị rủ nhau đi đón rước để chia sẻ tâm tình với người từ trong lao lý ra không chạm phải sự cô đơn.
Biết Ông Lía ra tù vào sáng 24/10/2015, chúng tôi liền hợp tác với gia đình   xin cho đi rước Ông ấy. Thuê hai chiếc xe mỗi chiếc mười sáu chỗ ngồi khởi hành vào lúc 22 giờ ngày 23 để sáng sớm ngày 24 là có mặt trước cổng tù Z30A, Xuân Lộc. Ngồi trên xe chúng tôi hớn hở, nhắc đến chuyện sáng mai đón anh Lía từ cổng nhà tù ra thế nào. Bỗng Võ văn Bửu bấm nghe cuốc điện thoại, từ thành phố Cần Thơ cho biết, đồng đạo dưới ấy cũng có một xe mười sáu chỗ ngồi đi rước Anh Lía và hẹn gặp nhau tại quán ăn Tám Ri 6 trên quốc lộ cầu Mỹ Thuận - Sài Gòn.
Nghe thế có một đồng đạo nói:
- Thế mình đi rước Ông Tù mà giờ ba xe, tới bốn mươi lăm người sao?
- Dạ đúng vậy, 45 người,-  Bửu trả lời.
Người khác reo vui hơn:
- Thức suốt đêm, ngồi suốt ngày với tuyến đi và về hơn năm trăm cây số mà coi bộ ai cũng khoái.
- Nhiều người muốn đi mà không còn chỗ cho họ.
- Chú Ba có quá nhiều ân quệ.
- Ông Nguyễn văn Lía đáng được hưởng ân quệ như vậy!
Đúng lời hẹn, ba xe người chúng tôi gặp nhau tại quán ăn Tám Ri 6, trong bàn chuyện, đoàn mang biển số 65 báo tin, công an địa phương đã bám theo xe một đoạn dài, chúng tôi phát hiện họ đeo bám và có hành động cho họ biết là mình biết họ. Bây giờ thì đứt cái đuôi lòng thòng nhưng có đổi hình thức theo dõi khác không thì chưa biết, chúng ta luôn cẩn thận thì hơn. Chuyện xong chúng tôi khởi hành, ba chiếc chạy nối đuôi để nếu bị chận hoặc gặp chuyện gì khác, có đông người sẽ hay hơn.
Bỏ Sài Gòn xa, đoàn xe lượn vào ngã ba Ông Đồn. Trời mới 5 giờ sáng chúng tôi cho xe chạy huốc cổng vào khu vực trại giam khoảng năm trăm mét thì dừng lại, đổ quân xuống đứng chật bệ đường nhà người ta. Sợ đông như vậy sẽ làm cho trại giam hay được là khó chịu, nhỡ có sanh chứng thì rắc rối to. Chúng tôi bàn nhau chỉ để lại Nguyễn thị Ngọc Lụa và Nguyễn thế Lữ là người con yêu quí của tù nhân lương tâm Nguyễn văn Lía trước cổng nhà tù còn cả thẩy lên xe tản đi hết. Lần lược ba chiếc xe ra quốc lộ, ngã ba Ông Đồn cách nhà giam khoảng bảy cây số ở chờ. Tới đây Trời vừa mờ sáng, chia người vào hai quán ăn uống. Chỉ mua nước uống chớ ăn thì chúng tôi đã cụ bị sẵn bánh mì có nhưn chay và cơm chay nấu từ nhà mang theo.
Ăn uống xong Bửu đưa ý kiến là cho một ít người nhanh nhẹn đến bến xe Xuân Lộc đón, để lỡ nhà giam có áp đưa tù nhân về trên chuyến xe đò mà tất cả người đến đón đều không hay. Bửu nói thêm rằng: Điều nầy không phải tôi suy đoán vô căn cứ mà là một sự thật đã xảy ra chuyến thả tù hết án tôi với chú Út Điền. Họ chỡ chúng tôi trên một chiếc xe bít bùng từ trong trại giam ra, mở cửa thả ngay bến xe Xuân Lộc, chúng tôi chơ vơ không biết đây là đâu, mà xe từ trong nhà ra rước không ai hay việc thả tù kiểu nầy.
Nghe bàn có lý, chúng tôi cử Bửu và Ngoãn đi bộ lại bến xe Xuân Lộc cách khoảng năm trăm mét ở chờ và hãy thông báo với nhau những thông tin cần thiết.
Trong cái quán thấy người của mình ngồi bít chỗ, ở lâu thì ngại quá. Uống có một ly nước mà ngồi đến ba tiếng đồng hồ coi sao được, còn đi thì đi đâu? Sập sận ngoài đường hoài xem còn dễ chướng hơn! Tôi vào gặp Ông Bà chủ quán nói lời yêu cầu: Chúng tôi là người từ trong miền Tây ra, chờ một người đến để cùng đi tham quan vùng ngoài. Ông bà ta nói “ đáo xứ phải tùy duyên”, chúng tôi đến ngồi đông và lâu chẳng biết có điều chi trái ý xin cô chú lượng thứ và chúng tôi sẽ tính toán đẹp cho cô chú trước khi từ giả lên đường. Nghe câu nói của tôi Ông Bà chủ quán vui vẻ ra mặt. Cách xử sự của chúng tôi hễ thấy có khách lạ đến ăn uống ở quán thì chúng tôi đứng dậy nhường chỗ.
Gần tám giờ, biết sắp đến lúc rước người, chúng tôi kêu chủ quán cho mọi người ngồi đây uống thêm một lần nước nữa và khi trả tiền tôi hỏi để trả thêm tiền đi vệ sinh của anh em nhưng chủ quán dường đã thương dân xứ miền Tây, chẳng những không ăn tiền mà còn nói những lời rất tríu mến để đưa tiểng.
Nguyễn thế Lữ điện thoại cho hay (Cha) Nguyễn n Lía đã được cán bộ nhà tù đưa ra cổng trại thả, yêu cầu cho một chiếc xe chạy vào rước. Chúng tôi nghe tin lòng mừng như muốn đánh trống múa lân nhưng ba anh tài xế mặt mày bí xị; mới sáng sớm đã hay tin muốn bật ngửa, chúng tôi thuê xe đi rước một Ông tù dạng đặc biệt nên anh nào cũng sợ điếng, đậu ngoài đây còn cảm thấy ê ẩm mình mẩy đừng nói là dám vào. Anh tài xế của xe tôi nói rằng: lần đi thăm tù đợt trước đã bị phạt tám trăm ngàn. Chúng tôi gọi điện hãy kêu xe đầu chỡ ra chứ xe khách không vào được.


Chúng tôi rời khỏi quán ăn uống, tuông người lại gần ngã ba Ông Đồn, đứng với tư thế chuẩn bị, máy quay phim, máy nhíp ảnh cầm tay, lại là lúc xe cảnh sát giao thông đến đậu cận, một số người thấy vậy dè dặt cẩn thận hơn kêu mọi người lên xe để Ông Lía ra là chỡ về nhanh. Chưa ai có thái độ sợ sệt oai cảnh sát đứng hờ mà lên xe; mắt hướng về ngã ba Ông Đồn cách chừng trăm mét, tôi phát hiện Nguyễn thế Lữ, Nguyễn thị Ngọc Lụa nắm tay một Ông già mặc đồ bà ba đen với bộ râu hàm trắng dài, đầu đội mũ lưỡi trai mới hực, thấy chúng tôi, họ bất chấp luật lệ giao thông hay nhân cách công dân, không đi dọc mà ba người tay nắm tay căng hàng ngang trên bờ lề rộng của đường. Tôi hô lên Thằng Lữ kìa! Tức thời mọi người chúng tôi kẻ chạy người đi nhanh đến quay phim, chụp hình, kẻ nắm tay, nắm vai, người chen Ôm choàng cái Ông râu dài đi giữa, người người dính đùn cục nhau. Tội nghiệp chị ba Lía, thấy bà con đồng đạo chen đùng cục không có chỗ vào nhìn mặt chồng. Náo động quá, cảnh sát giao thông đậu xe đó  không la rầy gì chúng tôi, nhưng công an khu vực thì hơi khó tính, thấy chúng tôi ở mừng lâu nói cười rộn rịp trên khu vực họ cai quản, với lại chúng tôi đã làm tríu mắt những chiếc xe mô tô qua lại trên đường nghiêng đầu mà ngó. Có một vài người lạ đứng sát vào lề đường nói: Ông tù nầy sao mà được người ta yêu quý đến vậy?  Tên công an khu vực nghe thấy người ta thương Ông tù là chướng tai chướng mắt, hắn đến nhắc chúng tôi lẹ lẹ về cho khuất mắt, đã bị Trương Kim Long, Trần thanh Giang ngồi trên xe bắn xả lời xuống như súng liên thanh, hết chỗ đút mồm, hắn chịu không nổi phải bỏ mà đi, để chúng tôi tự đi.
Rước được Ông Nguyễn văn Lía lên xe an toàn, tới lúc khởi hành chuyến về, một trong ba chiếc xe đi đón mang biển số 65 đã chạy nhanh về trước, còn lại hai chếc xe mang biển số 76 đi về có cặp. Gần tới Sài Gòn, chúng tôi ngừng lại một quán ăn để cho anh em dùng chung với Nguyễn văn Lía. Ăn xong với vài câu chuyện vụn vặt trong nhà tù, chúng tôi hối hả lên đường để về nhà cho sớm. Qua khỏi Sài Gòn đến đường cao tốc chúng tôi cho dừng xe để mọi người xả tiểu trên một khoảng tróng vắng xa. Bấy giờ lão già mặc bà ba đen râu dài trắng phếu xử sự không tệ, đi đổi xe, cho xe chúng tôi có  giọng cười nói của Ông già mà mình đã thức suốt đêm suốt ngày vượt hơn năm trăm cây số để tìm.
Đoàn rước người tù tôn giáo Nguyễn văn Lía về đến nhà vào lúc hoàn hôn vừa áo với sự náo nức của khoảng một trăm người chờ nghinh đón.
26/10/2015
                                                                                      

                                                                                                                         


Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

QUANH VẤN ĐỀ XUẤT GIA  VÀ TẠI GIA
BÀI ĐỌC THÊM CỦA NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH-_
BUỐI HỌC 2


Đề tài xuất gia và tại gia của Đức Thầy chúng tôi đem giảng giải ở nhóm học giáo lý đã tạo lên một làn sóng nghi vấn, đến một chút cũng nghi. Có người hỏi:
- Đức Thầy khẳng định trong PGHH chỉ có một hạng tại gia cư sĩ. Thế là không có hạng xuất gia, cũng không luôn cả cái danh từ tu sĩ. Nhưng hiện nay, những người tu hạnh độc thân trong PGHH xưng hô tu sĩ, đồng thời cũng có khá nhiều vị tu nơi am cốc, núi non thì sao?
Đức Thầy khẳng định, thuộc giấy trắng mực đen, bút tích đành rành không ai có thể chối cãi được. Nhưng nếu trường hợp tu sĩ hay xuất gia đặt vào tôi để hỏi được hay không thì tôi xin đưa ra hai hướng bàn:
1, Đức Thầy bảo “Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người”, cụm từ “ từ xưa đến nay luôn luôn” khiến ta phải nghĩ ngợi “đến nay” là đến với cái hiện thời của Đức Thầy, có hai hạng tu xuất gia và tại gia. P G H H cũng là đạo Phật, từ đến nay ở vị trí hướng dẫn: Xưa có thì nay cũng phải có, hai hạng tu.
2, khi đặt câu hỏi như vậy là được hay không được, đưa vào ba cửa điều tra xét hỏi, cửa thứ nhứt qua điều tra xét hỏi, ví dụ: hành động như thế là phải hay quấy, từ đó dẫn đến tội hay phước, chánh hay tà. Nếu kết quả cả ba là phải, phước, chánh, không một chút bống dáng của quấy, tội, tà, không phương hại đến cá nhân hay đoàn thể nào có gì là không được trân trọng? Cho dù không có sự chỉ dạy, nhưng ta hành động để đạt đến chân thiện mỹ thì cho dù tới đâu cũng không bị chê bỏ và điều ấy sẽ tránh đi chuyện rắc rối của “Y kinh diễn nghĩa tam thế phật oan” mà sự hiện diện của Phải, Phước, Chánh cũng không thể vi phạm vào điều cấm kỵ của “Ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết”.
Giáo lý PGHH, có câu dạy ra là đem thực hành ngay, ví dụ như:
“Coi rồi phải thân mình tự trị,
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”.
Nhưng cũng có câu dạy ra, không phải lấy hành liền vì ý nghĩa thâm sâu chưa ngã ngũ, còn phải chờ:
“Luận bàn chơn lý cho minh,
Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau”
“ Bàn với luận đặng coi chơn lý”.
Chờ qua luận bàn, xem chân lý ấy ngã về đâu rồi mới hành trạng.
Qua luận bàn, tôi tin giáo lý P G H H trong tại gia có ngầm ý xuất gia, nếu chẳng vậy sao Đức Thầy viết dạy chúng những câu thế nầy:
“sách có chữ thâm ân dục báo,
Phận làm người hiếu thảo noi gương.
ấy chẳng qua là đạo luân- thường,
chớ Phật Thích lìa quê ngặn dặm.
nương tuyết san rú rừng thăm thẵm,
đem thân phàm tìm đạo siêu sanh.
Đến ngày nay còn rạng lấy danh,
Khắp bốn biển dân lành sung bái.”
Chúng ta tu đây, có phải tu theo đạo của Phật Thích không? Đúng là tu theo Phật Thích thì phải lìa quê ngàn dậm, hay nói nhẹ hơn là được phép lìa quê ngàn dặm. Quý vị biết, đoạn tôi vừa trích có hai câu làm sáng tỏ ý nghĩa xuất gia:
“ấy chẳng qua là đạo luân thường,
Chớ Phật thích lìa quê ngàn dặm”.
Chắc quý vị đã biết vai vế của ba chữ “ấy chẳng qua” là thế nào mà!
Đồng ý chúng ta tu đây là có tu theo đạo luân thường, nhưng đạo luân thường là một tiểu đề nằm trong đại đề đạo Phật. Đạo chúng ta tín ngưỡng đây chính là đạo Phật, bắt nguồn từ Phật Thích Ca có tên là P G H H. Dựa vào đại danh Phật Giáo mà bàn “Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người, hạng  xuất gia và tại gia”. “ Đến nay” là đến với hiện giờ và luôn luôn có hai hạng tu như thế. Còn nữa, trong bài “Luận Việc Tu Hành” Đức Thầy viết:
“Mình vàng thái tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc đông cung tước phế liền.
Xem đó hỡi người mau lập chí,
Tu hành khá nhớ giữ cho nguyên.”
Và câu:
“Phú quí tạo đời thêm mệt xác,
Tham danh phế đạo chí đâu yên.
Chi bằng cửa Phật vui thanh tịnh,
Lánh cõi trần mê giải nghiệp duyên.”
Nói tóm lại, về toàn thể, Đức Thầy khẳng định đạo Phật do Ngài khai sáng chỉ có hạng tu tại gia, không có xuất gia, nhưng có nhiều câu dạy ngầm ý xuất gia như tôi vừa trích nêu. Có lẽ các huynh đệ hiểu như tôi hiểu nên đã tự động tu xuất gia với hình thức khiêm nhượng, tức là xuất gia thầm lặng, không có tổ chức, không có giáo hội đỡ đầu, trở về với tính nguyên thỉ của đạo. Còn nhớ, lúc Sĩ Đạt Ta rời khỏi hoàng cung bằng cách trốn đi vào giữa đêm khuya vắng, Đức Thầy diễn tả cảnh trạng trốn đi của vị thái tử :
“Lòng Thái Tử quyết theo ý muốn,
Thừa đêm khuyên lén trốn vào rừng.
Lìa cha già vợ đẹp con cưng,
Thân chẳng sá xông pha bờ buội”.
Để mà,
Nương tuyết san rú rừng thâm thẩm,
Đem thân phàm tầm đạo siêu sanh”.
Đến đây vấn chủ còn gì thắc mắc, nếu không xin cho qua câu hỏi khác.

- Cái tên gọi Dốc Tu của hạng xuất gia, và lần lần của hạng tại gia, qua tu hành, hạng lần lần nầy giải quyết chấm dứt luân hồi sanh tử trong một kiếp hay qua kiếp khác?
- Có phải vấn chủ e ngại hạng tu tại gia nên đã nghĩ ngợi hạng dốc tu chỉ một kiếp là xong còn lần lần phải qua một hoặc nhiều kiếp mới chấm dứt đường luân hồi?
- Dạ đúng vây.
- Dốc tu hay lần lần, Đức Thầy tùy theo hàng xuất gia và tại gia giảng dạy đúng người đúng việc, nhưng đâu chắc người và công việc của cái gọi là đúng người đúng việc tương hợp hoàn toàn. Tu đạt sớm hay muộn là do hành giả siêng năng hay lười biếng. Nếu cương quyết hành đạo, trau sửa thân tâm, lý sự viên dung là tu có căn bản, từ căn bản đó dẫn tới thành công. Đừng quá theo lý mà bỏ sự, biết nhiều nói nhiều thiếu hành sự về việc mình nói, mình biết, tu cho hết kiếp cũng không đi tới đâu ngôi vị Phật, không đi tới đâu trên con đường về Tây Phương. Tại gia cư sĩ hãy bỏ cái mặc cảm tự ti về từ ngữ lần lần để mà đi nhanh lên!
Hạng tại gia trong khối đại quần chúng, trình độ nhận thức về học Phật chênh lệch nhau xa. Đức Thầy vì hạng thấp đặt chuẩn tu, không kêu tu nhanh, tu rút, tu xiết hộ mè mà là tu lần lần. Đặt chuẩn thấp vậy, nhưng nếu ai có khả năng tu cao hơn, nhanh hơn chắc chắn sẽ không bị bắt tội làm trái lời dạy. Như quý vị biết, về ăn chay, Đức Thầy đặt chuẩn thấp nhứt, mỗi tháng bốn ngày chay là quy tắc. Bây giờ huynh đệ mình vượt qui tắc gần chục lần, dùng chay trường luôn, có ai ngại ngùng đâu!
Huynh đệ mình có người lên tu trên núi non am cốc, vượt qui tắc tại gia mà tu chân chính, nghĩ cũng vậy thôi.
23/10/2015


Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

NHỮNG NGHI VẤN
BÀI ĐỌC THÊM CỦA NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC 2


Sau phần chú giảng về hai hạng xuất gia và tại gia, phía đồng đạo học viên có đặt ra nhiều câu nghi vấn nhờ giải đáp. Câu hỏi thứ nhứt:
- Theo đạo Phật, như Ông giảng huấn viên nói, Tăng Sư giữ 250 giới luật, Ni Cô 348 giới luật. Đức Thầy dạy đạo Phật ở hàng tại gia cư sĩ, kêu giữ ít điều giới luật thôi. Cái gọi là “ít điều” ấy như thế nào?
- Hạng Tăng Ni xuất gia tu Phật Đạo, cư sĩ tu tại nhà cũng tu theo Phật đạo, pháp môn tu là bình đẳng trước tại gia và xuất gia. Hạng xuất gia sở dĩ Phật cho giữ giới nhiều là vì hạng tu nầy tự nguyện cao hơn, trách nhiệm nặng hơn. Tự nguyện cao hơn là gì? Từ một người có tình có cảm, nghĩa ân, sống cận kề bên Ông Bà Cha Mẹ, anh em, bè bạn, quê hương, sự tríu mến không phải là ít. Nhưng vì đạo Phật, vì giải thoát sanh tử đã tự nguyện rứt rời những người thân thương với quê hương yêu dấu để sống bên núi rừng, hang động, vắng tanh kẻ tới; hoặc vào sống chung trong chùa có đông người mà họ không bà con ruột thịt. Nếu không có tự nguyện cao, sức tu hành tinh tấn, đố khỏi mắc vào tâm trạng người đời, như Đức Thầy nói:
“Đã từng dựa kẻ nâu sồng,
Cớ sao tâm trí còn tòng ngoại duyên?”
Lâu ngày sẽ đi đến đổ vỡ:
“Trồng cây mà chẳng rắp rào,
Để cho gió lại tạc vào gốc lay”.
Trách nhiệm nặng hơn là gì? Tăng Sư có vị trí cao trong Phật Giáo, là một trong ba ở hàng Tam Bảo: Phật Bảo Pháp Bảo và Tăng Bảo, luôn luôn làm sứ giả trao truyền chánh Pháp của Phật cứu độ chúng sanh. Cư sĩ tại gia phần đông không được như vậy. Tự nguyện chút chút, trách nhiệm chút chút, một gánh hai đầu đời và đạo, đầu chỡ đời lúc nào cũng nặng mà đạo thì nhẹ bổng bồng bông. Đạo có chút biểu giữ giới nhiều làm sao mà đươc!
Cư sĩ tại gia gồm cả thiện nam tín nữ, danh từ nhà Phật có tên gọi Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, ưu Bà Tắc nhằm vào nam phái, ưu Bà Di nhằm vào nữ phái. Cư sĩ tu niệm tại gia, giữ Ngũ Giới hay Bát Giới. Ngũ Giới gồm có: Không sát sanh, không đạo tặc, không tà dâm, không nói hổn ác miệng, không uống rượu. Bát Giới gồm có Ngũ Giới và thêm 3 giới nữa là: 1, Không ướp hoa, thoa phấn, xức dầu thơm, dùng chuyền chuỗi ngọc, 2, không nằm giường cao và xem nghe hát xướng, 3, không ăn sái giờ. So hai hạng tu, hạng xuất gia giữ 250 – 348 giới, với hạng tu tại gia giữ ngũ giới, cao nhứt là bát giới của Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, mà nói “ Giữ gìn ít điều giới luật” là rất chính xác.

Nhưng đó là dòng chảy của câu “Đạo Phật từ xưa đến nay…” là thế, người tín đồ PGHH là đạo Phật vẫn phải áp dụng theo truyền thống giữ ngũ và bát giới, thêm vào đó, Đức Tôn Sư dạy tu cho hạng tại gia cư sĩ cũng có 8 giới, gọi đúng tên là “LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO”, Ta thường bảo nhau “ Tám điều răn cấm”, tên ấy không phải là tên tựa đề. Trong đây từ “răn Cấm” chỉ là lời giới thiệu chứ không phải tựa đề, ví vụ : “mình lầm lỗi thì rứt bỏ và giữ những điều răn cấm sau đây:” Ta lấy chữ răn cấm trong lời giới thiệu, cộng với tám điều “chẳng nên” rồi kết hợp mà kêu riết thành thói quen tốt. Tám điều giới cấm của đạo PGHH không liên quan hay chỉ liên quan rất ít với Bát Giới. Mỗi giới cấm đều làm đại thể bao gồm nhiều tiểu thể, ví vụ như điều răn cấm thứ nhứt: “Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tòn luân lý tam cang ngũ thường”. Trên đây các dấu phẩy ( , )đều bị buộc phải giữ giới cấm, vậy nhiều điều giới cấm trong một điều giới cấm.
Dẫn ra để có cơ sở chứng minh, còn phần chi tiết chúng ta chờ học đến bài “LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO”. Giờ xin hỏi vị vấn chủ còn thắc mắc gì thêm trong đề, nếu không xin cho qua câu hỏi khác.
- “Dốc tu cho mau thành Phật quả” với “lần lần lên còn đường giải thoát”, phía Dốc Tu thì mau thành Phật quả, còn tu lần lần chỉ được lên con đường giải thoát. Vậy có phải giải thoát là thấp hơn Phật quả?
- Giải thoát là danh từ chung dùng, bởi đạo Phật có tiếng là đạo giải thoát. Trọng tâm nói về giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Trong đạo Phật có bốn quả: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh n; quả Phật là quả cao nhất trong bốn quả. Người học đạo thường nói: Tu giải thoát làm Phật. Như vậy Phật là bậc tu đến giải thoát, do vậy, ý nghĩa thành Phật quả và giải thoát cũng giống nhau thôi. Điều đáng bàn ở đây là hai danh từ “Dốc Tu” và “Lần Lần”. Dốc tu đứng ở hạng xuất gia, lần lần đứng trong hàng tại gia cư sĩ. Nếu ta có gan mà dời thử, đặt dốc tu ở hạng tại gia, và lần lần ở hạng xuất gia là không phù hợp, gì sao?
Người tại gia tuy quy y đạo Phật, nhưng đời sống còn nặng nề về những chuyện thế gian, thời giờ tu hành rất ít mà ăn ở chung với nhiều người trong nhà, kẻ nói vầy người nói khác, nhiểm nọ, nhiểm kia, khó có sự trợ duyên cho mỗi lúc được giác ngộ sự đời. Không bạn đồng hành, hoặc có mà bạn đồng hành trong nhà, nhiểm việc trần gian, tu hành cũng bê bối, chết chùm, lấy đâu mà nương cậy? Sau cùng phải nương vào Pháp “hằng coi kinh sách sửa tánh răng lòng ủng hộ các sư” để mà “ lần lần tiến lên giải thoát”. Tại gia bề bộn việc đời nên việc đời nặng hơn tu niệm, chưa có sự nghiệp tu, sự nghiệp Phật Giáo. Đổi lại Nhà Sư, như Đức Thầy nói “ hoàn toàn ly khai với gia đình… dựa thân vào cửa thiền hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo Kinh Kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành giồi mài trí tuệ…”. Trông ra, đường tu của nhà sư là liên tục, chừng như không còn kẻ hở cho quân phiền não chen vào “thọc gậy bánh xe”. Dùng từ Dốc Tu cho Nhà Sư là phải thế lắm! Vấn chủ còn thắc mắc gì nữa không ạ?
- Đức Thầy cho biết sự dạy đạo của Ngài là “Nối theo chí hích Ca ngày trước”. Đạo Thích Ca có hạng tu xuất gia sao Đức Thầy xác quyết PGHH chỉ có một hạng duy nhứt là tại gia cư sĩ mà thôi?
- Đức Thầy bảo “Nối theo chí Thích ca” là tiếp nối chánh pháp vô vi, như những câu:
“Làm vô vi chánh đạo mới mầu.
Đạo Thích Ca nhiều nẽo cao sâu
Hãy tìm kiếm cái không mới có”.
Hoặc:
“Vô vi chánh đạo hỡi người ơi”
“Đạo vô vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước.”
Còn vấn đề dạy  tu, Ngài đặc biệt quan tâm người tại gia cư sĩ là nhắm vào số đại quần chúng. Đạo Phật ở Việt Nam đã có hạng tu xuất gia rồi, nhưng xuất gia  chỉ là con số rất ít trong khi đại quần chúng là con số rất nhiều. Có người chưa biết đạo đức, tội phước, thì họ lo tu phước nhiều hơn, đi chùa lạy Phật Bảo hoặc trai tăng cầu phước. Vấn đề quan trọng nhứt của chánh giáo nhà Phật là cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi mờ mịt, làm phước để không tội chưa đá động vì tới giải thoát mê đồ. Đức Thầy thố lộ tâm sự của Ngài:
“Thương quá sức nên ta bịn rịn,
Quyết độ đời cho đến chung thân.
Nếu thế gian còn chốn mê tân,
Thì ta chẳng an vui Cực Lạc.”
Cả cái thế gian nầy hễ ở đâu còn có chúng sanh mê thì Ngài sẽ giải mê cho họ. Hạng tu xuất gia số ít, đời người trần tục thì quá nhiều, Đức Thầy thị hiện trong số nhiều để cứu họ. “ sao chẳng ngồi yên nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trương thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần…”Hơn nữa, lúc lâm phàm Ngài đã lãnh sắc lệnh:
“Sắc của A Di và Phật Tổ”
“Khùng vâng lệnh Tây Phương Phật Tổ.”
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Đạo lành của Đức Di Đà, hành giả tha thiết niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, không cần đòi hỏi có thời giờ ở không hay đang làm lụn, niệm Phật trong tâm không có đụng phạm tay chân, cũng không cần trình độ thông tuệ, học rộng hiểu nhiều. Nam Mô A Di Đà Phật nhập tâm, chặt đức các duyên sự đời, tay chân đang mầng vì đó mà cái tâm tu vẫn tu, niệm Phật vẫn niệm. Không phải đức Thầy đã dạy sao!
“Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc”
“Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”.
Ở ngoài đồng tức người ta đang làm ruộng, vẫn niệm Phật được
Đã lãnh từ Đức Phật Di Đà dạy cái pháp dễ tu, bằng vào niệm danh hiệu Phật, không đòi hỏi ngồi đâu, đứng đâu niệm mới được, không đặt điều kiện giống như điều kiện xuất gia.
Nói tóm lại: Đức Thầy thị hiện trong cư sĩ tại gia để dạy đạo, vì nhắm vào số đông quần chúng chưa đủ điều kiện xuất gia mà các giáo hội Phật Giáo xưa nay chưa mấy quan tâm đến họ ở mục tiêu giải thoát, tập cho họ đi chùa lạy Phật, trai tăng cầu phước để có chết đi đào thai lại hưởng phước trong kiếp lai sinh. Đức Thầy muốn người tại gia tu niệm vẫn được giải thoát vẫn có thể sớm đạt mục tiêu nếu như đi đâu, ở đâu, ngồi đâu cũng niệm. Tu niệm được như vậy, cho dù tu đi lần lần nhưng nói, giải thoát chỉ trong một kiếp không phải là chuyện mơ hồ hay xa vời.
19/10/2015




Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

NHÓM HỌC GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO
BUỔI HỌC 2
NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN
Đây là quyển thứ sáu mà Đức Thầy đã viết hồi tháng 5 dl 1945 tại SàiGon

Xin chào chư quý đồng đạo! kỳ học hôm nay chúng ta bắt đầu tìm hiểu về ý nghĩa bài viết của Đức Thầy được mang tên “NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN”.
Bài viết dài, thể văn xuôi, có nhiều tiết mục mà mỗi tiết mục Đức Thầy đều dạy tận tường. Thời học của chúng ta có khoảng ba đến bốn giờ cho một ngày kỳ, không thể một lần mà học hết, nên tôi đề nghị hôm nay chúng ta chỉ học qua hai đề mục “ Xuất Gia” và “Tại Gia”.
PHẦN I: Chú Giải Tựa Đề:
NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN
Sơ Lược: Báo trước cách trình bày rút ngắn câu chuyện hay bài văn, đề thuyết; lược lại ý chính. Ví Dụ: Hôm qua tôi bận việc không đến Quang Minh Tự dự học kỳ, anh làm ơn kể Sơ lược lại buổi học ấy để tôi biết với.
Cần Biết: Nghĩa thông thường là điều quan trọng phải được bảo trì trong phạm vi “Kẻ tu hiền”. Xưa nay người ta đem dùng ở nhiều lĩnh vực. Ví dụ Tu pháp môn Tịnh Độ là Niệm Danh Hiệu Đức Phật Di Đà thì điều Cần Biết Niệm cách nào mới được vãng sanh Tịnh Độ. Ngoài ý nghĩa khai thông đạo đức, từ Cần Biết ở bài dạy của Đức Thầy còn là một tiếng lệnh mà tín đồ là người thừa lệnh.
Kẻ Tu Hiền: Kẻ là tiếng chỉ người nào đó, Tu Hiền là trau sửa thân tâm cho nhơn đức, chơn chánh; những vì giúp ích tiến trình tu là làm, không thì thôi. Ngoài những lẽ trên, “kẻ tu hiền” còn mang một ý nghĩa danh xưng chuyên môn, ví dụ: Ông ấy là kẻ tu hiền anh đừng đem chuyện đời mà đùa cợt tội nghiệp.
Tóm lược đại ý của chủ đề:
Vắn tắt, ai muốn tu hành đúng pháp, hãy học theo cách chỉ dẫn đầy đủ của phẩm giảng “Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hiền” nầy như người muốn tìm đường hay tìm ai thì phải cần quan tâm cái địa chỉ, đi trên biển phải có bản đồ và kim chỉ nam; có đủ những cái “cần biết” thì đường tu không bị rắc rối, không vướn bận, hành giả sẽ đi sớm đến mục tiêu.
Kính thưa chư đồng đạo hiện diện! Vừa qua chúng ta học ý nghĩa của tựa đề, giờ đến phần nội dung chính nhá.
PHẦN II: Học và trả Chánh n
“Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người:
1). Hạng xuất gia.
2). Hạng tại gia.
HẠNG XUẤT GIA: Gồm các nhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương bè bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành, giồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh thập phương nghe để quày đầu hướng thiện quy y Phật pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà sư là cả thế gian, thân quyến nhà sư là khắp cả nhơn loại đại đồng.
Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi.
HẠNG TẠI GIA: Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát.
Đây là hạng người học Phật tu nhân.
Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu nhân vậy.
Chú Giảng:

Hạng Xuất Gia: Xuất là ra khỏi, Gia là nhà. Danh từ nhà Phật, xuất gia là ra khỏi nhà chung với thân quyến để chuyên việc tu hành.
Đạo Phật, cũng gọi là Phật Giáo, là một trong nhiều tôn giáo ở thế gian. Vị sáng lập đạo Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni, nước Ấn Độ 563 trước kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo. Ngài Tu chứng từ bổn tâm thanh tịnh mà thành chánh quả. Xét trong ai cũng có bổn tâm thanh tịnh nhưng vì sống theo duyên nghiệp bên ngoài chung chạ với vô minh mà quên cái bổn tâm thanh tịnh ấy. Tùy căn cơ của chúng sanh Ngài dạy cách tu để đạt ngộ diệu lý, giải thoát mê đồ. Đạo Phật vượt thời gian chân truyền qua 33 đời Tổ, vượt không gian đi từ quốc gia nầy đến quốc gia khác khắp cõi Ta Bà.
Nhà Sư: Nhà là ý nói người có tính chuyên môn, giỏi nghề, hay việc, là người nam tu hành, cũng gọi là Tăng. Nhà Sư là vị nam tu chuyên môn, không chuyên môn chỉ gọi là Sư thôi. Ví vụ: Cũng đồng là viết văn nhưng chuyên môn hơn người ta gọi là nhà văn, viết báo chuyên môn người ta gọi là nhà báo, làm ruộng chuyên môn người ta gọi là nhà nông giỏi… Quý vị đọc thấy Đức Thầy đã triển khai ý tứ cho một nhà sư có chuyên môn “Đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương bè bạn…không còn thiết đến việc đời, gia đình nhà cửa của nhà sư là cả thế gian, thân quyến của nhà sư là khắp cả nhơn loại đại đồng”.Giải thích xong Ngài kết luận: “Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi”. Do vì chuyên môn mà Đạo Phật áp dụng Qui tắc cho Sư Tăng phải giữ 250 điều giới luật.
Ni Cô: Là người nữ tu hạnh xuất gia, có quyền như các nhà sư, vào chùa hay tạo riêng am cốc nơi thanh vắng chuyên tu, chọn pháp môn nào thì bình đẳng nhưng giữ giới nhiều hơn, bị ràng buộc bởi 348 điều giới luật.
Ly Khai: Không còn dính líu. Ví dụ: Ly khai khỏi tổ chức, để từ đó không còn trách nhiệm với tổ chức, ly khai gia đình là không còn chịu trách nhiệm với gia đình. Ly khai hay khai trừ đều có một nghĩa là ra khỏi tổ chức, gia đình, nhưng ly khai mang ý nghĩa tình nguyện còn khai trừ là đuổi ra.
Dựa Thân Vào Cửa Thiền: Gọi vắn tắc, cửa Thiền tức cửa chùa, dong dài một chút người ta gọi là “Cửa Thiền Môn”. Nơi đây là chỗ tu hành của những hành giả muốn lánh tục nên gọi là “Dựa Thân”.
Am Cốc: Am là chùa nhỏ riêng biệt hoặc nhà nhỏ đơn sơ sống an bần tu niệm; cốc là hang, động trên núi. Người xuất gia ở ẩn Am Cốc vắng vẻ để tịnh tu.
Kinh Kệ: Kinh là lời Phật thuyết đạo lý, các đệ tử ghi lại; Kệ như tóm tắt đại ý. Một thời kinh rất dài, giảng rộng, e thính chúng nghe sau quên trước, nên thường thì sau mỗi thời Kinh, Đức Phật hay nói kệ như nhắc lại ý chính, để đoạn trước đoạn sau đều nhớ.
Dà Lam: là chùa hay cửa thiền. Chùa là nơi tu niệm, ý nói, săn sóc cảnh Dà Lam cũng chính là săn sóc việc tu hành.
Kính thưa quý vị! có thể chúng ta xin ít thời giờ để bàn thêm chút chuyện Săn sóc cảnh Dà Lam cho ra cái lẽ chủ ý của Đức Thầy. Có người nói Cảnh Dà Lam là cảnh quang trong chùa, cây cảnh, bông hoa. Dòng chảy “Săn Sóc Cảnh Dà Lam” liền theo là “trau luyện đức lành giồi mài trí tuệ”. Cái việc tu chừng như không còn kẻ hở ấy làm gì có chuyện săn sóc cảnh Dà lam là đi o bế mấy cây bông hoa! Đừng nghe thấy chữ “Cảnh” mà đề cập cảnh Dà Làm là cảnh trong sân chùa với những bông hoa tươi thắm, mĩ mìu, nghệ nhân con nầy hình nọ. Mắt thấy sắc mà động lòng thì đừng nói là sắc gì, tu không nên đâu! Làm bất cứ việc gì mà siêng năng săn sóc thì kết quả phải tốt cho việc đó. “Săn sóc cảnh Dà Lam” chính là săn sóc việc tu hiền thì chỉ tốt cho việc tu hiền.
Bá Tánh Thập Phương: Bá Tánh là Trăm họ, chỉ chung cho mọi người. Thập Phương là mười phương, gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc; đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc với hai hướng Thiên và Địa. Ý nói, chúng sanh trong mười phương rất cần có giá trị đạo đức trong cuộc sống, ai tu đạt đến tâm trạng “Gia đình nhà cửa của nhà Sư là cả thế gian, gia quyến của nhà Sư là khắp cả nhơn loại đại đồng” đem sự tu của mình mà giảng hóa độ chúng .
Quày Đầu Hướng Thiện: Người đang đi trên ác đạo gây nhiều tội lỗi, nay không làm tội mà làm phước là quày đầu, hướng thiện là hướng về đường lành, làm việc lành. Đức Thầy nói: “ai mà xét đến ăn năng, quay đầy hướng thiện bần tăng dắt giùm”.
Quy y: Danh từ nhà Phật. Quy là Về, Y là làm theo. Đức Thầy giảng rõ: “ Quy là về, mà về đâu? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu.
Vậy quy đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện Cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt là chỗ giữ giới luật hằng ngày”.
Ở Đạo Phật, Thiết ra cái lễ cho người quày đầu hướng thiện gồm có Tam Quy, cũng gọi là quy y Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Quy Y Phật là phục mình kính lễ, theo gương Phật mà tu; Quy Y Pháp: gồm có: Học hành, Bảo vệ và Truyền bá chánh pháp; Quy Y Tăng: Tịnh hạnh hành đạo, giữ gới trang nghiêm.
Phật Pháp: Phật là đấng đã giác ngộ, có tam toàn, tức toàn giác, toàn thiện và toàn năng; Pháp là lời Phật dạy gồm Tam Tạng: Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng, có công năng đưa người quày đầu hướng thiện từ mê sang giác, từ phàm phu thành Phật.
Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, lời dạy trong Sám Giảng Thi Văn đều là Pháp của Ngài, Phật Pháp, tín đồ xem đó mà bảo trọng,  tu học tất nhiên sẽ đắc thành. Nói gọn lại: Phật Pháp tức là Đức Phật và giáo pháp của Ngài nói ra để độ chúng.
Phật Quả: Phật là một trong bốn ngôi bậc trên trước: Phật, Thánh Tiên, Thần, Quả là ngôi vị, quả vị, chứng quả Vô Thượng Bồ Đề. Cũng gọi là Quả Phật, tu chứng quả nầy là giải thoát mọi khổ não, không còn sanh tử luân hồi.
Luân Hồi: Luân là bánh xe, Hồi là trở lại, Ý nói kiếp con người hết sanh thì đến tử, tử rồi lại sanh, như bánh xe, quay hết một vòng thì tiếp theo một vòng quay khác. Trong vòng quay luân hồi, có kiếp làm đàn Ông có kiếp làm đàn bà, có kiếp giàu sang có kiếp nghèo khổ, có kiếp ăn sống thừa thảy có kiếp đi xin không đủ mà ăn, kiếp làm người kiếp làm thú … là do luật nhân quả. Nếu ai tu chứng viên thông hay Niệm Phật đạt nhứt tâm Bất Loạn làm nhân thì kết quả sẽ được thành Phật hay vãng sanh về cõi Phật, chấm dứt luân hồi.
Hạng Tại Gia: Danh từ nhà Phật, chỉ người không đủ điều kiện tu xuất gia thì tu tại nhà, gọi đủ là tại gia cư sĩ.
Non Sông Tổ Quốc: Non Sông người ta cũng gọi khác đi là Sông Núi, chỉ cho giang san bờ cõi một quốc gia. Đức Thầy viết bài “Chí Nam Nhi” trong đó có câu: “Khí thiêng liêng sông núi nhiệm mầu, un đúc giống anh hùng vang bốn bể”. Tổ quốc là các bậc Tổ Tiên đã lập ra nước Việt để người đời sau không cần lập quốc mà là bảo vệ tổ quốc.
Sẵn Sàng: là nói đến chuyện có liền, hiện có: Đồ đạc, xe cộ sẵn sàng, tiền bạc sẵn sàng, tới việc là đem xài không cần phải kiếm. Nhưng ở đây trong khuôn phép đạo đức, chỉ “sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra” thôi.
Ít Điều Giới Luật: Vì tu ở tại gia cư sĩ, sự tiến bộ chỉ là “lần lần lên con đường giải thoát” nên giữ giới ít hơn, Ngũ Giới: Không sát Sanh, đạo Tăc, Tà Dâm, uống rượu, nói dối;  hoặc thập giới: Không Sát sanh, đạo tặc, Tà Dâm; lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ; tham lam, sân nộ, mê si là nói theo đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo có tám điều răn cấm (phần nội dung của Tám Điều Răn Cấm chúng ta bàn ở mục chính)
Sửa Tánh Răn Lòng: Tánh mà người tu nói sửa được thì không phải là Phật Tánh, là tánh còn nằm trong viện phàm phu, có thiện lẫn trong ác, có xấu lẫn trong tốt: sửa tánh tức là sửa cái ác tánh trở thành thiện tánh, xấu trở thành tốt. Răn Lòng: Ngăn cấm từ trong lòng đồng thời có thêm dạy bảo. Sửa Tánh Răng Lòng là ý nói: đã sửa được rồi thì nghiêm cấm không cho phạm hư nữa.
Ủng Hộ Các Sư: Ủng Hộ là trực tiếp tiếp tay, tiếp sức, tiếp ý với công việc của người khác, ví dụ tôi không là người chủ sự công cuộc xã hội từ thiện nhưng có ai ra làm là tôi ủng hộ hoặc sức lực, tiền bạc, lời lẽ… Không tu hạnh xuất gia nhưng ủng hộ người xuất gia. Các Sư: Hầu hết những người Xuất Gia tu lên bậc Thầy, Các Sư là các Thầy. Việc ủng hộ các sư ở người tín đồ PGHH còn phải qua sự chọn lọc những nhà sư xứng đáng, hạnh cách, giới luật tinh nghiêm thì mới ủng hộ. Như bài “Đối Đãi Các Tăng Sư” Đức Thầy dạy:
“ Tất cả bổn đạo nên cung kính các Tăng Sư tu hành chơn chánh. Nếu các Ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời. Đối với hạng tu mà mình biết rõ là dối thế (như mấy Ông Thầy đám…) hãy tìm cách khuyên can các Ông trở lại con đường chân chính của Đạo Phật. Nếu các Ông vẫn tiếp tục làm điều tà mị, mình phải bài trừ triệt để và giảng giải cho quần chúng cùng những tín đồ nhà Phật hiểu đặng xa lánh họ”
Tại Gia Cư Sĩ: Người ở tại nhà đặt sự tu. (Chúng ta cần mở rộng điểm nầy). Theo Đạo Phật là bình đẳng các pháp môn, người ở nhà hay ở chùa, xuất gia, tại gia đều có thể tu chung pháp. Ví dụ Pháp môn Tịnh Độ, trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, ở chùa niệm được thì ở nhà cũng niệm được. Chùa hay Nhà là nơi ở còn tu là ra công niệm Phật. Để đạt kết quả của pháp môn Tịnh Độ là Niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” không dính líu gì về tu chùa hay tu nhà. Lý thuyết là thế, đối đầu với Pháp Môn Tịnh Độ ta phải công nhận gặp nhiều thứ khó hơn người tu xuất gia. Tuy nhiên, rán sức vượt khó mà tu được thì khó sẽ dần dần biến thành dễ cho ta toại nguyện.
Học Phật Tu Nhân: Học Phật tức học Đạo Phật đã có từ Đức Phật Thích Ca. Vấn đề Học Phật Đức Thầy dạy rất rõ nét:
“Vậy quy y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”. Dạy như thế thì Học Phật cũng chính là tu Phật. Tu Nhân tức tu theo đạo nhân, từ bước đầu để lần lên Tu Phật.
Buổi học đến đây xin tạm dừng.
Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
1. Xin cho biết sự khác biệt của từ Sư và Nhà Sư?
2. Nữ tu xuất gia làm Ni Cô giữ bao nhiêu giới?
3. Thế nào là “Săn sóc cảnh Dà Lam”?
4. Giải thích ý nghĩa Non Sông Tổ Quốc?
5. Ủng Hộ Các Sư, hãy giải thích dạng nào mới được ủng hộ?
6. Cho biết cách sửa tánh răn lòng?
7. Cửa Thiền là nơi đâu? Ai mới là người dựa thân cửa thiền?
8. Tu tại gia, Niệm Phật cầu vãng sanh có khác hơn tu ở chùa  không?
15/10/2015